Hướng dẫn cơ bản về bệnh hen suyễn: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và các cách tiếp cận tự nhiên
Hen suyễn là một bệnh lý hô hấp mạn tính đặc trưng bởi tình trạng viêm đường hô hấp, có thể dẫn đến hẹp tạm thời đường thở gây khó thở. Hiện chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh hen, nhưng có thể kiểm soát các triệu chứng của bệnh qua điều trị thích hợp.
Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của bệnh hen suyễn
Một đợt hen suyễn, còn được gọi là cơn hen cấp, đợt bệnh nặng hơn hoặc cơn bùng phát, đề cập đến các triệu chứng hen đột ngột trở nên trầm trọng. Cơn hen cấp liên quan đến sự co thắt phế quản, phù nề đường thở và tăng tiết nhầy. Sự tắc nghẽn đường thở dẫn đến hạn chế không khí đi vào và ra khỏi phổi.
1. Dấu hiệu cảnh báo
Các cơn hen thường xảy ra với các dấu hiệu cảnh báo khác nhau giữa các bệnh nhân và có thể mức độ nhẹ hoặc không liên quan đến bệnh hen suyễn. Những dấu hiệu này có thể xuất hiện từ 24 đến 48 tiếng trước cơn hen thực sự, được xem là triệu chứng hen sớm và cần được giải quyết kịp thời.
Các dấu hiệu cảnh báo thường gặp có thể bao gồm ngứa cằm, ho dai dẳng vào ban đêm, đau hoặc ngứa họng, thức giấc vào ban đêm, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, thay đổi tâm trạng, ngứa hoặc chảy nước mắt, và bùng phát bệnh chàm.
2. Triệu chứng thường gặp
Các triệu chứng hen khác nhau giữa mỗi người. Các cơn hen có thể thay đổi về thời gian, kéo dài từ vài phút đến vài ngày. Cơn hen khởi phát có thể đột ngột hoặc tiến triển từ từ trong vài tiếng hoặc vài ngày. Các triệu chứng điển hình bao gồm:
- Ho: Ho tái đi tái lại có thể là triệu chứng của bệnh hen suyễn, nhưng không phải ai bị bệnh hen cũng ho. [Bệnh nhân] thường ho khan, những người bị hen không kiểm soát có thể tiết ra dịch nhầy đặc và trong.
- Khó thở: Khó thở là triệu chứng phổ biến của bệnh hen suyễn. Bệnh nhân có thể cảm thấy khó hít vào sâu hoặc khó thở ra hết và tình trạng khó thở nặng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động như nói chuyện, ăn uống hoặc ngủ.
- Tức ngực: Tức ngực trong bệnh hen có cảm giác như một vật nặng hoặc một đai thắt chặt ở ngực, hoặc có thể biểu hiện dưới dạng đau âm ỉ hoặc đau nhói gây hạn chế thở sâu. Nguyên nhân thường do không khí bị mắc kẹt lại trong phổi không thể thở ra được.
- Khò khè: Khò khè là âm thanh phát ra từ đường thở nghe như tiếng huýt sáo, xảy ra trong thì thở ra.
- Các triệu chứng khác: có thể bao gồm tiết đờm, khó ngủ do khó thở hoặc nhịp thở không đều.
3. Triệu chứng báo động
Nếu các triệu chứng sau xuất hiện, hãy gọi 911:
- Xuất hiện tím, xanh tím hoặc xám ở vùng mặt, môi và móng tay
- Giảm tỉnh táo, bao gồm buồn ngủ trầm trọng hoặc lú lẫn khi lên cơn hen suyễn
- Co rút cơ liên sườn theo mỗi nhịp thở
- Khó đi lại hoặc nói chuyện
- Ngưng thở tạm thời
- Nhịp tim nhanh
- Phập phồng cánh mũi khi thở
- Bồn chồn lo lắng do khó thở
- Thuốc giảm đau nhanh không hiệu quả
Nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn
Bệnh hen suyễn liên quan đến tình trạng viêm và co nhỏ các ống phế quản, gây hạn chế luồng thông khí và khó thở. Các cơ xung quanh đường thở, cũng là nơi chứa các tuyến nhầy, thường [ở trạng thái] giãn nhưng trở nên nhạy cảm và viêm ở những người bị bệnh hen suyễn. Tiếp xúc với các tác nhân kích ứng sẽ gây co thắt cơ trơn đường thở hơn nữa, dẫn đến phù nề niêm mạc đường thở và tích tụ chất nhầy, đồng thời dẫn đến khó thở và các triệu chứng hen suyễn, thường được gọi là cơn hen suyễn.
Nguyên nhân căn bản đằng sau bệnh lý này rất phức tạp và chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, sự khởi phát của bệnh hen suyễn thường được xem là do nhiều yếu tố, có sự phối hợp của nhiều gene nhạy cảm và các yếu tố môi trường.
Các nhà khoa học đã xác định được hơn 100 gene liên quan đến bệnh hen suyễn. Nhiều trong số này được cho là có liên quan đến nhóm tế bào T-helper loại 2 (TH2) gây viêm. Cách các gene tương tác với nhau và những thay đổi trong hoạt động của gene cũng có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh. Các biến thể di truyền cũng ảnh hưởng đến đáp ứng điều trị.
Một số hoạt động, yếu tố môi trường hoặc điều kiện nhất định có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn. Đây được xem là tác nhân kích hoạt, khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Các yếu tố kích hoạt có thể là dị ứng hoặc không dị ứng. Đôi khi, các triệu chứng hen suyễn có thể do sự kết hợp của các tác nhân gây dị ứng và không gây dị ứng.
Các loại bệnh hen suyễn
Dựa trên các yếu tố kích hoạt và độ tuổi khởi phát, có một số loại hen suyễn, bao gồm:
- Hen dị ứng: Hen dị ứng là bệnh hen suyễn được gây ra bởi các chất gây dị ứng như nấm mốc, phấn hoa, vật nuôi, gián và mạt nhà. Những tác nhân gây viêm này kích hoạt phản ứng dị ứng dẫn đến viêm đường hô hấp hoặc co thắt các cơ trơn đường thở. Khoảng 80% người bệnh hen suyễn cũng bị dị ứng. Bệnh hen suyễn dị ứng cũng có thể trở nên trầm trọng hơn bởi các yếu tố khởi phát hen suyễn không dị ứng, bao gồm nhiễm trùng đường hô hấp do virus, hoạt động thể chất và thay đổi điều kiện thời tiết.
- Hen suyễn không dị ứng: Hen suyễn không dị ứng được gây ra bởi các yếu tố không phải là dị nguyên. Còn được gọi là tác nhân gây ra triệu chứng, các tác nhân này không gây mề đay nhưng có thể kích ứng đường hô hấp nhạy cảm, đặc biệt khi đã có tình trạng viêm. Ví dụ như tập thể dục, cảm xúc mạnh, thời tiết, nhiễm virus, khói và các chất gây ô nhiễm không khí khác, khói hóa chất và các chất có mùi mạnh.
- Hen suyễn theo mùa: Một số người bị hen suyễn theo mùa do các yếu tố như dị ứng phấn hoa hoặc thời tiết lạnh. Mặc dù bệnh hen suyễn thường là một bệnh lý mạn tính nhưng vẫn có thể có những giai đoạn không có triệu chứng khi không có các tác nhân.
- Hen suyễn ở trẻ em: Có gần 4.7 triệu trẻ em bị bệnh hen suyễn ở Hoa Kỳ. Khoảng 66% trường hợp hen suyễn được chẩn đoán ở trẻ em và gần 50% trẻ bị hen suyễn giảm mức độ nặng của triệu chứng hoặc biến mất các triệu chứng khi bắt đầu trưởng thành. Tuy nhiên, bệnh có khả năng quay trở lại về sau.
- Hen suyễn khởi phát ở người trưởng thành: Bệnh hen suyễn khởi phát ở người trưởng thành có thể xuất hiện mà không có dấu hiệu trước đó, đôi khi một số người có thể tránh được các tác nhân gây bệnh trong nhiều năm. Việc tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh ở tuổi trưởng thành hoặc nhiễm virus có thể bộc lộ các triệu chứng hen suyễn.
- Hen suyễn nghề nghiệp: Hen suyễn nghề nghiệp có liên quan trực tiếp đến công việc của một người, đặc biệt nếu các triệu chứng hen suyễn bắt đầu ở tuổi trưởng thành và cải thiện vào những ngày không làm việc. Khoảng 11 triệu công nhân Hoa Kỳ trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau tiếp xúc với các chất được biết là gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn nghề nghiệp.
- Co thắt phế quản do tập thể dục: Co thắt phế quản do tập thể dục (EIB), một loại hen suyễn không dị ứng, là thuật ngữ cập nhật thay cho [khái niệm] hen suyễn do tập thể dục trước đây. Các triệu chứng xảy ra khi đường thở bị co hẹp trong lúc hoạt động thể chất. Mặc dù có tới 90% người bị bệnh hen suyễn cũng gặp phải EIB, nhưng không phải ai bị EIB cũng bị bệnh hen suyễn. EIB cũng được quan sát thấy ở nhiều vận động viên chuyên nghiệp.
- Hen suyễn khó kiểm soát: Khoảng 17% người bị bệnh hen suyễn khó kiểm soát. Bệnh hen suyễn khó kiểm soát đặc trưng bởi sự xuất hiện các triệu chứng trên 3 lần một tuần hoặc phải thức dậy vào ban đêm do hen suyễn từ một lần một tuần trở lên. Khoảng 4% số người bị bệnh hen suyễn mức độ nặng, đây là loại bệnh hen suyễn khó điều trị bằng các phương pháp thông thường.
- Hội chứng chồng lấp hen suyễn-COPD: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) bao gồm nhiều tổn thương phổi khác nhau dẫn đến khó thở và tắc nghẽn luồng khí, bao gồm hen suyễn nặng, khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính. Hội chứng chồng lấp hen suyễn-COPD xảy ra khi một người bị đồng thời cả hen suyễn và COPD. Đây là tình trạng bệnh rất nặng, có thể đe dọa tính mạng.
Ai có nhiều khả năng bị bệnh hen suyễn?
Những người có nhiều khả năng bị bệnh hen suyễn bao gồm:
- Trẻ trai: Nam giới có nhiều khả năng bị bệnh hen suyễn khi còn nhỏ, với tỷ lệ nam/nữ là 2:1. Ở tuổi dậy thì, tỷ lệ nam/nữ là 1:1.
- Phụ nữ: Ngoài tuổi dậy thì, bệnh hen suyễn phổ biến hơn ở nữ giới. Các trường hợp hen suyễn khởi phát ở người trưởng thành sau 40 tuổi chủ yếu gặp ở phụ nữ, có thể do thay đổi nội tiết tố.
- Tiền sử gia đình bị bệnh hen suyễn: Một người có nguy cơ bị bệnh hen suyễn cao gấp ba lần nếu có cha hoặc mẹ bị bệnh này. Ngoài ra, môi trường chung sống của cả gia đình cũng có thể góp phần làm phát triển bệnh hen suyễn.
- Chủng tộc hoặc sắc tộc: Người Mỹ gốc Phi và người Puerto Rico có nguy cơ bị bệnh hen suyễn cao hơn so với những người thuộc chủng tộc hoặc sắc tộc khác.
- Người sống ở các nước phát triển: Khoảng 15 đến 20% người dân ở các nước phát triển bị bệnh hen suyễn, trong khi bệnh lý này ảnh hưởng đến 2 đến 4% dân số ở các nước đang phát triển.
- Trẻ bị một số bệnh lý nhất định: Trẻ bị viêm mũi dị ứng hoặc bệnh chàm có nguy cơ bị bệnh hen suyễn cao hơn. Ngoài ra, những trẻ bị dị ứng thực phẩm có nguy cơ bị bệnh hen suyễn cao gấp 4 lần so với trẻ không bị dị ứng. Trẻ có tiền sử viêm tiểu phế quản hoặc viêm thanh khí phế quản cũng có thể có nhiều nguy cơ bị hen suyễn hơn.
- Trẻ đẻ non: Đẻ non trước 37 tuần tuổi làm tăng nguy cơ bị bệnh hen suyễn, đặc biệt nếu trẻ cần máy thở sau khi sinh. Ngoài ra, cân nặng khi sinh thấp, thường gặp ở trẻ đẻ non, là một yếu tố khác liên quan đến việc tăng nguy cơ bị bệnh hen suyễn.
- Tiếp xúc nghề nghiệp: Tại nơi làm việc, hơn 300 chất có khả năng gây ra bệnh hen suyễn, bao gồm các hạt bụi, khói và hơi hóa chất.
- Béo phì: Trọng lượng dư thừa quanh vùng ngực có thể chèn ép phổi, khiến việc hít thở trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, mô mỡ còn sản sinh ra các chất gây viêm có thể tác động đến phổi và ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn.
- Thiếu vitamin: Có mối liên quan giữa lượng vitamin D thấp và trẻ thở khò khè, viêm mũi dị ứng và hen suyễn. Bệnh hen suyễn cũng có liên quan đến khẩu phần ăn thiếu vitamin C và E, cũng như acid béo omega-3.
- Trẻ em không tiếp xúc với vi khuẩn: Giả thuyết vệ sinh đề nghị rằng môi trường gia đình quá sạch sẽ làm giảm khả năng tiếp xúc với vi khuẩn, ngăn cản hệ miễn dịch phát triển bình thường và có khả năng góp phần gây ra bệnh hen suyễn.
- Tiếp xúc với khói thuốc: Cả hút thuốc khi mang thai và tiếp xúc với khói thuốc đều làm tăng đáng kể nguy cơ trẻ bị bệnh hen suyễn hoặc các vấn đề về hô hấp. Hút thuốc cũng là một yếu tố góp phần gây ra bệnh hen suyễn ở người lớn.
Chẩn đoán bệnh hen suyễn
Bác sĩ sẽ kết hợp bệnh sử, khám thực thể và xét nghiệm để chẩn đoán bệnh hen suyễn. Những xét nghiệm này bao gồm:
1. Đo chức năng hô hấp
Xét nghiệm đo chức năng hô hấp đánh giá hiệu quả và chức năng tổng thể của phổi. Những thông số thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh hen suyễn là:
- Hô hấp ký: Người bệnh thổi mạnh vào một ống nối với một thiết bị nhỏ để đánh giá thể tích và lưu lượng không khí thở ra từ phổi. Các xét nghiệm đo lưu lượng đỉnh (PEF) đo lưu lượng thở ra gắng sức, có thể được thực hiện bằng máy đo phế dung kế. Trong các đợt bùng phát hen suyễn, các đường dẫn khí lớn hơn trong phổi thu hẹp dần, làm giảm lưu lượng thở ra. Điều này có thể được giám sát bằng cách sử dụng xét nghiệm theo dõi lưu lượng đỉnh. Phương pháp này rất quan trọng để đánh giá mức độ kiểm soát bệnh hen suyễn.
- Đo dung tích phổi, còn được gọi là phép đo thể tích cơ thể, là phương pháp chính xác nhất để xác định tổng dung tích không khí của phổi. Phương pháp cũng có thể đo lượng khí cặn còn lại trong phổi sau khi thở ra gắng sức.
- Các bài kiểm tra gắng sức, chẳng hạn như bài kiểm tra đi bộ sáu phút và bài đo gắng sức tim mạch-hô hấp (cardiopulmonary exercise test-CPET), đánh giá chức năng phổi khi hoạt động thể chất.
2. Các xét nghiệm khác
- Đo nồng độ NO trong khí thở ra (FeNO): Phương pháp này giúp đo lượng nitric oxide trong hơi thở. Nồng độ nitric oxide tăng cao có thể cho thấy tình trạng viêm đường hô hấp trong phổi, có khả năng gây khó thở. Xét nghiệm này có thể hữu ích khi chẩn đoán bệnh hen suyễn chưa rõ ràng.
- Chụp X-quang ngực liên quan đến việc sử dụng năng lượng điện từ để tạo ra hình ảnh của các mô, xương và cơ quan bên trong [cơ thể] trên phim chụp, dùng làm xét nghiệm chẩn đoán.
- Xét nghiệm dị nguyên được thực hiện nếu người bệnh có tiền sử dị ứng, giúp xác định các dị nguyên cụ thể gây ra phản ứng của hệ miễn dịch.
- Xét nghiệm khí máu động mạch thường được thực hiện ở những người có cơn hen nặng. Xét nghiệm máu này bao gồm đo mức oxy và quan trọng hơn là đo mức độ đào thải carbon dioxide.
Biến chứng của bệnh hen suyễn
Các biến chứng của bệnh hen suyễn bao gồm:
- Thay đổi chức năng phổi vĩnh viễn: Đặc biệt nếu không được điều trị thích hợp, [cấu trúc] đường thở sẽ thay đổi, bao gồm dày màng đáy (màng nằm dưới lớp cơ niêm của đường thở) cùng với sự phì đại của cơ trơn và tích tụ collagen khiến đường thở thu hẹp và giảm linh hoạt so với bình thường. Sự phá vỡ lớp nội mô của đường thở làm suy yếu khả năng đào thải chất nhầy và chức năng miễn dịch tại chỗ.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Gia tăng áp lực ổ bụng do thở hoặc ho có thể khiến dịch dạ dày trào ngực thực quản, hầu họng hoặc đường hô hấp. Tương tự như vậy, trào ngược có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn ở một số người. Một số loại thuốc trị hen suyễn cũng có thể làm nặng thêm tình trạng GERD.
- Viêm xoang: Các lớp lót trong xoang bị phù nề hoặc viêm, thường là do phản ứng viêm hoặc nhiễm trùng bởi virus, vi khuẩn, nấm hoặc GERD.
- Các vấn đề về tâm thần, bao gồm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm
- Chậm tăng trưởng ở trẻ em
- Giảm hiệu suất ở nơi làm việc hoặc trường học
- Tác dụng phụ do sử dụng một số loại thuốc điều trị hen nặng kéo dài, đặc biệt là corticosteroid
- Mệt mỏi
- Khó ngủ
- Viêm phổi
- Ho dai dẳng
- Tử vong
Điều trị bệnh hen suyễn
Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh hen suyễn nhưng các chiến lược điều trị và quản lý hiệu quả có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Mục tiêu điều trị bệnh hen suyễn bao gồm kiểm soát tình trạng phù nề đường thở, giảm thiểu tiếp xúc với các chất kích ứng, và giúp người bệnh tham gia vào các hoạt động bình thường mà không gặp phải các triệu chứng hen suyễn.
Bác sĩ sẽ phối hợp cùng người bệnh để xây dựng kế hoạch điều trị cho bệnh hen suyễn. Kế hoạch điều trị bao gồm hướng dẫn dùng thuốc trong trạng thái bệnh ổn định, danh sách các tác nhân gây hen suyễn và cách phòng tránh, hướng dẫn nhận biết các triệu chứng nặng lên, những hành động cần thực hiện và khi nào cần liên lạc với bác sĩ.
Các yếu tố góp phần điều trị thành công bao gồm:
1. Theo dõi liên tục
Các phương pháp đo lường khách quan đánh giá chức năng phổi, như đo phế dung và lưu lượng thở ra đỉnh, được sử dụng để đánh giá mức độ nặng của bệnh hen và theo dõi quá trình điều trị.
2. Thuốc
Thuốc điều trị hen suyễn tập trung vào việc điều trị đợt cấp, duy trì hoặc kiểm soát bệnh, cùng với việc ngăn ngừa dị ứng.
3. Thuốc tác dụng nhanh
Thuốc tác dụng nhanh hay thuốc tác dụng ngắn hạn hoặc thuốc cấp cứu, được dùng để giải quyết các triệu chứng như ho, khò khè và khó thở, đặc biệt là khi lên cơn hen. Thuốc cũng có thể được sử dụng ngay trước khi hoạt động thể chất để ngăn ngừa các triệu chứng hen suyễn.
- Thuốc cường beta 2 tác dụng ngắn (SABA): Thuốc chủ vận Beta 2, một loại thuốc giãn phế quản, được kê toa để điều trị hen suyễn. SABA, chẳng hạn như albuterol và levalbuterol, được dùng qua đường hô hấp giúp giãn đường thở, cho phép cải thiện luồng không khí trong cơn hen suyễn. Tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm run và nhịp tim nhanh. Những ống hít cấp cứu này chỉ nên sử dụng dưới hai lần một tuần khi bị khó thở và việc sử dụng quá mức cho thấy bệnh hen suyễn không được kiểm soát tốt, có thể đe dọa tính mạng.
- Corticosteroid đường uống: Được sử dụng cho các cơn hen nặng để giảm phù nề đường thở.
- Thuốc kháng cholinergic tác dụng ngắn: Chẳng hạn như ipratropium, có thể nhanh chóng giãn rộng đường thở và thường được dùng phối hợp với SABA như albuterol. Mặc dù kém hiệu quả hơn SABA nhưng thuốc có thể là giải pháp thay thế cho những người bị tác dụng phụ khi dùng SABA.
Trong cơn hen nặng, nếu thuốc cắt cơn nhanh không có tác dụng, người bệnh sẽ cần được chăm sóc khẩn cấp.
4. Thuốc kiểm soát hen
Thuốc kiểm soát hen còn được gọi là thuốc duy trì, giúp ngăn ngừa các triệu chứng ở những người bị bệnh hen suyễn mức trung bình đến nặng. Để có hiệu quả, điều quan trọng là phải dùng thuốc hàng ngày, ngay cả khi cảm thấy khỏe. Những loại thuốc này bao gồm:
- Corticosteroid: Dùng ở dạng thuốc viên hoặc dạng hít, những loại thuốc này có thể làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể. Liều cao hơn ở dạng thuốc viên có thể dẫn đến nguy cơ đục thủy tinh thể và loãng xương. Tác dụng phụ của thuốc dạng hít bao gồm khàn giọng và tưa miệng, một loại nhiễm trùng miệng. Giảm thiểu tác dụng phụ này bằng cách súc miệng sau mỗi lần xịt.
- Thuốc sinh học: Thuốc được kê toa cho bệnh hen suyễn nặng và có thể chích ngay dưới da. Một ví dụ là benralizumab.
- Thuốc điều chỉnh Leukotriene: Những thuốc viên này có thể làm giảm phù nề và giữ cho đường thở luôn thông thoáng.
- Chất ổn định tế bào mast dạng hít: có thể ngăn ngừa sưng nề đường thở do các chất dị ứng gây ra. Một ví dụ là cromolyn.
- Thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài dạng hít: Ví dụ thuốc chủ vận beta-2 tác dụng kéo dài (LABA).
- Liệu pháp kết hợp: Liệu pháp kết hợp liên quan đến việc sử dụng cả steroid dạng hít và thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài.
5. Thuốc dị ứng
Thuốc dị ứng có thể điều trị các triệu chứng hen suyễn dị ứng.
- Liệu pháp miễn dịch dưới da: Chích dị nguyên, một hình thức trị liệu miễn dịch dị ứng hiệu quả cao, liên quan đến việc chích một lượng rất nhỏ chiết xuất chất gây dị ứng vào da cánh tay, cứ sau 1 đến 4 tuần. Liệu pháp này giúp giảm phản ứng của cơ thể với chất gây dị ứng.
- Liệu pháp miễn dịch dưới lưỡi: Phương pháp này bao gồm việc hấp thụ một viên thuốc dưới lưỡi hàng ngày, vài tháng trước mùa dị ứng. Liệu pháp này hiện bị hạn chế đối với một số chất dị nguyên như một số loại cỏ và phấn hoa cỏ phấn hương, và không khuyến khích đối với hen suyễn nặng hoặc hen không kiểm soát. Tuy nhiên, phương pháp này là một liệu pháp hứa hẹn trong tương lai.
6. Tái tạo phế quản bằng nhiệt
Tái tạo phế quản bằng nhiệt là một thủ thuật nội soi phế quản can thiệp điều trị bệnh hen suyễn nặng, không kiểm soát được. Phương pháp này được xem xét khi các điều trị khác không hiệu quả. Kỹ thuật này bao gồm việc sử dụng ống nội soi phế quản dưới hướng dẫn camera để đưa ống vào đường thở, sau đó dùng sóng cao tần tạo nhiệt tập trung đến đường thở. Kỹ thuật này nhằm mục đích làm giảm tình trạng co thắt đường thở bằng cách làm mỏng cơ, có khả năng cải thiện các triệu chứng hen suyễn.
