Kỷ tử dưỡng thận và bổ mắt, bác sĩ Trung y nổi tiếng hướng dẫn 5 cách ăn tốt nhất
Theo cổ y văn, dùng trái kỷ tử (Lycium chinense) trong thời gian dài sẽ giúp kéo dài tuổi thọ và cơ thể nhanh nhẹn. Đây có thể là lý do tại sao kỷ tử còn được gọi là “trái thần tiên.” Da kém sắc, ngủ kém, đau lưng, rụng tóc, cận thị và lão thị (viễn thị liên quan đến tuổi tác) đều có thể được cải thiện bằng cách thêm một ít kỷ tử vào các món ăn.
Vậy cách chọn trái kỷ tử và cách ăn như thế nào để tốt cho sức khỏe?
3 lời khuyên khi chọn trái kỷ tử
Làm thế nào để chọn trái kỷ tử chất lượng cao và tốt cho sức khỏe? Trước tiên, không nên mua 3 loại kỷ tử sau:
1. Đều một màu: Bởi vì những trái kỷ tử nhuộm, bao gồm cả phần cuống, đều có cùng một màu. Cuống của trái kỷ tử tự nhiên sẽ có màu nhạt hơn.
2. Có vị chua: Kỷ tử nhuộm màu được hun bằng khói lưu huỳnh, bóng và có vị chua.
3. Làm đổi màu nước: Nếu bạn ngâm kỷ tử vào nước và nước đổi màu thì chứng tỏ kỷ tử đã bị nhuộm màu.
5 cách ăn kỷ tử và 5 tác dụng chính
1. Trà kỷ tử và táo đỏ: Trẻ hóa và làm săn chắc da.
Thức khuya thường dẫn đến quầng thâm mắt, tay chân lạnh, lúc này, bạn có thể pha một tách trà kỷ tử và táo đỏ. Vào thời nhà Tống, có một cuốn sách tên là “Dưỡng Lão Phụng Thân Thư,” trong đó nói rằng dùng kỷ tử trong thời gian dài có thể cải thiện thị lực và giúp con người trông trẻ hơn.
Táo đỏ và kỷ tử đều là những vị thuốc bảo vệ gan rất tốt, không những có tác dụng tiêu trừ mệt mỏi, làm ấm cơ thể, cải thiện chứng lạnh tay chân, làm cho khuôn mặt hồng hào mà còn giúp an thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm quầng thâm dưới mắt.
Cách làm: Cho một nắm kỷ tử và năm trái táo đỏ vào chén giữ nhiệt, pha với nước sôi, đậy nắp và ngâm trong 5 phút. Vào mùa đông, có thể cho thêm một miếng gừng để chống cảm lạnh.
2. Nước mật ong kỷ tử: Cải thiện tình trạng cận thị, lão thị.
Kỷ tử bảo vệ mắt và cải thiện thị lực, đồng thời có thể giúp cải thiện chứng lão thị và cận thị.
Cách làm: Cho một thìa kỷ tử vào chén và ngâm với nước sôi. Đợi 2 hoặc 3 phút cho nhiệt độ nước nguội đi một chút, sau đó thêm một thìa mật ong, khuấy đều. Uống 1 chén vào mỗi buổi sáng và trước khi đi ngủ sẽ giúp cải thiện thị lực.
3. Cháo kỷ tử: Thuốc bổ mắt tự nhiên. Lục Du, một nhà thơ lỗi lạc thời nhà Tống, đã viết một bài thơ có hai câu thơ như sau: “Tiếng chuông ngân trong trẻo từ căn nhà tranh trong tuyết, một bát cháo kỷ tử cho bữa sáng.” Ông cho rằng, mỗi sáng ăn một bát cháo kỷ tử và nghe tiếng chuông ngân có thể khiến đầu óc minh mẫn.
Khi viết bài thơ này, ông đã già lắm rồi, mắt mờ và thị lực kém. Bác sĩ khuyên ông nên ăn thêm kỷ tử. Và trong những năm cuối đời, thị lực của ông thực sự đã được cải thiện.
Nếu quý vị thường xuyên nhìn chăm chú vào màn hình máy tính và cảm thấy mắt bị khô, mỏi, nhức mắt hoặc chảy nước mắt, hãy thử bắt chước cách làm của ông Lục và ăn cháo kỷ tử vào bữa sáng hàng ngày. Những ai thích ăn ngọt có thể thêm chút đường nâu. Hoặc nếu muốn ăn thịt, cũng có thể thêm chút sườn heo.
4. Bài thuốc kỷ tử: Bổ thận và kích thích mọc tóc
Mái tóc của quý vị đang mỏng đi và đường chân tóc bị thu hẹp lại? Đừng lo lắng; Trung y có bài thuốc có thể ngăn ngừa rụng tóc, kích thích tóc mọc nhanh và giúp quý vị trông trẻ đẹp hơn.
Nguyên liệu: 30g (1.1 ounce) Địa hoàng, 25g (0.9 ounce) đậu đen, 15g (0.5 ounce) kỷ tử, 300g (10.6 ounce) thịt nạc.
Cách làm: Đậu đen tương đối cứng nên cần phải nấu chín trước. Nấu 25g đậu đen với 8 tô nước trong khoảng 30 phút, sau đó cho Địa hoàng, kỷ tử và thịt nạc vào nấu khoảng một giờ cho đến khi còn gần 2 tô nước. Quý vị có thể chỉ uống nước canh hoặc ăn cả món.
Đậu đen, kỷ tử, Địa hoàng đều có tác dụng bổ thận và Địa hoàng còn có tác dụng bổ huyết. Uống khoảng 2 hoặc 3 lần một tuần, hiệu quả sẽ rất tốt.
5. Súp gà kỷ tử và táo đỏ: Bảo vệ vùng thắt lưng và săn chắc gân cốt.
Quý vị đã bao giờ đếm thời gian mà mình dành cho việc ngồi ở bàn hay ghế chưa?
Nhiều người đến nơi làm việc lúc 8 giờ sáng và không bao giờ rời khỏi bàn phím và chuột, nhìn vào màn hình máy tính cho đến 8 hoặc 9 giờ tối. Kết quả là họ thường đau vùng thắt lưng. Đôi khi lưng cứng đến mức không thể đứng thẳng lên được.
“Thần Nông Bản Thảo Kinh” đề cập đến lợi ích của kỷ tử: “Làm săn chắc gân cốt sau khi sử dụng lâu dài, giúp cơ thể nhẹ nhàng và trẻ lâu, có khả năng chịu được lạnh và nóng.” Ăn kỷ tử thường xuyên có thể bổ thận và củng cố vùng thắt lưng, đồng thời làm giảm đau và ngăn ngừa đau vùng thắt lưng.
Nguyên liệu: nửa con gà, 6 – 8 chiếc nấm hương, 8 – 10 trái táo đỏ, một ít kỷ tử và một ít gừng. Lượng này đủ cho khoảng ba phần ăn, số lượng nguyên liệu có thể được điều chỉnh tùy theo số lượng người.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times