Lợi ích của việc nhịn ăn không chỉ dừng lại ở việc giảm cân

Nhịn ăn có thể giúp kiểm soát bệnh động kinh, ung thư và tiểu đường, đồng thời cũng có thể cải thiện tình trạng suy giảm nhận thức, tuy nhiên, một số người nên thận trọng [trước khi quyết định nhịn ăn].

Ngày nay, nhiều người hạn chế thời gian ăn của mình trong khoảng thời gian 8 tiếng khi họ gặp khó khăn lúc cài cúc quần. Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy việc nhịn ăn, bất kể theo phương thức nào, đều có lợi cho việc điều trị các bệnh khác nhau.

Nhịn ăn cải thiện chứng suy giảm nhận thức

Nhịn ăn có thể cải thiện sức khỏe bộ não. Những bệnh nhân thường xuyên nhịn ăn có những thay đổi tích cực về chức năng nhận thức thông qua hiệu ứng ketogenic, vì thể ketone có đặc tính bảo vệ thần kinh có thể làm tăng khả năng sống sót của tế bào thần kinh trong các tình trạng bệnh lý như thiếu oxy tổ chức và thiếu máu cục bộ.

Một nghiên cứu cho thấy sau khi nhịn ăn từ lúc bình minh đến khi hoàng hôn trong 30 ngày liên tục, những người khỏe mạnh có mức protein tiền thân của beta-amyloid (APP) giảm đáng kể so với trước khi nhịn ăn. Beta-amyloid là thành phần chính của các mảng amyloid được tìm thấy trong não của bệnh nhân Alzheimer (giảm trí nhớ) và được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh Alzheimer.

Lợi ích của việc nhịn ăn trong điều trị ung thư

Những bệnh nhân áp dụng cách giả nhịn ăn có nhiều khả năng đạt được mức giảm tế bào khối u từ 90% đến 100%. Hơn nữa, cách ăn này cũng làm giảm đáng kể tổn thương DNA ở tế bào lympho T do hóa trị.

Một nghiên cứu khác cho thấy nhịn ăn từ hai đến bốn ngày trước khi hóa trị có thể bảo vệ các tế bào bình thường khỏi các tác dụng phụ của thuốc hóa trị.

Ngoài ra, kết hợp nhịn ăn với hóa trị có thể trì hoãn sự tiến triển của nhiều loại u, bao gồm ung thư vú và u thần kinh đệm.

Nhịn ăn giúp cải thiện bệnh tiểu đường

Nhịn ăn có thể làm tăng độ nhạy insulin, giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường loại 1, giảm sự dao động của lượng đường trong máu và cải thiện quá trình chuyển hóa chất béo ở bệnh nhân tiểu đường loại 1 và loại 2.

Nhịn ăn trong điều trị bệnh động kinh

Việc áp dụng nhịn ăn để điều trị bệnh động kinh đã có lịch sử 2,500 năm. Vào đầu những năm 1920, Trường Y Harvard bắt đầu nghiên cứu tác động của việc nhịn ăn đối với bệnh động kinh và ghi nhận rằng các cơn động kinh thường cải thiện sau hai đến ba ngày nhịn ăn.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng việc thiếu thức ăn hoặc carbohydrate buộc cơ thể phải đốt cháy chất béo, từ đó làm thay đổi quá trình trao đổi chất và có thể giúp kiểm soát bệnh động kinh.

Người nào nên tránh nhịn ăn?

Mặc dù việc nhịn ăn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể phù hợp để nhịn ăn. Nếu bạn đang cân nhắc việc nhịn ăn, hãy nhớ tham khảo ý kiến ​​bác sĩ.

Mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy việc nhịn ăn có thể kiểm soát mức đường máu nhưng điều đó không có nghĩa là mọi bệnh nhân tiểu đường đều nên áp dụng cách ăn kiêng này. Việc bỏ bữa và hạn chế lượng calorie cũng có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân tiểu đường, Tiến sĩ Frank Hu, chủ tịch Khoa Dinh dưỡng tại Harvard T.H. Trường Y tế Công cộng Chan cho biết trên trang web của Đại học Harvard.

Ngoài ra, những người dùng thuốc điều trị huyết áp hoặc bệnh tim có thể dễ bị rối loạn điện giải hơn khi nhịn ăn.

Nhịn ăn không phù hợp với trẻ em hoặc thanh thiếu niên đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, vận động viên có nhu cầu calorie cao và những người thiếu cân. Việc nhịn ăn cũng không được khuyến khích cho những người bị rối loạn ăn uống tại thời điểm hiện tại hoặc trong quá khứ.

Khánh Nam biên dịch

Thu Anh biên tập

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Ellen Wan
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản Nhật ngữ của The Epoch Times từ năm 2007.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn