Mối liên quan giữa cô đơn và nguy cơ bị bệnh Parkinson
Lần đầu tiên sức khỏe cảm xúc được liên kết với căn bệnh thoái hóa thần kinh này.
Liệu việc ngăn ngừa bệnh Parkinson – căn bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến thứ hai sau bệnh Alzheimer – có thể đơn giản như gọi điện cho một người bạn hoặc ghé thăm hàng xóm hay không?
Trong khi các bác sĩ từ lâu đã biết rằng di truyền, độc tố và chấn thương đầu có thể tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn vận động tiến triển này, một nghiên cứu mới được công bố trên JAMA Neurology cho rằng cảm giác cô đơn cũng có thể đóng một vai trò then chốt.
Theo các tác giả nghiên cứu, lần đầu tiên trạng thái cảm xúc được xác định là một yếu tố nguy cơ tiềm năng đối với căn bệnh thoái hóa thần kinh này. Các nghiên cứu trước đây đã liên kết cảm giác cô đơn với bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ.
Nghiên cứu kéo dài 15 năm
Để xem liệu cô đơn có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Parkinson hay không, các nhà nghiên cứu tại Đại học Florida State đã tiến hành một nghiên cứu nhóm lớn. Họ đã phân tích dữ liệu của gần 500,000 người tham gia từ 38 đến 73 tuổi từ cơ sở dữ liệu và tài nguyên nghiên cứu y sinh Biobank của Vương quốc Anh, nơi lưu trữ dữ liệu di truyền và sức khỏe rộng lớn từ hơn nửa triệu cư dân Vương quốc Anh.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi các cuộc khảo sát và tình trạng sức khỏe trong hơn 15 năm. Trong khoảng thời gian đó, hơn 2,800 người đã phát triển bệnh Parkinson.
Những người tham gia tự báo cáo về cảm giác cô đơn bằng cách trả lời câu hỏi: “Bạn có thường cảm thấy cô đơn không?”
Sự cô lập xã hội được đo bằng tần suất viếng thăm từ bạn bè hoặc gia đình, tần suất tham gia hoạt động giải trí hoặc hoạt động xã hội và kích thước gia đình.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm soát các yếu tố khác nhau được biết đến là có ảnh hưởng đến nguy cơ bị bệnh, bao gồm nhân khẩu học, bệnh tiểu đường, yếu tố di truyền, tình trạng kinh tế xã hội, sự cô lập với xã hội, hút thuốc, hoạt động thể chất và chỉ số khối cơ thể (BMI).
Kết quả cho thấy cảm giác cô đơn có liên quan đáng kể đến việc chẩn đoán bệnh Parkinson sau này. Điều này đúng ở mọi nhóm tuổi, nguy cơ di truyền và giới tính. Tuy nhiên, khi tính đến các tình trạng mạn tính như bệnh tiểu đường, mối liên quan này giảm xuống 13.1%.
Trong phân tích độ nhạy loại trừ những người tham gia dưới 50 tuổi, thì mối quan hệ này vẫn tồn tại. Cảm giác cô đơn không liên kết với bệnh Parkinson trong 5 năm đầu sau thời điểm bắt đầu nghiên cứu nhưng trở thành mối liên kết đến 10 năm tiếp theo.
Sự cô đơn có thể dẫn đến bệnh Parkinson như thế nào?
Ước tính có khoảng nửa triệu người Mỹ bị bệnh Parkinson. Nhưng con số thực tế có lẽ còn cao hơn nhiều vì căn bệnh này khó được chẩn đoán sớm.
Nghiên cứu trước đây đã liên kết cảm giác cô đơn với suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ, nguy cơ bị bệnh Alzheimer và một số vấn đề sức khỏe thể chất nghiêm trọng khác, bao gồm tăng huyết áp và béo phì.
Các tác giả của nghiên cứu mới đề nghị, cô đơn có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh Parkinson thông qua con đường viêm và trao đổi chất.
Tình trạng viêm do căng thẳng có thể gây hại cho các tế bào thần kinh não sản xuất dopamine, một chất cần thiết cho việc kiểm soát vận động bình thường. Theo thời gian, điều này có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh Parkinson.
Một cách giải thích khác là ảnh hưởng của tương tác xã hội lên não bộ. Giao tiếp xã hội kích thích bộ não và thúc đẩy khả năng linh hoạt thần kinh, khả năng thay đổi và tái tổ chức các kết nối của não để đáp ứng với việc học hỏi hoặc trải nghiệm. Cơ thể sẽ tiết các hóa chất giúp tạo ra các tế bào thần kinh mới, có khả năng bảo vệ chống lại sự thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson.
Cảm giác cô đơn và cô lập với xã hội cũng có thể dẫn đến lối sống ít vận động, một yếu tố nguy cơ khác của bệnh Parkinson.
Tiến sĩ Zehra Ali, chuyên gia về tâm thần lão khoa tại Bệnh viện Đại học Northwell Staten Island ở New York và không liên quan đến nghiên cứu, nói với The Epoch Times: “Cô đơn có mối tương quan tương tự như hút thuốc và béo phì.”
Ông nói thêm: “Cô đơn làm tăng nguy cơ trầm cảm, nghiện rượu và sa sút trí tuệ, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất vì nó làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, hội chứng chuyển hóa, bệnh động mạch vành và đột quỵ.”
Đại dịch cô đơn
Vào tháng 05/2023, Tổng Y sĩ Hoa Kỳ, Tiến sĩ Vivek Murthy đã đưa ra lời khuyên về “đại dịch cô đơn và cô lập” đang ảnh hưởng đến đất nước. Ông nói trong một thông cáo báo chí: “Xét thấy hậu quả sức khỏe đáng kể do sự cô đơn và cô lập, chúng ta phải ưu tiên xây dựng mối liên kết xã hội giống như cách chúng ta đã ưu tiên các vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng khác như thuốc lá, béo phì và rối loạn sử dụng chất gây nghiện.”
Báo cáo của Tiến sĩ Murthy cho thấy kết nối xã hội giảm đi, đặc biệt là trong giới trẻ. Báo cáo xác định khoảng một nửa số người lớn đang cảm thấy cô đơn, tiêu tốn hàng tỷ USD cho việc chăm sóc sức khỏe.
Tiến sĩ Anissa Abi-Dargham, chủ tịch Khoa Tâm thần và Sức khỏe Hành vi tại Đại học Stony Brook ở New York, nói với The Epoch Times: “Chúng ta nên cẩn trọng để không nhầm lẫn giữa sự cô lập xã hội và cảm giác cô đơn. Cảm giác cô đơn giống như sự khác biệt giữa mong muốn kết nối với người khác và thực tế, giữa hiện thực và mong ước của họ.”
Theo Tiến sĩ Abi-Dargham, sự cô lập không phải lúc nào cũng có nghĩa là cô đơn. Bà lưu ý: “Mọi người có thể ở trong nhóm nhưng vẫn cảm thấy cô đơn. Và đó chính là điều gây ra căng thẳng.” Một số người bị cô lập có thể cảm thấy được kết nối. Cô đơn là trạng thái chủ quan của một người.
Mạng xã hội cũng đóng một vai trò nào đó, bằng cách thay thế những kết nối thực sự bằng những liên kết giả tạo thiếu sự tin tưởng sâu sắc.
Tiến sĩ Abi-Dargham nói: “Tuy nhiên, thực sự không có một người nào thực sự gần gũi mà bạn có thể tâm sự và cảm thấy được gắn kết [trên mạng xã hội].”
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo chi tiết tại The Epoch Times