Dâu tằm – vị thuốc quý với 5 tác dụng nổi bật

Nghiên cứu cho thấy chiết xuất dâu tằm giúp giảm mỡ trong cơ thể, ngăn ngừa sự tích tụ lipid trong gan và kìm hãm sự tăng cân do khẩu phần ăn nhiều chất béo.

Từ xa xưa đã có câu “thực phẩm là thuốc” và cây dâu tằm là một ví dụ điển hình cho câu ngạn ngữ này. Dâu tằm đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ nhờ các đặc tính chữa bệnh.

Dâu tằm chứa rất nhiều dinh dưỡng, bao gồm protein, chất xơ, vitamin và các hợp chất polyphenolic như anthocyanin. Loại trái cây này giúp chống lại bệnh tật với các tác dụng sau:

1. Tác dụng chống ung thư

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm năm 2020 cho thấy điều trị bằng các hợp chất phân lập từ dâu tằm giúp giảm đáng kể kích thước và trọng lượng của khối u.

2. Tác dụng hạ lipid

Chiết xuất dâu tằm có thể làm giảm lipid máu (cholesterol toàn phần và triglycerid) bằng cách giảm quá trình sinh tổng hợp lipid, có thể dùng như một giải pháp tự nhiên chống lại tình trạng tăng lipid máu.

3. Tác dụng hạ đường huyết

Nghiên cứu cho thấy điều trị bằng chiết xuất dâu tằm làm giảm dần mức đường huyết ở chuột mắc bệnh tiểu đường. Sau 8 đến 12 tuần điều trị bằng chiết xuất dâu tằm, đường huyết trở về bình thường.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng chiết xuất dâu tằm có tác dụng bảo vệ não và các cơ quan chuyển hóa glucose như gan, thận và tuyến tụy bằng cách làm gia tăng các enzyme chống oxy hóa, từ đó giúp cải thiện bệnh tiểu đường.

4. Tác dụng giảm cân

Chiết xuất dâu tằm có thể kìm hãm sự tăng cân do khẩu phần ăn nhiều chất béo và giảm mỡ trong cơ thể. Chiết xuất dâu tằm cũng có thể ngăn ngừa sự tích tụ lipid trong gan, chống lại mỡ nội tạng.

Tác dụng này là do dâu tằm chứa rất nhiều polyphenol, có tác dụng làm sạch các gốc tự do, ức chế tổng hợp lipid và điều hòa quá trình trao đổi chất.

5. Tác dụng chống lão hóa

Chiết xuất dâu tằm sấy khô trong không khí làm tăng đáng kể độ ẩm cho da, giảm các sản phẩm gây lão hoá như glycat hóa bền vững và giảm bớt căng thẳng oxy hóa.

Ngoài ra, chất anthocyanin dồi dào trong dâu tằm đã được nhiều nghiên cứu khẳng định có tác dụng ngăn ngừa và cải thiện các bệnh liên quan đến tuổi già.

Trái dâu tằm. (Ảnh: Regreto/Shutterstock)
Trái dâu tằm. (Ảnh: Regreto/Shutterstock)

Dâu tằm trong Trung y

Các y văn cổ đại của Trung Quốc đã ghi chép đầy đủ về giá trị chữa bệnh của dâu tằm. Ví dụ, dâu tằm được cho là có tác dụng nuôi dưỡng thận, ngăn bạc tóc, trì hoãn sự suy giảm thị lực và thính giác. Dâu tằm cũng tốt cho khớp và có tác dụng xoa dịu tinh thần.

Thận trọng khi ăn dâu tằm

Mặc dù dâu tằm có nhiều lợi ích sức khỏe nhưng vẫn cần thận trọng khi ăn.

Theo Bộ Nông nghiệp Đài Loan, một số người có thể không thích hợp để ăn dâu tằm. Dâu tằm xanh chưa chín có chứa một lượng lớn acid tannic, tiêu thụ quá nhiều có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ canxi và sắt của cơ thể, vì vậy trẻ em nên thận trọng khi ăn. Ngoài ra, dâu tằm còn chứa nhiều đường nên người mắc bệnh tiểu đường, hệ tiêu hóa yếu nên ăn ở mức độ vừa phải.

Công thức trà hoa cúc dâu tằm kỷ tử bổ gan thận

Thành phần:

  • 5 bông hoa cúc khô
  • 10 trái kỷ tử
  • 10 trái dâu tằm

Phương pháp:

Cho tất cả nguyên liệu vào 500ml nước nóng, đậy nắp chén và ngâm trong 5 phút trước khi uống.

Trà hoa cúc kỷ tử. (Ảnh: Tiến sĩ Hồ Nãi Văn/The Epoch Times)
Trà hoa cúc kỷ tử. (Ảnh: Tiến sĩ Hồ Nãi Văn/The Epoch Times)

Dâu tằm bổ gan thận và bổ máu, hoa cúc làm sạch gan và cải thiện thị lực, trong khi trái kỷ tử cũng giúp nuôi dưỡng gan thận.

Tú Liên biên tập

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Ellen Wan
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản Nhật ngữ của The Epoch Times từ năm 2007.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn