Lấy lại sức khỏe giữa thế giới độc hại
Giảm thiểu nguy cơ từ môi trường có thể ngăn ngừa gần 1/4 trong số chín triệu người tử vong mỗi năm vì các bệnh mạn tính do ô nhiễm môi trường
Năm 1979, khi Amy Ziff lên 9 tuổi, cô bị chứng đau nửa đầu trầm trọng kèm theo tình trạng run rẩy không kiểm soát được. Sau khi được chẩn đoán bị bệnh thần kinh tiến triển mạn tính, các bác sĩ cho biết cô chắc chắn sẽ phải dùng thuốc giảm đau và tử vong sớm. Khi đó, mẹ cô đã không đồng ý với chẩn đoán này. Sau khi đi hết bác sĩ này đến bác sĩ khác, mẹ cô cuối cùng cũng tìm được một bác sĩ chuyên khoa dị ứng, người mà cô Ziff khẳng định đã cứu sống mình.
Cô Ziff ghi lại nhật ký thực phẩm, và kết quả xét nghiệm dị ứng cho thấy cô dị ứng mạnh với nhiều thứ trong nhà và môi trường như: bụi, mạt bụi, vảy da, nấm mốc, cây cối, cỏ, mèo, chó, và quần áo. Sau khi ngừng tiếp xúc với nhiều chất gây dị ứng đó và thay đổi cách ăn uống, các triệu chứng đã biến mất – và cô đã trở thành một “học sinh lớp bốn bình thường.” Mặc dù vẫn rất nhạy cảm nhưng hiện giờ cô Ziff đã biết cách chế ngự điều đó.
Trải nghiệm hình thành trong thời thơ ấu cũng đã giúp cô lựa chọn nghề nghiệp – nâng cao nhận thức về các hóa chất độc hại đã thâm nhập rộng khắp trên thế giới và cuộc sống của chúng ta.
Cô Ziff là một ký giả, huấn luyện viên sức khỏe, người sáng lập Made Safe – một chương trình chứng nhận sản phẩm tập trung vào sức khỏe con người và hệ sinh thái. Gần đây cô đã thuyết giảng bài “Những cách đơn giản để giảm tổng lượng chất độc hại” tại Documenting Hope Conference (Hội Nghị Hy Vọng Có Dẫn Chứng) ở Orlando, Florida.
Một con số đáng kinh ngạc là chín triệu người tử vong mỗi năm vì các bệnh mạn tính do ô nhiễm môi trường. Giảm thiểu những nguy cơ từ môi trường có thể ngăn ngừa gần 1/4 số ca tử vong trên toàn thế giới.
Theo cô Ziff, mỗi năm thị trường có thêm khoảng 7000 hóa chất và hầu hết các nhà sản xuất không tiến hành bất kỳ nghiên cứu trước khi đưa [sản phẩm] ra thị trường. Tức là những hóa chất này được đưa ra thị trường mà chúng ta không hề biết về tác động của chúng đối với môi trường và sức khỏe. Cô nói rằng chúng ta đã trở thành một xã hội “hóa chất đi trước các hậu quả.”
Các hóa chất tổng hợp liên tục tràn ngập trong thực phẩm, không khí, nước và các sản phẩm chúng ta mua. Trong bài giảng của mình, cô Ziff đã chỉ ra một số ví dụ mà cô gọi là “hoá chất độc hại P,” bao gồm:
- Thực phẩm đã qua chế biến (Processed foods).
- Thuốc trừ sâu (Pesticides).
- PFAS (các chất per-và polyfluoroalkyl).
- Nhựa và hóa chất làm dẻo (Plastics and plasticizing chemicals).
- Chất chống cháy (Performance flame retardants).
- Sản phẩm ô nhiễm (Product pollution).
Ví dụ: Theo U.S. Right to Know, thuốc trừ sâu chlorpyrifos – được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ cho đến khi bị cấm vào năm 2021 – có liên quan chặt chẽ đến một số tác động có hại ở trẻ em, bao gồm cả tổn thương não. Một tổng quan năm 2017 cho biết các nghiên cứu dịch tễ học mà họ xem xét “đã báo cáo mối tương quan có ý nghĩa thống kê giữa phơi nhiễm trước khi sinh với CPF [chlorpyrifos] và các biến chứng thần kinh sau sinh, đặc biệt là suy giảm nhận thức cũng liên quan đến sự phá vỡ tính toàn vẹn cấu trúc của não bộ.”
Atrazine đã bị cấm sử dụng ở Liên minh Âu Châu từ năm 2004. Đây là một chất diệt cỏ được sử dụng rộng rãi thứ hai ở Hoa Kỳ và gây rối loạn nội tiết mạnh. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, hơn 70 triệu pound (31.7 triệu kg) atrazine được sử dụng trên khắp đất nước mỗi năm. Atrazine có liên quan đến nhiều bệnh ung thư, sinh non và khuyết tật bẩm sinh.
Tiếp theo là thực phẩm.
Aspartame là một thành phần phổ biến trong các sản phẩm ăn kiêng và giảm cân. Nhiều nghiên cứu đã liên kết chất làm ngọt nhân tạo này với nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm đau đầu, đau nửa đầu, rối loạn tâm trạng, co giật, bệnh Alzheimer, bệnh tim mạch, và ung thư.
Và danh sách vẫn còn.
Khi hiểu được mức độ phổ biến của các hóa chất độc hại này, bạn có thể sẽ cảm thấy choáng ngợp. May mắn là việc giảm thiểu và thay thế các hóa chất độc hại bằng những lựa chọn tự nhiên hơn là khả thi và đáng giá, nhờ đó giúp giảm lượng chất độc hại và nâng cao sức khỏe của chúng ta cũng như của cả gia đình.
Thực phẩm
Cô Ziff đã đưa ra một số lời khuyên thiết thực về cách loại bỏ thực phẩm [độc hại] và hóa chất, cũng như những thứ có thể thay thế để giảm lượng chất độc hại và tăng khả năng phục hồi.
Thực phẩm là một ví dụ tuyệt vời thể hiện mức độ ảnh hưởng của cách lựa chọn đến lượng hóa chất tiêu thụ. Dưới đây là một số ví dụ về các mặt hàng và thành phần nên hạn chế, tránh hoặc loại bỏ để giảm khả năng tiếp xúc với hóa chất.
- Tránh các thành phần hóa học bằng cách ăn thực phẩm nguyên chất, hữu cơ khi có thể.
- Loại bỏ thực phẩm chế biến.
- Không dùng dầu đã qua chế biến.
- Tránh thuốc nhuộm và hương liệu.
- Tránh dùng túi và màng bọc thực phẩm vì chúng có thể thấm hóa chất vào thực phẩm.
- Tránh soda và nước trái cây có chứa thành phần hóa học và thêm đường đã qua chế biến.
- Tránh GMO.
- Lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn sử dụng ít nguyên liệu hơn.
Lời khuyên để lựa chọn lành mạnh:
- Ăn thực phẩm toàn phần (đặc biệt là thực vật) trong mỗi bữa ăn.
- Ăn thực phẩm hữu cơ không có thuốc trừ sâu khi có thể.
- Ăn bữa ăn cầu vồng mỗi ngày gồm nhiều loại rau củ quả với đủ màu sắc để nhận được nhiều loại vitamin và chất dinh dưỡng.
- Ngâm trái cây và rau quả trong 2 thìa baking soda và nước để làm sạch.
- Lọc nước uống.
- Uống kombucha hoặc nước lọc đơn giản với một chút chanh tươi.
- Ăn các loại hạt nguyên chất không thêm dầu hoặc hương liệu.
- Ăn chủ yếu thực vật để giảm độc tố và sử dụng ít tài nguyên hơn.
- Nhịn ăn ít nhất 12 tiếng mỗi đêm để cơ thể được nghỉ ngơi và thải độc.
Con đường phía trước
Việc bắt đầu từ đâu có vẻ khó khăn khi bạn hiểu về khối lượng hóa chất khổng lồ gặp phải hàng ngày và cách chúng tàn phá sức khỏe. Tuy nhiên, cô Ziff giải thích rằng chúng ta có thể làm những điều đơn giản, tự nhiên để bảo vệ bản thân và trau dồi sức khỏe. Dưới đây là một số cách khởi đầu:
- Hít thở. Hít thở sâu giúp nuôi dưỡng tế bào, giảm huyết áp và tốt cho hệ thần kinh. Các bài tập thở cũng giúp giảm căng thẳng, cải thiện chức năng nhận thức và giấc ngủ – thời điểm quan trọng cơ thể thực hiện quá trình chữa lành và thải độc.
- Ngủ. Đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, việc ngủ phải được thực hiện trong phòng tối, sạch sẽ, mát mẻ, không có thiết bị điện tử. Để tất cả các thiết bị điện tử ở phòng khác và hạn chế thời gian trước màn hình trước khi đi ngủ.
- Đổ mồ hôi. Đổ mồ hôi là một trong những con đường thải độc chính của cơ thể, vì vậy tập thể dục thường xuyên đến mức đổ mồ hôi sẽ giúp cơ thể thải độc và loại bỏ bất kỳ hóa chất nào đang tích tụ. Hãy cố gắng đổ mồ hôi mỗi ngày bằng cách tập thể dục hoặc sử dụng phòng xông hơi hồng ngoại.
- Thiền. Thiền là phương pháp tuyệt vời để quản lý căng thẳng và bình tâm. Thiền giúp nâng cao sự tự nhận thức và cho phép bạn tập trung vào hiện tại. Thiền cũng đã được chứng minh giúp giảm nhịp tim, huyết áp khi nghỉ ngơi và cải thiện giấc ngủ.
- Hòa mình vào thiên nhiên. Mỗi ngày dành một khoảng thời gian ở ngoài trời rất hữu ích cho thân và tâm. Ngoài ra hãy tiếp đất bằng cách cởi giày và đi bộ trên bãi cỏ. Làm vườn là một hoạt động khác giúp tăng sức khỏe và đưa bạn ra ngoài cũng như kết nối nhiều hơn với trái đất và thực phẩm.
Đôi lời cuối
Việc tiếp xúc với chất độc hại và những ảnh hưởng đối với sức khỏe của trẻ em là một chủ đề cam go nhưng vẫn có hy vọng. Chúng ta cần bắt đầu từ việc nhận thức vấn đề và giảm lượng chất độc hại cho gia đình, sau đó là giới thiệu các phương pháp chữa lành giúp xây dựng khả năng phục hồi và thải độc các hóa chất không thể tránh khỏi.
Đơn giản hóa cuộc sống và quay trở lại với thiên nhiên là những bước khởi đầu tốt.
Để biết thêm thông tin về các chất độc cụ thể, độ an toàn của thành phần và các sản phẩm đã được chứng nhận là an toàn, hãy xem trang web của cô Ziff – madesafe.org.
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.