Protein trong máu có thể dự đoán nguy cơ phát triển của hơn 60 loại bệnh
Các tác giả nhận thấy việc kiểm tra protein trong máu có thể dự đoán tốt hơn 52 loại bệnh so với các xét nghiệm hiện nay.
Một nghiên cứu được công bố hôm 22/7 cho thấy hơn 60 bệnh có thể được dự đoán chỉ bằng xét nghiệm protein.
Những protein này đưa ra dự đoán chính xác hơn so với các xét nghiệm lâm sàng hiện tại về 52 trong số 67 bệnh.
Tác giả chính, giáo sư Claudia Langenberg, giám đốc Viện nghiên cứu Đại học Y tế Chính xác tại Đại học Queen Mary ở London, cho biết trong một thông cáo báo chí, “Kiểm tra một loại protein với mục đích cụ thể, chẳng hạn như troponin để chẩn đoán nhồi máu cơ tim, là phương pháp thực hành lâm sàng tiêu chuẩn. Chúng tôi rất hào hứng với việc tìm ra dấu ấn mới từ hàng nghìn protein lưu hành trong máu và có thể đo lường được để sàng lọc và chẩn đoán bệnh.”
Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Julia Carrasco-Zanini-Sanchez, cũng là tác giả đầu tiên, nói với The Epoch Times rằng nghiên cứu được thực hiện dựa trên các công trình trước đây về căn bệnh liên quan đến suy giảm khả năng kiểm soát glucose.
Bà cho biết, “[Căn bệnh này] về cơ bản là một dạng tiền tiểu đường mà chỉ có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm dung nạp glucose đường uống, thay vì thông qua HbA1c hoặc xét nghiệm đường huyết lúc đói.”
“Chúng tôi bắt đầu làm việc với proteomics (nghiên cứu quy mô lớn về protein) để phát triển một xét nghiệm… nhằm dự đoán kết quả mà không cần thực hiện kiểm tra dung nạp glucose đường uống do phương pháp này ít được áp dụng trên lâm sàng.”
Bà Carrasco cho biết nghiên cứu trước đây khiến họ tự hỏi liệu có thể dự đoán bệnh tật thông qua protein hay không.
Bà nói rằng mô hình hiện tại dự đoán sự phát triển của bệnh trong 10 năm.
“[Mười năm] là một khoảng thời gian dài với một số căn bệnh mà chúng tôi nghiên cứu… mốc thời gian dự đoán ba hoặc năm năm sẽ phù hợp hơn. Tuy nhiên, dữ liệu vẫn chưa đủ lớn, đó là lý do tại sao… tất cả các mẫu đều được phân tích cho các biến cố kéo dài 10 năm,” tác giả cho biết.
Bà Carrasco-Zanini-Sanchez hy vọng các xét nghiệm sẽ được sử dụng để sàng lọc cho các nhóm chuyên biệt có nguy cơ cao thay vì toàn bộ dân số.
52 loại bệnh được xác định
Nghiên cứu được công bố trên Nature Medicine (Tập san Y khoa Tự nhiên), sử dụng dữ liệu từ Biobank của Vương quốc Anh và phân tích hơn 3,000 loại protein trong máu cho 218 loại bệnh.
Hơn 40,000 người đã được tuyển dụng để lấy mẫu máu. Sau đó, họ được theo dõi trong 10 năm thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử.
Với những người mắc các bệnh khác nhau, bằng cách nghiên cứu nồng độ protein 10 năm trước, các tác giả đã xác định chỉ dấu protein của hơn 60 bệnh.
Mỗi chỉ dấu protein được tạo thành từ 5-20 loại protein khác nhau.
Các nhà nghiên cứu đã phát triển một mô hình lâm sàng để dự đoán nguy cơ mắc bệnh, gồm các thông tin như tuổi tác, giới tính và chỉ số khối cơ thể, v.v.
Ngoài ra, họ bổ sung thêm chỉ dấu protein, dấu ấn sinh học hoặc điểm rủi ro di truyền để tạo ra ba mô hình và so sánh kết quả.
Với mô hình chỉ dấu protein, các tác giả tìm thấy những cải tiến đáng kể trong việc dự đoán 52 bệnh, gồm bệnh celiac, bệnh cơ tim giãn, xơ gan, đa u tủy, COPD, sa sút trí tuệ, bệnh Sjogren và ung thư tuyến tiền liệt, v.v.
Các tác giả nhấn mạnh rằng mô hình dấu ấn sinh học của ung thư tuyến tiền liệt (người bệnh được sàng lọc bằng cách đo kháng nguyên dành riêng cho tuyến tiền liệt) hoạt động tốt hơn mô hình chỉ dấu protein.
Họ cũng nhận thấy một số protein chỉ dự đoán cho một loại bệnh cụ thể; ví dụ, thụ thể TNF 17, protein chịu trách nhiệm phát triển tế bào B, có tính đặc hiệu cao trong dự đoán bệnh đa u tủy xương.
Mô hình dựa trên mẫu máu lấy một lần
Mẫu máu của người tham gia chỉ được lấy một lần khi bắt đầu nghiên cứu. Kết quả sức khỏe của họ được theo dõi thông qua hồ sơ điện tử trong 10 năm.
Bà Carrasco-Zanini-Sanchez cho rằng khó có khả năng nồng độ protein trong máu thay đổi quá nhiều.
“Không có nhiều bài báo về việc lấy mẫu proteomic nhiều lần. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện tại cho thấy nồng độ protein khá ổn định. Những biến động lớn thường liên quan đến sự thay đổi trong yếu tố nguy cơ hoặc môi trường, điều này có thể khiến một người dễ mắc phải các bệnh khác.”
Bà Carrasco-Zanini-Sanchez nói rằng xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ đưa ra phán đoán tốt hơn trong chẩn đoán và điều trị các nhóm có nguy cơ cao.
“Nếu nghĩ về việc sàng lọc toàn bộ dân số [để phát hiện bệnh celiac]… thì về cơ bản cứ 100 người thì có một người mắc bệnh,” bà nói thêm rằng nhiều người có thể cần phải kiểm tra chỉ để chẩn đoán cho một người.
Tuy nhiên, ở các nhóm cụ thể, như những người mắc bệnh tự miễn, nguy cơ phát triển bệnh celiac của họ sẽ cao hơn.
Bà nói, “Đây là cách chúng tôi hình dung về vấn đề. Điều quan trọng là tìm được nhóm phù hợp để áp dụng xét nghiệm này một cách hiệu quả.”
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times