Thuốc Aspirin kiềm chế ung thư di căn lan tràn, giúp giảm 21% tỷ lệ tử vong
Một đánh giá toàn diện cho thấy rằng những bệnh nhân dùng aspirin có nguy cơ bị các loại bệnh ung thư thấp hơn.
Aspirin là một loại thuốc được sử dụng lâu đời và rộng rãi với lịch sử phong phú. Ngoài tác dụng nổi bật là giảm đau, chống viêm và chống đông máu, một nghiên cứu gần đây còn cho thấy rằng những bệnh nhân ung thư dùng aspirin liều thấp hàng ngày làm giảm 21% tỷ lệ tử vong. Hơn nữa, có bằng chứng về vai trò của aspirin trong việc ngăn ngừa ung thư di căn.
Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Chỉ riêng năm 2020, trên toàn thế giới có khoảng 19.3 triệu ca ung thư mới và gần 10 triệu ca tử vong. Theo thống kê, cứ 6 ca tử vong thì có 1 ca là do ung thư. Các loại ung thư phổ biến nhất bao gồm vú, phổi, đại trực tràng, tuyến tiền liệt và dạ dày.
Vào tháng 11/2023, các nhà nghiên cứu từ Đại học Cardiff ở Vương quốc Anh đã công bố một bài tổng quan luận điểm trên Tập san Ung thư của Vương quốc Anh (BJC) nêu rõ tiềm năng của aspirin trong việc làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư, ngăn ngừa sự lan tràn của ung thư di căn và giảm thiểu các biến chứng mạch máu. Đánh giá bao gồm cả bằng chứng ủng hộ và không ủng hộ, phân tích kỹ lưỡng lý do căn bản đằng sau việc sử dụng aspirin trong điều trị ung thư.
Tác động của Aspirin đối với tỷ lệ tử vong do ung thư
Bài tổng quan tập hợp kết quả từ 118 nghiên cứu quan sát trên khoảng 1 triệu bệnh nhân ung thư. Bài nghiên cứu cho thấy việc sử dụng aspirin liều thấp hàng ngày (75mg hoặc 81mg) có liên quan đến việc giảm 21% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.
Một nghiên cứu liên quan đến các bệnh nhân ung thư tuyến tụy trải qua phẫu thuật chỉ ra rằng những bệnh nhân dùng aspirin có tỷ lệ sống sót sau ba năm là 61.1%, so với 26.3% ở những người không dùng.
Vai trò của Aspirin trong việc làm giảm ung thư di căn lan tràn
Cơ chế hoạt động chính của aspirin là ức chế enzyme cyclooxygenase (COX). Enzyme COX chịu trách nhiệm tổng hợp prostaglandin, một con đường quan trọng trong việc truyền tín hiệu ung thư.
Tuy nhiên, tác dụng chống ung thư của aspirin còn vượt xa điều này. Nghiên cứu gần đây đã tiết lộ rằng cơ chế chống ung thư của aspirin bao gồm: chuyển hóa năng lượng liên quan đến sự tăng sinh tế bào ung thư, quá trình viêm liên quan đến ung thư và yếu tố sinh u do tiểu cầu kiểm soát.
Sự di căn hoặc lan tràn của tế bào ác tính là nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân ung thư và tiểu cầu đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này. Aspirin có thể ức chế sự kết tập tiểu cầu, do đó làm giảm sự lan tràn của các tế bào ung thư. Bài tổng quan luận điểm trên BJC cho thấy aspirin có thể làm giảm nguy cơ di căn ung thư từ 38% đến 52%.
Ngoài ra, aspirin còn đóng vai trò thúc đẩy quá trình sửa chữa DNA. Quá trình sao chép DNA có thể phát sinh lỗi và cơ thể con người có cơ chế sửa chữa sự không bắt cặp DNA. Khi chức năng sửa chữa bị tổn hại có thể dẫn đến sự phát triển bệnh ung thư. Nghiên cứu đã chứng minh rằng aspirin có thể tăng cường cơ chế sửa chữa DNA, từ đó ngăn ngừa ung thư đại trực tràng di truyền không polyp (hội chứng Lynch) và các bệnh ung thư khác.
Tranh cãi xung quanh việc dùng Aspirin điều trị ung thư
Vai trò của aspirin trong nghiên cứu ung thư vẫn còn gây tranh cãi, chủ yếu là vì mối lo ngại gia tăng nguy cơ xuất huyết. Một nghiên cứu do Reuters đăng vào ngày 14/06/2017 với nhan đề “Dùng aspirin hàng ngày gây ra 3,000 ca tử vong do xuất huyết ở Anh quốc hàng năm” đã được phổ biến rộng rãi trên mạng và phương tiện truyền thông toàn cầu.
Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng nghiên cứu [do Reuters đăng] này bao gồm 3,166 bệnh nhân lớn tuổi và thiếu nhóm đối chứng, khiến việc đánh giá chính xác tác động riêng lẻ của aspirin đối với tử vong do xuất huyết là rất khó khăn.
Các nhà nghiên cứu chứng minh rằng nguy cơ xuất huyết tăng lên ở những bệnh nhân ung thư lớn tuổi và thể trạng yếu thì thực sự gây nguy hiểm. Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung vào số lần xuất hiện, thì cần chú ý đến độ nặng của tình trạng xuất huyết, vì xuất huyết nặng sẽ dẫn đến tử vong.
Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp dữ liệu từ 11 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, với hơn 100,000 người tham gia, bao gồm cả các trường hợp xuất huyết gây tử vong. Dữ liệu cho thấy nguy cơ xuất huyết do aspirin tăng 55%. Tuy nhiên, trong số những bệnh nhân bị xuất huyết sau khi dùng aspirin, chỉ có 4% tử vong. Ngược lại, nhóm đối chứng dùng giả dược có tỷ lệ tử vong do xuất huyết lên tới 8%. Điều này cho thấy xuất huyết do aspirin chủ yếu xảy ra ở mức độ nhẹ.
Kết luận được các nhà nghiên cứu rút ra là xét đến độ an toàn tương đối thì nên coi aspirin như một biện pháp phòng ngừa ung thư. Mặc dù có bằng chứng cho thấy aspirin có thể làm giảm sự lan tràn của ung thư di căn và việc bắt đầu điều trị bằng aspirin sớm sau khi chẩn đoán ung thư sẽ giúp gia tăng hiệu quả của thuốc, nhưng vẫn cần nhiều thử nghiệm hơn.
Ông Peter Elwood, giáo sư danh dự tại Đại học Cardiff, tuyên bố trong một thông cáo báo chí, “Với độ an toàn tương đối và lợi ích của aspirin, việc sử dụng aspirin như một phương pháp điều trị bổ sung cho bệnh ung thư là hoàn toàn hợp lý.” Ông nói thêm rằng aspirin không đắt tiền và có sẵn ở hầu hết mọi quốc gia và việc sử dụng thuốc này rộng rãi có thể mang lại lợi ích trên toàn thế giới.
Aspirin giảm nguy cơ bị các loại bệnh ung thư
Một tổng quan luận điểm được công bố trên Tập san nổi tiếng Annals of Oncology (Biên niên sử Ung thư) vào năm 2020 cho thấy rằng bệnh nhân dùng aspirin có nguy cơ phát triển các loại bệnh ung thư thấp hơn.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích toàn diện tất cả các nghiên cứu quan sát về aspirin và ung thư đường tiêu hóa được công bố cho đến tháng 03/2019, bao gồm hơn 150,000 trường hợp. Kết quả cho thấy, so với những bệnh nhân không dùng aspirin, những người thường xuyên dùng aspirin giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng 27%, giảm nguy cơ bị ung thư biểu mô vảy thực quản 33%, giảm nguy cơ ung thư biểu mô tuyến thực quản và tâm vị 39%, giảm nguy cơ ung thư dạ dày 36%, giảm nguy cơ ung thư đường mật 38% và giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy 22%. Tuy nhiên, không có thay đổi đáng kể về nguy cơ ung thư đầu – cổ.
Đối với ung thư đại trực tràng, dùng liều aspirin hàng ngày từ 75 đến 100mg có thể giảm nguy cơ 10%, trong khi liều 325mg hàng ngày có thể giảm nguy cơ 35%.
Nguy cơ tiềm ẩn khi dùng Aspirin
Aspirin là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được sử dụng để điều trị đau, viêm hoặc viêm khớp từ nhẹ đến trung bình. Aspirin cũng có thể làm giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ và cục máu đông.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là việc sử dụng aspirin lâu dài có thể gây thêm nguy cơ cho một số người nhất định. Theo Cơ quan Y tế Quốc gia thuộc Vương quốc Anh (NHS), trẻ em dưới 16 tuổi không nên dùng aspirin mà không có chỉ định của bác sĩ vì nguy cơ tiềm ẩn xuất hiện hội chứng Reye.
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times