Khí công, thiền định và các bài tập thở giúp cải thiện sức khỏe mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào
Trong khi một nghiên cứu mới cho thấy hiệu quả của việc “thở theo chu kỳ,” thì một nghiên cứu về gene đã chứng minh Pháp Luân Công đem lại lợi ích cho hàng triệu người nhờ cân bằng hệ miễn dịch.
Một nghiên cứu với hơn 100 người tham gia, được công bố vào 01/2023 trên Tập san Cell Reports Medicine, đã thử nghiệm hiệu quả của thiền chánh niệm đối với ba bài tập thở khác nhau.
Nghiên cứu có tựa đề “Các bài tập thở ngắn có cấu trúc ngắn giúp nâng cao tâm trạng và giảm kích thích sinh lý,” được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Stanford thuộc khoa Sinh học thần kinh và Tâm thần học, do Giáo sư Tiến sĩ Andrew Huberman đứng đầu.
Nghiên cứu cho thấy rằng “thở dài theo chu kỳ,” có hiệu quả hơn so với thiền chánh niệm và các kỹ thuật thở khác trong việc giảm căng thẳng và tăng sức khỏe tim mạch.
Phát hiện này có tính thuyết phục. Tuy nhiên, các tác giả đã không cung cấp bằng chứng sinh hóa về lý do vì sao kỹ thuật thở theo chu kỳ lại có hiệu quả tốt như vậy.
Một nghiên cứu được bình duyệt khác được công bố vào năm 2005 trên Tập san Y học Thay thế và Bổ sung, đã so sánh biểu hiện gene của sáu học viên Pháp Luân Công với sáu người khỏe mạnh chưa bao giờ thực hành thiền định.
Pháp Luân Công (hay Pháp Luân Đại Pháp) là một môn khí công cổ xưa. Khí công là một thuật ngữ chung đề cập đến các thực hành tu luyện và cân bằng khí (năng lượng sống).
Nghiên cứu: “Hồ sơ di truyền của các bản phiên mã bạch cầu trung tính ở các học viên Khí công Á Châu: một nghiên cứu thí điểm về điều hòa gene bằng tương tác giữa cơ thể và tâm trí,” đã dùng công nghệ microarray DNA để xác định hồ sơ di truyền và chức năng hệ miễn dịch của những người tham gia.
Các nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Y tế Tây Nam Đại học Texas và Đại học Y khoa Baylor danh tiếng ở Houston, đã kết luận rằng các học viên Pháp Luân Công cho thấy sự gia tăng khả năng miễn dịch, giảm chuyển hóa tế bào và thay đổi các gene gây chết tế bào để giải quyết nhanh chóng tình trạng viêm. Nói cách khác, một số gene nhất định “hoạt động” nhiều hơn trong khi các gene khác kém “hoạt động” hơn ở các học viên Pháp Luân Công.
Thiền chánh niệm và dây thần kinh phế vị
Cả chánh niệm và thiền định đều trở nên phổ biến ở Tây phương trong những thập niên gần đây. Thiền chánh niệm đã được ghi nhận là giúp kiểm soát căng thẳng cũng như giảm bớt tác động của căng thẳng đối với sức khỏe tâm sinh lý.
Nghiên cứu của tiến sĩ Huberman tập trung vào hiệu quả của các hình thức thiền và hít thở khác nhau đối với tâm trạng, mức độ lo lắng, và nhịp tim.
Họ cho rằng bằng cách kích thích dây thần kinh phế vị, chỉ riêng hít thở cũng có thể giúp kiểm soát căng thẳng và đem lại những lợi ích sức khỏe khác tương tự như thiền định.
Để kiểm tra giả thuyết này, các nhà nghiên cứu đã so sánh các kỹ thuật thở với các kỹ thuật thiền không liên quan đến bất kỳ loại thở đặc biệt nào. Về mặt thần kinh, điều này giúp tách biệt kỹ thuật thở ra khỏi thiền định.
Hóa ra, hơi thở có ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh phế vị.
Dây thần kinh phế vị là dây thần kinh dài nhất trong số mười hai dây thần kinh kết nối bộ não với các bộ phận khác của đầu, cổ và cơ thể.
Thần kinh phế vị gồm hai dây thần kinh đi ra từ bên trái và bên phải ở vùng giữa thân não – tủy não.
Dây thần kinh phế vị kiểm soát hệ thần kinh tự chủ để điều hòa cả mức độ kích thích của tim và cảm xúc.
Nói cách khác, đây là công tắc chính để xoa dịu trái tim và xoa dịu tâm trí.
Nghiên cứu cho thấy rằng thực hành năm phút mỗi ngày, cho dù là tập thở hay thiền chánh niệm, sẽ giúp cải thiện tâm trạng và giảm lo lắng.
Những người trong cả hai nhóm thiền chánh niệm và tập thở đã giảm lo lắng và cải thiện tâm trạng. Ngoài ra, 90% đối tượng tham gia thử nghiệm cho biết họ có những trải nghiệm tích cực khi luyện tập.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tập thở cho kết quả tích cực hơn so với thiền chánh niệm. Và cách thở hiệu quả nhất là thở dài theo chu kỳ, một kỹ thuật nhấn mạnh vào việc thở ra kéo dài.
Thở dài thường được xem là dấu hiệu của sự buồn bã, không hài lòng, hoặc bực tức.
Nhưng thở dài thực sự là một cơ chế tự nhiên của cơ thể để điều chỉnh phản ứng đối với căng thẳng.
Vì vậy, thông qua việc sử dụng một cách chủ ý “tiếng thở dài sinh lý,” kỹ thuật thở dài theo chu kỳ giúp xoa dịu dây thần kinh phế vị.
Trong tất cả các kỹ thuật được thử nghiệm, nhóm của tiến sĩ Huberman kết luận rằng thở dài theo chu kỳ đem lại kết quả khả quan nhất.
Môn khí công cổ xưa với 5 bài động tác
Là một môn khí công có nguồn gốc từ Trung Quốc, Pháp Luân Công hiện đã được thực hành trên toàn thế giới. Rất có thể bạn sẽ tìm thấy một điểm luyện công ở gần bạn.
Môn khí công này bao gồm hai phần chính: tự cải thiện bản thân thông qua việc học các giáo lý, và một bộ năm bài công pháp nhẹ nhàng và thiền định.
Các bài giảng khuyến khích học viên buông bỏ những chấp trước không lành mạnh khi họ cố gắng điều chỉnh cuộc sống của mình theo ba nguyên tắc: chân, thiện, nhẫn.
5 bài công pháp nhẹ nhàng và thiền định đều dễ học:
Bài thứ 1 là bài tập kéo giãn. Với bài tập này, cần kéo căng cơ thể ở 8 tư thế khác nhau để khai thông tất cả các kinh mạch của cơ thể.
Bài thứ 2 là thiền đứng. Động tác bao gồm đứng yên và giữ hai tay ở bốn vị trí càng lâu càng tốt. Bài tập này dễ học nhưng rất khó giữ vững, vì mỗi tư thế cần phải đứng yên trong một thời gian dài.
Bài thứ 3 là bài đứng với động tác tay chậm giúp thanh lọc cơ thể bằng cách trao đổi khí (năng lượng) với vũ trụ.
Bài thứ 4 cũng là một bài công pháp đứng, bao gồm việc dùng hai bàn tay để nhẹ nhàng di chuyển trên cơ thể. Bài tập này giúp chữa lành mọi tình trạng bất thường mà cơ thể có thể gặp phải.
Bài thứ 5 là một bài thiền ngồi không dùng ý niệm hay kỹ thuật thở.
Các học viên thường lắng nghe giai điệu nhẹ nhàng khi luyện công. Âm nhạc cũng giúp xoa dịu tâm trí và ngăn chặn những suy nghĩ làm xáo trộn sự bình yên trong tâm.
Các sách Pháp Luân Đại Pháp và video hướng dẫn luyện công được cung cấp miễn phí trực tuyến. Tuy nhiên, phần lớn mọi người bắt đầu tập Pháp Luân Công bằng cách đến các điểm luyện công địa phương để học từ các học viên.
Pháp Luân Công: Nâng cao sức khỏe từ cấp độ phân tử
Khi tôi mới làm việc cho một công ty dược phẩm với tư cách là một nhà nghiên cứu khoa học, tôi bắt đầu học Pháp Luân Công ở Toronto từ một gia đình người Sicillia nhằm giảm bớt căng thẳng trong công việc.
Hiệu quả xuất hiện nhanh chóng và đáng kể. Bởi vậy tôi đã thực hành môn tập hàng ngày trong 24 năm qua.
Tôi đã tra cứu các tài liệu khoa học để tìm hiểu lý do và vô cùng thích thú khi phát hiện ra nghiên cứu năm 2005 đã đề cập ở trên. Nghiên cứu cho thấy Pháp Luân Công tác động tích cực đến các tế bào bạch cầu trung tính, một phần thiết yếu trong hệ miễn dịch bẩm sinh.
Bạch cầu trung tính chiếm 40% đến 70% tổng số tế bào bạch cầu. Thông tin biểu hiện gene (gene được phiên mã thành mRNA và sau đó được dịch mã thành protein) của bạch cầu trung tính lấy từ sáu học viên Pháp Luân Công được so sánh với sáu người khỏe mạnh không phải học viên.
Bạch cầu trung tính là đội quân tinh nhuệ trong hệ thống bảo vệ của cơ thể. Những tế bào này di chuyển nhanh trong dòng máu và có thể đi đến vị trí bị thương hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus trong vòng vài phút.
Khi đến đó, đội quân tinh nhuệ này về cơ bản sẽ “ăn” các tác nhân gây bệnh sống nhờ quá trình thực bào. Các tế bào bạch cầu trung tính cũng có thể chống lại bệnh nhiễm trùng bằng vũ khí mạnh mẽ như tiết các hóa chất (sự mất hạt), hoặc thả bẫy (bẫy ngoại bào của bạch cầu trung tính) để bắt và tiêu diệt tác nhân xâm nhập.
Là một lực lượng mạnh mẽ trong cơ thể, hoạt động của bạch cầu trung tính phải được cân bằng tốt. Bạch cầu trung tính phải hoạt động đủ để chống lại kẻ thù, nhưng không được quá mức để tránh làm tổn thương chính cơ thể.
Có thể thấy sự cân bằng này khi so sánh các học viên Pháp Luân Công với những người không tập luyện.
Các nhà khoa học Texas đã kiểm tra hoạt động của 12,000 gene ở tất cả 12 người tham gia nghiên cứu. Họ phát hiện ra rằng hoạt động của hầu hết các gene là tương tự nhau giữa hai nhóm. Tuy nhiên, có 250 trong số 12,000 gene luôn khác nhau giữa hai nhóm, với 132 gene được điều chỉnh giảm hoạt động và 118 gene được điều chỉnh tăng hoạt động ở sáu học viên Pháp Luân Công so với sáu người khỏe mạnh không tập Pháp Luân Công.
Trong 250 gene, đáng chú ý nhất là các nhóm gene liên quan đến chức năng thoái hóa và tổng hợp protein, rất quan trọng để giải quyết các protein cuộn gập sai hoặc bị hư hỏng trong tế bào. Khi các gene này hoạt động kém hiệu quả có thể dẫn đến nhiều rối loạn, bao gồm các bệnh di truyền, bệnh thoái hóa tế bào thần kinh, ung thư, teo cơ, tiểu đường, cao huyết áp, nhiễm trùng huyết, bệnh tự miễn, viêm, và các rối loạn do lão hóa.
Chết tế bào theo chương trình là một chức năng quan trọng khác trong hệ thống trao đổi chất của cơ thể. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, khi chịu căng thẳng (ví dụ khi có mặt lipopolysacarit, một chất gây viêm), các gene liên quan đến chết tế bào theo chương trình như Bcl-2, Bcl-xL và FKBP 38 đã giảm hoạt động đáng kể. Điều này giúp kích thích quá trình chết theo chương trình của các tế bào bạch cầu trung tính, từ đó giải quyết nhanh chóng tình trạng viêm.
Nhờ vậy, cơ thể các học viên Pháp Luân Công sẽ ít bị tổn thương hơn khi bị viêm.
Đáng chú ý là các gene cũng hoạt động theo cách khác khi không có căng thẳng (ví dụ như lipopolysacarit). Điều này giúp các tế bào bạch cầu trung tính trong máu của các học viên Pháp Luân Công kéo dài tuổi thọ.
Nói cách khác, trong điều kiện bình thường, bạch cầu trung tính của các học viên Pháp Luân Công sống lâu hơn. Không ngạc nhiên khi họ dường như có hệ miễn dịch tốt hơn! Sức khỏe của bản thân tôi cũng đã cải thiện rất nhiều khi tôi bắt đầu tập luyện.
Mặc dù đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ, nhưng kết quả sẽ gây tò mò cho bất kỳ ai quan tâm đến việc cải thiện sức khỏe: Có lẽ tập luyện Pháp Luân Công thực sự giúp các bạch cầu trung tính hoạt động cân bằng hơn, cả trong điều kiện bình thường và khi bị tổn thương.
Hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã hưởng lợi ích từ môn tu luyện, trong đó nhiều người đã hồi phục sức khỏe sau những căn bệnh nan y.
Tuy nhiên, nhận thấy sự phổ biến của Pháp Luân Công là mối đe dọa đối với quyền lực của mình, Trung Cộng đã cấm môn tập này vào năm 1999. Tuy nhiên, bất chấp cuộc đàn áp tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, môn tập này đã trở nên phổ biến trên toàn cầu.
Những thông tin khác về Pháp Luân Công, lợi ích sức khỏe, cuộc bức hại của Trung Cộng và cuộc đấu tranh cho nhân quyền của các học viên đều có tại www.faluninfo.net.
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các hướng dẫn và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.
Tú Liên và Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times