Tại sao thực phẩm động vật lại tốt cho trí óc?

Không còn nghi ngờ gì nữa, các loại trái cây và rau củ đầy màu sắc tạo nên phương pháp ăn kiêng hoàn hảo. Nhưng ngày càng nhiều chuyên gia nói rằng việc từ bỏ tất cả các sản phẩm động vật có thể khiến bộ não thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng.

Khẩu phần ăn uống thuần chay nghiêm ngặt thiếu các chất dinh dưỡng như protein hoàn chỉnh, một số chất béo lành mạnh, kẽm, sắt và có thể không nuôi dưỡng đầy đủ cho não. Điều này có thể làm suy giảm tâm trạng, trí nhớ và khả năng nhận thức.

Thiếu chất dinh dưỡng

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sự suy giảm sức khỏe tâm thần trong 75 năm qua có liên quan đến sự suy giảm chất lượng ăn uống.

Cả thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật đều đóng vai trò tối ưu hóa sức khỏe trí óc. Lượng chất xơ cũng quan trọng như lượng protein trong việc sản xuất serotonin, vốn rất quan trọng đối với một số chức năng của cơ thể, bao gồm ổn định tâm trạng, nhận thức, học tập và trí nhớ. Chất xơ có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật kích thích sản xuất acid béo chuỗi ngắn, từ đó kích thích sản xuất serotonin.

Ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật cũng có thể phát huy tác dụng chống viêm nhiều hơn, giúp cho quá trình lão hóa não khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc một số bệnh như chứng mất trí nhớ.

Tuy nhiên, cách ăn kiêng nghiêm ngặt dựa trên thực vật có nguy cơ thiếu vitamin B12 và sắt (nếu không được bổ sung). Điều này có thể không tốt cho sức khỏe thần kinh và nhận thức.

Bên cạnh các vi chất dinh dưỡng, chất béo và protein có nguồn gốc từ động vật là tối ưu cho sinh lý và cấu trúc của con người. Chất béo và protein là thành phần chính của cơ thể con người, đóng vai trò cấu trúc quan trọng trong các cơ quan, xương, cơ và não.

Trong khi một khẩu phần ăn chay hợp lý, bổ sung đầy đủ thực phẩm nguyên chất và trứng có thể hỗ trợ sức khỏe trí óc thì khẩu phần ăn thuần chay gây ra tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng khó khắc phục ngay cả khi bổ sung cẩn thận. Những rủi ro đối với sức khỏe tâm thần phụ thuộc vào cách xây dựng khẩu phần ăn dựa trên thực vật.

Để “tốt cho bộ não” thì bất kỳ khẩu phần ăn kiêng nào cũng cần phải đạt được ba mục tiêu:

  • Nên nuôi dưỡng bộ não với tất cả các dưỡng chất thiết yếu mà không cần dựa vào thực phẩm chế biến sẵn hoặc chất bổ sung tăng cường, bao gồm một số thực phẩm có nguồn gốc động vật trong khẩu phần ăn.
  • Bảo vệ não bằng cách loại trừ các thành phần siêu chế biến như tinh bột tinh chế.
  • Cung cấp năng lượng cho não bằng cách duy trì lượng đường trong máu và insulin khỏe mạnh trong suốt cuộc đời.

Bộ não cần chất béo

Bộ não có 2/3 là chất béo, với 20% là acid béo omega-3 thiết yếu docosahexaenoic acid (DHA), đóng vai trò quan trọng trong chức năng nhận thức.

Nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của DHA đối với chức năng thần kinh tối ưu. Mức DHA trong huyết tương cao hơn tương ứng với việc giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ do mọi nguyên nhân.

Vấn đề là thực phẩm có nguồn gốc thực vật thiếu DHA, vì vậy cơ thể phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dinh dưỡng từ động vật. Mặc dù thực vật có chứa acid alpha-linolenic omega-3 (ALA), nhưng việc chuyển đổi nó thành DHA quan trọng cho bộ não là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.

