Nguy cơ ung thư ẩn giấu trong các loại thuốc phổ biến
Một số loại thuốc thông thường có nguy cơ ung thư cao hơn, một số do tạp nhiễm, trong khi những loại khác có [chứa hợp chất] liên quan đến nguy cơ ung thư.
Khi dùng thuốc vì những lý do thông thường như giảm cholesterol, điều trị chứng ợ nóng và ngừa thai, hầu hết mọi người đều tin tưởng những loại thuốc này là an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, một số loại thuốc phổ biến có thể chứa các thành phần hoặc chất tạp nhiễm làm tăng nguy cơ ung thư. Vấn đề này có thể trở nên xấu hơn khi Hoa Kỳ phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà sản xuất nước ngoài với các quy định ít nghiêm ngặt hơn để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng về thuốc generic (thuốc tương đương sinh học). Tỷ suất lợi nhuận thấp đã làm nản lòng sản xuất trong nước, buộc phải phụ thuộc vào các nhà máy nước ngoài vốn có thể thiếu kiểm soát chất lượng.
Thuốc tránh thai nội tiết tố
Hàng triệu phụ nữ trên toàn thế giới dùng thuốc tránh thai nội tiết tố để tránh mang thai. Những loại thuốc tránh thai này được cho là có hiệu quả khoảng 99%. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy chúng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, mặc dù bằng chứng còn hạn chế.
Hầu hết dữ liệu đến từ các nghiên cứu quan sát, không thể chứng minh được mối quan hệ nhân quả mà chỉ là mối liên quan.
Tuy nhiên, một nghiên cứu lớn năm 2017 được công bố trên Tập san Y học New England (NEJM) với gần 2 triệu phụ nữ Đan Mạch cho thấy nguy cơ bị bệnh ung thư vú tăng nhẹ ở những phụ nữ dùng thuốc tránh thai nội tiết tố, đặc biệt là khi dùng trong thời gian dài hơn.
Phụ nữ dùng thuốc tránh thai trong thời gian dài có thể phải đối mặt với nguy cơ ung thư cổ tử cung cao hơn. Viện Ung thư Quốc gia đã báo cáo rằng so với những người không dùng, phụ nữ dùng các thuốc này trong ít nhất 5 năm có xu hướng có tỷ lệ ung thư cổ tử cung cao hơn. Dữ liệu cho thấy nguy cơ dường như tăng lên khi dùng thuốc tránh thai đường uống lâu hơn, dưới 5 năm nguy cơ tăng 10%, dùng 5 đến 9 năm nguy cơ tăng 60% và 10 năm trở lên nguy cơ tăng gấp đôi. Tuy nhiên, sau khi ngừng dùng thuốc, nguy cơ ung thư cổ tử cung tăng cao dường như giảm dần theo thời gian.
Statin
Statin thường được kê toa để giảm cholesterol, do đó có thể làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Tuy nhiên, một số bằng chứng cho thấy việc uống statin có thể liên quan đến tăng nguy cơ bị một số bệnh ung thư.
Một nghiên cứu có đối chứng năm 2011 cho thấy dùng statin trong hơn 4 năm có liên quan đến nguy cơ bị ung thư đại trực tràng, bàng quang và phổi cao hơn. Không có nguy cơ gia tăng nào giữa việc dùng statin và bất kỳ ung thư phổ biến nhất nào khác.
Thuốc statin có thể làm tăng nguy cơ ung thư do tác động lên quá trình tế bào và thậm chí làm giảm độ nhạy insulin. Statin ức chế enzyme liên quan đến sản xuất cholesterol và điều hòa tăng trưởng tế bào. Trong một số trường hợp, việc giảm hoạt động của enzyme có thể ảnh hưởng đến đường truyền tín hiệu tế bào và phản ứng miễn dịch, có thể góp phần làm tăng nguy cơ bị một số bệnh ung thư. Nguy cơ tiềm ẩn này vẫn là một lĩnh vực đang được nghiên cứu.
Thuốc trị chứng ợ nóng
Thuốc trị chứng ợ nóng ranitidine (Zantac) đã bị thu hồi vào năm 2020 sau khi phát hiện thấy nồng độ không an toàn của chất gây ung thư N-nitrosodimethylamine (NDMA) trong đó. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã yêu cầu ngừng bán Zantac sau khi phát hiện thấy NDMA ở mức cao hơn giới hạn tiêu thụ hàng ngày có thể chấp nhận được.
Hàm lượng [cao] NDMA cũng dẫn đến việc thu hồi các loại thuốc huyết áp thông thường khác như valsartan, losartan và irbesartan vào năm 2018. Đây là các loại thuốc dùng để điều trị cao huyết áp và suy tim.
Bà Emily Feivor, chuyên gia dinh dưỡng được cấp phép tại Northwell Long Island Do Thái Forest Hills ở New York, nói với The Epoch Times, “Một số nitrosamine có thể làm tăng nguy cơ ung thư nếu tiếp xúc lâu dài trên mức chấp nhận được.”
Bà Feivor cho biết hàm lượng thấp của hóa chất này cũng có trong một số loại thực phẩm, bao gồm thịt chế biến sẵn, rau, bia và các sản phẩm từ sữa. Bà nói thêm, “[Nitrosamines] đã được chứng minh là có thể gây tổn hại DNA và gây ung thư.”
Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Mặc dù ranitidine sẽ không quay trở lại thị trường nhưng đã được thay thế bằng famotidine (Zantac 360) vốn không hề hoàn hảo. Famotidine có thể gây ra các tác dụng phụ trầm trọng, bao gồm nhịp tim không đều, lo lắng, và khó thở.
Các lựa chọn thay thế phổ biến là thuốc ức chế bơm proton (PPI). Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy PPI có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư dạ dày (nhưng không phải đại trực tràng). Một lý do khiến nguy cơ gia tăng có thể là do PPI làm giảm vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và kích thích sự phát triển của các sinh vật gây bệnh.
Các tác giả nghiên cứu lưu ý, “Mặc dù PPI thường được xem là hiệu quả và an toàn nhưng cũng có nhiều rủi ro tiềm ẩn.” Họ cũng khuyến cáo nên dùng thuốc ở liều thấp nhất có thể và chỉ trong thời gian ngắn.
Các nhà sản xuất thuốc ở nước ngoài và mối lo ngại về an toàn ngày càng tăng
Sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào các nhà sản xuất thuốc nước ngoài có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn.
Vào tháng 07, chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cathy McMorris Rodgers (R-Wash.), cùng với hai đồng nghiệp trong Tiểu ban Giám sát và Sức khỏe, đã gửi một lá thư cho Ủy viên FDA, Tiến sĩ Robert Califf, với lý do tiến hành các cuộc thanh tra các nhà máy Trung Quốc và Ấn Độ kém.
Bà Rodgers và các đồng nghiệp viết, “Chúng tôi lo lắng rằng Hoa Kỳ đang quá phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ các nhà sản xuất nước ngoài với biểu hiện liên tục vi phạm các quy định an toàn của FDA.”
Theo thông tin từ văn phòng của bà Rodger, hai quốc gia này nhận được nhiều cảnh báo nhất từ FDA.
Những vi phạm này bao gồm:
- Chất gây ung thư trong thuốc.
- Tiêu hủy hoặc làm sai lệch dữ liệu.
- Quy trình sản xuất không vô trùng.
Hơn nữa, Trung Quốc gần đây đã mở rộng Luật An ninh Quốc gia, có khả năng ngăn chặn việc truy cập vào hồ sơ thuốc và hạn chế quyền thanh tra.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.