Hướng dẫn nhanh quan trọng về thời kỳ mãn kinh – Phần 1
Sự thay đổi này trong cuộc đời đòi hỏi việc hiểu biết rõ về những gì đang xảy ra trong cơ thể và những việc có thể làm để giải quyết vấn đề.
Thời kỳ mãn kinh chính thức bắt đầu khi cơ thể người phụ nữ không còn xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt. Một người phụ nữ được cho là bước vào giai đoạn mãn kinh khi cơ thể không còn hành kinh trong 12 tháng, miễn là không phải do các vấn đề về sức khỏe hoặc phẫu thuật làm mất chu kỳ kinh nguyệt. Hầu hết phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh ở đầu độ tuổi 50, mặc dù mãn kinh có thể đến sớm hơn ở độ tuổi 30 hoặc 40.
Thời kỳ mãn kinh, khi xuất hiện một cách tự nhiên, là một trạng thái bình thường và lành mạnh của quá trình lão hóa. Chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ diễn ra liên tục bắt đầu từ tuổi dậy thì. Khi tuổi tác tăng lên, cơ thể bắt đầu giảm dần chu kỳ sinh sản một cách tự nhiên, cho đến khi buồng trứng ngừng rụng trứng hoàn toàn, khiến chu kỳ định kỳ dừng lại hoàn toàn.
Hormone estrogen là yếu tố cần thiết đối với chu kỳ sinh sản tự nhiên của người phụ nữ. Khi một người phụ nữ già đi, đặc biệt là khi bước vào độ tuổi 40 và 50, buồng trứng giảm dần việc sản xuất estrogen. Nồng độ estrogen giảm sẽ tạo ra những thay đổi kinh nguyệt có thể khác nhau ở mỗi người. Nhiều người sẽ trải qua một khoảng thời gian có chu kỳ kinh nguyệt không đều trước khi chu kỳ kết thúc hoàn toàn.
Mặc dù mãn kinh là một quá trình sinh học hoàn toàn tự nhiên và bình thường, nhưng có thể biểu hiện các triệu chứng và tác dụng phụ gây khó khăn trong việc điều hướng cả về thể chất và cảm xúc.
Các giai đoạn của thời kỳ mãn kinh
Thời kỳ mãn kinh gồm bốn giai đoạn riêng biệt. Khi cơ thể người phụ nữ điều chỉnh theo mức độ biến đổi của estrogen và các hormone khác, họ có thể trải qua nhiều thay đổi về thể chất trong suốt các giai đoạn này.
Tiền mãn kinh
Tiền mãn kinh là giai đoạn đầu tiên của quá trình mãn kinh. Phụ nữ vẫn được xem là có khả năng sinh sản trong giai đoạn này, mặc dù hormone sinh sản bắt đầu biến đổi một cách từ từ. Hầu hết phụ nữ không nhận thấy bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào, nhưng đôi khi họ có thể thấy một chút bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt. Đây thường là dấu hiệu của việc cơ thể bắt đầu có sự thay đổi hormone.
Chuyển tiếp mãn kinh
Trong giai đoạn này, các triệu chứng bắt đầu trở nên rõ ràng hơn khi nồng độ estrogen và các hormone sinh dục khác bị suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, thời kỳ chuyển tiếp mãn kinh vẫn là một quá trình chậm, có thể mất từ 8 đến 10 năm trước khi người phụ nữ hoàn toàn bước vào giai đoạn mãn kinh. Trong thời gian này, phụ nữ vẫn có chu kỳ kinh nguyệt và có thể mang thai, mặc dù chu kỳ có thể không đều hơn trước. Họ có thể trải qua vài tháng không có chu kỳ, sau đó có nhiều kỳ kinh gần nhau hơn, vì các chu kỳ thường ngắn hơn trong thời kỳ chuyển tiếp mãn kinh.
Mãn kinh
Một người phụ nữ bước đến giai đoạn mãn kinh khi buồng trứng ngừng sản xuất estrogen và không rụng trứng trong ít nhất 12 tháng liên tiếp. Nếu cần thiết, các bác sĩ có thể tiến hành nhiều xét nghiệm máu và nước tiểu để xác định nồng độ hormone nhằm chẩn đoán phụ nữ đã đến thời kỳ mãn kinh hay chưa.
Hậu mãn kinh
Giai đoạn hậu mãn kinh bắt đầu khi một người phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh, và sẽ tiếp tục tiếp diễn trong suốt phần đời còn lại. Đối với nhiều phụ nữ, các triệu chứng mãn kinh sẽ bắt đầu giảm dần. Tuy nhiên, với một số người, các triệu chứng không biến mất nhanh chóng hoặc hoàn toàn như mong đợi. Một số phụ nữ có thể trải qua các triệu chứng trong 5 đến 10 năm hoặc lâu hơn sau khi bước vào giai đoạn hậu mãn kinh. Có nhiều cách để kiểm soát và giảm tác động của các triệu chứng đến cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ.
Triệu chứng
Nếu một phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, họ có thể đang chuyển sang một trong các giai đoạn mãn kinh:
- Đổ mồ hôi đêm
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều (có thể bao gồm chu kỳ không đều, lượng kinh nhiều hoặc ít hơn, chu kỳ ngắn hoặc dài hơn)
- Đổ mồ hôi lạnh
- Bốc hỏa
- Khô âm đạo
- Mất ngủ hoặc tình trạng khó ngủ nói chung
- Đau vú
- Các triệu chứng của hội chứng tiền mãn kinh trở nên dữ dội hơn
- Tâm trạng thất thường
- Tiểu gấp hoặc tiểu nhiều
- Thay đổi trong ham muốn tình dục
- Nhức đầu
- Tăng cân
- Suy giảm nhận thức
Liệu mãn kinh có thể được điều trị hay không?
Mãn kinh là một giai đoạn bình thường trong cuộc sống, không phải là một tình trạng cần điều trị. Tuy nhiên, có nhiều cách để giải quyết các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ.
Cách tiếp cận thông thường
Hầu hết các bác sĩ sẽ cung cấp liệu pháp hormone và thuốc kê toa cho một phụ nữ đang tìm kiếm phương pháp điều trị triệu chứng mãn kinh.
Các loại thuốc kê toa như kem và viên thuốc estrogen, hoặc thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm được dùng để kiểm soát cơn bốc hỏa hoặc tâm trạng thất thường. Bệnh nhân cần thảo luận về những loại thuốc này với bác sĩ để hiểu rõ tác dụng cũng như tác dụng phụ tiềm ẩn có thể gặp phải.
Liệu pháp hormone về cơ bản giúp tăng lượng hormone trong cơ thể nhằm cố gắng phục hồi sự cân bằng, từ đó làm giảm các triệu chứng khó chịu.
Có hai loại liệu pháp hormone:
- Liệu pháp hormone Estrogen Progesterone/Progestin (EPT): Liệu pháp này kết hợp cả hai loại hormone estrogen và progesterone.
- Liệu pháp Estrogen (ET): Liệu pháp bao gồm các phương pháp điều trị bằng estrogen liều thấp.
Cần lưu ý rằng liệu pháp thay thế hormone cũng có nhược điểm. Nghiên cứu cho thấy liệu pháp hormone có thể làm tăng nguy cơ bị các bệnh như bệnh tim, đột quỵ, huyết khối, và ung thư vú. Liệu pháp này cũng có thể làm tăng các chỉ dấu viêm, chẳng hạn như protein C phản ứng. Một số chuyên gia tích hợp dùng hormone sinh học thay vì hormone tổng hợp để điều trị các vấn đề về hormone mãn kinh. Phụ nữ thường có kết quả tốt với liệu pháp thay thế hormone sinh học (bioidentical hormone replacement therapy-BHRT), nhưng vẫn còn một số nhược điểm vì hormone hoạt động theo vòng phản hồi ngược âm tính (negative feedback loop). Việc theo dõi kỹ lưỡng là rất cần thiết.
Cách tiếp cận theo chức năng
Nhiều bệnh nhân tìm kiếm giải pháp thay thế cho liệu pháp hormone và thuốc kê toa và chuyển sang một phương pháp hướng đến chức năng nhiều hơn. Cách tiếp cận chăm sóc sức khỏe này nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc tích hợp, toàn diện để giúp người bệnh hiểu những gì đang xảy ra trong cơ thể.
Việc thay đổi lối sống liên quan đến ăn uống, tập luyện, thảo dược, và thực phẩm bổ sung là những cố gắng tự nhiên để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh. Thường thì những người phụ nữ sẽ cần thảo luận với bác sĩ để đưa ra một kế hoạch đặc biệt phù hợp với sinh lý, giúp họ vượt qua thời kỳ mãn kinh một cách dễ dàng và tự tin.
- Cách ăn uống: Những thực phẩm mà người phụ nữ tiêu thụ hàng ngày có thể tạo ra ảnh hưởng sâu sắc trong việc cải thiện hoặc làm các triệu chứng tệ hơn. Tiêu thụ dưỡng chất giàu đạm, chất béo lành mạnh, ăn nhiều trái cây và rau quả sẽ giúp nâng cao thể trạng cơ thể. Nhiều phụ nữ thấy việc áp dụng cách ăn chống viêm rất hữu ích trong giai đoạn này của cuộc đời.
- Tập thể dục: Như với từng giai đoạn của cuộc sống, vận động hàng ngày rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần trong thời gian này. Các phương pháp tập luyện sẽ khác nhau với mỗi phụ nữ và có thể thay đổi trong suốt các giai đoạn mãn kinh. Các hình thức tập luyện chậm hơn, có phương pháp hơn như giãn cơ hoặc Pilates có thể là cách tốt nhất với một số phụ nữ để giúp ngăn chặn các cơn bốc hỏa, trong khi những người khác có thể thấy rằng hình thức tập luyện cường độ cao hơn có ích cho cơ thể, giúp kiểm soát tăng cân cũng như tâm trạng thất thường.
- Thảo dược và thực phẩm bổ sung: Việc thảo luận với bác sĩ là rất quan trọng để xác định các thiếu hụt và vấn đề trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào. Bổ sung các dưỡng chất và thảo dược như vitamin D, sâm Ấn Độ, magnesium, berberine, curcumin và resveratrol có thể giúp kiểm soát triệu chứng hiệu quả.
Cân nhắc
Bất kể phương pháp tiếp cận nào, bác sĩ và bệnh nhân nên thảo luận về những cân nhắc quan trọng sau đây khi họ tìm cách thiết lập kế hoạch tốt nhất giúp kiểm soát triệu chứng mãn kinh.
- Thảo luận về các triệu chứng và cách chúng liên quan đến mục tiêu chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
- Xem xét loại mãn kinh (do tự nhiên hoặc phẫu thuật) và liệu có cắt bỏ tử cung toàn phần hoặc một phần hay không.
- Thảo luận về ưu và nhược điểm của BHRT và các phương pháp không phải BHRT.
- Xem xét tiền sử cá nhân hoặc gia đình về bệnh ung thư (nội mạc tử cung, tử cung, buồng trứng, vú, hoặc loại khác).
- Xem xét tiền sử cá nhân hoặc gia đình về bệnh tim mạch (bao gồm cục máu đông, chứng huyết khối tĩnh mạch sâu, đột quỵ, cao huyết áp, và bất thường về tỷ lệ cholesterol).
- Thảo luận về tiền sử cá nhân hoặc gia đình về bệnh loãng xương
- Thảo luận về tiền sử cá nhân hoặc gia đình về bệnh Alzheimer.
Xét nghiệm
Xét nghiệm có thể là một nguồn tài nguyên vô giá trong việc điều trị và kiểm soát các triệu chứng mãn kinh.
- Hormone kích thích nang trứng (FSH): Nồng độ FSH tăng cao trong một thời gian dài khi người phụ nữ không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tiếp là một dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy người phụ nữ đã đến giai đoạn mãn kinh.
- Hormone tạo hoàng thể (LH): Nồng độ LH tăng khi estrogen và progesterone giảm. Sự gia tăng này thường là nguyên nhân của các cơn bốc hỏa trong thời kỳ chuyển tiếp mãn kinh và mãn kinh.
- Hormone chống Müllerian (AMH): AMH là chỉ số đáng tin cậy về chức năng buồng trứng và có khả năng dự đoán thời điểm mãn kinh.
- Prolactin: Prolactin dư thừa trong thời kỳ hậu mãn kinh có thể là nguyên nhân gây suy giảm chức năng tuyến giáp.
- Progesterone: Kiểm tra nồng độ progesterone có thể giúp chẩn đoán lý do tại sao bệnh nhân gặp phải cơn bốc hỏa trầm trọng và các triệu chứng mãn kinh khác.
- DHEA: DHEA là một tiền hormone được chuyển đổi thành cả testosterone và estrogen.
- Các chỉ dấu tim mạch (NMR lipoprofile, homocysteine): Sự thay đổi hormone trong thời kỳ mãn kinh làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch như cholesterol cao và cao huyết áp. Theo dõi các chỉ dấu tim mạch có thể giúp xác định bất kỳ mối lo ngại nào cần được quản lý và điều trị phòng ngừa.
- Xét nghiệm chức năng gan (AST, ALT): Khi estrogen giảm, gan bị ảnh hưởng và điều này có thể gây ra những lo ngại như giảm chức năng ty thể trong tế bào gan và bệnh gan nhiễm mỡ.
- Viêm (CRP, ESR, ferritin): Mức độ viêm thường tăng trong thời kỳ mãn kinh khi estrogen không còn hoạt động hiệu quả như một chất chống viêm. Tình trạng viêm trong thời kỳ mãn kinh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe xương, khớp, cơ bắp, tim mạch và trí óc.
- Tuyến giáp (TSH, T4, FT3, T3, FT3, RT3, kháng thể peroxidase tuyến giáp (TPO), kháng thể thyroglobulin): Phụ nữ bị rối loạn tuyến giáp trước đây thường trải qua các triệu chứng dữ dội hơn.
- Dưỡng chất và khoáng chất (vitamin A và D, magnesium, selenium, zinc): Kiểm tra mức độ dinh dưỡng và khoáng chất giúp xác định tình trạng thiếu hụt, vốn có thể làm tồi tệ thêm các triệu chứng mãn kinh hoặc cản trở sức khỏe tổng thể.
- Estrogen:
- Estrone (E1): Đây là loại estrogen duy nhất mà phụ nữ tiếp tục sản xuất sau khi mãn kinh.
- Estradiol (E2): E2 chủ yếu được sản xuất trong buồng trứng và là dạng estrogen quan trọng nhất liên quan đến khả năng sinh sản. Estrogen này chủ yếu được sản xuất trong giai đoạn phụ nữ không mang thai và vẫn còn kinh nguyệt.
- Estriol (E3): Estrogen có trong cơ thể phụ nữ mang thai và thường được dùng để theo dõi tiến trình và sức khỏe của em bé đang phát triển.
Chẩn đoán hình ảnh
Các phương pháp bổ sung để đo lường sức khỏe tổng thể của phụ nữ và xác định bất kỳ vấn đề nào cần quan tâm trong các giai đoạn mãn kinh bao gồm đo đậm độ xương, kiểm tra vú và thăm khám tiểu khung.
- Đo đậm độ xương: Phụ nữ mãn kinh có nguy cơ loãng xương cao hơn do mật độ xương bắt đầu giảm nhanh. Quá trình quét này sẽ đo khối lượng xương ở các xương cụ thể và giúp bác sĩ theo dõi bất kỳ thay đổi nào về mật độ xương theo thời gian.
- Khám vú: Phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh nên tự khám vú vào cùng một ngày hàng tháng để xác định bất kỳ thay đổi nào, cũng như kiểm tra hàng năm từ cùng một bác sĩ. Tiêu chuẩn là quan sát mô vú bằng chụp X quang tuyến vú. Một số bác sĩ chăm sóc toàn diện đề xuất kết hợp máy ảnh nhiệt hồng ngoại và siêu âm để theo dõi mô vú.
- Khám tiểu khung: Khám tiểu khung là cách để bác sĩ xác định các dấu hiệu bệnh hoặc nhiễm trùng trong giai đoạn mãn kinh. Điều này đặc biệt quan trọng với những phụ nữ có thể gặp các triệu chứng mãn kinh liên quan đến âm đạo, cổ tử cung, tử cung, hoặc buồng trứng.
Bước vào giai đoạn mãn kinh có thể là một thời gian bất ổn đối với phụ nữ khi cơ thể không còn khả năng sinh sản. Điều này hoàn toàn bình thường và mọi phụ nữ đều sẽ trải qua ở một mức độ nào đó. Hỗ trợ cơ thể trong những năm mãn kinh không chỉ giúp người phụ nữ giảm bớt triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn đem lại cảm giác kiểm soát và tự tin khi họ học cách định hướng những thay đổi mạnh mẽ trong cơ thể.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times