Nghiên cứu mới: Viêm dây thần kinh phế vị do COVID-19 có thể dẫn đến rối loạn thần kinh thực vật
Một nghiên cứu mới cho thấy nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể làm tổn thương các dây thần kinh của hệ thần kinh tự chủ (ANS), gây ra phản ứng viêm có thể dẫn đến rối loạn thần kinh thực vật ở những bệnh nhân COVID.
Đối với những người trải qua các triệu chứng kéo dài sau khi khỏi bệnh COVID-19 – bao gồm mệt mỏi, choáng váng, sương mù não, các vấn đề về nhận thức và đường tiêu hóa, tim đập nhanh, khó thở hoặc khó chịu đựng ở tư thế đứng – dữ liệu mới có thể cung cấp câu trả lời.
Nghiên cứu được công bố trên Tập san Acta Neuropathologica (Acta Bệnh lý thần kinh) ngày 15/07 cho thấy nhiễm SARS-CoV-2 có thể làm tổn hại các dây thần kinh của hệ thần kinh tự chủ, gây ra phản ứng viêm mà sau đó có thể dẫn đến bệnh rối loạn thần kinh thực vật được quan sát thấy ở những bệnh nhân COVID kéo dài.
Kết quả nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Hamburg-Eppendorf ở Đức đã thực hiện một phân tích vi mô về dây thần kinh phế vị ở 27 bệnh nhân tử vong do COVID-19 và năm người khác tử vong vì các nguyên nhân khác không phải do COVID-19.
Dây thần kinh phế vị là một thành phần quan trọng của ANS, có vai trò điều hòa các chức năng quan trọng như tiêu hóa, hô hấp và nhịp tim, cũng như phản ứng miễn dịch. Ngoài ra, dây thần kinh phế vị còn truyền tín hiệu đến thân não giúp kiểm soát “phản ứng hành vi đau ốm,” trong đó bộ não tạo ra các triệu chứng giống cúm bao gồm buồn nôn, mệt mỏi, đau đớn và các triệu chứng kéo dài khác do phản ứng viêm.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện RNA của SARS-CoV-2 trong các mẫu dây thần kinh phế vị thu được từ những bệnh nhân COVID-19 nặng đã qua đời, điều này cho thấy tình trạng nhiễm trùng trực tiếp vào dây thần kinh cùng với sự thâm nhiễm các tế bào viêm, chủ yếu là bạch cầu đơn nhân (một loại bạch cầu có chức năng tìm kiếm và tiêu diệt mầm bệnh, cũng như loại bỏ các tế bào bị nhiễm trùng). Phân tích của các nhà nghiên cứu cho thấy “sự phong phú mạnh mẽ của các gene điều chỉnh phản ứng kháng virus và tín hiệu interferon,” ủng hộ ý kiến cho rằng viêm dây thần kinh phế vị là hiện tượng phổ biến với COVID-19.
Các nhà nghiên cứu cũng đã phân tích 23 mẫu dây thần kinh phế vị của bệnh nhân COVID-19 đã qua đời và chia thành các nhóm có lượng RNA của virus SARS-CoV-2 thấp, trung bình và cao để xác định xem có thể phát hiện virus trong dây thần kinh phế vị hay không và liệu số lượng virus có tương quan với rối loạn chức năng thần kinh phế vị hay không. Kết quả cho thấy virus có trong dây thần kinh phế vị và cũng xác định rằng có mối tương quan trực tiếp giữa lượng RNA của virus SARS-CoV-2 và rối loạn chức năng của hệ thần kinh trung ương.
Sau đó, họ đã sàng lọc một nhóm gồm 323 bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu trong khoảng thời gian từ ngày 13/02/2020 đến ngày 15/08/2022, được phân loại dựa trên mức độ nhiễm COVID-19 nhẹ, trung bình, nặng, nguy kịch hoặc tử vong. Họ phát hiện rằng nhịp thở tăng lên ở những người sống sót nhưng giảm ở những người không sống sót sau COVID-19 nguy kịch. Những kết quả này cho thấy SARS-CoV-2 gây viêm dây thần kinh phế vị, sau đó là rối loạn thần kinh tự chủ (giảm nhịp thở), điều này “góp phần khiến bệnh trở nên nguy kịch và có thể gây rối loạn thần kinh thực vật ở [những bệnh nhân] COVID kéo dài.”
Trả lời nghiên cứu, cô Amy Proal, nhà vi trùng học của PolyBio Research Foundation (Tổ Chức Nghiên Cứu PolyBio) đã viết trên X: “Bởi vì dây thần kinh phế vị là thành phần thiết yếu của hệ thần kinh tự chủ và điều chỉnh các chức năng của cơ thể như nhịp tim, tiêu hóa và nhịp thở, nhiễm trùng SARS-CoV-2 trực tiếp vào dây thần kinh có thể góp phần gây ra các triệu chứng liên quan.” Cô nói thêm, “Những phát hiện này đặt ra câu hỏi: Liệu tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 dai dẳng ở dây thần kinh phế vị có thể góp phần gây ra rối loạn thần kinh thực vật ở bệnh nhân COVID kéo dài không?”
Bệnh rối loạn thần kinh thực vật là gì?
Gần 1/5 dân số Hoa Kỳ tiếp tục gặp phải các triệu chứng không rõ nguyên nhân của COVID kéo dài sau khi quá trình nhiễm bệnh kết thúc, với khoảng 66% bệnh nhân bị rối loạn chức năng ANS (rối loạn thần kinh thực vật) từ trung bình đến nặng.
Bệnh rối loạn thần kinh thực vật là rối loạn của ANS, một bộ phận của hệ thần kinh trung ương kiểm soát các chức năng vô thức quan trọng như thở, nhịp tim, huyết áp, tiêu hóa, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và da, tiết nước bọt, chức năng nội tiết tố và bàng quang cũng như chức năng tình dục. ANS cũng đóng vai trò trong phản ứng căng thẳng cấp tính “chống hoặc chạy” và truyền thông tin đến và đi từ các cơ quan nội tạng.
Bệnh rối loạn hệ thần kinh thực vật khiến ANS – bao gồm hệ thần kinh giao cảm, đối giao cảm và hệ thần kinh ở ruột – hoạt động không bình thường do không thể thực hiện các nhiệm vụ hoặc hoạt động quá mức, dẫn đến huyết áp cao hoặc nhịp tim nhanh. Tình trạng này có thể giới hạn ở tay và chân hoặc lan ra toàn bộ cơ thể, có thể nặng hoặc nhẹ, và có thể hồi phục hoặc trầm trọng hơn theo thời gian.
Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS – một dạng phổ biến của rối loạn thần kinh thực vật) đã gia tăng kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu và xuất hiện ở những bệnh nhân COVID kéo dài và sau chích vaccine COVID-19.
Các triệu chứng của POTS bao gồm tình trạng choáng váng, khó suy nghĩ hoặc tập trung, mệt mỏi trầm trọng và kéo dài, không thể tập thể dục, mờ mắt, huyết áp thấp, tim đập nhanh, run và buồn nôn.
Kể từ khi khai triển vaccine COVID-19, có 801 trường hợp POTS đã được báo cáo cho Hệ Thống Báo Cáo Tác Dụng Phụ Của Vaccine tính đến ngày 28/07. Con số này bao gồm 597 trường hợp do Pfizer và 171 trường hợp do Moderna.
Phương pháp điều trị bệnh rối loạn thần kinh thực vật
Các lựa chọn điều trị rối loạn thần kinh tự chủ trong cộng đồng y tế nhắm vào việc kiểm soát triệu chứng và tránh các tác nhân kích thích bằng cách sử dụng thuốc dược phẩm và các giải pháp không dùng thuốc.
1. Bệnh rối loạn thần kinh tim mạch
Đối với bệnh rối loạn thần kinh thực vật ảnh hưởng đến hệ tim mạch, nghiên cứu năm 2022 trên Tập san Frontiers in Neurology (Lĩnh vực Thần kinh học) đã khuyến nghị như sau:
- Uống nước trước khi thức dậy vào buổi sáng.
- Nâng cao đầu khi ngủ.
- Theo dõi lượng nước và muối.
- Mặc quần áo bó sát.
- Tập aerobic với cường độ tăng dần.
- Tránh những tình huống làm trầm trọng thêm các triệu chứng như thiếu ngủ, tiếp xúc với nhiệt độ cao, ăn nhiều và uống rượu.
Để ngăn ngừa ngất xỉu, hãy thực hiện các động tác như bắt chéo chân, giãn cơ và đứng lên–ngồi xuống. Đối với những người không đáp ứng với các lựa chọn không dùng thuốc, có thể kê đơn thuốc ức chế nhịp tim, thuốc co mạch, thuốc ức chế giao cảm và thuốc làm tăng thể tích tuần hoàn, bao gồm cả dịch truyền tĩnh mạch.
2. Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS)
Nghiên cứu trên Frontiers tuyên bố rằng những bệnh nhân POTS có thể hưởng lợi từ việc bổ sung dịch và thêm một hoặc hai thìa coffee muối mỗi ngày, tránh caffeine và rượu, đồng thời tránh những việc làm trầm trọng thêm các triệu chứng như đứng lâu, môi trường nóng và mất nước. Bệnh nhân nên di chuyển cẩn thận từ tư thế nằm hoặc ngồi sang tư thế đứng.
Các phương pháp điều trị y tế có thể bao gồm thuốc chẹn beta, thuốc hạ huyết áp thế đứng để tăng huyết áp, thuốc chẹn beta propranolol để giảm nhịp tim và thuốc pyridostigmine – thường dùng để điều trị cho bệnh nhân yếu cơ. Tuy nhiên, hiệu quả của điều trị bằng thuốc không đáng kể và một số loại thuốc không được dung nạp tốt.
3. Rối loạn thần kinh thực vật liên quan đến các hội chứng COVID kéo dài hoặc sau chích ngừa
Frontline COVID-19 Critical Care Alliance (Liên Minh Chăm Sóc COVID-19 Tích Cực Tuyến Đầu – FLCCC) đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị các tổn thương do COVID kéo dài và sau chích vaccine, bao gồm cả những người bị rối loạn thần kinh thực vật.
Nhiều bệnh nhân COVID kéo dài đã được chích ngừa, nên rất khó xác định liệu các triệu chứng kéo dài của họ là tổn thương do COVID-19 hay do vaccine. Theo FLCCC, cả hai đều là biểu hiện của “bệnh liên quan đến protein gai” và có các triệu chứng, bệnh sinh và cách điều trị giống nhau đáng kể.
FLCCC đã phát triển các phác đồ dành cho bệnh nhân COVID kéo dài và tổn thương sau chích vaccine, bao gồm cả POTS.
Họ khuyến nghị bệnh nhân nên thực hiện các xét nghiệm ban đầu để xác định xem có bị COVID kéo dài hay không và chụp cắt lớp phổi đối với những người có các triệu chứng hô hấp để phân biệt giữa COVID kéo dài và hội chứng sau chích ngừa.
Các phác đồ hướng đến tổn thương do COVID kéo dài hoặc sau chích ngừa (bao gồm bệnh rối loạn thần kinh thực vật như POTS) được thực hiện dưới sự chăm sóc của bác sĩ.
4. Các phương pháp điều trị bệnh rối loạn thần kinh thực vật khác
Một nghiên cứu khác được công bố trên Tập san Frontiers Neurology cho thấy liệu pháp điều hòa thần kinh không xâm lấn bằng siêu âm và các kỹ thuật khác có thể mang lại lợi ích cho những bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thực vật.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times