7. Giáo dục bệnh nhân
Giáo dục bệnh nhân là một nỗ lực hợp tác giữa bệnh nhân, người nhà và bác sĩ, nhằm mục đích giúp cho các bệnh nhân có hiểu biết sâu sắc về thuốc của họ, chiến lược phòng ngừa triệu chứng, nhận biết sớm các cơn hen và khi nào cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế.
Cách suy nghĩ ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn như thế nào?
Mặc dù hen suyễn là một tình trạng bệnh lý có các yếu tố sinh lý cần được điều trị y tế thích hợp, nhưng lối suy nghĩ vẫn có thể ảnh hưởng đến tình trạng bệnh theo nhiều cách:
- Quản lý căng thẳng: Những cảm xúc như căng thẳng và lo lắng có thể góp phần làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn. Quản lý căng thẳng có tác động tích cực đến việc kiểm soát bệnh hen suyễn qua cách suy nghĩ đúng đắn.
- Hiệu ứng giả dược: Lối suy nghĩ tích cực và niềm tin vào hiệu quả của việc điều trị có thể góp phần tạo ra hiệu ứng giả dược, trong đó các bệnh nhân có thể cải thiện triệu chứng do yếu tố tâm lý. Theo một nghiên cứu, hầu hết những người bị bệnh hen suyễn nhẹ, dai dẳng không thấy sự khác biệt đáng kể trong phản ứng của họ với thuốc hít duy trì hàng ngày hoặc giả dược. Nghiên cứu khám phá phản ứng giả dược trong bệnh hen suyễn có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc thú vị về phương pháp điều trị và chẩn đoán bệnh hen suyễn hiện nay.
- Tuân thủ các kế hoạch điều trị với bệnh hen suyễn: Cách suy nghĩ tích cực và hiểu biết về tầm quan trọng của việc tuân thủ các kế hoạch điều trị theo quy định, bao gồm cả việc dùng thuốc theo toa, có thể góp phần quản lý bệnh hen suyễn tốt hơn.
- Cải thiện kết quả điều trị: Một số lối suy nghĩ nhất định có thể dẫn đến trải nghiệm và kết quả điều trị tốt hơn. Một nghiên cứu cho thấy liệu pháp miễn dịch đường uống, nhằm mục đích làm giải mẫn cảm với các dị nguyên trong thực phẩm, có thể gây ra các phản ứng dị ứng liên quan đến điều trị, tạo ra lo lắng và có khả năng dẫn đến việc ngừng điều trị. Tuy nhiên, cách suy nghĩ rằng những triệu chứng đó có thể dự đoán trước và cho thấy quá trình giải mẫn cảm sẽ nâng cao trải nghiệm và kết quả điều trị của bệnh nhân.
- Lựa chọn lối sống tốt hơn: Lối suy nghĩ có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn lối sống có thể ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn. Ví dụ, cách suy nghĩ tích cực có thể khuyến khích bệnh nhân tham gia hoạt động thể chất thường xuyên, duy trì thói quen ăn uống lành mạnh và tránh các tác nhân gây hen suyễn đã biết.
Các phương pháp tiếp cận tự nhiên đối với bệnh hen suyễn
Một số phương pháp tự nhiên đã được sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả của các phương pháp này còn hạn chế và quý vị nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào.
1. Dược liệu và thuốc sắc thảo dược
Một tổng quan hệ thống bao gồm 29 nghiên cứu với tổng số 3,001 người tham gia đã phát hiện ra rằng việc bổ sung thuốc thảo dược vào phương pháp điều trị thường xuyên cho thấy kết quả tốt hơn trong việc kiểm soát bệnh hen suyễn so với chỉ sử dụng thuốc.
Một số loại thảo mộc và thuốc sắc nói riêng đã chứng minh tính hiệu quả trong việc điều trị bệnh hen suyễn, song vẫn cần nghiên cứu thêm.
Ginkgo Biloba
Ginkgolide B, hoạt chất chính trong chiết xuất bạch quả, là chất ức chế yếu tố kích hoạt tiểu cầu (PAF), có vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh hen suyễn. Được công nhận về đặc tính chống viêm và ứng dụng điều trị, ginkgolide B cũng chứng minh tính hiệu quả trong việc ức chế các cytokine T-helper 2 như interleukin-5 và interleukin-13 trên một mô hình chuột, cho thấy tiềm năng hữu ích trong điều trị hen suyễn.
Trong một nghiên cứu khác, khi kết hợp cùng fluticasone (thuốc corticosteroid) các chất chiết xuất bạch quả đã chứng minh khả năng làm giảm sự xâm nhập tế bào viêm vào trong đường thở của bệnh nhân hen suyễn, giúp giảm viêm đường thở. Các phát hiện này cho thấy chiết xuất bạch quả có thể đóng vai trò như một liệu pháp bổ sung cùng với glucocorticosteroid cho bệnh hen suyễn.
Cây cà Tàu và Cà gai leo
Cây cà Tàu (Solanum xanthocarpum) và Cà gai leo (Solanum trilobatum) đã được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền Ấn Độ để giải quyết nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau, bao gồm cả hen phế quản. Trong một nghiên cứu, một liều 300mg duy nhất của một trong hai loại thảo mộc đã cho thấy sự giảm đáng kể tình trạng co thắt phế quản ở bệnh nhân hen, ủng hộ niềm tin truyền thống về hiệu quả trong điều trị hen phế quản. Sự thuyên giảm này có thể là do giãn phế quản, giảm phù nề niêm mạc phế quản hoặc giảm tiết dịch trong lòng đường thở.
Lá thường xuân khô
Theo một tổng quan từ ba nghiên cứu liên quan đến hen mạn tính ở trẻ em, các loại chế phẩm có chứa chiết xuất từ lá thường xuân có tác dụng hữu ích đối với chức năng hô hấp của người tham gia. Cụ thể, chiết xuất lá thường xuân cho thấy sự cải thiện đáng kể so với giả dược trong việc giảm sức cản đường thở.
Thuốc sắc Wenyang Tonglulo
Một trong những thành phần chính của thuốc sắc thảo dược Trung Hoa Ôn dương thông lạc là cây Ma hoàng (Ephedra sinica), được sử dụng trong Trung y để điều trị hen phế quản. Trong một nghiên cứu so sánh Ôn dương thông lạc với phương pháp điều trị tiêu chuẩn sử dụng salbutamol đường uống (albuterol) và khí dung beclomethasone dipropionate, cả hai nhóm đều có hiệu quả ngắn hạn sau 8 tuần điều trị tương đương nhau. Tuy nhiên, trong thời gian theo dõi dài hạn một năm sau khi ngừng điều trị, nhóm sử dụng Ôn dương thông lạc cho thấy tỷ lệ khỏi bệnh cao hơn đáng kể (26.47%) so với nhóm điều trị tiêu chuẩn (5.88%).
Bài thuốc Bình xuyên
Bài thuốc Bình xuyên từ thảo dược của Trung Hoa, bao gồm các loại thảo mộc như cây Ma hoàng, cam thảo, Hoàng mộc, Lai phục tử và giun đất, đã chứng minh hiệu quả trong việc kiểm soát các cơn hen suyễn bằng cách giảm viêm đường thở, giảm co thắt và tiết nhầy.
2. Keo ong
Keo ong là một chất tự nhiên được ong tạo ra để bảo vệ tổ ong và kháng khuẩn. Keo ong chứa nhiều flavonoid, terpenoid và phenolics nên có đặc tính chống oxy hóa, kháng khuẩn và chống ung thư. Keo ong được dùng trên lâm sàng như một liệu pháp bổ sung hoặc bổ trợ an toàn và đã được chứng minh là làm giảm bớt các tình trạng bệnh lý khác nhau trong hen suyễn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thành phần hóa học của keo ong thay đổi theo vị trí địa lý, khí hậu và loài ong.
Trong một thử nghiệm lâm sàng liên quan đến người lớn bị bệnh hen suyễn mức độ vừa, nhóm dùng keo ong đã có sự cải thiện đáng kể về mức độ kiểm soát bệnh hen suyễn, thể tích thở ra gắng sức và lưu lượng thở ra, so với nhóm dùng giả dược. Trong một nghiên cứu khác liên quan đến chuột bị bệnh hen suyễn, sử dụng keo ong từ một loại ong không đốt trong điều trị đã giúp giảm tác động của bệnh lý này bằng cách ngăn chặn các tế bào viêm di chuyển đến túi khí và hạn chế sự lan tỏa của chứng viêm dị ứng khắp cơ thể.
3. Bài tập thở
Một nghiên cứu với gần 200 người tham gia cho thấy rằng việc kết hợp các bài tập thở vào chăm sóc tiêu chuẩn đã nâng cao chất lượng cuộc sống trong các trường hợp hen suyễn không được kiểm soát hoàn toàn.
Phương pháp Papworth
Phương pháp Papworth, được dạy bởi các nhà vật lý trị liệu, nhấn mạnh đến việc thở chậm bằng cơ hoành và đều đặn qua mũi. Theo một nghiên cứu, phương pháp này dường như cải thiện các triệu chứng hô hấp, rối loạn nhịp thở và tâm trạng ở bệnh nhân hen suyễn và bệnh nhân rối loạn nhịp thở so với phương pháp chăm sóc tiêu chuẩn. Nghiên cứu cũng khuyến nghị các thử nghiệm có đối chứng để xác nhận.
Phương pháp Buteyko
Phương pháp Buteyko tập trung vào việc nâng cao nhận thức về hơi thở và bình thường hóa thông khí bằng cách giảm thể tích khí lưu thông và nhịp thở. Buteyko cho rằng tình trạng thở gắng sức mạn tính là một yếu tố góp phần làm nặng hơn bệnh hen suyễn. Bệnh nhân được khuyến khích thở khi có triệu chứng và chỉ sử dụng thuốc kiểm soát triệu chứng nếu triệu chứng vẫn tồn tại.
Trong một nghiên cứu liên quan đến bệnh nhân bị bệnh hen suyễn, nhóm sử dụng phương pháp Buteyko đã cải thiện triệu chứng và tăng thể tích phế quản một chút, mặc dù đã giảm đáng kể các loại thuốc điều trị tiêu chuẩn. Một nghiên cứu khác cũng cung cấp bằng chứng về hiệu quả của kỹ thuật thở Buteyko trong việc nâng cao kết quả hô hấp và kiểm soát hen suyễn ở trẻ em trong độ tuổi đi học bị hen phế quản.
Hít thở sâu bằng cơ hoành
Trong một nghiên cứu trước đây liên quan đến người lớn bị bệnh hen suyễn, một nhóm được huấn luyện hít thở sâu bằng cơ hoành trong 16 tuần đã giảm việc sử dụng thuốc và mức độ trầm trọng của triệu chứng hen suyễn, kèm theo thời gian hoạt động thể chất tăng đáng kể. Tuy nhiên, quá trình theo dõi sau hai tháng cho thấy một số người tham gia đã quay trở lại mức dùng thuốc như trước đây và thói quen ít vận động.
4. Liệu pháp hương thơm
Một số người sử dụng tinh dầu có thể gặp các triệu chứng hen suyễn nặng hơn do các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong tinh dầu có thể đóng vai trò là tác nhân gây ra các cơn hen suyễn. Tuy nhiên, một số loại tinh dầu có đặc tính chống viêm và có thể cải thiện các triệu chứng hen suyễn, bao gồm:
- Tinh dầu hoa oải hương: Tinh dầu hoa oải hương làm giảm viêm và làm giảm tiết nhầy trong mô hình chuột bị bệnh hen suyễn.
- Tinh dầu cam bergamot: Trong một mô hình chuột, tinh dầu cam bergamot đã làm giảm viêm đường thở thành công, giảm các yếu tố gây viêm và giảm các cytokine liên quan đến hen suyễn.
5. Liệu pháp thôi miên
Thôi miên đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc điều trị bệnh hen suyễn nhờ khả năng làm giảm mức độ trầm trọng của triệu chứng, kiểm soát các trạng thái cảm xúc vốn làm tình trạng tắc nghẽn đường thở trở nên nặng hơn, đồng thời giảm tắc nghẽn đường thở và phản ứng quá mức. Liệu pháp có vẻ hiệu quả hơn ở những người dễ bị tổn thương, nhất là khi được các bác sĩ có kinh nghiệm thực hiện qua nhiều buổi, đặc biệt là ở trẻ em. Bất chấp những phát hiện này, cần có những nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng rộng rãi hơn để xác định thêm hiệu quả của thôi miên trong điều trị hen suyễn.
6. Bổ sung Isoflavone đậu nành
Isoflavone đậu nành là các hợp chất có trong đậu nành thuộc họ phytoestrogen, là những hợp chất thực vật có tác dụng giống estrogen. Trong một nghiên cứu, những người bệnh hen suyễn kiểm soát kém có cấu trúc di truyền đặc trưng liên quan đến việc sản xuất nhiều chất ức chế hoạt hóa plasminogen 1 khi dùng isoflavone đậu nành đã giảm đáng kể số lượng các cơn hen nặng ở những người tham gia, một yếu tố liên quan với mức độ nặng của bệnh hen suyễn.
7. Chánh niệm và thiền định
Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MBSR), phương pháp rèn luyện giúp giảm căng thẳng và điều chỉnh cảm xúc, có khả năng cải thiện các triệu chứng hen suyễn. Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, 32% người tham gia nhóm MBSR đã đạt được sự cải thiện đáng kể về mặt lâm sàng trong việc kiểm soát bệnh hen suyễn, so với 12% người tham gia trong nhóm đối chứng.
Một tổng quan hệ thống của bốn nghiên cứu liên quan đến hơn 200 bệnh nhân hen suyễn cũng cho thấy rằng có rất ít bằng chứng về lợi ích tiềm năng của thiền trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân này. Cần có các thử nghiệm được thiết kế tốt hơn nữa để xác nhận hoặc bác bỏ những phát hiện này.
8. Yoga
Một phân tích gộp gồm 15 tài liệu nghiên cứu đã xem xét việc tập yoga như một liệu pháp bổ sung để kiểm soát bệnh hen suyễn từ nhẹ đến trung bình. Kết quả cho thấy mức độ bằng chứng vừa phải ủng hộ việc áp dụng yoga. Trong một phân tích gộp khác bao gồm 15 nghiên cứu với tổng số hơn 1,000 người tham gia, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra bằng chứng có chất lượng vừa phải cho thấy rằng yoga có thể cải thiện đôi chút về chất lượng cuộc sống và các triệu chứng của bệnh nhân hen suyễn, cũng như giảm việc sử dụng thuốc. Hơn nữa, có bằng chứng đáng kể chỉ ra rằng yoga có thể làm giảm căng thẳng, có thể là tác nhân kích hoạt hen suyễn ở một số người.
Cách phòng ngừa bệnh hen suyễn
Mặc dù bệnh hen suyễn không thể phòng ngừa được nhưng việc tuân theo theo liệu trình điều trị có thể kiểm soát bệnh hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ lên cơn hen.
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times