Mạng xã hội giờ đây thực sự là chủ đề của những cơn ác mộng
Những cơn ác mộng liên quan đến mạng xã hội có thể đóng vai trò là tác nhân gây căng thẳng, làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ của người dùng và khiến họ thức giấc vào ban đêm.
Bạn càng dành nhiều thời gian lướt Facebook, TikTok hoặc Instagram thì càng có nhiều khả năng gặp phải những giấc mơ khó chịu, thậm chí là ác mộng.
Đó là những giấc mơ bị chi phối bởi cảm xúc tiêu cực liên quan đến mạng xã hội, như bắt nạt, trêu đùa, thù hận và theo dõi trên mạng. Điển hình là các chủ đề về sự bất lực, mất kiểm soát, ức chế, trở thành nạn nhân và phạm sai lầm.
Nghiên cứu ở Iran cho thấy rằng những cơn ác mộng phổ biến nhất liên quan đến việc “không thể đăng nhập vào mạng xã hội và gián đoạn mối quan hệ với những người dùng khác.”
Cường độ sử dụng mạng xã hội dự đoán số lần xảy ra những cơn ác mộng liên quan đến mạng xã hội, bao gồm “sự lo lắng gia tăng, sự bất an, chất lượng giấc ngủ kém và cơn ác mộng đau khổ.”
Điều này tương tự với những cơn ác mộng khác liên quan đến các vấn đề tâm lý nghiêm trọng, như lo lắng, trầm cảm hoặc có ý nghĩ tự tử.
Nghiên cứu cho biết:
“Những cơn ác mộng liên quan đến mạng xã hội giống như tác nhân gây căng thẳng, làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ của người dùng và có khả năng khiến họ thức giấc vào ban đêm.
Hơn nữa, những cơn ác mộng này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của giấc ngủ, từ đó ảnh hưởng đến các quá trình như tổng hợp thông tin được thu thập trong ngày.
Do đó, sự gián đoạn phát sinh từ những cơn ác mộng liên quan đến mạng xã hội có thể góp phần làm giảm nhận thức và sức khỏe tinh thần khi thức dậy.”
Ông Shabahang, nhà nghiên cứu từ khoa tâm lý học tại Đại học Flinders đã kêu gọi việc sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm và có ý thức để giảm thiểu việc xảy ra những cơn ác mộng liên quan đến mạng xã hội.
Ông nói: “Với những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ và truyền thông, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo, cùng với sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các công nghệ này và sự hội nhập sâu rộng, người ta dự đoán rằng những giấc mơ về nội dung công nghệ và truyền thông sẽ xuất hiện thường xuyên hơn.”
Phương tiện truyền thông xã hội, giấc ngủ, sức khỏe tinh thần
Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng việc sử dụng rộng rãi mạng xã hội có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến giấc ngủ. Điều này có thể dẫn đến giảm mức độ hài lòng với cuộc sống ở những người dùng mạng xã hội không thích hợp.
Nghiên cứu năm 2020 tiết lộ rằng việc sử dụng mạng xã hội dẫn đến lo lắng, trầm cảm và không ngừng suy nghĩ về một vấn đề. Điều này có khả năng làm giảm sự an tâm của người dùng.
Đối với những trẻ em bị bắt nạt, nếu liên tục suy nghĩ về sự việc này có thể phá vỡ các hình thức đối phó khác. Chẳng hạn như sự lãng trí tích cực giúp giảm bớt nỗi đau khổ.
Một số niềm tin và mối quan tâm bắt nguồn từ việc sử dụng mạng xã hội bao gồm nỗi sợ hãi bị từ chối, mong muốn được xã hội chấp nhận và sợ bị tổn thương trên mạng xã hội.
Trong khi đó, ác mộng có liên quan với các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo lắng có thể dẫn đến rối loạn lo âu và ý định tự tử.
Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra nhiều chủ đề ác mộng khác nhau. Nghiên cứu năm 2014 cho thấy có 12 chủ đề chính của ác mộng, bao gồm hành vi hung hăng, xung đột giữa các cá nhân, thất bại hoặc bất lực, sự lo ngại về sức khỏe và tử vong, thế lực tà ác, tai nạn, thảm họa và thiên tai, bị truy đuổi, côn trùng và những bất thường về môi trường.
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times