Ngưng thở khi ngủ diễn ra như thế nào?
Ngưng thở khi ngủ là tình trạng ngưng thở tạm thời trong ít nhất 10 giây. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là dạng ngưng thở phổ biến, xảy ra khi các cơ họng giãn ra, khiến nhịp thở ngưng hoàn toàn hoặc giảm xuống 10% so với mức thông thường.
Bởi vì cơ thể không lấy đủ không khí, nên mức oxy trong máu bị hạ thấp. [Thông qua điều này], bộ não cảm nhận được tình trạng khó thở và cố gắng nhanh chóng đánh thức bạn khỏi giấc ngủ để bạn có thể mở lại đường thở.
Các triệu chứng bao gồm ngáy to và các đợt thở hổn hển khi bạn thực sự ngưng thở trong lúc ngủ.
Giấc ngủ liên tục bị gián đoạn dẫn đến tình trạng buồn ngủ ban ngày quá mức (hypersomnia), khiến bạn khó tập trung hơn khi tỉnh táo và trở nên cáu kỉnh nói chung.
Ngưng thở khi ngủ trung ương xảy ra khi bộ não không gửi các tín hiệu thích hợp đến các cơ thở.
Chứng giảm nhịp thở xảy ra khi sự thông khí giảm hơn 30% trong ít nhất 10 giây do xẹp một phần đường thở, dẫn đến thở nông.
Chỉ số ngưng thở-giảm thở (AHI) là một công cụ chẩn đoán để xác định sự hiện diện và mức độ nghiêm trọng của hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). Đây là một chỉ số trung bình đại diện cho tổng số lần ngưng thở và giảm thở xảy ra mỗi giờ khi ngủ.
- OSA nhẹ có chỉ số AHI từ 5 đến 15.
- OSA vừa có chỉ số AHI từ 15 đến 30.
- OSA nặng có chỉ số AHI lớn hơn 30.
Tuy nhiên đối với trẻ em, những con số này thường giảm đi một nửa, [nghĩa là] OSA mức độ nhẹ của người lớn tương đương với OSA mức độ trung bình [ở trẻ em].
Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) báo cáo rằng không phải người nào ngáy đều bị ngưng thở khi ngủ, nhưng đây là triệu chứng rất thường gặp. Nam giới thường dễ ngưng thở khi ngủ hơn phụ nữ.
Chẩn đoán ngưng thở khi ngủ dựa trên các phát hiện lâm sàng và khi cần thiết, được xác nhận bằng đo đa ký giấc ngủ (nghiên cứu giấc ngủ). Chỉ số khử bão hòa oxy (ODI) đo lường số lần trong mỗi giờ mức oxy máu giảm xuống dưới ngưỡng bình thường trong ít nhất 10 giây.
Như đã đề cập ở bài viết trước, bảng câu hỏi Berlin và STOP-Bang có thể cung cấp các dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Các dấu hiệu về nha khoa của chứng ngưng thở khi ngủ có thể bao gồm nghiến răng và răng nhạy cảm cũng như cắn vào má trong, dẫn đến đau đầu và đau hàm. Ở những người bị ngưng thở khi ngủ, tình trạng miệng mở qua đêm có thể gây khô miệng vào buổi sáng. Bên cạnh đó, phì đại lưỡi hoặc amidan cũng như bệnh nha chu thường xuất hiện.
Thang điểm Mallampati từ 1 đến 4 được dùng trong thăm khám khoang miệng sử dụng để quan sát phần khẩu cái mềm (vòm miệng mềm) có thể nhìn thấy ở phía sau lưỡi. Mức độ 3 và 4 cho thấy có nhiều khả năng một người sẽ bị OSA. Lưỡi có hình vỏ sò lớn hoặc cung răng hàm trên và hàm dưới hẹp hoặc sai khớp cắn (do lùi hàm dưới) cũng thường thấy trong OSA.
Chứng ngưng thở và giảm thở khi ngủ làm gián đoạn giấc ngủ và giảm mức oxy máu, từ đó góp phần gây nên các biến chứng sức khỏe dài hạn. Chứng buồn ngủ vào ban ngày có thể là tác dụng phụ nguy hiểm, đặc biệt là khi lái xe.
Ngoài ra, nhiều loại thuốc như opioid cũng sẽ tác động đến giấc ngủ của một người.
Đối với những người bị ngưng thở khi ngủ, thở áp lực dương liên tục (CPAP) là phương pháp điều trị y tế đầu tiên. Trong lúc ngủ, máy CPAP sẽ tạo áp suất không khí thông qua mặt nạ. Áp suất này lớn hơn áp suất không khí xung quanh, giúp đường hô hấp trên luôn mở để ngăn chứng ngưng thở và ngáy.
Chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra ở khoảng 3% người có cân nặng bình thường nhưng ảnh hưởng đến hơn 20% người bị béo phì.
Một số nghiên cứu cho thấy tồn tại một mối liên quan giữa chứng ngưng thở khi ngủ và các vấn đề như tiểu đường type 2, đột quỵ, đau tim và giảm tuổi thọ.
Một số loại thuốc có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm trầm trọng hơn chứng ngưng thở khi ngủ. Thông thường bạn nên tránh dùng benzodiazepine nếu chưa điều trị chứng ngưng thở khi ngủ, nhưng nếu muốn bắt đầu hoặc ngưng dùng bất kỳ loại thuốc nào thì bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ.
Phương pháp kích thích thần kinh hạ thiệt có thể được dùng để kiểm soát chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn mức độ vừa đến nặng thông qua một thiết bị cấy ghép. Điều này giúp kích thích lưỡi đưa ra trước, từ đó cải thiện việc hít thở trong khi ngủ bằng cách mở đường thở.
Phương pháp điều trị CPAP không được người bệnh chấp nhận rộng rãi do ảnh hưởng đến tư thế ngủ và chu kỳ giấc ngủ bình thường.
Như đã đề cập phía trên, dụng cụ đẩy hàm dưới (MAD) có thể được chỉ định để giữ cho hàm dưới hơi hướng ra trước trong suốt cả đêm và tạo một vài khoảng trống cho lưỡi cũng đưa ra trước. Đeo máng nhai để bảo vệ răng khi ngủ [mặc dù] thường không hiệu quả bằng MAD trong trường hợp này, nhưng cũng có thể hữu ích.
Ngoài ra, liệu pháp Myofunctional (chức năng cơ) làm tăng sức mạnh cơ lưỡi và loại bỏ amidan phì đại và các u tuyến cũng có thể được chỉ định, cùng với cắt thắng lưỡi. Tình trạng dị ứng cũng có thể gây giảm thể tích đường thở và vì vậy việc điều trị dị ứng và viêm xoang bằng thuốc, như thuốc xịt mũi steroid hoặc rửa mũi bằng nước muối có thể là một lựa chọn cho trẻ em bị các triệu chứng ngưng thở khi ngủ nhẹ.
Bạn có thể hoàn toàn không phát hiện ra chứng ngưng thở khi ngủ nhưng đây có thể là một cuộc chiến sinh tử hàng đêm. Trong khi tỉnh táo, nín thở một cách có ý thức trong 10 giây không phải là thử thách gì lớn, nhưng khi cố gắng nghỉ ngơi và hồi phục vào ban đêm, bạn không tự kiểm soát có ý thức như vậy được. Điều đó sẽ thực sự làm tăng thêm gánh nặng cho những ai bị suy giảm sức khỏe.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times