Lợi ích của ánh nắng mặt trời đang bị bỏ qua và sức khỏe chúng ta có thể gặp rủi ro
Ánh nắng mặt trời không chỉ giúp chúng ta tạo ra vitamin D mà còn có tác dụng ngăn ngừa một loạt bệnh tật, bao gồm cả một số bệnh ung thư.
Ánh nắng mặt trời không chỉ gây cháy nắng, trên thực tế, đây có thể là loại thuốc tốt nhất mà bạn không bao giờ phải trả tiền. Ngày nay, mặt trời bị mang tiếng xấu – nhiều người Mỹ cho rằng ánh nắng chẳng có lợi ích gì ngoài tác hại gây ra bệnh ung thư da – tuy nhiên, việc hấp thụ những tia nắng vàng óng ả đó có thể có lợi nhiều hơn có hại.
Trong nửa thế kỷ qua, việc các nghiên cứu và công chúng đã tập trung vào các nguy cơ sức khỏe do ánh nắng mặt trời gây ra, đặc biệt là ung thư da, đã làm lu mờ nhiều nghiên cứu liên kết ánh sáng mặt trời với sức khỏe thể chất và tinh thần tích cực.
Tất nhiên, bỏng da nặng vẫn có thể gây ra melanoma (một dạng ung thư da thường gặp). Đó là lý do tại sao yếu tố điều độ là chìa khóa để gặt hái những phần thưởng lành mạnh từ ánh nắng mặt trời mà không bị bỏng rát.
Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đã trở thành “Vấn đề sức khỏe cộng đồng”
Một nghiên cứu tổng quan khoa học năm 2020 được công bố trên International Journal of Environmental Research and Public Health (Tập san Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng) cho thấy rằng việc tránh ánh nắng mặt trời có thể nguy hiểm và việc tiếp xúc không đủ với ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến 820,000 ca tử vong hàng năm ở Hoa Kỳ và châu Âu.
Các nhà nghiên cứu báo cáo, “Các nghiên cứu trong thập niên qua cho thấy rằng việc tiếp xúc không đủ với ánh nắng mặt trời có thể là nguyên nhân gây ra 340,000 ca tử vong ở Hoa Kỳ và 480,000 ca tử vong ở châu Âu mỗi năm, đồng thời làm tăng tỷ lệ bị bệnh ung thư vú, ung thư đại trực tràng, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, hội chứng chuyển hóa, bệnh đa xơ cứng, bệnh Alzheimer, bệnh tự kỷ, bệnh hen suyễn, bệnh tiểu đường loại 1 và cận thị.”
“Việc tiếp xúc không đủ ánh nắng mặt trời là vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.”
Nghiên cứu toàn diện này lưu ý rằng việc bổ sung vitamin D không có tác dụng phòng ngừa tương tự đối với những căn bệnh nói trên, có thể là do các cơ chế khác được kích hoạt bởi ánh nắng mặt trời – như acid nitric được tiết ra từ da và tác động trực tiếp của bức xạ tia cực tím lên các tế bào máu ngoại vi – có thể là yếu tố tích cực làm giảm bệnh.
Tia nắng có thể ngăn ngừa bệnh tim
Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, khiến gần 18 triệu người qua đời mỗi năm.
Bằng chứng cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tác động tích cực đến bệnh cao huyết áp, là yếu tố nguy cơ đáng kể đối với bệnh tim và các bệnh mạch máu não ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến não.
Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng ánh nắng mặt trời làm giảm huyết áp bằng cách huy động oxide nitric được lưu trữ trong da, từ đó tăng lượng oxide nitric có sẵn, làm giãn mạch máu. Bằng cách thúc đẩy sự giãn mạch, oxide nitric giúp điều hòa lưu lượng máu đến các mô và cơ quan khác nhau trong cơ thể.
Ngoài việc cải thiện lưu lượng máu và hạ huyết áp – cả hai đều làm giảm nguy cơ đột quỵ – việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời còn làm tăng lượng vitamin D, điều này cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ.
Vitamin D từ ánh sáng mặt trời có thể giúp ức chế tình trạng viêm trong mạch máu và giúp ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông, có khả năng làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Nghiên cứu: Tránh ánh nắng mặt trời có thể có hại như hút thuốc
Lối sống hiện đại, đặc trưng bởi các công việc trong nhà, ít hoạt động ngoài trời hơn và việc sử dụng rộng rãi điều hòa nhiệt độ đã khiến nhiều người giảm khả năng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, mọi người ở trong nhà để tham gia các hoạt động thường buộc phải ra ngoài, như mua sắm thực phẩm và quần áo [trực tuyến]. Những thay đổi này làm dấy lên mối lo ngại về tác động tiềm tàng của lối sống hiện đại đối với tuổi thọ.
Trong nghiên cứu quan sát khoảng 40 phụ nữ Thụy Điển tuổi từ 25 đến 64 cho thấy việc tránh ánh nắng mặt trời cũng nguy hiểm như hút thuốc. Được công bố trên Journal of Internal Medicine (Tập san Nội khoa) năm 2016, nghiên cứu đã tổng hợp dữ liệu từ một nghiên cứu bao gồm khoảng 1,000 phụ nữ ở mỗi nhóm tuổi trong 20 năm.
Những phụ nữ thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có nguy cơ bị bệnh tim mạch và các bệnh khác, ngoại trừ ung thư, thấp hơn so với những người tránh ánh nắng mặt trời. Nhóm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có tuổi thọ trung bình dài hơn từ sáu tháng đến hai năm. Tỷ lệ tử vong do ung thư tăng lên ở những phụ nữ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời được cho là do phụ nữ sống lâu hơn, vì tuổi tác là yếu tố nguy cơ đáng kể phát triển ung thu.
Ánh nắng mặt trời có thể ngăn ngừa các bệnh mạn tính
1. Tiểu đường loại 1
Theo nghiên cứu năm 2016 của Đan Mạch bao gồm hơn 330,000 trẻ em, hơn một nửa trong số đó là nam giới, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi mang thai có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 1 hoặc bệnh tiểu đường ở trẻ vị thành niên. Sau 15 năm quan sát, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các bé trai từ 5 đến 9 tuổi có mẹ tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời hơn trong tam cá nguyệt thứ ba đã giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 1. Tuy nhiên, tác dụng bảo vệ không được quan sát thấy ở các bé gái.
Nghiên cứu của Úc trên khoảng 29,000 bé trai được công bố trên Tập san Nature (Tự nhiên) vào năm 2021 cũng cho thấy những trẻ tiếp xúc với tỷ lệ tia UV (tia cực tím) cao hơn trong năm đầu đời hoặc ba tháng thứ ba của thai kỳ có nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 1 thấp hơn.
2. Bệnh đa xơ cứng
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có liên quan đến việc giảm nguy cơ bị bệnh đa xơ cứng (MS). MS làm tổn thương các sợi thần kinh, gây ra các triệu chứng như tê liệt và mù lòa.
Nghiên cứu của Úc cho thấy những người phơi nắng trung bình ít nhất hai tiếng mỗi ngày khi còn nhỏ có nguy cơ bị bệnh MS thấp hơn so với những người phơi nắng ít hơn hai tiếng mỗi ngày.
Nghiên cứu trên 1,660 bệnh nhân MS và 3,050 đối tượng kiểm soát ở Na Uy và Ý cũng cho thấy việc phơi nắng không thường xuyên vào mùa hè làm tăng đáng kể nguy cơ bị bệnh MS, đặc biệt đối với người Na Uy từ 16 đến 18 tuổi và người Ý từ 5 tuổi trở lên.
Nghiên cứu của Thụy Điển năm 2012 đã kết luận rằng không phụ thuộc vào vitamin D, ánh nắng mặt trời có thể bảo vệ chống lại sự phát triển của bệnh MS. Nghiên cứu kéo dài 5 năm với hơn 2,000 đối tượng cho thấy những người ít tiếp xúc hơn với ánh nắng mặt trời có nguy cơ bị bệnh MS cao hơn không tính đến mức vitamin D. Cơ chế sinh lý của ánh nắng mặt trời, ngoài việc tăng cường vitamin D, có thể giúp giải thích mối liên hệ của ánh nắng với việc giảm nguy cơ bị bệnh MS.
3. Bệnh chàm và dị ứng
Bệnh chàm thường biểu hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong nghiên cứu năm 2018, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh tiếp xúc với tia UV trực tiếp nhiều hơn có tỷ lệ nhiễm bệnh chàm và các dấu hiệu viêm thấp hơn.
Người ta cũng phát hiện ra rằng việc tiếp xúc trực tiếp với tia UV trong những tháng đầu đời có hiệu quả ngăn ngừa dị ứng hơn là chỉ bổ sung vitamin D.
4. Ung thư da melanoma
Trong khi việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không liên tục làm tăng nguy cơ bị melanoma – dạng ung thư da nghiêm trọng và xâm lấn nhất – thì việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời liên tục có thể có tác dụng bảo vệ.
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times