Nhịn ăn gián đoạn có hiệu quả vượt trội hơn thuốc trị tiểu đường
Nhịn ăn gián đoạn 'có thể là cách khởi đầu điều chỉnh lối sống hiệu quả' cho bệnh nhân tiểu đường loại 2 — có khả năng loại bỏ thuốc trị đái tháo đường.
Một nghiên cứu vừa được công bố cho thấy việc nhịn ăn gián đoạn có thể giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn các loại thuốc trị tiểu đường phổ biến dành cho bệnh nhân tiểu đường loại 2.
Những người tham gia áp dụng cách nhịn ăn gián đoạn 5:2 — ăn bình thường trong 5 ngày và giảm lượng calo trong 2 ngày — có đường huyết tốt hơn và giảm cân nhiều hơn so với những người dùng thuốc trị tiểu đường tiêu chuẩn.
Kết quả cho thấy thay đổi cách ăn uống có thể là một phương pháp hiệu quả để kiểm soát bệnh tiểu đường.
Các điểm nổi bật và các phát hiện chính của nghiên cứu
Nghiên cứu EARLY [Exploration of Treatment of Newly Diagnosed Overweight/Obese Type 2 Diabetes Mellitus] ([Khám phá điều trị bệnh tiểu đường loại 2 thừa cân/béo phì mới được chẩn đoán]) là một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên được thực hiện trên chín trung tâm ở Trung Quốc, đã đánh giá tác động của việc nhịn ăn gián đoạn đối với việc kiểm soát đường huyết ở người lớn mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Nghiên cứu có 405 người tham gia, được chia thành ba nhóm:
- Nhóm thứ nhất nhịn ăn gián đoạn theo công thức 5:2, với 2 ngày nhịn ăn không liên tục mỗi tuần. Trong 2 ngày này, họ tiêu thụ một sản phẩm thay thế bữa ăn có hàm lượng calo thấp, hạn chế tiêu thụ ở mức 500 calo đối với phụ nữ và 600 calo đối với nam giới.
- Nhóm thứ hai dùng thuốc tiểu đường metformin.
- Nhóm thứ ba dùng thuốc tiểu đường empagliflozin.
Tất cả những người tham gia đều nhận được hướng dẫn toàn diện về cách ăn uống và tập thể dục, cùng với kiến thức tổng quát về bệnh tiểu đường từ các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ nghiên cứu.
Sau hơn 16 tuần, những người tham gia nhịn ăn gián đoạn 5:2 đã giảm được hemoglobin A1c (HbA1c) — một thước đo quan trọng để kiểm soát đường huyết, nhiều hơn so với 2 nhóm dùng thuốc.
Bên cạnh đó, nhóm nhịn ăn gián đoạn giảm cân nhiều hơn so với nhóm dùng thuốc. Nhóm nhịn ăn giảm trung bình 9.5kg so với nhóm metformin là 5kg và nhóm empagliflozin là 5.8kg.
Nghiên cứu kết luận rằng “Nhịn ăn gián đoạn ‘có thể là cách điều chỉnh lối sống ban đầu có hiệu quả’ cho bệnh nhân tiểu đường loại 2.”
Nhịn ăn gián đoạn và bệnh tiểu đường
Nhịn ăn gián đoạn đã thu hút nhiều sự chú ý vì lợi ích tiềm năng trong việc kiểm soát đường huyết, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường loại 2.
Theo Tiến sĩ Jason Fung, chuyên gia hàng đầu về nhịn ăn gián đoạn và là tác giả cuốn “Mật Mã Bệnh Tiểu Đường” việc hạn chế lượng calo nạp vào một số ngày nhất định giúp ổn định đường huyết, cải thiện độ nhạy insulin và giảm nguy cơ biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.
Nhịn ăn cho phép cơ thể bạn giảm mức insulin và đốt cháy chất béo dự trữ để lấy năng lượng, cải thiện độ nhạy insulin. Điều này có nghĩa là các tế bào của bạn có khả năng sử dụng glucose tốt hơn, làm giảm đường huyết tổng thể.
Tiến sĩ Fung cho biết: “Không gì khác hơn là cho cơ thể bạn nghỉ ngơi và để nó đốt cháy tất cả năng lượng đã tích trữ vì đó là điều tự nhiên phải làm nếu bạn đã tích trữ quá nhiều.”
Ngoài ra, nhịn ăn gián đoạn giúp cải thiện đáng kể đường huyết và lipid, cũng như tình trạng kháng insulin ở những bệnh nhân hội chứng chuyển hóa.
Một cách can thiệp dễ thực hiện
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn 5:2 đã cho thấy nhiều hứa hẹn vì dễ thực hiện. Cách tiếp cận này cho phép các cá nhân duy trì lối sống bình thường hầu hết thời gian trong tuần đồng thời nhận được những lợi ích của việc nhịn ăn.
Đây là cách thực tế và không cần dùng thuốc để kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2, mang đến một lựa chọn linh hoạt cho những bệnh nhân đang tìm kiếm các cách can thiệp dựa trên lối sống.
Tiến sĩ Andrew Demidowich, bác sĩ nội tiết tại Đại học Y khoa Johns Hopkins cho biết: “Các nghiên cứu được thực hiện trên bệnh nhân tiểu đường loại 2 đã cho thấy rằng nhịn ăn gián đoạn có thể giúp giảm cân, cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết và thậm chí trong một số trường hợp, bệnh tiểu đường thuyên giảm. Tuy nhiên, không có nghĩa là nhịn ăn gián đoạn sẽ có tác dụng hoặc thậm chí an toàn cho tất cả bệnh nhân tiểu đường loại 2, nhưng chiến lược ăn kiêng này là một lĩnh vực nghiên cứu tích cực đầy hứa hẹn.”
Lời khuyên thiết thực để thực hiện nhịn ăn gián đoạn
Tiến sĩ Demidowich đưa ra những lời khuyên về việc nhịn ăn gián đoạn như sau:
- Bắt đầu dần dần: Nếu bạn chưa quen với việc nhịn ăn, hãy nhẹ nhàng khởi động bằng cách giảm dần lượng calo nạp vào trong những ngày nhịn ăn. Điều này có thể giúp cơ thể bạn điều chỉnh và làm cho quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ hơn.
- Chọn thực phẩm dồi dào chất dinh dưỡng: Vào những ngày nhịn ăn, hãy tập trung vào việc ăn những thực phẩm ít calo, giàu chất dinh dưỡng như protein nạc, rau và chất béo lành mạnh.
- Giữ cho cơ thể đủ nước: Uống nhiều nước là rất quan trọng, đặc biệt là vào những ngày nhịn ăn. Nước giúp bạn kiểm soát cơn đói và giữ cho cơ thể bạn hoạt động tối ưu.
- Theo dõi tiến trình của bạn: Ghi nhật ký thực phẩm để theo dõi lượng ăn vào và cảm giác của bạn sau khi ăn. Theo dõi đường huyết, cân nặng và sức khỏe tổng thể có thể giúp bạn hiểu việc nhịn ăn gián đoạn ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào.
- Tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe: Trước khi bắt đầu bất kỳ cách ăn kiêng mới nào, đặc biệt nếu bạn điều trị bất kỳ bệnh lý nào như tiểu đường, điều cần thiết là phải tham khảo ý kiến của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Họ có thể đưa ra lời khuyên một cách cá nhân và bảo đảm rằng cách ăn kiêng này an toàn cho bạn.
Đây là những lời khuyên thiết thực giúp bạn nhịn ăn gián đoạn hiệu quả hơn và thiết thực hơn, cho phép bạn trải nghiệm những lợi ích tiềm năng của phương pháp này đối với việc kiểm soát đường huyết và sức khỏe tổng thể.
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times