Lợi ích sức khỏe từ ‘cách ăn như sư tử’

Khi ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu tuyên bố rằng thịt động vật không tốt cho sức khỏe, những người ủng hộ thực đơn ăn thịt đã khẳng định lợi ích sức khỏe của cách ăn này.

Một trong những người ủng hộ nổi tiếng nhất cho cách ăn toàn thịt là Jordan Peterson, một nhà tâm lý học lâm sàng nổi tiếng đã giảng dạy tại Đại học Toronto và Đại học Harvard. Được biết đến với phong cách nói chuyện thẳng thắn và sâu sắc, ông Peterson đã thu hút một lượng lớn người theo dõi trung thành. Ông đã áp dụng cách ăn toàn thịt vào năm 2018 và đã chia sẻ những lợi ích sức khỏe đáng chú ý.

Chúng ta được khuyên nên duy trì một cách ăn uống cân bằng. Tuy nhiên, một số người đã áp dụng cách ăn cực đoan, chỉ tiêu thụ thịt động vật, trứng, cá, phô mai và nội tạng trong khi hoàn toàn loại bỏ carbohydrate và thực phẩm thực vật.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu tuyên bố rằng thịt động vật không tốt cho sức khỏe vì thịt động vật chứa nhiều chất béo, calo và chứa các chất gây viêm khác nhau. Tuy nhiên, một số người ủng hộ cách ăn toàn thịt, còn được gọi là cách ăn như Sư tử (muối, thịt và nước), tin rằng việc áp dụng cách ăn này đã mang lại những cải thiện sức khỏe đáng kể.

Cách ăn toàn thịt của Jordan Peterson

Tại sao ông Peterson quan tâm đến cách ăn toàn thịt? Tất cả bắt đầu từ con gái của ông, cô Mikhaila Fuller. Từ khi còn nhỏ, cô mắc nhiều bệnh, bao gồm viêm khớp dạng thấp ở tuổi vị thành niên, rối loạn lưỡng cực, mất ngủ, bệnh Lyme, bệnh vẩy nến, bệnh chàm và bệnh rối loạn tự miễn. Kể từ khi áp dụng cách ăn toàn thịt, tất cả các triệu chứng của cô đã được cải thiện đáng kể.

Sự cải thiện về khoẻ của con gái ông đã khiến ông Peterson quan tâm, vì ông cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe cấp bách. Với lịch sử nghiện rượu và nghiện benzodiazepine, ông đã từng nghĩ đến tự sát trong quá trình cai nghiện. Ngoài ra, ông còn phải vật lộn với bệnh trầm cảm nặng và khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết.

Sau khi áp dụng cách ăn toàn thịt trong hai tháng, ông giảm cân và cảm thấy thèm ăn, cải thiện mức đường huyết và giấc ngủ. Ngoài ra, các triệu chứng bệnh nướu răng, lo lắng và trầm cảm của ông đã được cải thiện đáng kể.

Lợi ích của cách ăn toàn thịt

Làm thế nào ông Peterson có thể đạt được nhiều lợi ích sức khỏe từ cách ăn toàn thịt? Dưới đây là một số lý do:

  • Tôi tin rằng sự biến đổi sức khoẻ của ông Peterson không chỉ do tiêu thụ thịt mà còn do loại bỏ carbohydrate. Kể từ những năm 1950, tiêu thụ carbohydrate tinh chế đã tăng lên, dẫn đến các bệnh về nướu răng và bệnh tim gia tăng đáng kể. Tác hại của carbohydrate tinh chế đối với sức khỏe con người là không thể chối cãi.
  • Thịt chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu. Vitamin B12 trong thịt rất quan trọng cho hệ thần kinh và sự hình thành hồng cầu. Hơn nữa, cơ thể hấp thụ và sử dụng sắt heme trong thịt hiệu quả hơn so với sắt không heme có trong thực vật.
  • Thịt dồi dào protein và acid amin thiết yếu cần thiết cho cơ thể con người.
  • Thịt giàu kẽm, vitamin B6 và acid béo omega-3. Kẽm rất quan trọng cho hệ miễn dịch và thúc đẩy sự phát triển của tế bào, trong khi vitamin B6 hỗ trợ quá trình trao đổi chất của acid amin. Acid béo omega-3 trong cá béo và thịt động vật rất quan trọng cho sức khỏe tổng thể.
  • Cách ăn toàn thịt giúp tránh tiêu thụ một số độc tố tiềm năng và chất chống dinh dưỡng, cũng như chất xơ không hòa tan có trong thực vật. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp để loại bỏ các chất này. Do đó, điều này không có nghĩa là nên tránh thực phẩm thực vật.

Nghiên cứu và những tranh cãi

Một nghiên cứu của Đại học Harvard đã khảo sát 2,029 người tuân theo cách ăn toàn thịt trong trung bình 14 tháng và so sánh kết quả với dữ liệu phòng thí nghiệm. Những người tham gia nghiên cứu không báo cáo bất kỳ tác dụng phụ nào và nhận thấy nhiều lợi ích sức khỏe. Hơn 90% người bị béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, triệu chứng tiêu hóa và rối loạn tâm thần báo cáo triệu chứng của họ đã được cải thiện.

Một số người ủng hộ cho rằng con người là loài ăn thịt và do đó [nên] phụ thuộc vào dinh dưỡng từ động vật. Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng cách ăn này thiếu các vitamin, nguyên tố vi lượng và chất xơ cần thiết cho sức khỏe, khiến cách ăn không hoàn chỉnh về mặt dinh dưỡng.

Ngoài ra, một số nhà phê bình phản đối cách ăn nhiều protein, cho rằng ăn nhiều protein thì ảnh hưởng xấu đến thận. Protein dư thừa làm trầm trọng thêm bệnh thận bằng cách tăng gánh nặng cho thận, vì thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ các sản phẩm chất thải từ quá trình chuyển hóa protein.

Những người muốn áp dụng cách ăn toàn thịt phải bảo đảm cung cấp đủ lượng thịt béo. Chất béo là một nguồn năng lượng, giúp cơ thể giảm sự phụ thuộc năng lượng vào protein.

Một nghiên cứu cho thấy rằng ăn nhiều protein trong thời gian dài làm hệ tiêu hóa khó chịu và thậm chí tổn thương gan và thận. Do đó, lượng protein hàng ngày không nên vượt quá 35% tổng lượng calo.

Phân tích trường hợp của ông Peterson

Tại sao cách ăn toàn thịt lại có lợi cho ông Peterson và con gái ông?

Lý do đầu tiên có thể là do cả ông và con gái thiếu hụt methyl hóa. Thiếu hụt methyl hóa* là một vấn đề di truyền biểu sinh ảnh hưởng đến quá trình giải độc, hệ miễn dịch và sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Giải quyết vấn đề thiếu hụt methyl hóa thường bao gồm bổ sung lượng methionine đáng kể, một chất dinh dưỡng có nhiều trong thịt. Do đó, tôi đoán rằng đây là một trong những lý do cách ăn toàn thịt có lợi và giúp giảm bớt các triệu chứng tâm thần cho hai cha con ông.

Ngoài ra, tôi nghi ngờ rằng cả ông và con gái — đặc biệt là con gái ông — có thể bị chứng pyroluria, đây là tình trạng vitamin B6 và kẽm mất qua đường tiểu kéo dài, dẫn đến các vấn đề về tâm thần, da và chức năng miễn dịch. Áp dụng cách ăn toàn thịt đã bổ sung lượng lớn kẽm, vitamin B6 và methionine trong khi tránh các tác hại của đường và carbohydrate lên chức năng miễn dịch. Do đó, cách ăn toàn thịt đã cải thiện đáng kể sức khỏe tổng thể của hai cha con ông.

Thiếu hụt methyl hóa thường biểu hiện từ thời thơ ấu và liên quan đến các đặc điểm tính cách cụ thể như cầu toàn, cạnh tranh và thành tích cao. Tuy nhiên, họ cũng biểu hiện các đặc điểm tiêu cực như bướng bỉnh, trầm cảm, không tập trung, nghiện ngập và thậm chí có ý nghĩ tự sát.

Khi kết hợp với rối loạn pyroluria, những người này thường gặp khó khăn trong việc đối phó với áp lực khi không đạt được mục tiêu của họ. Mặc dù họ quyết tâm giành chiến thắng, nhưng họ thiếu sức bền thể chất và tinh thần để đạt được mục tiêu, cuối cùng dẫn đến sự thất vọng và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác nhau

Chú thích của dịch giả:

*Quá trình methyl hóa là một quá trình biến đổi hóa học của DNA và các phân tử khác có thể được giữ lại khi tế bào phân chia để tạo ra nhiều tế bào hơn. Trong quá trình này, các thẻ hóa học gọi là nhóm methyl gắn vào một vị trí cụ thể trong DNA nơi chúng bật hoặc tắt gen, từ đó điều chỉnh việc sản xuất protein mà gen mã hóa. (Theo Viện Nghiên Cứu Bộ Gen Con Người trực thuộc Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ)

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The EpochTimes

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm Thần Học Tích Hợp," "Các Vấn Đề về Thuốc," và "Liệu Pháp Tích Hợp cho Bệnh Ung Thư." Ông cũng là đồng tác giả "Hướng về Phương Đông: Bí Quyết Cổ Xưa về Sắc Đẹp+Sức Khỏe cho Thời Hiện Đại" của HarperCollins và "Châm Cứu Lâm Sàng và Trung Y" của Oxford Press.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn