Hướng dẫn cơ bản về liệt dây thần kinh VII ngoại biên: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và cách tiếp cận tự nhiên
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) là một bệnh thần kinh khá phổ biến, thường có thể tự khỏi trong vòng vài tuần hoặc vài tháng ở 80% bệnh nhân.
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) là tình trạng thần kinh liên quan đến liệt hoặc yếu cơ mặt đột ngột. Bệnh xảy ra ở khoảng 15-30/100,000 dân số hàng năm và nguy cơ bị bệnh trong đời của một người là 1/60. Nguyên nhân của liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) là do tổn thương dây thần kinh sọ VII, một dây điều khiển các cử động của mặt. Tình trạng này thường mang tính tạm thời, với khoảng 70-80% bệnh nhân tự hồi phục sau khoảng vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, các triệu chứng có thể kéo dài hoặc để lại di chứng vĩnh viễn.
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) là căn bệnh được đặt tên theo nhà thần kinh học người Scotland Sir Charles Bell (1774–1842), người đầu tiên mô tả tình trạng này.
Triệu chứng và dấu hiệu ban đầu của liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell)
Tình trạng liệt mặt có thể phát triển trong vòng hai đến ba ngày. Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Sụp một bên mặt, bao gồm mí mắt, miệng và má (có thể bị sụp cả hai bên nhưng trường hợp này cực kỳ hiếm gặp).
- Co giật cơ mặt.
- Khó nhắm hoặc không thể nhắm một mắt do giảm cử động mí mắt.
- Không thể nhăn nửa trán.
- Đau ở mặt.
- Đau trong tai.
- Khó khăn khi nói.
- Ù tai hoặc tăng nhạy cảm ở tai bị ảnh hưởng.
- Mất cảm giác vị giác.
- Khó khăn trong ăn uống.
- Chảy nước dãi.
- Khô mắt.
- Đau đầu.
Nguyên nhân của liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell)
Hầu hết các trường hợp liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) đều được coi là “vô căn,” nghĩa là bệnh khởi phát tự phát, không rõ căn nguyên. Do đó, nguyên nhân chính xác vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) thường liên quan đến một số yếu tố khởi phát.
Tình trạng này xuất hiện khi dây thần kinh sọ VII, là dây thần kinh chi phối các cơ kiểm soát biểu cảm trên khuôn mặt, bị tổn thương hoặc viêm, dẫn đến yếu hoặc liệt cơ mặt.
Tình trạng tổn thương dây thần kinh có thể xảy ra sau khi người bệnh bị nhiễm trùng do hệ miễn dịch suy giảm hoặc sau chấn thương.
1. Tác nhân nhiễm trùng
Các yếu tố gây khởi phát liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) bao gồm nhiễm trùng, gồm cả thể hoạt động hoặc không hoạt động, chẳng hạn như:
- Herpes simplex 1 (gây loét miệng).
- Bệnh đường hô hấp trên.
- Varicella-zoster (thủy đậu).
- Virus Epstein-Barr.
- Virus COVID-19.
- Hội chứng Guillain Barre.
- HIV.
- Bệnh Lyme.
- Bệnh xơ cứng rải rác.
- Bệnh tay chân miệng.
- Quai bị.
- Cúm B.
- Bệnh nhược cơ (một tình trạng tự miễn).
- Sarcoidosis (một bệnh viêm gây hình thành u hạt trong các cơ quan).
2. Mối liên quan tiềm ẩn giữa một số loại vaccine và liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell)
Một số bằng chứng cho thấy liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) có thể xảy ra sau cả nhiễm COVID-19 và chích ngừa. Một bài tổng quan được công bố vào ngày 27/04 trên Tập san JAMA Otolaryngology—Head & Neck Surgery (Phẫu thuật Cổ và Đầu – Khoa tai mũi họng của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ) đã phân tích 50 nghiên cứu khác nhau, gồm các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên và quan sát. Bài viết nhận thấy tỷ lệ liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) “cao hơn đáng kể” ở nhóm được chích ngừa so với nhóm dùng giả dược. Tuy nhiên, bài tổng quan không chứng minh được mối quan hệ nhân quả.
Một phân tích gộp đã so sánh tỷ lệ mới mắc liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) ở cả những người nhận vaccine mRNA và vector virus (AstraZeneca và J&J). Bài tổng quan cho biết: “Với phân nhóm vaccine mRNA, tỷ lệ bị bệnh ở nhóm được chích ngừa tăng đáng kể so với nhóm dùng giả dược.”
Tuy nhiên, các nghiên cứu quan sát được phân tích trong bài tổng quan cho thấy tỷ lệ liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) không khác biệt đáng kể giữa nhóm có và không chích ngừa, họ nói thêm.
“Trong các nghiên cứu thuần tập, phân tích cho thấy không có bằng chứng đáng kể về việc tăng tỷ lệ bị bệnh ở nhóm có chích ngừa so với nhóm không chích ngừa,” bài tổng quan kết luận.
Ngoài ra, các tác giả nhận thấy liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) phổ biến hơn ở những người trước đó bị nhiễm COVID-19 so với trước đó đã chích vaccine. Cụ thể, so với việc chích ngừa, nhiễm trùng làm tăng gấp ba lần nguy cơ phát triển bệnh liệt mặt.
Các nghiên cứu cũng cho thấy mối liên quan giữa vaccine cúm và liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell). Sau khi Thụy Sĩ giới thiệu vaccine cúm bất hoạt dạng xịt mũi (không còn được áp dụng trên lâm sàng), 46 trường hợp liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) được báo cáo tại nước này. Một nghiên cứu gần đây ở Đài Loan khảo sát 7.5 triệu người cao niên được chích ngừa cúm từ năm 2010-2017 cho thấy mối liên quan tỷ lệ thuận giữa chích ngừa và nguy cơ bị liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell).
Tuy nhiên, nhìn chung, “tác dụng phụ liệt mặt thường hiếm gặp và khi xét đến tỷ lệ bị bệnh và tử vong do cúm, lợi ích của việc [chích ngừa] vẫn lớn hơn rủi ro,” các tác giả nghiên cứu viết.
Ai có nguy cơ bị liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell)?
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và các tác giả không thống nhất về nhóm tuổi có nguy cơ cao nhất. Theo một số chuyên gia, bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến những người từ 15-45 tuổi, nhưng một số cho rằng bệnh phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi. Các nguồn khác lại nói liệt mặt ít phổ biến ở những người trên 60 tuổi.
Mặc dù nam giới và nữ giới đều bị ảnh hưởng như nhau, một số bệnh lý sau đây làm tăng nguy cơ bị bệnh, ngoài các yếu tố khởi phát và virus nêu trên:
- Bệnh tiểu đường.
- Cao huyết áp.
- Béo phì.
- Tiền sản giật.
- Mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng cuối.
- Chấn thương về thể chất hoặc tổn thương về tinh thần.
- Các yếu tố làm suy giảm hệ miễn dịch, chẳng hạn như bị thương.
- Tiền sử bị liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell).
Chẩn đoán liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell)
Nên lưu ý rằng, người bệnh cần đi khám bác sĩ kịp thời khi có bất kỳ triệu chứng nào của liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell). Tình trạng đột quỵ và khối u có thể gây ra triệu chứng tương tự, vì vậy phải loại trừ những khả năng này. Chẩn đoán liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) là một chẩn đoán loại trừ, nghĩa là nếu không tìm ra nguyên nhân nào khác thì bác sĩ sẽ kết luận bạn bị liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell).
Một số thăm khám và xét nghiệm được dùng để chẩn đoán:
- Khám sức khỏe: Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell), họ sẽ tiến hành một số thăm khám. Nếu cơ vùng trán bị liệt một bên thì điều này phù hợp với liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell), vì cơ trán không bị ảnh hưởng trong đột quỵ. Bác sĩ cũng sẽ khám để xác nhận bạn không có triệu chứng thực thể của một bệnh lý khác.
- Xét nghiệm máu: Không có xét nghiệm máu đặc hiệu cho liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell). Tuy nhiên, nếu bác sĩ nghi ngờ bạn đang có nhiễm trùng tiềm ẩn (chẳng hạn như bệnh Lyme) hoặc có bệnh nền từ trước (chẳng hạn như tiểu đường), họ có thể yêu cầu một số xét nghiệm liên quan.
- Chẩn đoán hình ảnh: Các công cụ chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như cộng hưởng từ (MRI) hoặc cắt lớp vi tính (CT), không thực sự cần thiết cho chẩn đoán nhưng có thể được đưa ra khi các dấu hiệu thực thể ban đầu không đơn giản hoặc không được giải quyết như mong đợi. Bác sĩ cũng có thể cho bạn làm điện cơ (EMG). Xét nghiệm này được tiến hành bằng cách đặt các điện cực lên cơ bị ảnh hưởng để đo hoạt động điện và do đó đánh giá chức năng thần kinh.
Biến chứng của liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell)
Nếu bệnh nhân bị liệt hoặc yếu cơ mặt dẫn đến không thể nhắm một bên mắt, họ có thể bị khô mắt trầm trọng. Thuốc nhỏ mắt vào ban ngày và thuốc mỡ tra mắt vào ban đêm sẽ giúp giảm bớt tình trạng này. Người bệnh cũng có thể dùng băng giấy để giữ mí mắt khép kín hoàn toàn vào ban đêm. Dán nhẹ miếng bông lên mắt đang nhắm sẽ giảm điểm dính trực tiếp trên mí mắt, giúp dễ tháo băng sau khi ngủ.
Nếu dây thần kinh sọ bị tổn thương hồi phục không đúng cách, một số sợi có thể phát triển trở lại và chi phối tuyến lệ thay vì tuyến nước bọt, khiến bệnh nhân bị chảy nước mắt khi ăn. Việc phục hồi sai cách cũng dẫn đến các cử động bất thường và không tự chủ trên mặt (Hiện tượng đồng động – synkinesis*).
Các nhà nghiên cứu ở Đài Loan cho biết trong nghiên cứu rằng, bệnh nhân liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) có nguy cơ bị đột quỵ không xuất huyết cao gấp hai lần so với dân số nói chung. Một nghiên cứu của Hàn Quốc cũng cho thấy nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ tăng lên đáng kể, đặc biệt là trong vòng hai năm kể từ khi bệnh nhân bị liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell), nhưng nguy cơ đột quỵ do xuất huyết không tăng quá nhiều.
Những người từng bị liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) có 8% nguy cơ tái phát.
Tình trạng liệt mặt có thể tồn tại vĩnh viễn ở 20-30% bệnh nhân. Điều trị bằng corticosteroid sẽ giúp tăng cơ hội phục hồi hoàn toàn.
Phương pháp điều trị liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell)
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) thường được điều trị bằng steroid để giảm viêm. Thuốc kháng virus có thể được kê nếu cần, nhưng kết quả nghiên cứu về hiệu quả của thuốc còn chưa thống nhất.
Các phương pháp điều trị điều trị liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) bao gồm:
- Steroid: Phác đồ corticosteroid đường uống (prednisone) trong 10 ngày là phương pháp đầu tay cho chứng liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) và mang lại hiệu quả cao nhất nếu bệnh nhân được dùng trong vòng vài ngày đầu tiên kể từ khi xuất hiện triệu chứng.
- Thuốc kháng virus: Thuốc kháng virus valacyclovir hoặc acyclovir có thể được kê cùng steroid trong 7-10 ngày. Theo đánh giá của Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ, liệu pháp kết hợp này giúp giảm tỷ lệ di chứng đồng động (chuyển động không chủ ý của một số cơ mặt). Theo bệnh viện Mayo Clinic, việc dùng thuốc kháng virus đơn thuần không được khuyến khích và không cho thấy lợi ích so với giả dược.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật tái tạo khuôn mặt, gồm các thủ thuật thẩm mỹ “tĩnh” (chẳng hạn như nâng chân mày hoặc căng da mặt ở bên bị ảnh hưởng), ghép dây thần kinh hoặc tái định vị cơ, có thể phù hợp trong một số trường hợp.
- Chích Botox: Việc dùng độc tố botulinum (Botox) đã được chứng minh là giúp cải thiện tình trạng tăng động trên khuôn mặt (chuyển động cơ quá mức) và tình trạng đồng động sau liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell), theo hướng dẫn thực hành năm 2021 trên Tập san Toxins (Chất độc). Hướng dẫn nêu rõ: “Để tạo sự đối xứng trên khuôn mặt khi nghỉ và khi hoạt động, [Botox] được chích vào các cơ của bên mặt không bị ảnh hưởng để giảm hiện tượng tăng động, mang lại sự cải thiện đáng kể về mặt thẩm mỹ. Để điều trị chứng đồng động, việc chích [Botox] vào một cơ cụ thể có thể làm giảm hoặc loại bỏ hoạt động cơ không tự chủ được kích hoạt một cách bất thường.”
Cách suy nghĩ ảnh hưởng đến bệnh liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) như thế nào?
Bệnh liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) thường xảy ra ở những người trải qua căng thẳng cực độ hoặc chấn thương nặng về thể chất hoặc tinh thần.
Các trường hợp liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) sau chấn thương rất hiếm gặp nhưng vẫn tồn tại.
Nữ diễn viên người Mỹ Angelina Jolie vào năm 2023 nói với The Wall Street Journal rằng cô bị liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) vào năm 2016 do căng thẳng sau cuộc ly hôn. Cô cho biết châm cứu đã giúp giải quyết tình trạng này.
Một trường hợp nổi tiếng khác là nam diễn viên Pierce Brosnan, theo ấn phẩm TV Guide, đã phát triển căn bệnh vào những năm 1980 sau khi nhiễm virus và làm việc nhiều giờ đến mức kiệt sức.
Do đó, việc tránh căng thẳng quá mức có thể giúp giảm nguy cơ suy yếu miễn dịch và dễ mắc bệnh, bao gồm cả liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell).
Một nghiên cứu ở Đài Loan được công bố vào năm 2017 cho thấy mối liên quan giữa liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) và chứng rối loạn lo âu. Các nhà nghiên cứu kiểm tra hồ sơ của hàng nghìn bệnh nhân bị và không bị liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) và rối loạn lo âu, từ đó tìm thấy “mối liên quan hai chiều.”
Các tác giả viết: “Sau khi một bệnh phát triển, tỷ lệ bị bệnh kia sẽ tăng lên đáng kể.” Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng cần có nghiên cứu bổ sung để xác định mối liên quan giữa hai bệnh và liệu việc điều trị một tình trạng có giúp ngăn ngừa hoặc giảm bớt tình trạng kia hay không.
Cách tiếp cận tự nhiên với liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell)
Vật lý trị liệu là một giải pháp bổ trợ có lợi (ngoài điều trị nội khoa) cho những bệnh nhân bị liệt mặt nghiêm trọng.
Xoa bóp và các bài tập vận động tập trung có thể giúp ích cho các cơ bị tổn thương.
Có hàng triệu video trực tuyến hướng dẫn các bài tập cơ mặt cho bệnh nhân liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell), với hàng triệu bệnh nhân nói rằng họ được hưởng lợi từ những bài tập này.
Theo Viện Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Quốc gia, châm cứu có thể mang lại lợi ích. Một số bệnh nhân liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) cũng khẳng định liệu pháp này là có hiệu quả. Tuy nhiên, một bài tổng quan lớn về các thử nghiệm có đối chứng kết luận: “Bằng chứng hiện có là không đủ để chứng minh châm cứu là liệu pháp hiệu quả cho liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) do các nghiên cứu có chất lượng kém và không thể rút ra kết luận nào về sự an toàn của phương pháp này.”
Một nghiên cứu ca bệnh về một phụ nữ bị phì đại nướu răng và liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) cho thấy các triệu chứng của cô được cải thiện sau khi bổ sung vitamin C. Tuy nhiên, đây là trường hợp đầu tiên (theo hiểu biết của các tác giả) cho thấy mối liên quan giữa tình trạng thiếu vitamin C và liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell).
Họ cho rằng sự thiếu hụt vitamin C có thể là “một nguyên nhân hoặc […] yếu tố nguy cơ của liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) và đồng thời tình trạng viêm miễn dịch do liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) cũng dẫn đến thiếu vitamin C vì vitamin C hiện có trong cơ thể bắt đầu loại bỏ các gốc tự do để ngăn ngừa tổn thương oxy hóa.”
Bệnh nhân liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell) có thể tìm kiếm các liệu pháp thay thế như kích điện, luyện tập phản hồi sinh học và bổ sung vitamin B12, B6 và kẽm. Tuy nhiên, theo Trường Y khoa Johns Hopkins, không có bằng chứng nào cho thấy tính hiệu quả của những phương pháp này.
Một số người cho rằng các phương pháp tự nhiên như thư giãn và thiền định có thể giúp giảm căng cơ, xoa bóp bằng dầu thầu dầu giúp tăng lưu lượng máu đến vùng bị ảnh hưởng và các loại thảo mộc chống virus như hoa cúc tím và cơm cháy đen có thể cải thiện chức năng miễn dịch. Tuy nhiên, không có bằng chứng thuyết phục nào về hiệu quả của các phương pháp trên.
Phòng ngừa liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell)
Mặc dù không có phương pháp phòng ngừa đặc hiệu cho bệnh liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell), việc tối ưu hóa sức khỏe qua dinh dưỡng và tập luyện có thể giúp một người tránh được những tình trạng dẫn đến bệnh.
Có quá nhiều căng thẳng ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta theo những cách khác nhau và việc giảm mức độ căng thẳng là điều cần thiết để cải thiện sức khỏe. “Nếu bạn thường xuyên bị căng thẳng, điều đó giống như thói quen hút thuốc; về lâu dài nó sẽ làm tổn hại đến cơ thể,” theo tác giả Leo Babauta, người đã đề nghị năm cách để giảm căng thẳng trong một bài báo của Epoch Times. Các giải pháp bao gồm thực hành thư thái, hít thở sâu, ưu tiên các cam kết và nhiệm vụ, dành thời gian với thiên nhiên và thực hành lòng biết ơn.
Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại California, Tiến sĩ Andre Panossian khuyến nghị các kỹ thuật sau để giảm căng thẳng và ngăn ngừa liệt dây thần kinh VII ngoại biên (liệt mặt Bell):
- Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục được chứng minh là giúp giảm trầm cảm và lo lắng, và nghiên cứu gần đây cho thấy điều này thậm chí còn hiệu quả hơn thuốc trong việc kiểm soát những tình trạng trên.
- Thực hành kỹ thuật thở sâu và chánh niệm.
- Tránh dùng caffeine, rượu và các chất kích thích.
- Ăn uống cân bằng và bổ sung nhiều trái cây và rau quả.
- Dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên hoặc tham gia các hoạt động mang lại niềm vui.
- Tập yoga hoặc các hình thức thả lỏng khác.
- Nghỉ giải lao thường xuyên trong ngày để thư thái và nghỉ ngơi.
- Ngủ nhiều mỗi đêm để giúp giảm căng thẳng.
- Nghe nhạc êm dịu hoặc âm thanh tự nhiên để thư thái tâm trí và cơ thể.
- Kết nối với bạn bè và gia đình, những người có thể giúp đỡ bạn về mặt tinh thần.
- Thực hiện các hoạt động khiến bạn có suy nghĩ tích cực, chẳng hạn như viết nhật ký hoặc thiền định.
- Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp nếu cần, chẳng hạn như đi khám bác sĩ trị liệu hoặc tư vấn viên.
Các loại thực phẩm chúng ta tiêu thụ hàng ngày cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ căng thẳng. Theo GreenMedInfo.com, năm loại thực phẩm giúp giảm lo âu hàng đầu là:
- Các loại hạt (vitamin E, selenium, acid amin và acid béo).
- Sữa chua (men vi sinh).
- Trà xanh (L-theanine và polyphenol epigallocatechin-gallate). Lưu ý, lượng caffeine có trong trà xanh bằng khoảng 1/3 so với cà phê. Nếu bạn nhạy cảm với caffeine, hãy ghi nhớ số lượng đã uống.
- Chocolate (chất chống oxy hóa và magnesium).
- Cá (acid béo omega-3, L-lysine và L-arginine).
Được xem xét về mặt y tế bởi bác sĩ y khoa Beverly Timeding.
*Chú thích của dịch giả:
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times