Tập san Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ công bố một nghiên cứu so sánh mức độ omega-3. Kết quả cho thấy mức độ DHA ở người ăn chay thấp hơn 31% và người ăn thuần chay thấp hơn 59% so với những người ăn thịt.

Hấp thụ kém hiệu quả

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có sự chênh lệch về dinh dưỡng giữa thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật. Chỉ những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật không có sữa, bao gồm thịt, hải sản và thịt gia cầm, mới cung cấp mọi chất dinh dưỡng thiết yếu ở dạng dễ tiêu hóa nhất.

Ngược lại, thực phẩm thực vật không chỉ thiếu một số chất dinh dưỡng quan trọng mà còn khó tiêu hóa.

Thực phẩm thực vật có chứa chất kháng dinh dưỡng, cản trở khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ cả thực phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật.

Ví dụ, ngũ cốc, đậu, các loại hạt rất nhiều phytate, một chất được biết là có tác dụng ức chế sự hấp thu các khoáng chất thiết yếu như sắt, kẽm, canxi và magiê. Những khoáng chất này rất quan trọng đối với nhiều chức năng, bao gồm tổng hợp dopamine, sản xuất chất dẫn truyền thần kinh và chuyển hóa năng lượng, vốn rất quan trọng cho sức khỏe và hoạt động trí óc tối ưu.

Mắt, não và hệ miễn dịch của chúng ta dựa vào vitamin A để thực hiện chức năng và duy trì cấu trúc. Trong khi thực vật chứa carotenoids có thể chuyển đổi thành retinol (dạng chức năng của vitamin A) trong cơ thể khỏe mạnh, thì quá trình chuyển đổi này vẫn là một thách thức. Độc tố môi trường và sự thiếu hụt dinh dưỡng có thể cản trở quá trình chuyển đổi này, dẫn đến thiếu vitamin A ngay cả khi tiêu thụ các loại thực vật dồi dào carotenoid như cà rốt, khoai lang và cải xoăn.

Tăng hấp thụ dưỡng chất trong khẩu phần ăn thực vật

Nấu nướng cẩn thận, kết hợp thực phẩm lý tưởng, quá trình nảy mầm và lên men có thể cải thiện đáng kể khả dụng sinh học của các vi chất dinh dưỡng từ thực vật.

Cụ thể, việc nảy mầm và lên men đã được chứng minh là giúp tăng khả năng hấp thụ của sắt và beta-carotene từ thực vật.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, với việc lập kế hoạch bữa ăn cẩn thận và bổ sung hợp lý, về mặt lý thuyết, những người trưởng thành ăn thuần chay hoặc ăn chay (ngoại trừ phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú) có thể đáp ứng được tất cả các chất dinh dưỡng thiết yếu. Tuy nhiên, điều này có thể là một thách thức và đòi hỏi nỗ lực siêng năng.

Tìm kiếm sự cân bằng

Thực vật chủ yếu có chức năng làm sạch cơ thể.

Ở trạng thái tự nhiên, thực vật có chứa các hợp chất thải độc giúp loại bỏ các hóa chất và độc tố có hại tích tụ trong cơ thể. Tuy nhiên, cần phải ăn lại các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật sau khi thanh lọc cơ thể để tránh cơ thể bị suy nhược và đói.

Điều này không có nghĩa là nên ăn quá nhiều thịt vì cũng có những nhược điểm. Một số nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ giữa việc ăn nhiều protein động vật trong thời gian dài, đặc biệt là thịt đỏ, với sức khỏe trí óc ở dưới mức tối ưu. Tuy nhiên, ở mức độ vừa phải, protein có trong các sản phẩm từ động vật rất cần thiết cho dinh dưỡng tổng thể.

Phương Vy biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Zena le Roux
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Zena le Roux là nhà báo sức khỏe (MA) và huấn luyện viên sức khỏe & thể chất được chứng nhận, chuyên về dinh dưỡng chức Học Thuyết Ứng Dụng Đa Thần Kinh Phế Vị. Cô hành nghề tư nhân và là nhà giáo dục dinh dưỡng cho một trường y tế có trụ sở tại Vương quốc Anh.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn