Lối sống chống viêm giúp ngăn ngừa sa sút trí tuệ khi bạn già đi
Khoảng 22% người Bắc Mỹ ở độ tuổi 85-89 và 33% những người trên 90 tuổi bị sa sút trí tuệ ở mức độ nào đó.
Một nghiên cứu từ Dự án Sức khỏe và Lão hóa Chicago cho thấy có rất nhiều điều có thể làm để ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ. Các yếu tố về lối sống lành mạnh này bao gồm cách ăn uống, hoạt động thể chất, hoạt động nhận thức, không hút thuốc lá và tránh hoặc hạn chế rượu (dưới 15g mỗi ngày đối với nữ và dưới 30g mỗi ngày đối với nam). Điểm số lối sống cao hơn có liên quan đến tuổi thọ dài hơn và những người tham gia có điểm số cao hơn sống phần lớn thời gian còn lại mà không bị sa sút trí tuệ.
Các nhà nghiên cứu từ University of Minnesota ước tính rằng “Các yếu tố có thể thay đổi được sau đây là nguyên nhân của khoảng 40% ca sa sút trí tuệ trên toàn thế giới, do đó về mặt lý thuyết có thể phòng ngừa hoặc trì hoãn sa sút trí tuệ”:
- Thiếu vận động thể chất
- Cách ăn uống không lành mạnh
- Tăng huyết áp
- Hút thuốc lá
- Uống nhiều rượu
- Khiếm thính
- Béo phì
- Trầm cảm
- Bệnh tiểu đường
- Ít tiếp xúc xã hội
- Chấn thương não
- Ô nhiễm không khí
Phương pháp ăn uống chống viêm giúp phòng ngừa chứng sa sút trí tuệ
Các nhà nghiên cứu chưa chứng minh được rằng thay đổi trong cách ăn uống có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị chứng sa sút trí tuệ, nhưng dữ liệu đáng tin cậy cho thấy cách ăn uống gây viêm có thể làm tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ. Nghiên cứu này đặc biệt quan trọng vì đã phân tích toàn bộ cách ăn uống và phân loại 45 nhóm thực phẩm khác nhau thành:
- Thực phẩm gây viêm làm tăng các dấu hiệu viêm trong máu
- Thực phẩm chống viêm làm giảm các dấu hiệu trong máu nói trên.
Vào cuối thời gian nghiên cứu kéo dài 3 năm, 62 người tham gia đã xuất hiện sa sút trí tuệ. Những người có điểm số cách ăn uống gây viêm thấp nhất có nguy cơ sa sút trí tuệ cao gấp 3.5 lần so với những người có điểm cao nhất.
Mỗi tuần trong ba năm, những người có chỉ số chống viêm tốt nhất đã ăn trung bình:
- 20 khẩu phần trái cây
- 19 khẩu phần rau
- 4 khẩu phần đậu hạt hoặc các loại đậu khác
Những người có điểm thấp nhất đã ăn trung bình:
- 9 khẩu phần trái cây
- 10 khẩu phần rau
- 2 khẩu phần đậu
Khi nào chứng viêm gây ra các vấn đề
Khi mới sinh ra, cơ thể chúng ta đã có các vi trùng và ngay sau khi sinh, vi khuẩn sẽ gia tăng khắp nơi trên bề mặt da, đường hô hấp và toàn bộ đường tiêu hoá. Hầu hết những vi khuẩn này tốt cho cơ thể và hữu ích theo nhiều cách khác nhau. Vi khuẩn giúp tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm cũng như loại bỏ các chất thải. Lợi khuẩn sinh sống ở lớp lót mặt trong của đường hô hấp và ruột để giúp ngăn chặn vi trùng có hại phát triển.
Vi trùng không được phép xâm nhập vào tế bào. Tuy nhiên, khi vi trùng xâm nhập, hệ miễn dịch sẽ nhận ra rằng glycoprotein [trên màng ngoài] của vi trùng khác với glycoprotein của chính tế bào. Hệ miễn dịch sản xuất các protein gọi là kháng thể gắn vào và cố gắng tiêu diệt vi khuẩn hoặc virus xâm nhập – các tế bào ăn vi trùng xâm nhập theo đúng nghĩa đen – và các cytokine điều khiển toàn bộ hệ miễn dịch để tiêu diệt vi trùng có hại đang cố gắng xâm chiếm cơ thể. Các dấu hiệu viêm có thể thấy được như đỏ, sưng tấy, đau nhức, sốt cho biết rằng hệ miễn dịch đang hoạt động để chống lại nhiễm trùng hoặc chấn thương.
Ngay sau khi vết thương lành hoặc hết nhiễm trùng, hệ miễn dịch sẽ giảm hoạt động và ngừng sản xuất lượng lớn các tế bào và kháng thể. Nếu hệ miễn dịch không ngừng tạo ra quá nhiều tế bào và protein để tiêu diệt vi trùng, thì chính những tế bào và protein này có thể tấn công mô tự thân và làm tổn thương:
- Bộ não gây sa sút trí tuệ.
- Động mạch, từ đó hình thành các mảng bám [bên trong mạch máu], khi vỡ ra sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
- DNA trong tế bào ngăn chặn chết tế bào theo chương trình có thể dẫn đến ung thư.
- Gan gây bệnh tiểu đường.
- Bản thân hệ miễn dịch, dẫn đến các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp.
Điều gì khiến cho thực phẩm là gây viêm hay chống viêm?
Thực phẩm gây viêm kích hoạt hệ miễn dịch làm cho các tế bào và protein tấn công và phá huỷ các tế bào bình thường, trong khi các thực phẩm chống viêm làm giảm phản ứng này nhằm bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương do hệ miễn dịch hoạt động quá mức.
Chứng sa sút trí tuệ và nhồi máu cơ tim có chung các yếu tố nguy cơ gây viêm, và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ báo cáo rằng chứng sa sút trí tuệ có liên quan chặt chẽ với cách ăn uống gây viêm. Viêm mạn tính làm tăng nguy cơ bị bệnh tim, tiểu đường, bệnh Alzheimer, một số bệnh ung thư và nhiều bệnh khác.
Càng ăn nhiều thực phẩm gây viêm thì nguy cơ mắc các bệnh này càng cao. Càng ăn nhiều thực phẩm chống viêm, càng ngăn ngừa được tình trạng viêm mạn tính và các bệnh mà chứng viêm gây ra. Nhiều bài viết khoa học trước đây đã liên kết nguy cơ sa sút trí tuệ với thực phẩm ăn vào.
Những gì bạn ăn quyết định tỷ lệ vi khuẩn có lợi và có hại trong ruột kết. Vi khuẩn có lợi rất thích ăn cùng loại thực phẩm mà bạn ăn vào, còn vi khuẩn có hại thì không thích nguồn thực phẩm đó và cố gắng xâm nhập vào các tế bào ruột kết. Điều này sẽ kích hoạt hệ miễn dịch và tiếp tục gây ra tình trạng viêm quá mức. Bạn có thể cải thiện quần thể lợi khuẩn trong ruột kết bằng cách:
- Ăn nhiều thực phẩm chống viêm: rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, hạt, quả hạch, trái cây và hải sản (không chiên)
- Hạn chế thực phẩm gây viêm như thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, thực phẩm chiên, thực phẩm chứa đường bổ sung, và tất cả các thức uống có đường, bao gồm nước trái cây và rượu.
Hầu hết các thực phẩm siêu chế biến đều có tính gây viêm ngay cả khi được quảng cáo và đóng gói để trông “lành mạnh.” Nhiều người cảm thấy bối rối về cách ăn uống lành mạnh vì các công ty thực phẩm chi quá nhiều tiền để quảng cáo rằng sản phẩm của họ tốt cho sức khỏe trong khi thực tế không phải vậy. Thực phẩm siêu chế biến thường thiếu protein, chất xơ, vi chất dinh dưỡng và thường chứa các chất gây ô nhiễm từ quá trình chế biến và đóng gói công nghiệp.
Ước tính khoảng 73% nguồn cung thực phẩm của Hoa Kỳ là siêu chế biến và thường chứa nhiều thành phần không tốt cho sức khỏe như đường, muối, chất béo, màu nhân tạo, chất bảo quản, hương liệu, chất làm ngọt và chất nhũ hóa.
Thực phẩm siêu chế biến bao gồm các bữa ăn đông lạnh, nước ngọt và thức uống “trái cây,” xúc xích, thịt nguội, hầu hết các loại thức ăn nhanh, thức ăn nhẹ đóng gói ngọt hoặc mặn, thanh năng lượng và đồ uống, v.v… Một số nghiên cứu cho thấy thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ và suy giảm chức năng tâm thần.
Khuyến nghị
Nguy cơ sa sút trí tuệ tăng theo tuổi tác và 33% người trên 90 tuổi bị sa sút trí tuệ. Các cơn nhồi máu cơ tim và chứng sa sút trí tuệ gần như có các yếu tố nguy cơ giống nhau, vì vậy mọi người nên tuân theo các quy tắc của lối sống chống viêm nhằm giúp phòng ngừa các cơn nhồi máu tim, đột quỵ, tiểu đường và nhiều bệnh khác:
- Cố gắng tập thể dục hàng ngày
- Ăn nhiều thực vật, thực phẩm chống viêm
- Tránh thừa cân
- Tránh hoặc hạn chế uống rượu
- Tránh hút thuốc và hút thuốc thụ động
- Duy trì vitamin D ở mức trên 30ng/ml
Bài viết gốc được đăng trên DrMirkin.com.
Minh Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times