Nghiên cứu: Ngủ không sâu giấc có thể làm tăng 27% nguy cơ sa sút trí tuệ
Ngủ không sâu giấc có thể là yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ, do vậy giấc ngủ sâu sẽ là một công cụ hữu hiệu để phòng ngừa bệnh lý phổ biến này.
Theo một nghiên cứu mới của trường Monash University, chỉ đơn thuần mất 1% giấc ngủ sâu mỗi năm cũng dẫn đến tăng 27% nguy cơ bị sa sút trí tuệ ở người trên 60 tuổi.
Nghiên cứu bắt đầu từ năm 1995 trên 346 người từ 60 tuổi trở lên và phát hiện 52 người bị sa sút trí tuệ có liên hệ với chất lượng giấc ngủ đi xuống.
Người đứng đầu nghiên cứu, giáo sư Mattew Pase cho biết một giấc ngủ chất lượng tốt cũng trợ giúp cho quá trình lão hóa của bộ não theo nhiều cách.
Ông nói, “Chúng ta biết rằng giấc ngủ đẩy mạnh quá trình làm sạch chất thải chuyển hóa khỏi bộ não, kể cả các protein tích tụ lại trong bệnh Alzheimer.”
Nghiên cứu cũng đánh giá vai trò của bệnh Alzheimer di truyền hay dấu hiệu sớm của teo não đối với chất lượng giấc ngủ.
Giáo sư Pase cho biết, “Chúng tôi phát hiện một yếu tố nguy cơ di truyền của bệnh Alzheimer có liên quan với sự sụt giảm giấc ngủ sóng chậm bị đẩy nhanh hơn.”
Đồng thời giấc ngủ sâu là “rất quan trọng” đối với quá trình lão hóa của bộ não, ông nói thêm.
Giấc ngủ quan trọng từ thời điểm 10-20 năm trước khi khởi phát sa sút trí tuệ
Giáo sư Pase nói với tờ Today Extra rằng lợi ích của giấc ngủ sâu vượt ngoài việc giảm nguy cơ bị sa sút trí tuệ, và điều này đúng với mọi lứa tuổi.
Ông giải thích, “Mặc dù chúng ta nghĩ rằng sa sút trí tuệ là bệnh lý người già, song những căn bệnh góp phần dẫn đến sa sút trí tuệ thực sự khởi phát từ 10 hoặc 20 năm trước khi bị sa sút trí tuệ.”
Ông nói thêm rằng nếu một người bị sa sút trí tuệ trong những năm 70 tuổi, thì bệnh thường bắt đầu phát triển từ tuổi trung niên.
“Vậy là hành động của chúng ta lúc 40 và 50 tuổi là rất quan trọng đối với cấu trúc bộ não lúc 70, 80 và 90 tuổi.”
Từ đó, giáo sư Pase khuyến cáo mọi người nên cố gắng duy trì giấc ngủ sâu khi tuổi ngày một cao, ông cho rằng điều đó sẽ tốt hơn so với việc nhắm đến một giấc ngủ sâu cố định mỗi đêm.
Khi được hỏi liệu chợp mắt lúc ban ngày có quan trọng, giáo sư Pase trả lời, “Nếu bạn có giấc ngủ ngắn và điều đó khiến bạn cảm thấy được phục hồi…thì dường như đó là điều tốt.”
Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng giấc ngủ ngắn không có trong chương trình nghiên cứu.
Khắc phục nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác phát hiện nguyên nhân gốc rễ làm tăng nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ là chứng ngưng thở khi ngủ (thiếu oxy đến não trong giấc ngủ), từ đó dẫn đến ngủ không sâu giấc.
Giáo sư Elizabeth Coulson thuộc Viện Não Bộ Đại Học Queensland đã tiến hành nghiên cứu trên chuột. Bà cho biết, “Chúng tôi đã phát hiện thiếu ngủ đơn thuần chỉ gây suy giảm nhận thức mức độ nhẹ trên chuột.”
Tuy nhiên khi làm gián đoạn nhịp thở của chuột trong lúc ngủ, bà phát hiện thấy chuột có biểu hiện bệnh lý sa sút trí tuệ nặng hơn.
Thống kê cho thấy có khoảng 50% người lớn tuổi bị chứng ngưng thở khi ngủ, khiến nhịp thở không liên tục.
Giáo sư Coulson nói thêm rằng không phải ai bị chứng ngưng thở khi ngủ cũng phát triển sa sút trí tuệ, nhưng cần tập trung vào việc xác định nhóm dân số có nguy cơ.
Hiện nay, biện pháp điều trị tiêu chuẩn vàng đối với bệnh lý này là máy CPAP (thở áp lực dương liên tục), có tác dụng giữ đường thở luôn mở trong lúc ngủ và cho phép oxy lên não.
Mặc dù không thể sử dụng CPAP trên chuột, nhưng giáo sư Coulson cho biết dùng biện pháp ngăn thiếu oxy đã chấm dứt được tình trạng chết neuron và sa sút trí tuệ, đồng thời giảm bệnh lý Alzheimer.
Theo bà, điều này cho thấy dùng CPAP điều trị chứng ngưng thở khi ngủ làm giảm nguy cơ bị sa sút trí tuệ.
Giáo sư Coulson cũng cảnh báo rằng 30% người bị ngưng thở khi ngủ được trang bị máy CPAP đã có biểu hiện suy giảm nhận thức dạng sa sút trí tuệ, tuy nhiên bệnh viện không giới thiệu họ đến khám sa sút trí tuệ.
Đáng chú ý là một số bác sĩ về sa sút trí tuệ cũng cho biết trí nhớ của bệnh nhân của họ được cải thiện sau khi xác định và điều trị bệnh lý về giấc ngủ.
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times