Thiết bị điện tử đã lấy đi niềm vui hàng ngày của chúng ta

Phương tiện kỹ thuật số có thể là một món quà hoặc một thứ gây hại tùy thuộc vào cách chúng ta sử dụng.

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của internet. Chỉ với chiếc điện thoại di động, chúng ta có thể kết nối với hầu hết mọi người trên hành tinh và ngay lập tức tiếp cận toàn bộ tri thức của nhân loại. Tuy nhiên, trong nỗ lực tìm kiếm thông tin và kết nối không ngừng nghỉ, chúng ta đã hy sinh một điều quan trọng – đó là mối liên hệ sâu sắc của chúng ta với thế giới thực và những niềm vui đích thực trong đó.

Chúng ta chật vật tiết chế, đặc biệt là đối với những thứ mình yêu thích. Toàn bộ các ngành công nghiệp đều được xây dựng dựa trên xu hướng này, từ mạng xã hội đến công nghiệp thực phẩm, nơi tạo ra các món ăn gây nghiện khiến bạn quay lại để mua nhiều hơn. Việc chúng ta tiêu thụ những sản phẩm này thậm chí còn được gọi là tiêu dùng khoái lạc.

Tiêu dùng khoái lạc nghe có vẻ giống tên của bộ phim bom tấn mới nhất của Hollywood. Tuy nhiên, đó là chủ đề của nghiên cứu gần đây trên Journal of Personality and Social Psychology (Tập san Nhân cách và Tâm lý Xã hội), khảo sát lý do tại sao chúng ta ăn uống quá mức – và câu trả lời có thể khiến bạn phải ngạc nhiên.

Nghiên cứu xem xét mức độ ảnh hưởng của sự mất tập trung đến “tiêu dùng khoái lạc,” thuật ngữ mà các nhà nghiên cứu dùng để định nghĩa sự đam mê quá mức trong các hoạt động thú vị như ăn uống hoặc chơi trò chơi điện tử.

Ông Stephen Murphy là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ về tâm lý học tại Đại học Ghent ở Bỉ và là tác giả chính của nghiên cứu. Ông mô tả nghiên cứu mới trong một bài đăng trên LinkedIn, nói rằng mục tiêu của nhóm nghiên cứu là “tìm hiểu xem việc quá lệ thuộc vào những thú vui tiêu khiển có phải là do không thể thu được niềm vui giống như mong muốn từ việc tiêu dùng theo chủ nghĩa khoái lạc hay không. Ví dụ: không hoàn toàn chú ý đến bộ phim hoặc bữa ăn sẽ dẫn đến việc tiêu thụ nhiều hơn về sau (ví dụ: ăn vặt, xem video ngắn trên Youtube) vì sự phân tâm khiến những hoạt động đó trở nên kém vui hơn.”

Các tác giả của nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng một lý do khiến chúng ta ham mê quá mức là vì bị phân tâm khi làm những việc mà mình thích. Nhóm nghiên cứu nhận thấy khi chúng ta không hoàn toàn chú ý vào các hoạt động này thì sẽ ít vui hơn, khiến chúng ta cảm thấy kém hài lòng hơn. Kết quả là sau đó chúng ta sẽ tìm đến những thứ hoặc hoạt động thú vị để lấp đầy khoảng trống.

Nghiên cứu

Nghiên cứu gồm hai phần, phần đầu tiên tập trung vào sự mất tập trung khi ăn và phần thứ hai tập trung vào một loạt “lĩnh vực tiêu dùng.”

1. Nghiên cứu 1

Để kiểm tra giả thuyết này, trước tiên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm thực địa với 122 người tham gia chủ yếu là nữ từ 18 đến 24 tuổi. Những người phụ nữ này được yêu cầu dự đoán mức độ thích thú với bữa trưa của họ trước khi ăn. Sau đó, họ ăn trưa theo một trong ba bối cảnh: không bị phân tâm, có chút mất tập trung vì xem video hoặc rất mất tập trung khi chơi trò chơi điện tử Tetris.

Sau bữa ăn, những người phụ nữ báo cáo về một số yếu tố: họ thích bữa ăn đến mức nào, mức độ hài lòng của họ, liệu họ có muốn được hài lòng thêm hay không và nếu có thì họ đã ăn bao nhiêu. Họ cũng ghi lại bất kỳ hoạt động ăn vặt nào sau đó trong ngày.

Những người không chú tâm khi ăn ít tận hưởng bữa ăn hơn và kém hài lòng hơn. Họ cũng ăn vặt nhiều hơn và cảm thấy cần được thỏa mãn nhiều hơn sau đó.

Các nhà nghiên cứu gọi hiệu ứng này là “sự bù đắp khoái lạc” và tin rằng điều này cũng áp dụng cho các hoạt động khác ngoài ăn uống.

Ví dụ, giả sử bạn bị phân tâm khi xem phim vì nói chuyện điện thoại hoặc gấp đồ giặt. Theo lý thuyết, bạn dễ tìm đến những hoạt động thú vị khác, vì bạn không đủ hài lòng khi thiếu tập trung vào bộ phim. Đó có thể là một bữa ăn nhẹ vào đêm khuya hoặc lướt mạng xã hội để lấp đầy khoảng trống.

2. Nghiên cứu 2

Giai đoạn hai của nghiên cứu mở rộng trọng tâm ra ngoài thực phẩm để đánh giá tác động rộng hơn của hiệu ứng.

Nghiên cứu này liên quan đến hơn 6,000 “sự kiện tiêu dùng” từ nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm thực phẩm, thức uống, phương tiện truyền thông/âm thanh và đọc sách giải trí. Nghiên cứu gồm 220 người tham gia, chủ yếu là nữ trong độ tuổi từ 18 đến 71. Mỗi người được yêu cầu điền vào 7 bản khảo sát ngắn hàng ngày về “tiêu dùng khoái lạc,” sự phân tâm và mức độ hài lòng của họ.

Kết quả phù hợp với thử nghiệm đầu tiên, cho thấy những người tiêu dùng bị phân tâm ít có khả năng thích thú với trải nghiệm, cảm thấy kém hài lòng hơn và cần bổ sung cảm giác hài lòng sau đó.

Ông Murphy cho biết trong thông cáo báo chí, “Tiêu thụ quá mức thường là do thiếu tự chủ. Tuy nhiên, những phát hiện của chúng tôi cho thấy việc tiêu thụ quá mức cũng có thể bị tác động bởi mong muốn đạt được mức thích thú nhất định từ một hoạt động. Khi mong muốn này bị cản trở bởi sự phân tâm, chúng ta sẽ cố gắng bù đắp bằng cách tiêu thụ nhiều hơn.”

Những cạm bẫy của việc đa nhiệm

Mặc dù nhiều người trong chúng ta chấp nhận làm nhiều việc cùng một lúc vì một số lợi ích, nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy chúng ta không được sinh ra để làm việc như vậy. Một bài viết năm 2019 trên Cerebrum đã khám phá [mối liên hệ giữa] đa nhiệm (làm nhiều việc cùng một lúc) và bộ não. Các nhà nghiên cứu nhận thấy khi làm nhiều việc cùng một lúc thì:

  • Bộ não phải làm việc nhiều hơn.
  • Chúng ta dễ bị phân tâm hơn.
  • Nhiệm vụ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành.
  • Chúng ta mắc nhiều sai lầm hơn.

Cuối cùng, họ phát hiện rằng bộ não phù hợp nhất để làm một việc riêng biệt.

Nếu bạn cho rằng mình có thể là ngoại lệ, thì nghiên cứu cũng phát hiện chúng ta có xu hướng đánh giá quá cao khả năng đa nhiệm của bản thân – và trên thực tế thì kết quả không tốt như chúng ta nghĩ.

Như nghiên cứu ban đầu đã chứng minh, sự xao lãng này cũng có thể cướp đi niềm vui vốn có của một hoạt động và khiến chúng ta tìm kiếm nhiều niềm vui hơn sau này để bù đắp cho nỗi trống trải.

Khi phần thưởng không phải là phần thưởng

Tăng thời gian dùng thiết bị đã được chứng minh là có tác động sâu rộng đến sức khỏe và tinh thần. Những tác động tiêu cực này đặc biệt rõ rệt ở trẻ em, vốn có bộ não đang phát triển.

Tiến sĩ Michael Rich là giáo sư nhi khoa tại Trường Y khoa Harvard Medical School, giáo sư khoa học xã hội và hành vi tại Khoa Y tế Công cộng T.H. Chan của Harvard và giám đốc Phòng thí nghiệm Sức khỏe Kỹ thuật số tại Bệnh viện Nhi Boston. Trong bài viết trên trang web của Harvard, ông giải thích rằng phương tiện truyền thông kỹ thuật số thu hút chúng ta nhờ khả năng kích hoạt hệ thống khen thưởng của não.

Ông nói, “Hầu như tất cả các trò chơi và phương tiện truyền thông xã hội đều vận hành dựa trên hệ thống phần thưởng thay đổi, đó chính xác là những gì bạn nhận được khi đến Mohegan Sun và kéo cần gạt của máy đánh bạc. Đó là sự cân bằng giữa hy vọng rằng bạn sẽ thắng lớn với một chút thất vọng, và không giống như máy đánh bạc, thì trò chơi hay phương tiện truyền thông đều yêu cầu người dùng cải thiện kỹ năng.”

Bài viết giải thích rằng việc kiểm soát những thôi thúc này là điều khó khăn đối với những người trẻ tuổi vì bộ não của họ đang trong giai đoạn phát triển khiến hệ thống tự chủ vẫn chưa hoàn thiện.

(Ảnh: SeventyFour/Getty)
(Ảnh: SeventyFour/Getty)

Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến niềm vui và phần thưởng. Khi chúng ta tham gia vào hoạt động yêu thích, não sẽ tiết dopamine tạo ra cảm giác dễ chịu. Nhận được lượt thích trên mạng xã hội, chiến thắng khi chơi bài hoặc đánh bại trùm cuối trong trò chơi điện tử luôn mang lại lượng dopamine nhanh chóng và khiến bộ não nghiện các hoạt động này hơn vì chúng làm gia tăng những hóa chất tạo cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên, các nghiên cứu phát hiện sự hài lòng tức thời này có thể làm thay đổi hệ thống khen thưởng của não và dẫn đến giảm thích thú đối với các hoạt động cần nhiều thời gian hơn mới có kết quả – như đọc sách, xây dựng tình bạn, hoặc thành thạo một kỹ năng. Điều này có thể làm xói mòn cảm giác vui vẻ khi thực hiện những việc không gây hài lòng ngay.

Thay lời kết

Dường như không thể tưởng tượng một cuộc sống không có máy tính, máy tính bảng và điện thoại di động sẽ như thế nào. Những tuyệt tác công nghệ này đã thay đổi cách chúng ta làm việc, học tập, giải trí và kết nối với những người khác. Mặc dù các thiết bị điện tử mang lại những lợi ích đáng kinh ngạc nhưng nếu dùng quá mức thì vẫn có thể gây hại. Hãy tìm kiếm sự cân bằng khiến chúng ta tận hưởng và trân trọng những điều ở thực tại, khi đó chúng ta có thể lấy lại những niềm vui và sự kết nối vốn làm cuộc sống trở nên phong phú và có ý nghĩa hơn.

Ngọc Thuần biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Emma Suttie
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Emma Suttie là một bác sĩ châm cứu và viết chủ yếu về sức khỏe cho nhiều ấn phẩm trong thập niên qua. Cô hiện là ký giả sức khỏe cho The Epoch Times, cô chuyên viết về Trung y, dinh dưỡng, chấn thương, và y học lối sống.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn