Nghiên cứu: Kỹ năng đối phó với căng thẳng kém làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến

Thời nay, giới trẻ ngày càng phải chịu nhiều căng thẳng, gây ra nhiều tác động lâu dài đến cuộc sống, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất theo những cách không ngờ tới.

Trong khi các yếu tố khởi phát gây ra bệnh vẩy nến – tình trạng viêm da mạn tính – vẫn chưa rõ ràng, thì một nghiên cứu mới cho thấy nguyên nhân gốc rễ của bệnh có thể bắt nguồn từ việc phải chịu căng thẳng trong những năm thơ ấu. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những người phải chật vật đối phó với căng thẳng trong thời niên thiếu có thể phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh vẩy nến cao hơn khi trưởng thành.

Dữ liệu quân sự tiết lộ về mối quan hệ giữa sự căng thẳng khi còn nhỏ và bệnh vẩy nến sau nhiều thập niên

Bệnh vẩy nến, một chứng rối loạn hệ miễn dịch làm tăng tốc độ phát triển của tế bào da, khiến các tế bào tích tụ lại, hình thành vảy và các mảng ngứa, đau đớn, thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối và da đầu. Mặc dù các triệu chứng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi từ 15 đến 25, ảnh hưởng đến khoảng 1/3 dân số trưởng thành ở Hoa Kỳ.

Nghiên cứu được công bố trên Journal of the European Academy of Dermatology and Venereology (Tập san của Viện Da Liễu và Hoa Liễu Âu Châu), đã phân tích dữ liệu từ hơn 1.6 triệu nam giới Thụy Điển nhập ngũ nghĩa vụ quân sự từ năm 1968 đến năm 2005 ở độ tuổi trung bình là 18.3. Là một phần của quá trình huấn luyện, mọi người đều phải thực hiện các bài kiểm tra tâm lý để đánh giá khả năng phục hồi sau căng thẳng.

Các nhà khoa học đã xem xét 2 nhóm nam giới – những người có thể giải quyết căng thẳng rất tốt và những người gặp khó khăn trong việc đối phó với căng thẳng. Các nhà nghiên cứu chia họ thành 3 nhóm mức độ căng thẳng.

Những người đàn ông không giỏi đối phó với căng thẳng có nhiều khả năng mắc bệnh vẩy nến và viêm khớp vẩy nến hơn.

Những người đàn ông không thể giải quyết tốt căng thẳng có nguy cơ mắc bệnh vẩy nến cao hơn 31% và nguy cơ mắc bệnh viêm khớp vẩy nến cao hơn 23% so với những người đàn ông thực sự giỏi giải quyết căng thẳng.

Những người đàn ông phải đến bệnh viện vì không thể giải quyết được căng thẳng có nguy cơ mắc bệnh vẩy nến cao hơn 79% và nguy cơ mắc bệnh viêm khớp vẩy nến cao hơn 53%.

Gánh nặng ở gần một nửa số người trưởng thành ở Hoa Kỳ

Nghiên cứu định nghĩa khả năng phục hồi sau căng thẳng là khả năng đối phó và thích ứng với các biến cố căng thẳng, sang chấn và sự tiêu cực kéo dài trong khi duy trì hoạt động thể chất và tâm lý bình thường.

Theo một cuộc thăm dò của Gallup vào tháng 12/2023, gần một nửa số người Mỹ trưởng thành cho biết cảm thấy căng thẳng, trong khi năm 2003 chỉ có 1/3 số người Mỹ cảm thấy căng thẳng.

Theo thời gian, căng thẳng mạn tính có thể gây tổn hại trầm trọng cho cơ thể. Ví dụ, khi cơ thể không thể phục hồi sau căng thẳng có thể làm tăng nhịp tim, huyết áp và nhịp thở. Sự căng thẳng gia tăng này buộc cơ thể phải tăng hiệu suất hoạt động hơn mức cần thiết để [duy trì] chức năng bình thường, dẫn đến các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, cao huyết áp, đau mạn tính hoặc các tình trạng viêm khác như bệnh vẩy nến.

Dấu hiệu căng thẳng mạn tính bao gồm:

  • Đau nhức thể xác
  • Rối loạn giấc ngủ bao gồm mất ngủ
  • Những thay đổi trong hành vi xã hội (ví dụ: tự cô lập khỏi xã hội)
  • Giảm mức năng lượng
  • Thay đổi khẩu vị (ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít)
  • Tăng dùng rượu hoặc ma túy
  • Rối loạn cảm xúc
  • Không gắn kết tình cảm hoặc tránh tiếp xúc với người khác

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn