Hướng dẫn cơ bản về vảy nến: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và cách tiếp cận tự nhiên
Bệnh vảy nến là bệnh tự miễn phổ biến nhất ảnh hưởng đến khoảng 8 triệu người dân ở Hoa Kỳ
Bệnh vảy nến, một rối loạn tự miễn dịch phức tạp có tính di truyền, là một bệnh mạn tính tổn thương đến da, móng và khớp. Chẩn đoán thường dựa trên lâm sàng, bệnh ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, gây đau đớn, biến dạng khớp và tàn phế. Vảy nến cũng liên quan đến một số bệnh đi kèm trầm trọng, bao gồm cả bệnh tim mạch. Khoảng 8 triệu người dân Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này, khiến vảy nến trở thành một trong những bệnh tự miễn phổ biến nhất.
Các loại bệnh vảy nến
Có nhiều loại bệnh vảy nến, bao gồm những loại dưới đây:
- Vảy nến thể mảng: Loại phổ biến nhất, chiếm 85% đến 90% tổng số trường hợp bệnh vảy nến. Tùy thuộc vào sắc tố da, bệnh có thể biểu hiện dưới dạng các mảng da sần, có thể có màu đỏ với vảy bạc trên nền da sáng màu hoặc màu nâu tím với vảy xám trên nền da sẫm màu. Các mảng thường xuất hiện đối xứng trên da đầu, thân mình, chân tay, lòng bàn chân, bộ phận sinh dục và bàn tay, đặc biệt là khuỷu tay và đầu gối. Gãi hoặc bóc các mảng bám có thể gây ra những đốm chảy máu nhỏ ở các mao mạch dưới da không được che phủ, được gọi là dấu hiệu Auspitz.
- Vảy nến da đầu: ảnh hưởng đến 45% – 56% bệnh nhân vảy nến, chủ yếu xuất hiện trên những bệnh nhân vảy nến thể mảng. Ở trẻ em, bệnh vảy nến thường khởi phát ở da đầu. Bệnh vảy nến da đầu có thể biểu hiện dưới dạng một hoặc nhiều mảng hoặc bao phủ toàn bộ da đầu. Bệnh đặc trưng bởi làn da đỏ, dày với vảy bạc giống như gàu, tình trạng này có thể lan ra ngoài chân tóc. Rụng tóc tuy hiếm gặp nhưng có thể xảy ra trong những trường hợp nặng gây gãi và chải tóc quá nhiều.
- Vảy nến thể giọt: loại vảy nến phổ biến thứ hai, thường biểu hiện dưới dạng các chấm, đốm hoặc mảng màu đỏ có đường kính dưới 1 inch (2.5cm) trên thân mình hoặc tay chân, hay gặp ở trẻ em hoặc thanh niên. Bệnh có thể xảy ra đột ngột và có thể xuất hiện trước khi tiến triển thành vảy nến thể mảng sau này hoặc vảy nến thể giọt biểu hiện dưới dạng đợt cấp của vảy nến thể mảng. Bệnh thường tự khỏi sau vài tháng mà không cần điều trị.
- Vảy nến móng: Bệnh vảy nến móng liên quan đến những thay đổi khác nhau ở móng, xuất hiện ở hơn 80% số người bị bệnh vảy nến thể mảng và chỉ 5% số người bị các dạng vảy nến khác. Đôi khi, bệnh vảy nến móng có thể là triệu chứng duy nhất, móng tay thường bị ảnh hưởng nhiều hơn móng chân. Vảy nến móng thường bị chẩn đoán nhầm là nấm móng. Những thay đổi ở móng có thể bao gồm các vết rỗ nhỏ, các chấm hoặc vạch trắng, bong móng, các mảng màu vàng-đỏ, tách móng ra khỏi giường móng, tích tụ quá mức tế bào da và các đường mờ máu đỏ do chảy máu mao mạch.
- Vảy nến thể đảo ngược: còn gọi là bệnh vảy nến kẽ hoặc nếp gấp, biểu hiện dưới dạng các mảng đỏ, ngứa ở các nếp gấp da như nếp lằn vú, nếp lằn bẹn, nách, khe liên mông và xung quanh bộ phận sinh dục. Thể bệnh này khó điều trị và có thể bị nhầm lẫn với nhiễm nấm da hoặc nấm men do vị trí ở các nếp gấp trên da, điều này không điển hình đối với các loại bệnh vảy nến khác. Do nằm ở các nếp gấp và trên vùng da nhạy cảm nên tổn thương sẽ trầm trọng hơn khi cọ xát và đổ mồ hôi. Vì bệnh phát triển ở các nếp gấp da nên có thể dẫn đến các vết nứt gây đau đớn hoặc có thể chảy máu.
- Vảy nến mụn mủ: Bệnh vảy nến mụn mủ là loại hiếm gặp có đặc điểm là [xuất hiện] mụn mủ với quầng đỏ xung quanh. May mắn thay, vì mụn mủ chỉ chứa các tế bào bạch cầu nên những mụn mủ này vô trùng và không chứa vi khuẩn.
- Vảy nến đỏ da toàn thân: vảy nến loại này hiếm gặp nhất và cũng nặng nhất, tổn thương ban đỏ có vảy bao phủ hơn 80% cơ thể. Bệnh xảy ra ở khoảng 1% đến 2% số người bị vảy nến, phổ biến hơn ở nam giới trưởng thành. Tổn thương có thể gây ngứa rát dữ dội, đặc biệt là ở những vùng có vảy. Các triệu chứng khác có thể bao gồm sốt rét run, khó chịu, nhịp tim nhanh, đau khớp và nổi hạch. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng giống như một vết bỏng nặng lan rộng. Bệnh có thể tiến triển dần ở những người bị bệnh vảy nến thể mảng không ổn định hoặc đột ngột ở những người không bị bệnh vảy nến trước đó.
- Vảy nến tiết bã: bệnh vảy nến tiết bã thường tác động đến các vùng tăng tiết bã nhờn, bao gồm da đầu, trán và nếp gấp mũi. Các triệu chứng của bệnh thường bao gồm các mảng đỏ, có vảy trên da đầu, sau tai, phía trên xương bả vai, ở ngực trên, nách, bẹn hoặc giữa mặt.
- Viêm khớp vảy nến: Một tình trạng phổ biến liên quan đến bệnh vảy nến là viêm khớp vảy nến (psoriatic arthritis – PsA) gây ra đau, cứng khớp. Viêm khớp xuất hiện ở 10% đến 20% số người bị bệnh vảy nến. Khoảng 80% các trường hợp viêm khớp vảy nến liên quan đến bệnh vảy nến móng, và các đợt bùng phát ở da và khớp thường xảy ra đồng thời. Viêm khớp vảy nến không phải lúc nào cũng được coi là một loại bệnh vảy nến mà là 1 loại bệnh riêng.
Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của bệnh vảy nến là gì?
Dấu hiệu sớm của bệnh vảy nến thể mảng là các đốm [tổn thương] da nhỏ, đường kính 1/8 inch (3mm), thường xuất hiện đối xứng trên cơ thể. Các đốm này to dần ra, tạo thành những mảng da dày và khô.
Bệnh nhân vảy nến có thể gặp các triệu chứng khác nhau, trong đó những triệu chứng phổ biến như:
- Các mảng da dày, đỏ có vảy trắng bạc.
- Da khô, nứt nẻ, có thể ngứa hoặc chảy máu.
- Thay đổi móng (móng dày, màu vàng nâu, rỗ hoặc tách móng)
- Giảm chất lượng giấc ngủ do ngứa da.
- Khó chịu ở khớp hoặc gân.
- Nhiều gàu.
Để biết các triệu chứng đặc trưng của các loại bệnh vảy nến khác nhau, vui lòng tham khảo phần trước.
Tổ chức Bệnh vảy nến Quốc gia phân loại mức độ nặng của triệu chứng bệnh vảy nến dựa trên tỷ lệ phần trăm vùng da bề mặt bị tổn thương, cụ thể:
- Mức độ nhẹ: dưới 3%.
- Mức độ vừa: 3 – 10 %
- Mức độ nặng: trên 10%
Để tham khảo, [ước tính] lòng bàn tay của mỗi người (không bao gồm ngón tay) bằng khoảng 1% diện tích bề mặt cơ thể của chính người đó.
Ngoài ra, tác động đến chất lượng cuộc sống của một bệnh nhân cũng được xem xét. Ít nhất 20% bệnh nhân bị vảy nến từ mức độ vừa đến nặng.
Ngoài ra, bệnh vảy nến được đặc trưng bởi các giai đoạn bùng phát và thuyên giảm không thể đoán trước. Trong thời gian bệnh vảy nến bùng phát, các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Đợt cấp thường do các tác nhân khởi phát gây ra, được trình bày trong phần sau.
Tình trạng thuyên giảm khi các triệu chứng vảy nến biến mất sau điều trị có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm nhưng thường là từ 1 đến 12 tháng.
Nguyên nhân bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến phát sinh từ phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công nhằm mục tiêu vào cơ thể, dẫn đến phản ứng viêm và tổn thương. Cuộc tấn công tự miễn sai lệch làm tăng quá trình sản xuất tế bào da, dẫn đến sự phát triển và tích tụ nhanh chóng các tế bào da mới trên bề mặt. Trong quá trình thay cũ đổi mới tế bào, các tế bào bắt đầu ở tầng sâu dưới da tiến dần lên bề mặt trong khoảng một tháng. Tuy nhiên, trong bệnh vảy nến, hiện tượng này xảy ra trong vòng vài ngày do các tế bào tăng trưởng quá nhanh, dẫn đến các mảng bám đặc trưng và vùng da bị viêm đỏ.
Nguyên nhân chính xác của bệnh vảy nến vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng tình trạng này được cho là có nhân tố di truyền quan trọng. Người ta cho rằng phản ứng miễn dịch bất thường trong bệnh vảy nến được kích hoạt bởi các cytokine, enzyme và các yếu tố kiểm soát sự phân chia tế bào da cũng như các yếu tố môi trường.
Các thành phần bảo vệ chính của hệ thống miễn dịch là các tế bào bạch cầu, đặc biệt là tế bào lympho, có hai dưới nhóm là tế bào B tạo ra kháng thể tấn công các kháng nguyên (các chất lạ gây ra phản ứng miễn dịch) và tế bào T. Trong bệnh vảy nến, tế bào T bổ trợ, một loại tế bào T, hướng dẫn tế bào B tạo ra các tự kháng thể (kháng thể phản ứng với kháng nguyên của chính cơ thể), tấn công các tế bào da. Tế bào T trợ giúp phóng thích cytokine, yếu tố miễn dịch, thường rất quan trọng trong [hoạt động] chữa lành, nhưng nếu vượt quá mức sẽ dẫn đến viêm và tổn thương.
Yếu tố khởi phát
Bệnh vảy nến được kích hoạt bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm cả di truyền và môi trường.
1. Di truyền
Bệnh vảy nến có khả năng di truyền ước tính từ 60% đến 90%. Di truyền cũng là yếu tố chính gây khởi phát bệnh vảy nến ở bệnh nhân dưới 40 tuổi.
Nhiều người bị bệnh vảy nến biểu hiện mối liên quan với các kháng nguyên bạch cầu đặc trưng ở người (human leukocyte antigens – HLA), các gene chịu trách nhiệm mã hóa các protein giúp phân biệt tế bào của cơ thể với các chất lạ. 9 gene nhạy cảm với bệnh vảy nến quan trọng được gọi là PSORS 1 đến 9 có thể đóng một vai trò nào đó và các biến thể đặc thù của các gen này có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh vảy nến.
2. Yếu tố môi trường
Một số yếu tố môi trường có thể kích hoạt hoặc làm nặng thêm bệnh vảy nến, mặc dù các yếu tố này có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp, bao gồm:
- Nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và virus có thể dẫn đến bệnh vảy nến, bao gồm liên cầu khuẩn, virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và một loại virus gây u nhú ở người (HPV).
- Một số loại thuốc: thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), thuốc chẹn beta cho bệnh tăng huyết áp và các bệnh tim, chloroquine cho bệnh sốt rét, lithium cho rối loạn lưỡng cực, indomethacin (một NSAID) và progesterone trong liệu pháp hormone nữ. Corticosteroid hoặc việc ngừng đột ngột các loại thuốc điều trị bệnh vảy nến bằng đường uống cũng có thể kích phát bệnh vảy nến.
- Vaccine: vaccine mRNA của COVID-19, bao gồm Moderna và BioNTech/Pfizer, đã được đặt câu hỏi trong một nghiên cứu tổng quan tài liệu về nguyên nhân khởi phát và làm nặng thêm bệnh vảy nến. Do dữ liệu phần lớn không đầy đủ về loại vaccine (bao gồm các loại không phải vaccine COVID) và tính chất hồi cứu của quá trình đánh giá, nên không thể xác định được mối quan hệ nhân quả và các tác giả lưu ý rằng cần có thêm các nghiên cứu có đối chứng. Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu đã tìm thấy các trường hợp bệnh vảy nến khởi phát và trầm trọng hơn, với tất cả các liều lượng đều góp phần gây ra bệnh vảy nến và mũi thứ hai thường liên quan nhất đến các đợt bùng phát bệnh. Thời gian khởi phát thay đổi từ 2 đến 21 ngày đối với các trường hợp bệnh lần đầu và từ 1 đến 90 ngày đối với các đợt cấp tính. Nhìn chung, bệnh nhân nhận thấy kết quả tích cực, với sự cải thiện hoặc thuyên giảm trong vòng 3 ngày đến 4 tháng. Một số ít trường hợp bệnh vảy nến có liên quan với các loại vaccine khác như vaccine BCG, H1N1, uốn ván-bạch hầu và cúm v.v…
- Hút thuốc: Nghiên cứu gần đây cho thấy mối liên hệ tiềm ẩn giữa hút thuốc và các gene liên quan đến tính nhạy cảm với bệnh vảy nến. Hút thuốc có thể dẫn đến gánh nặng oxy hóa và tạo ra các chất có hại tác động đến các cơ chế chính trong bệnh vảy nến.
- Căng thẳng: Các nghiên cứu cho thấy căng thẳng có thể kích hoạt một số yếu tố miễn dịch nhất định có liên quan đến bùng phát bệnh vảy nến.
- Rượu: Uống quá nhiều rượu không chỉ liên quan đến tỷ lệ bị bệnh vảy nến mức độ nặng cao hơn mà còn liên quan đến mô hình và sự phân bố của bệnh. Bệnh nhân vảy nến uống quá nhiều rượu thường bị viêm nặng hơn, rất ít tạo vảy, thường xuất hiện trên mặt, vùng bẹn và các nếp gấp hoặc dưới dạng các tổn thương dày sừng tập trung chủ yếu ở các chi.
- Tiếp xúc với hóa chất và ô nhiễm: Bệnh vảy nến có thể trở nên trầm trọng hơn bởi nhiều chất ô nhiễm, kim loại nặng và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC). Đặc biệt Cadmium có liên quan đến sự phát triển của bệnh.
- Tổn thương da: Sự xuất hiện của các đợt bùng phát ở những vùng da bị tổn thương nhẹ (như vết kim châm hoặc trầy xước) ở bệnh nhân vảy nến được gọi là hiện tượng Koebner.
Ai có nhiều khả năng bị bệnh vảy nến?
Mặc dù bất cứ ai cũng có thể bị bệnh vảy nến, nhưng các yếu tố sau, bao gồm cả các tác nhân gây bệnh đã nêu ở trên, khiến một người dễ khởi phát bệnh hơn:
- Tiền sử gia đình: Khoảng 1/3 số người bị bệnh vảy nến có người thân bậc một cũng bị bệnh này. Nếu một người có cha hoặc mẹ bị bệnh vảy nến thì khả năng bị bệnh của người này là khoảng 14%. Tuy nhiên, nguy cơ tăng lên 41% nếu cả cha và mẹ đều bị bệnh vảy nến. Trong số các gene liên quan đến tình trạng này, PSORS1 được công nhận là gene chính.
- Chủng tộc: Một nghiên cứu phát hiện ra ở Hoa Kỳ, bệnh vảy nến phổ biến nhất ở người da trắng với tỷ lệ 3,6%. Những người đa chủng tộc có tỷ lệ bị bệnh là 3,1%, trong khi người châu Á tỷ lệ bị bệnh là 2,5%.
- Tuổi: Đỉnh điểm khởi phát bệnh vảy nến xảy ra ở hai nhóm tuổi, lần đầu tiên xảy ra từ 20 đến 30 tuổi và lần thứ hai xảy ra trong khoảng từ 50 đến 60 tuổi.
- Béo phì: Béo phì là một yếu tố nguy cơ đáng kể của bệnh vảy nến. Khi bị béo phì, da trải qua một số thay đổi, bao gồm mất nước nhiều hơn do hàng rào bảo vệ da bên ngoài bị ảnh hưởng, sản xuất nhiều bã nhờn hơn, lưu lượng bạch huyết kém và độ dày của lớp mỡ tăng lên khiến đổ mồ hôi nhiều hơn.
- Mang thai: Phụ nữ mang thai có tiền sử gia đình bị bệnh vảy nến có nhiều khả năng bị bệnh vảy nến mụn mủ.
- Bệnh celiac.
- Khí hậu lạnh: Nghiên cứu cho thấy bệnh vảy nến có xu hướng biểu hiện sớm hơn và thường xuyên hơn ở vùng khí hậu lạnh. Ví dụ, người da đen và người da trắng sống ở vùng khí hậu lạnh hơn có tỷ lệ bị bệnh vảy nến cao hơn so với những người thuộc bất kỳ dân tộc nào sống ở Châu Phi.
Chẩn đoán bệnh vảy nến
Để chẩn đoán bệnh vảy nến, bác sĩ da liễu sẽ đánh giá da, móng và da đầu để tìm các dấu hiệu của bệnh và hỏi về các triệu chứng, tiền sử gia đình và những thói quen gần đây có thể liên quan đến bệnh vảy nến. Bác sĩ da liễu cũng có thể tìm kiếm những thay đổi gần đây trong cuộc sống như bệnh tật hoặc gia tăng căng thẳng.
Bác sĩ da liễu cũng có thể thực hiện sinh thiết da. Bác sĩ tiến hành lấy một mẫu bệnh phẩm da sau đó bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ kiểm tra chi tiết dưới kính hiển vi. Xét nghiệm này được thực hiện để loại trừ các bệnh khác.
Để đánh giá các biến chứng hoặc bệnh lý đi kèm, bác sĩ da liễu có thể hướng dẫn bệnh nhân đến gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ điều trị chính để làm các xét nghiệm như chụp X-quang, công thức máu, điện tâm đồ hoặc xét nghiệm yếu tố dạng thấp.
Các biến chứng của bệnh vảy nến
Các biến chứng của bệnh vảy nến bao gồm:
- Nhiễm trùng thứ phát: Gãi và làm bong các mảng vảy nến và mụn mủ có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ cấp.
- Hạ thân nhiệt: Hạ thân nhiệt là khi nhiệt độ cơ thể giảm không tự chủ xuống dưới 950F (350C), triệu chứng phổ biến hơn trong các trường hợp vảy nến toàn thân.
- Suy tim: Bệnh vảy nến đỏ da toàn thân có thể dẫn đến suy tim.
- Thiếu folate: Bệnh vảy nến mức độ nặng có thể dẫn đến thiếu folate.
Bệnh vảy nến cũng thường kèm theo 1 số bệnh nặng khác, bao gồm:
- Viêm khớp vảy nến.
- Nguy cơ bị u lympho: Bệnh vảy nến được cho là có thể làm tăng nguy cơ bị u lympho do cơ chế gây bệnh, phương pháp điều trị hoặc sự kết hợp của nhiều yếu tố. Tuy nhiên, nguy cơ liên quan trực tiếp đến bệnh vảy nến vẫn còn thấp, xét đến mức độ hiếm gặp của bệnh u lympho và mức độ liên quan vừa phải.
- Tăng nguy cơ xuất hiện các biến cố về tim: bao gồm bệnh tim mạch, đau tim và đột quỵ.
- Các vấn đề về sức khỏe tâm thần: bao gồm lo lắng và trầm cảm.
- Bệnh tiểu đường loại 2.
- Tăng nguy cơ bị các bệnh khác: Những người bị bệnh vảy nến có nhiều nguy cơ bị một số bệnh ung thư, hội chứng chuyển hóa, béo phì, loãng xương, các vấn đề về mắt, bệnh gan và bệnh thận.
Điều trị bệnh vảy nến
Hiện tại, không có phương pháp chữa trị bệnh vảy nến hiệu quả. Điều trị bệnh vảy nến nhằm mục đích kiểm soát bệnh hiệu quả, thường khởi trị với các biện pháp nhẹ nhàng và tiến tới các phương pháp điều trị mạnh hơn tùy theo loại vảy nến, mức độ nặng và vùng da tổn thương. Các lựa chọn điều trị thường được sử dụng phối hợp.
1. Điều trị tại chỗ
Các phương pháp điều trị tại chỗ như kem và thuốc mỡ, thường là lựa chọn ban đầu cho bệnh vảy nến nhẹ đến trung bình. Phương pháp điều trị tại chỗ bao gồm:
- Chất làm mềm: Những chất dưỡng ẩm làm mềm, mịn và cung cấp nước cho da được dùng 3-4 lần một ngày.
- Corticosteroid: Corticosteroid tại chỗ là các loại kem và thuốc mỡ steroid có tác dụng giảm viêm, làm chậm quá trình sản xuất tế bào da và giảm ngứa. Thuốc thường được bôi 1 lần trong ngày và kéo dài vài ngày, vì không mang thêm lợi ích khi bôi nhiều hơn.
- Vitamin D tổng hợp: hoạt tính tương tự vitamin D nội sinh trong cơ thể. Thường được sử dụng trên các vùng như chân tay, thân mình hoặc da đầu, giúp làm chậm quá trình sản xuất tế bào da, giảm viêm với ít tác dụng phụ. Ví dụ calcipotriol, calcitriol và tacalcitol. Giữ calcipotriol tránh xa vật nuôi vì có thể gây ngộ độc nặng nề đối với vật nuôi nhỏ.
- Thuốc ức chế Calcineurin: Thuốc ức chế Calcineurin, bao gồm tacrolimus và pimecrolimus, là thuốc mỡ hoặc kem điều chỉnh hệ thống miễn dịch giúp giảm viêm. Thuốc thường được thoa trên những vùng da mỏng như mặt, cổ hoặc nếp gấp trên cơ thể. Thuốc không được khuyến cáo sử dụng lâu dài vì có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng thận. Ngoài ra, phụ nữ có thai và cho con bú nên tránh sử dụng loại thuốc này.
- Acid salicylic: Acid salicylic, thường được sử dụng để điều trị mụn trứng cá, có thể làm giảm các mảng vảy nến bằng cách làm mềm chất sừng, một loại protein hình thành trên lớp biểu bì (lớp ngoài của da). Tuy nhiên không nên dùng cho trẻ em. Phụ nữ có thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu trước khi sử dụng.
- Retinoids: Đây là phương pháp điều trị dựa trên vitamin A tổng hợp, trong đó tazarotene là hiệu quả nhất. Vitamin A giúp loại bỏ các tế bào da chết, làm giảm mảng bám, vảy và đỏ da. An toàn cho hầu hết mọi người, thuốc được sử dụng trong 8 đến 12 tuần. Tuy nhiên, phụ nữ có thai nên tránh sử dụng do nguy cơ dị tật thai nhi.
- Nhựa than: Các chế phẩm nhựa than, được sử dụng trong hơn một thế kỷ để điều trị bệnh vảy nến, hiện có sẵn trong các loại dầu gội và sữa tắm không kê đơn để sử dụng trên chân tay, thân mình hoặc da đầu. Nhựa than đá ức chế các enzyme góp phần gây ra bệnh vảy nến và hạn chế sản xuất tế bào mới. Các chế phẩm khác nhau có hiệu quả khác nhau. Tác dụng phụ tiềm ẩn của nhựa than bao gồm nhạy cảm với ánh sáng, viêm da tiếp xúc và nhiễm trùng nang lông. Ngoài ra còn bị nhựa than bám ố và có mùi hôi. Không chắc chắn sự toàn đối với phụ nữ có thai hoặc cho con bú nên không khuyến cáo cho nhóm bệnh nhân này.
- Dithranol (anthralin): Còn được gọi là anthralin, hợp chất gây cản trở quá trình sinh sản tế bào da, tạo ra thuyên giảm lâu dài. Ngày nay thuốc ít được kê đơn hơn nhưng có hiệu quả cao trong điều trị bệnh vảy nến với ít tác dụng phụ nhất, tuy nhiên thuốc có thể gây bỏng nếu dùng nồng độ cao và có thể làm hoen ố da. Dithranol được khuyên dùng cho bệnh vảy nến mạn tính hoặc không hoạt động, không dùng cho các đợt bùng phát cấp tính hoặc viêm. Nên thận trọng đối với những người có vấn đề về thận và không nên sử dụng thuốc ở vùng mặt, đặc biệt đối với những người có làn da trắng.
- Kem Tapinarof: Được FDA chấp thuận vào năm 2022, đây là chất điều chế phân tử nhỏ của thụ thể aryl hydrocarbon (AhR), có vai trò trong sự phát triển của bệnh vảy nến. Kem Tapinarof có thể được thoa lên bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể một lần mỗi ngày. Trong các nghiên cứu, khoảng 40% bệnh nhân đạt được làn da sạch hoặc gần như sạch sau 12 tuần. Với những người đã hết vảy và ngừng sử dụng kem sẽ có thời gian thuyên giảm trung bình là 12 tuần.
- Kem Roflumilast: Kem Roflumilast là thuốc ức chế phosphodiesterase 4 (PDE4) tại chỗ đầu tiên được FDA phê chuẩn (năm 2022) để điều trị bệnh vảy nến thể mảng. PDE4 là một loại enzyme điều chỉnh tình trạng viêm ở da và khớp. Thuốc cũng có hiệu quả trong điều trị bệnh vảy nến thể đảo ngược. Trong các nghiên cứu, kem Roflumilast giúp nhanh chóng giảm ngứa và loại bỏ vảy nến.
- Băng khóa ẩm: Loại băng này đặc biệt hữu ích cho bệnh vảy nến ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, đồng thời trợ giúp chữa lành bằng cách giữ lại mồ hôi để phục hồi độ ẩm cho da và ngăn ngừa đóng vảy. Băng có thể được sử dụng cùng với các loại thuốc bôi tại chỗ để tăng thêm lợi ích. Tác dụng phụ bao gồm kích ứng da, tăng nguy cơ nhiễm trùng và nguy cơ tái phát các triệu chứng sau điều trị cao hơn.
2. Liệu pháp ánh sáng
Quang liệu pháp hay liệu pháp ánh sáng sử dụng ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo để điều trị bệnh vảy nến. Liệu pháp chỉ nên được tiến hành dưới sự theo sát của bác sĩ chuyên khoa da. Tự điều trị có thể gây tổn thương da, làm trầm trọng thêm bệnh vảy nến và dẫn đến ung thư da. Các loại liệu pháp ánh sáng bao gồm:
- Trị liệu bằng ánh sáng mặt trời: sử dụng ánh sáng mặt trời tự nhiên có thể làm giảm phạm vi lan rộng và mức độ nặng của bệnh vảy nến nhưng hiếm khi loại bỏ hoàn toàn được bệnh. Trong 10% trường hợp, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ làm bệnh vảy nến trầm trọng hơn.
- UVB: Liệu pháp quang học UVB, sử dụng tia cực tím bước sóng ngắn, điều trị bệnh vảy nến qua ức chế tổng hợp DNA của tế bào da giúp giảm viêm. Liệu pháp dùng tủ hoặc buồng đứng được thiết kế đặc biệt, đèn huỳnh quang hướng đến các khu vực bị tổn thương, bao gồm toàn bộ cơ thể. Các buổi trị liệu thường kéo dài vài phút, nhưng liệu pháp này yêu cầu đến phòng khám 2-3 lần mỗi tuần trong 6-8 tuần.
- Psoralen kết hợp tia cực tím A (PUVA): Điều trị PUVA bằng cách dùng một loại thuốc nhạy cảm với ánh sáng gọi là psoralen trước khi điều trị, hoặc bôi psoralen trực tiếp lên da. Ánh sáng UVA đâm xuyên sâu hơn UVB, với gần 90% triệu chứng được cải thiện rõ rệt trong vòng 20 đến 30 buổi. Mặc dù có hiệu quả đối với bệnh vảy nến nặng nhưng UVA có nguy cơ ung thư da cao hơn UVB. Các tác dụng phụ ngắn hạn bao gồm buồn nôn, nhức đầu, nóng rát và ngứa, trong khi tác dụng phụ lâu dài bao gồm nhạy cảm với ánh nắng mặt trời và tăng nguy cơ ung thư da. Do đó việc sử dụng kéo dài không được khuyến khích.
3. Điều trị toàn thân
Đối với bệnh vảy nến mức độ nặng hoặc vảy nến không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, có thể chỉ định phương pháp điều trị toàn thân bằng đường uống hoặc tiêm. Thay vì chỉ điều trị tại chỗ, những phương pháp điều trị này ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Thuốc điều trị toàn thân được phân thành hai loại chính: thuốc thông thường (thường ở dạng viên nén hoặc viên nang) và sinh học (thường được dùng dưới dạng tiêm), mỗi loại đều ẩn chứa tác dụng phụ.
Thuốc thông thường bao gồm:
- Apremilast: Có sẵn ở dạng viên uống, apremilast là thuốc ức chế miễn dịch có thể làm sạch mảng bám, giảm ngứa, cải thiện bệnh vảy nến móng tay và giải quyết bệnh vảy nến da đầu.
- Cyclosporine: Thuốc ức chế miễn dịch này cản trở việc giải phóng các cytokine đặc trưng liên quan đến tình trạng viêm và phản ứng tự miễn dịch trong bệnh vảy nến. Việc sử dụng thuốc bị hạn chế do các tác dụng phụ tiềm ẩn như tăng nguy cơ bệnh thận và tăng huyết áp.
- Methotrexate: Methotrexate kiểm soát bệnh vảy nến bằng cách làm chậm quá trình sản xuất tế bào da và giảm viêm. Các tác dụng phụ tiềm ẩn bao gồm tác động đến việc sản xuất tế bào máu và tổn thương gan, đồng thời gây ra rủi ro cho thai phụ, bao gồm vô sinh, sảy thai và dị tật bẩm sinh. Thuốc dành cho những trường hợp nặng, việc sử dụng thuốc bắt buộc phải bỏ rượu.
- Retinoids uống: bao gồm acitretin và isotretinoin, là phương pháp điều trị đầu tay cho bệnh vảy nến mức độ nặng. Những loại thuốc này điều hòa sự sinh sản tế bào, có đặc tính chống viêm và có thể làm giảm viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không nên dùng thuốc vì có thể gây dị tật thai nhi.
Chất điều hòa phản ứng sinh học, hay thuốc sinh học, là các loại thuốc biến đổi gene được thiết kế để nhắm mục tiêu vào các thành phần đặc trưng của phản ứng tự miễn. Không giống như các thuốc ức chế miễn dịch thông thường, thuốc sinh học có đích tác động chính xác. Tuy nhiên, các loại thuốc này thường đắt hơn. Một loại thuốc khác, thuốc tương tự sinh học, tác dụng tương đương như thuốc sinh học nhưng tiết kiệm hơn về chi phí. Có một số loại sinh học, bao gồm:
- Thuốc ức chế TNF-alpha: Thuốc ức chế TNF-alpha ngăn chặn yếu tố hoại tử khối u (TNF), một phân tử tín hiệu kích hoạt phản ứng miễn dịch chống lại tế bào da trong bệnh vảy nến. Bằng cách ức chế tín hiệu này, những loại thuốc này ngăn cơ thể tự tấn công, cải thiện độ thanh thải của da và giảm các triệu chứng. Các loại thuốc nhóm này bao gồm adalimumab và etanercept.
- Thuốc ức chế Interleukin: Thuốc ức chế Interleukin nhắm vào các protein đặc hiệu liên quan đến việc điều hòa hệ thống miễn dịch. Bằng cách ngăn chặn hoạt động của interleukin, những loại thuốc này có thể giúp điều chỉnh phản ứng miễn dịch và giảm viêm đối với bệnh vảy nến.
Ảnh hưởng của tinh thần đến bệnh vảy nến
Tâm thái lạc quan có thể ảnh hưởng đến bệnh vảy nến theo nhiều cách khác nhau.
Căng thẳng là tác nhân phổ biến gây bùng phát bệnh vảy nến. Căng thẳng về cảm xúc có thể dẫn đến tiết ra một số hóa chất và hormone có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm, khiến các triệu chứng trở nên xấu hơn. Căng thẳng thậm chí có thể dẫn đến các vấn đề về tâm thần như trầm cảm và lo lắng, đây cũng là biến chứng của bệnh vảy nến. Vì vậy, điều cần thiết là phải quản lý mức độ căng thẳng.
Một tâm thái lạc quan cũng giúp tạo nên trợ giúp xã hội, điều này đã được chứng minh là giúp giảm các triệu chứng bệnh vảy nến.
Các phương pháp tiếp cận tự nhiên đối với bệnh vảy nến
Nhiều loại thuốc tổng hợp điều trị bệnh vảy nến có tác dụng phụ, bao gồm một số tác dụng phụ trầm trọng. Một số lựa chọn điều trị tự nhiên có hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, trước khi áp dụng các phương pháp điều trị như vậy, bạn phải tham khảo ý kiến bác sĩ.
Theo một nghiên cứu, có tới 51% bệnh nhân vảy nến sử dụng y học bổ sung và thay thế (CAM) để điều trị. Sau đây là một số phương pháp điều trị CAM:
1. Thảo dược
- Bột chàm: là loại bột thuốc thảo dược cổ truyền của Trung Hoa có màu xanh đậm, nguồn gốc từ lá và thân cây, được sử dụng rộng rãi để điều trị tại chỗ bệnh vảy nến. Trong một thử nghiệm kéo dài 12 tuần, những người bị bệnh vảy nến thể mảng mạn tính bôi thuốc mỡ chàm 10% 1 lần/ngày đã giảm các triệu chứng tới 81%. Không có tác dụng phụ nào được báo cáo khi điều trị tại chỗ. Nên tránh uống bột chàm do tác dụng phụ.
- Nghệ (Curcuma longa): Nghệ vàng là một loại cây lâu năm thuộc họ gừng. Curcumin là một polyphenol được sản xuất từ củ nghệ với đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Curcumin có khả năng điều hòa các cytokine gây viêm, do đó giúp giảm bớt các đợt bùng phát bệnh vảy nến. Theo một phân tích tổng hợp của 26 nghiên cứu, điều trị bằng chất curcumin đơn thuần hay phối hợp với các loại thuốc khác đều cho thấy sự cải thiện các triệu chứng bệnh vảy nến. Curcumin cũng ức chế sự tăng sinh tế bào và chu kỳ tế bào, điều hòa một số cytokine gây viêm. Đồng thời nếu bôi thêm ngoài da của bệnh nhân giúp làm giảm vi môi trường gây viêm.
- Nha đam (lô hội): là một loại cây nhiệt đới giống xương rồng với thành phần kháng khuẩn acemannan và aloe-emodin, có thể cải thiện triệu chứng bệnh vảy nến. Axit salicylic có trong cây cũng có thể loại bỏ các mảng vảy nến. Trong một nghiên cứu liên quan đến chuột, chiết xuất lô hội đã chứng minh hiệu quả chống lại bệnh vảy nến là 81,95%, thấp hơn một chút so với hiệu quả 87,94% của tazarotene.
- Hoàng liên Ô rô: là một loại cây bụi thường xanh có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Berberine, một loại alkaloid chống viêm tự nhiên được tìm thấy trong chiết xuất của cây có tác dụng với bệnh vảy nến. Theo đánh giá của một số nghiên cứu, trong đó kem bôi hoặc thuốc mỡ Hoàng liên 10% được dùng trong 12 tuần đã làm giảm đáng kể các triệu chứng của bệnh nhân vảy nến.
- Đương quy: Rễ đương quy từ lâu đã được sử dụng làm gia vị và dược liệu ở Đông Á, còn được gọi là “nhân sâm nữ” thường được sử dụng để điều trị bệnh vảy nến. Rễ đương quy cũng là một trong những thành phần của bài thuốc thảo dược Yinxieling để điều trị bệnh vảy nến. Vì chiết xuất đương quy có chứa psoralen, khi bệnh nhân trải qua liệu pháp PUVA sau khi tiêu thụ đương quy, quá trình này sẽ thúc đẩy hình thành liên kết ngang DNA, do đó làm chậm quá trình tổng hợp DNA biểu bì. Trong một nghiên cứu, psoralen đường uống kết hợp với UV-A đã cải thiện ít nhất 75% chỉ số PASI (mức độ nặng của bệnh vảy nến) ở 2/3 số bệnh nhân sau 12 tuần.
2. Dinh dưỡng
Sửa đổi khẩu phần ăn uống và liệu pháp dinh dưỡng có thể cải thiện các tổn thương da và giảm nguy cơ bị các bệnh đi kèm và biến chứng của bệnh vảy nến. Các khẩu phần ăn uống được phát hiện có khả năng cải thiện nhanh các triệu chứng bệnh vảy nến bao gồm khẩu phần ăn ít năng lượng, ăn chay và ăn nhiều dầu cá do tác dụng chống viêm vốn có. Ngoài ra, việc bổ sung các chất chống oxy hóa thiết yếu như vitamin A, C và E, carotenoid, flavonoid và selen cũng như chất xơ và men vi sinh là rất quan trọng.
Các chất bổ sung sau đây có thể cải thiện các triệu chứng bệnh vảy nến:
- Dầu cá: Dầu cá dồi dào acid béo không bão hòa đa omega-3 có tác dụng tốt đến mỡ máu. Những acid béo này thể hiện đặc tính chống viêm, góp phần đáp ứng miễn dịch và điều hòa trao đổi chất. Một đánh giá của 18 nghiên cứu với gần 1,000 người tham gia đã phát hiện ra rằng khi sử dụng dầu cá cùng với các phương pháp điều trị thông thường có thể cải thiện bệnh vảy nến và một số bệnh đi kèm, bao gồm béo phì, bệnh tim mạch và rối loạn chuyển hóa.
- Vitamin D: Vitamin D có nhiều trong dầu gan cá tuyết, cá hồi, cá ngừ, thịt bò, trứng, sữa và phô mai. Vitamin D có ảnh hưởng đến cả tế bào B và T, tác động đến phản ứng dung nạp miễn dịch và ức chế sản xuất một số cytokine. Vitamin D có tác dụng điều trị trên da vảy nến nhờ ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào T và biểu hiện cytokine. Một đánh giá đã phát hiện ra rằng chỉ có một số nghiên cứu chứng minh được hiệu quả của vitamin D đường uống trong điều trị bệnh vảy nến kể từ những năm 1980. Vì vậy, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận hiệu quả của loại vitamin này.
- Lycopene: Lycopene, một loại caroten có trong cà chua, được biết đến với đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ. Một nghiên cứu trên động vật cho thấy lycopene có khả năng ức chế các phân tử bám dính giữa các tế bào, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bệnh vảy nến và làm giảm phản ứng viêm. Do đó, bôi lycopene tại chỗ có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng của bệnh vảy nến.
- Genistein: Đậu nành chứa genistein, một loại isoflavone, được coi là một phương thuốc chống bệnh vảy nến nhờ đặc tính chống phân bào và chống viêm mạnh mẽ. Theo một nghiên cứu, ở những người bị bệnh vảy nến mức độ nhẹ đến vừa, genistein tác động đến các dấu hiệu viêm quan trọng và các con đường truyền tín hiệu liên quan đến bệnh với kết quả tích cực. Việc điều trị cũng an toàn và dung nạp tốt, không có tác dụng phụ đáng kể hoặc phải ngừng thuốc.
3. Y thuật sử dụng các sản phẩm từ ong
Trong y học dân gian, liệu pháp dùng các sản phẩm từ ong bao gồm việc sử dụng mật ong, keo ong, sữa ong chúa, sáp ong và nọc ong để điều trị bệnh.
Keo ong là một hỗn hợp nhựa tự nhiên do ong mật tạo ra bằng cách sử dụng các chất thu thập từ thực vật, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm viêm và điều hòa hệ thống miễn dịch. Theo một nghiên cứu với hơn 850 người tham gia, bệnh nhân bị bệnh vảy nến lòng bàn tay được điều trị bằng hỗn hợp 50% keo ong và 3% lô hội cho thấy sự cải thiện đáng kể, do đó nêu bật hiệu quả của sự kết hợp này trong điều trị bệnh vảy nến mức độ nhẹ đến vừa.
4. Liệu pháp giác hơi di chuyển
Liệu pháp giác hơi di chuyển là một liệu pháp thay thế sử dụng giác hút trên da để tăng cường dòng năng lượng và thúc đẩy quá trình chữa lành. Liệu pháp đã được sử dụng ở Trung Hoa hàng ngàn năm và vẫn được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện ở quốc gia này để điều trị bệnh vảy nến. Đánh giá của 16 thử nghiệm với hơn 1,100 người tham gia đã phát hiện ra rằng liệu pháp này cải thiện đáng kể các triệu chứng và tỷ lệ tái phát triệu chứng của bệnh nhân vảy nến. Ngoài ra, việc sử dụng giác hơi đơn độc hoặc phối hợp với các loại thuốc dược phẩm đều cho kết quả tốt hơn so với việc dùng đơn lẻ các loại thuốc dược phẩm để điều trị bệnh vảy nến thể mảng. Điều này có thể là do việc di chuyển giác hơi làm giảm mức độ yếu tố hoại tử khối u trong huyết thanh và yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu nhiều hơn so với dùng thuốc. Tuy nhiên, cần nhiều thử nghiệm hơn để xác nhận hiệu quả của liệu pháp.
Cần lưu ý rằng đôi khi bệnh nhân được giác hơi có thể cảm thấy nặng hơn do phản ứng của Koebner.
5. Tinh dầu
Các loại tinh dầu sau đây có một số bằng chứng bổ trợ việc áp dụng cho bệnh vảy nến:
- Dầu cây trà (TTO): là một loại tinh dầu có nguồn gốc từ lá tràm trà ở Úc. Với đặc tính kháng khuẩn và chống viêm mạnh mẽ, TTO có thể làm giảm một số hợp chất có liên quan đến viêm. Thành phần chính của TTO là terpinen-4-ol, có đặc tính chống viêm mạnh, khiến TTO trở thành một ứng viên tiềm năng để kiểm soát bệnh vảy nến.
- Dầu hoa Oải hương: có nguồn gốc từ hoa Oải hương, thường được sử dụng làm dầu thơm xoa bóp. Theo một nghiên cứu trên động vật, bôi dầu Oải hương 10% tại chỗ giúp cải thiện 73,67% chỉ số PASI.
6. Liệu pháp khí hậu Biển Chết
Liệu pháp khí hậu Biển Chết (DSC) ở Israel bao gồm việc tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời và tắm ở Biển Chết. Sau khi phân tích một số dấu ấn sinh học trên da liên quan đến các tế bào miễn dịch và các hoạt động tế bào khác nhau, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hầu hết tất cả các dấu ấn sinh học được thử nghiệm đều trở về bình thường sau liệu pháp DSC. Do đó liệu pháp có hiệu quả cao trong điều trị bệnh vảy nến trong thời gian ngắn. Một nghiên cứu khác về chương trình điều trị DSC kéo dài 4 tuần đã kết luận rằng việc điều trị DSC có tác dụng ngay lập tức đối với các triệu chứng vảy nến. Tắm nước mặn trong nhà cũng có tác dụng tốt, vì tắm kết hợp với liệu pháp UVB mang lại kết quả điều trị tốt hơn so với chỉ dùng liệu pháp UVB.
Phòng ngừa bệnh vảy nến
Vì nguyên nhân chính xác của bệnh vảy nến vẫn chưa được biết rõ nên việc ngăn ngừa bệnh vảy nến hoàn toàn là không thể. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách duy trì lối sống lành mạnh và giảm thiểu số đợt bùng phát bệnh bằng cách tránh các tác nhân từ bên ngoài như đã nói ở trên.
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times