Cholesterol ‘xấu’ có thể không nguy hiểm đến vậy
Những lầm tưởng về chất béo (Phần 6)
Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ phân tích các tác động thực tế của dầu thực vật lên sức khỏe và liệu đây có phải là lựa chọn tối ưu thay thế cho chất béo bão hòa hay không. Hãy theo dõi loạt bài này để tìm hiểu xem thứ bạn đang dùng để nấu ăn có thực sự là lựa chọn tốt nhất.
Phần 1: Mối quan hệ giữa dầu thực vật và nguy cơ ung thư
Phần 2: Ba lý do chính khiến dầu thực vật vẫn được khuyên dùng mặc dù có nguy cơ về sức khỏe
Phần 3: Chất béo bão hòa thích hợp cho nấu ăn ở nhiệt độ cao
Phần 4: Các loại dầu ăn phổ biến bị oxy hóa như thế nào?
Phần 5: Chất béo bão hòa có thực sự gây hại cho tim mạch?
Xét nghiệm số hạt LDL, thay vì nồng độ LDL cholesterol, có thể là yếu tố dự báo nguy cơ tim mạch tốt hơn
Trong nhiều thập niên, cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) là một trong những chỉ số quan trọng nhất giúp bác sĩ đánh giá về tình trạng tim mạch. Giờ đây, bác sĩ và nhà nghiên cứu đang xem xét liệu LDL cholesterol, hay còn gọi là “cholesterol xấu,” có thực sự nguy hiểm như chúng ta lo ngại không. Nghiên cứu cho thấy chỉ số LDL cholesterol không phải lúc nào cũng phản ánh đúng nguy cơ tim mạch và một số xét nghiệm có thể hữu ích hơn.
Lipoprotein tỷ trọng thấp và LDL cholesterol
Nhà khoa học nghiên cứu tim mạch James DiNicholantonio nói với The Epoch Times qua email rằng, rất nhiều người với mức LDL cholesterol bình thường vẫn trải qua các cơn đau tim.
Số hạt LDL, thay vì nồng độ LDL cholesterol, có thể là yếu tố dự báo nguy cơ liên quan hơn.
Các nghiên cứu cho thấy mức LDL cholesterol dự báo nguy cơ tim mạch cao hơn 40% trường hợp, trong khi nồng độ apolipoprotein B (apoB), số hạt LDL và tiền chất, dự báo nguy cơ cao hơn 70% trường hợp.
Các nghiên cứu khác so sánh mức LDL cholesterol với mức cholesterol trong LDL và tiền chất, số lượng apoB và hạt LDL, phát hiện hai yếu tố sau có xu hướng dự đoán nguy cơ tốt hơn, trong khi LDL cholesterol là kém nhất. Vậy đâu là sự khác biệt giữa hạt LDL và LDL cholesterol?
Hạt LDL là một loại lipoprotein do gan tạo ra, với chức năng chính là vận chuyển triglyceride từ gan đến tế bào khác trong cơ thể. Vận chuyển cholesterol giống như công việc phụ của LDL. Cholesterol được LDL vận chuyển gọi là LDL cholesterol.
Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) và LDL cholesterol chứa cùng một loại cholesterol nhưng có chất mang khác nhau. LDL cholesterol có thể thoát vào mạch máu, gây ra chứng xơ vữa động mạch, do đó bị coi là cholesterol “xấu.”
Mặt khác, hạt HDL thâm nhập vào mảng xơ vữa động mạch để hấp thụ cholesterol bị kẹt lại bên trong, ngăn ngừa hình thành mảng bám và giúp phòng ngừa bệnh tim mạch. Do đó, cholesterol HDL được coi là cholesterol “tốt.”
Vì những điều trên, chuyên gia dinh dưỡng Jonny Bowden nói rằng việc dán nhãn HDL và LDL cholesterol là tốt hay xấu hoàn toàn không đúng.
Ông Bowden, đồng tác giả của quyển sách bán chạy “The Great Cholesterol Myth,” (Tạm dịch: Lầm tưởng lớn về cholesterol), đã so sánh số hạt LDL với số hành khách đi xe hơi trên đường. Chúng ta biết rằng nhiều xe hơn đồng nghĩa với tắc nghẽn và tai nạn giao thông nhiều hơn, nhưng nhiều hành khách hơn không nhất thiết dẫn đến điều đó. Ngược lại, giao thông vẫn bị tắc nghẽn ngay cả khi số lượng hành khách ở mức thấp hoặc trung bình.
Ông Bowden nói, “Chỉ số LDL [cholesterol] của tôi là 100, có thể là 110mg/dL; rất gần với tiêu chuẩn lý tưởng. Rồi tôi nhận được xét nghiệm về các hạt, điều đó phản ánh một bức tranh hoàn toàn khác.”
Xét nghiệm cho thấy cơ thể ông có nhiều hạt LDL nhỏ, đậm đặc trong máu, khiến ông có nguy cơ cao trải qua các biến cố tim mạch.
Hai loại LDL, một loại có hại hơn
Có hai loại hạt LDL: lớn, nổi và nhỏ, đậm đặc.
Các hạt LDL nhỏ, đậm đặc có khả năng gây xơ vữa cao hơn các hạt LDL lớn, nổi. Hai loại hạt này được đo lường thông qua xét nghiệm lipid nâng cao.
Khoảng 80% LDL cholesterol là loại lớn, nổi, vô hại, trong khi phần còn lại là hạt nhỏ, đậm đặc gây xơ vữa.
Thật thú vị, chất béo làm tăng hạt LDL lớn, nổi, và giảm LDL nhỏ, đậm đặc, trong khi carbohydrate tinh chế làm tăng LDL nhỏ, đậm đặc. Giáo sư Erik Froyen thuộc Đại học California State Polytechnic University, người có bằng tiến sĩ về sinh học dinh dưỡng và từng nghiên cứu về cơ chế mà acid béo tác động đến các yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư và tim mạch, đã chứng minh điều này trong một công trình nghiên cứu.
Một số nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ carbohydrate tinh chế có liên quan đến bệnh mạch vành nhiều hơn so với chất béo bão hòa.
Ông Bowden cho rằng hạt LDL lớn, nổi giống như trái bóng chuyền lớn trôi nổi trong nước, di chuyển theo thủy triều, trong khi hạt LDL nhỏ, đặc lại như trái bóng golf nhỏ bị mắc kẹt giữa các tảng đá, nơi xảy ra quá trình oxy hóa và tích tụ để tạo thành mảng xơ vữa động mạch.
Những cá nhân có hạt LDL lớn, nổi nhiều được cho là biểu hiện mẫu cholesterol kiểu A và có nguy cơ xơ vữa động mạch thấp.
Mặt khác, người có nhiều hạt LDL nhỏ, đậm đặc biểu hiện cholesterol kiểu B và có nguy cơ xơ vữa động mạch cao hơn. Các chỉ dấu với nguy cơ bị bệnh chuyển hóa của họ cũng tăng lên.
LDL nhỏ, đậm đặc mang ít cholesterol hơn, vì vậy một người có thể có mức LDL cholesterol bình thường nhưng biểu hiện cholesterol kiểu B.
Tuy nhiên, giáo sư về lipid học Carol Kirkpatrick, người đứng đầu Trung tâm Sức khỏe tại Đại học Idaho State University, nhấn mạnh rằng với hầu hết mọi người, số hạt LDL tổng thể có liên quan nhiều hơn so với kích thước LDL.
Bà Kirkpatrick, cũng là chuyên gia dinh dưỡng có chứng nhận, nói với The Epoch Times rằng, “Những gì chúng tôi biết bây giờ là, vâng, [LDL nhỏ, đặc] có thể quan trọng, nhưng đang trở thành dấu hiệu cảnh báo ở người bị rối loạn chức năng chuyển hóa.”
Một số nghiên cứu phát hiện LDL lớn có tác dụng trung tính với xơ vữa động mạch, mặc dù các nhà khoa học khác không đồng tình với nhận định này.
Giáo sư Kevin Maki thuộc Đại học Indiana University, người quan tâm đến việc ngăn ngừa và quản lý bệnh chuyển hóa tim mạch, cho biết, “Chúng ta biết rằng statin làm giảm nguy cơ tim mạch và ưu tiên giảm các hạt LDL lớn.”
Tuy nhiên, mối liên quan giữa statin và LDL cũng đang bị thách thức.
Tiến sĩ tim mạch Robert Dubroff nói với The Epoch Times rằng, “Thực sự vẫn chưa rõ liệu statin có làm giảm LDL hay không. Có những loại thuốc làm giảm LDL, nhiều loại trong số đó đã được thử nghiệm trong các thử nghiệm ngẫu nhiên được tiến hành tốt và không cho thấy lợi ích gì.”
Tiến sĩ Dubroff cho biết có những biện pháp can thiệp làm giảm nguy cơ tim mạch mà không làm giảm LDL.
Bệnh mạch vành: Căn bệnh đa yếu tố
Bệnh tim mạch có thể do nhiều yếu tố không liên quan đến hạt LDL và LDL cholesterol gây ra.
Ông Maki cho biết tuổi tác là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh tim mạch. Khi một người già đi, điều tương tự cũng xảy ra với mạch máu và lớp lót bên trong thành mạnh. Tổn thương lớp lót có thể dẫn đến viêm nhiễm, làm tăng nồng độ LDL và kích thích hình thành xơ vữa động mạch.
Viêm nhiễm cũng được công nhận là một yếu tố nguy cơ gây hình thành mảng bám và tăng LDL trong máu.
Tình trạng kháng insulin cũng ngày càng được công nhận là yếu tố đóng góp chính. Kháng insulin tương quan chặt chẽ với bệnh tiểu đường loại 2, làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do bệnh tim hoặc đột quỵ.
Giáo sư Benjamin Bikman thuộc Đại học Brigham Young University nói với The Epoch Times rằng, ông thấy hai mặt của tình trạng kháng insulin: tăng insulin máu, nghĩa là insulin trong máu cao và kháng insulin thực sự, khi cơ thể không còn đáp ứng với insulin.
Tăng insulin máu kích thích hình thành các hạt LDL nhỏ, đậm đặc hơn là LDL lớn, nổi. Insulin cũng làm tăng huyết áp và khiến lớp nội mô bên trong mạch máu dày lên, cả hai đều liên quan đến chứng xơ vữa động mạch.
Tiến sĩ Dubroff cho biết một bệnh nhân bị nhiều biến cố tim mạch đã chuyển đến chỗ ông cách đây vài năm. Bệnh nhân từng trải qua phẫu thuật bắc cầu động mạch vành 3 lần và được điều trị tích cực bằng statin nhưng các biến cố tim mạch vẫn tiếp tục xảy ra.
Ông nhận thấy lượng đường trong máu của bệnh nhân ở mức gần với tiền tiểu đường. Người này cũng bị thừa cân, triglyceride máu cao và HDL thấp. Tuy nhiên, không có yếu tố nguy cơ nào trong số này được giải quyết bởi các bác sĩ trước đó.
Ông nói với bệnh nhân rằng phương pháp đúng đắn là cải thiện tình trạng ăn uống, giảm cân và tập thể dục nhiều hơn.
Tiến sĩ Dubroff đã theo dõi bệnh nhân này thêm 10 năm nữa.
Tiến sĩ Dubroff nói, “Ông ấy chưa gặp phải bất kỳ vấn đề nào sau đó, mặc dù mức cholesterol không thay đổi.”
Về việc truy tìm nguồn gốc bệnh tim của một người, ông Maki nói, “Tôi muốn nói rằng nguyên nhân không phải là A hoặc B, mà là A kết hợp với B. LDL cholesterol là một yếu tố; nồng độ hạt là một yếu tố; kháng insulin là một yếu tố.”
Ông cho biết, giải quyết tất cả các yếu tố nguy cơ thay vì một sẽ giúp chúng ta “dễ đạt được thành công nhất trong việc giảm thiểu nguy cơ tim mạch.”
Xét nghiệm tốt hơn hay xét nghiệm bổ sung giá trị
Xét nghiệm lipid nâng cao có thể xác định tốt hơn những người có nguy cơ cao bị bệnh tim mạch với mức LDL cholesterol bình thường. Xét nghiệm này xem xét số hạt LDL hoặc apoB, tính toán tổng số hạt lipoprotein non-HDL của một người.
Các hạt non-HDL bao gồm VLDL, IDL, và LDL. VLDL và IDL là tiền chất của LDL, vì vậy số hạt non-HDL cao cho thấy số hạt LDL cao.
Tuy nhiên, xét nghiệm lipid nâng cao thường không được bảo hiểm chi trả. Do đó, các chuyên gia y tế đôi khi cung cấp các chỉ dấu thay thế để kiểm tra.
Ông Maki nói rằng nếu chỉ được chọn một thứ để kiểm tra, ông sẽ chọn non-HDL cholesterol, thường được gọi là “apoB của người nghèo.”
Xét nghiệm này được bảo hiểm chi trả và xem xét tất cả cholesterol có trong lipoprotein non-HDL. Mặc dù điều này cung cấp giá trị tiên đoán yếu hơn apoB, nhưng vẫn đưa ra dấu hiệu chung về việc liệu có nhiều hạt di chuyển trong máu không.
Ông Bowden và ông Bikan đề nghị tỷ lệ triglyceride/HDL trong việc đánh giá tình trạng kháng insulin.
Nồng độ insulin cao sẽ kích thích phá hủy hạt HDL đồng thời tăng sản xuất triglyceride trong máu. Điều này dẫn đến nhiều hạt LDL hơn, đặc biệt là LDL nhỏ, đậm đặc, gây xơ vữa trong máu.
Các chỉ dấu viêm cũng gợi ý xơ vữa động mạch. Tình trạng viêm khiến nồng độ protein phản ứng C (CRP) tăng cao. CRP có thể đi vào mạch máu và tạo ra môi trường xơ vữa.
Bài viết này là phần kết của loạt bài “Những lầm tưởng về chất béo.”
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times