Một góc nhìn về vai trò của giả dược y khoa trong chăm sóc sức khỏe hiện đại
Những giá trị đạo đức đã biết có thể cản trở những tác động tích cực của việc sử dụng giả dược trong chữa bệnh.
Y học hiện đại tự hào về cách tiếp cận dựa trên bằng chứng, theo đó các bác sĩ và bệnh viện lựa chọn phương pháp điều trị không dựa trên niềm tin hay tin đồn mà dựa trên khoa học thực chứng.
Điều gì sẽ xảy ra nếu niềm tin của chúng ta vào y học được khoa học chứng minh là có hiệu quả chữa bệnh đáng kể?
Dùng giả dược y khoa
Thường được hiểu là sự đánh lừa về việc điều trị, giả dược y khoa thường có dạng một viên thuốc thật nhưng bên trong chứa đường.
Giả dược y khoa không có giá trị dược lý rõ ràng, tuy nhiên nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi bệnh nhân dùng giả dược, các triệu chứng của họ cũng được cải thiện.
Hiệu ứng này hoạt động hiệu quả đến mức các thử nghiệm thuốc thường được xây dựng xung quanh giả dược y khoa. Khi đánh giá các loại tân dược, các nhà nghiên cứu thường so sánh một nhóm người được nhận thuốc thật với một nhóm khác nhận giả dược y khoa. Chỉ khi các loại thuốc và quy trình mới vượt trội hơn tác dụng giả dược thì mới được coi là có hiệu quả hợp pháp.
Đối với nhiều người, ý tưởng cho rằng bệnh nhân có thể tìm thấy sự cứu chữa nhờ sức mạnh của tinh thần có vẻ như là một trò lang băm — nhưng bằng chứng về hiệu ứng này là không thể phủ nhận. Chỉ cần xem xét liệu pháp giả dược y khoa được dùng trong rất nhiều nghiên cứu về thuốc có nhóm chứng trong các thử nghiệm của họ. Bằng cách này, giả dược là biện pháp can thiệp y tế được thử nghiệm kỹ lưỡng nhất từ trước đến nay.
Không chỉ có giả dược y khoa mà các ca “phẫu thuật giả” cũng mang lại thành công đáng kinh ngạc.
Bất chấp tất cả bằng chứng này, hầu hết các bác sĩ hoặc bệnh viện thậm chí đều không bao giờ cân nhắc việc sử dụng giả dược cho bệnh nhân của họ. Tuy nhiên, vì các nhà nghiên cứu đã sử dụng giả dược y khoa để kiểm tra tính hiệu quả của các loại thuốc mới, tại sao chúng ta không khai thác tác dụng bí ẩn (và không tốn kém) này để chữa bệnh?
Đó là mục đích của cuốn sách mới, “Sức Mạnh Của Giả Dược” của ông Jeremy Howick, giáo sư về chăm sóc sức khỏe thấu cảm tại Đại học Leicester.
Theo ông Howick, đặc biệt là 20 năm nghiên cứu vừa qua đã cho thấy rằng giả dược y khoa ít nhất xứng đáng có vai trò trợ giúp trong y học hiện đại. Cuốn sách của ông đưa ra những ý tưởng thực tế về cách các bác sĩ có thể sử dụng giả dược y khoa trong thực tế để cải thiện kết quả sức khỏe.
Ông Howick nói, “Hiệu ứng giả dược có thể nâng cao tác dụng của bất kỳ điều gì khác mà chúng ta đang làm và trong một số trường hợp, giả dược y khoa có lợi ích nhiều hơn tác hại. Nhưng tất cả những kiến thức đó đang bị mắc kẹt trong các bức tường của giới học thuật và cần phải thoát ra khỏi những bức tường đó để giúp đỡ bệnh nhân.”
Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên The Lancet, các nhà nghiên cứu từ Đại học Sydney đã so sánh opioid (morphine) với giả dược y khoa ở hai nhóm bệnh nhân bị đau thắt lưng hoặc đau cổ cấp tính.
Sau sáu tuần, nhóm dùng opioid cho thấy mức độ giảm đau tương tự như nhóm dùng giả dược y khoa. Tuy nhiên, nhóm opioid có nguy cơ lạm dụng thuốc nhiều hơn, có thể bao gồm cả nghiện và ngộ độc.
Một giả dược y khoa đúng nghĩa
Nhiều nghiên cứu cho thấy giả dược y khoa có thể có hiệu quả, nhưng ý kiến đại đa số cho rằng việc đánh lừa bệnh nhân bằng cách cho dùng thuốc giả là phi đạo đức. Đó là lý do tại sao giả dược y khoa phần lớn vẫn chỉ đưa vào thử nghiệm thuốc.
Nhưng theo ông Howick, quan niệm phổ biến này hoàn toàn lạc hậu.
Ông nói, “Chúng không chỉ mang tính đạo đức trong thực hành thường quy, mà các tác dụng giả dược y khoa, không phải lúc nào cũng cần dùng thuốc, cũng là một yêu cầu đạo đức trong thực hành lâm sàng và điều ngược lại cũng đúng đối với các thử nghiệm lâm sàng.”
Các thử nghiệm có đối chứng giả dược y khoa là tiêu chuẩn vàng để thử nghiệm thuốc, nhưng ông Howick tin rằng các thử nghiệm loại này không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất. Hãy xem xét ví dụ này: Từ những năm 1990, các bác sĩ đã biết rằng steroid có thể ngăn ngừa tử vong ở khoảng 20% số người bị bệnh gan do rượu. Nhưng vào đầu những năm 2000, khi một loại thuốc mới được tạo ra để điều trị bệnh gan do rượu, loại thuốc này được so sánh với giả dược y khoa chứ không phải steroid.
Theo ông Howick, việc xây dựng một nghiên cứu dựa trên sự so sánh như vậy sẽ khiến các đối tượng trong nhóm dùng giả dược y khoa có nguy cơ tử vong cao hơn và điều đó cũng không được xem là có ý nghĩa.
Ông nói, “Khi bạn mua một chiếc xe hơi mới, bạn đang xem xét một sự so sánh giữa Toyota và Ford. Tại sao lại có sự khác biệt trong thử nghiệm thuốc? Chúng ta nên kiểm tra điều tốt nhất so với tất cả các lựa chọn thay thế đã biết, chứ không phải so sánh với giả dược y khoa như thế nào.”
Mặc dù ý kiến này có giá trị nhưng cũng có những người chỉ trích, họ nói rằng việc thử nghiệm một loại thuốc với một loại thuốc khác có thể tạo ra sự không yên tâm nếu có lo ngại về thử nghiệm lâm sàng của loại thuốc ban đầu. Nói cách khác, nếu loại thuốc ban đầu không có hiệu quả hoàn toàn, như trong trường hợp của một số thuốc chống trầm cảm, thì việc thử nghiệm với thuốc cũ không nhất thiết mang lại bức tranh rõ ràng về hiệu quả của loại thuốc mới. Việc thử nghiệm với giả dược y khoa ít nhất cũng tách biệt được hiệu quả của thuốc khỏi ảnh hưởng của suy nghĩ bệnh nhân.
Việc bác sĩ kê đơn thuốc giả dược y khoa thường bị coi là phi đạo đức vì điều đó được xem như một hình thức lừa dối. Ngay cả khi bệnh nhân có thể cải thiện sau khi dùng giả dược y khoa thì việc lừa dối là không đúng.
Tuy nhiên, để hiệu ứng giả dược phát huy tác dụng thì cũng không cần nói dối. Năm 2016, ông Ted Kaptchuk, giám đốc chương trình nghiên cứu giả dược y khoa tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess và giáo sư y khoa tại Trường Y khoa Harvard, đã thực hiện một nghiên cứu trong đó những người tham gia được nhận một lọ thuốc có nhãn “thuốc giả dược” kèm theo hướng dẫn uống hai viên nang chia hai lần mỗi ngày.
Bởi vì các nhà nghiên cứu biết rằng họ đang dùng giả dược y khoa nên bệnh nhân bày tỏ sự nghi ngờ về cách điều trị giả tạo này. Nhưng những loại giả dược y khoa “đúng nghĩa” hoặc “công khai” này hiệu quả tốt đến mức nhiều bệnh nhân tin rằng họ đã được cho dùng thuốc thật. Một số người tham gia đã yêu cầu kê đơn thuốc giả dược sau khi nghiên cứu kết thúc.
Theo ông Howick, chỉ cần các bác sĩ sử dụng giả dược y khoa “đúng nghĩa” thì vấn đề đạo đức sẽ không còn nữa.
Ông nói, “Tôi nghĩ thật điên rồ khi không sử dụng giả dược. Trên thực tế, nếu kết quả tốt hơn thì việc không dùng giả dược là trái đạo đức.”
Giả dược y khoa qua các thời kỳ
Không rõ các bác sĩ đã hiểu khái niệm giả dược được bao lâu, nhưng ông Howick tin rằng các thầy thuốc cổ xưa có thể đã vận dụng cách ứng xử bên giường bệnh để phát huy hiệu quả đối với bệnh nhân.
Từ giả dược không được sử dụng trong thuật ngữ y học cho đến cuối những năm 1700 và ý nghĩa hơi khác so với ngày nay. Vào thời điểm đó, giả dược không được sử dụng để thử nghiệm thuốc mà dùng để chỉ bất kỳ loại thuốc giả nào có thể được sử dụng để đáp ứng nhu cầu kê đơn của bệnh nhân, ngay cả khi bác sĩ không có gì để cung cấp.
Từ giả dược (placebo) là tiếng Latin và có nghĩa là “Tôi thấy hài lòng.”
Theo thời gian, sự hiểu biết của chúng ta về giả dược đã đi từ một viên thuốc giả dùng để xoa dịu bệnh nhân đến một kỹ thuật diệu kỳ có thể làm giảm các triệu chứng bằng sức mạnh của tinh thần. Sự hiểu biết hiện đại về giả dược này chủ yếu đến từ ông Henry K. Beecher, một sinh viên tốt nghiệp Trường Y khoa Harvard, đã trở thành trưởng khoa gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts vào năm 1936 và là trưởng khoa gây mê đầu tiên trên thế giới tại Harvard University vào năm 1941.
Người ta cho rằng sự quan tâm của ông Beecher đối với giả dược xuất phát từ thời ông phục vụ trong Đệ nhị Thế chiến. Chuyện kể rằng bác sĩ Beecher hết morphin nên buộc phải chuyển sang dùng giả dược. Mặc dù được đổi thuốc nhưng bệnh nhân của ông vẫn cảm thấy được giảm đau.
Bài viết chuyên đề của ông Beecher, “Sức mạnh Giả dược”, được xuất bản trong ấn bản tháng 12/1955 của Journal of the American Medical Association (Tập san Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ), đã xem xét 15 thử nghiệm khác nhau trên nhiều loại bệnh. Theo ông Beecher, 35% trong số 1,082 bệnh nhân đã thuyên giảm bệnh tật chỉ nhờ dùng giả dược.
Giả dược y khoa hoạt động như thế nào?
Vậy cơ sở nào đứng sau hiện tượng mà ông Beecher chứng kiến? Một bài báo trên tập san từ những năm 1990 chỉ trích những phát hiện của ông Beecher về các cách giải thích cho hiệu ứng giả dược: “Tự phục hồi, sự biến động của các triệu chứng, hồi quy về giá trị trung bình, điều trị bổ sung, chuyển đổi điều trị bằng giả dược có điều kiện, sai lệch thang đo, các biến đáp ứng không liên quan, câu trả lời mang tính lịch sự, sự phục tùng mang tính thử nghiệm, các câu trả lời có điều kiện, phán đoán sai lầm của tâm-thần kinh, hiệu ứng tâm lý, trích dẫn sai, v.v…” nhưng chắc chắn không phải là sức mạnh y học nào đó của ý nghĩ.
Ông Howick cho biết khoa học trong 20 năm qua đã cho chúng ta ý tưởng tốt hơn về tác dụng của giả dược. Cơ thể con người vốn đã chứa đựng trong mình khả năng tự chữa lành. Giả dược chỉ mang lại một chút động lực tích cực để bổ trợ quá trình này.
Ông nói, “Nếu bạn bị một vết cắt, cơ thể bạn sẽ tự lành lại. Cơ thể bạn cũng có cơ chế sản sinh ra serotonin, melatonin, dopamine, [và] endorphin. Giao tiếp có thể giúp tạo ra những cơ chế tích cực đó.”
Hãy xem xét một khía cạnh sinh lý của chúng ta: phản ứng với căng thẳng. Nghiên cứu đã nhiều lần cho thấy rằng căng thẳng kinh niên có hại cho cơ thể và là nguyên nhân chính gây ra bệnh mạn tính.
Tuy nhiên, nếu bác sĩ nói chuyện với bạn bằng sự đồng cảm, quan tâm và thấu hiểu, ngay cả trước khi ông ấy kê đơn thuốc, phản ứng căng thẳng của bạn có thể đã bắt đầu giảm bớt. Vì căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, ông Howick cho biết những biểu hiện đồng cảm này thực sự có thể gia tăng khả năng miễn dịch của chúng ta.
Ông nói, ”Điều đang được nói đến [ở đây] hiệu quả nhìn chung là nhỏ. Nhưng đặt vào bối cảnh, tác dụng chung của hầu hết các loại thuốc cũng rất nhỏ.”
Giới hạn và mối nguy hiểm của hiệu ứng giả dược
Mặc dù ông Howick ủng hộ mạnh mẽ việc các bác sĩ sử dụng giả dược y khoa 1 cách trung thực cho bệnh nhân của họ, nhưng ông không khuyến nghị nên thay thế mọi khía cạnh của y học hiện đại.
Ông nói, “Nếu bạn gặp tai nạn xe hơi, bạn muốn có công nghệ [xe hơi] mới nhất. Nếu ai đó bị sốc phản vệ, hãy tiêm adrenalin cho họ. Tuy nhiên, những tình huống đó rất may là ngoại lệ chứ không phải là quy luật. Giả dược y khoa có thể nâng cao hiệu quả [điều trị] một số triệu chứng, bao gồm cơn đau vừa phải, trầm cảm và lo lắng.”
Một khi y học hiện đại được quảng cáo dựa trên ý tưởng về giả dược y khoa, phần lớn việc sử dụng giả dược đem lại hiệu quả đến từ việc hiểu được sức mạnh của tinh thần như thế nào. Mặc dù giả dược cho thấy khả năng chữa bệnh nhưng chúng cũng có thể gây hại.
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng giả dược có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Các nhà nghiên cứu đưa ra các biểu mẫu chấp thuận [trên cơ sở] có hiểu biết như một phần của quá trình thử nghiệm thuốc bao gồm một số triệu chứng mà bệnh nhân có thể gặp phải khi sử dụng thuốc chính hãng. Tuy nhiên, sự đồng ý có hiểu biết như vậy thậm chí có thể khiến nhóm dùng giả dược báo cáo các tác dụng phụ.
Mặt tối này của giả dược được gọi là hiệu ứng nocebo, xuất phát từ tiếng Latin “Tôi thấy bị hại,” nghĩa là kết quả của hiệu ứng là tiêu cực. Bởi vì lời thề Hippocrates yêu cầu các bác sĩ “không được gây hại” nên rất ít nhà nghiên cứu đã kiểm tra các hiệu ứng nocebo.
Tuy nhiên, bằng chứng sẵn có cho thấy hiệu ứng nocebo thậm chí còn mạnh hơn hiệu ứng giả dược. Theo ông Howick, đây là một phần cơ chế sinh tồn của chúng ta.
Ông nói, “Chúng ta được lập trình để tránh những thứ nguy hiểm hơn là tìm kiếm niềm vui. Nếu bạn tránh được nguy hiểm, bạn sẽ sống sót.”
Hiệu ứng nocebo có thể phá hủy niềm tin của bệnh nhân vào các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và phương pháp điều trị mà họ cung cấp. Điều này có nghĩa là ngay cả khi các bác sĩ không bao giờ sử dụng giả dược y khoa trong quá trình hành nghề thì ít nhất họ cũng nên cố gắng tránh gây ra hiệu ứng nocebo.
Điều này khó hơn mong đợi. Một tổng quan các nghiên cứu về nocebo được công bố vào năm 2016 báo cáo rằng “giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ của các bác sĩ vô tình chứa đựng nhiều ám thị tiêu cực có thể gây ra phản ứng nocebo.”
Ông Howick cho biết điều quan trọng nhất là các bác sĩ hiểu cách cư xử bên giường bệnh của họ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân đến mức nào. Mặc dù điều này có thể đòi hỏi dành nhiều thời gian hơn cho mỗi bệnh nhân, nhưng điều đó có thể mang lại kết quả điều trị thành công hơn và sức khỏe tốt hơn.
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times