Hạt vi nhựa trong máu làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 4.5 lần
Nghiên cứu cho thấy vi hạt nhựa có mặt khắp nơi trong cơ thể, kể cả trong mảng xưa vữa, do vậy làm tăng đáng kể nguy cơ bị bệnh tim.
Vấn đề ô nhiễm vi nhựa trong môi trường đang ngày càng được xã hội quan tâm. Hạt vi nhựa khi xâm nhập vào cơ thể con người có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc thậm chí tử vong. Vậy những hành vi thường nhật nào làm tăng nguy cơ nuốt phải hạt vi nhựa?
Ông Lin Xiaoxu, một chuyên gia về virus học của Hoa Kỳ có bằng tiến sĩ về vi sinh học, đã giải thích về hạt vi nhựa và nhựa nano trong chương trình “Sức khỏe 1+1” của đài truyền hình NTD và cách giảm phơi nhiễm với chúng.
Nhựa là sản phẩm quan trọng trong sản xuất công nghiệp và gắn bó sâu sắc với đời sống hằng ngày. Khi các sản phẩm nhựa bị phân hủy, chúng sẽ trở thành các hạt vi nhựa hoặc thậm chí là các hạt nhựa nano nhỏ hơn. Vi nhựa là những mảnh nhựa nhỏ hơn 5 mm, trong khi nhựa nano có kích thước dưới 1 micron (1.000 nanomet).
Nguồn tạo ra hạt vi nhựa
Ông Lin giải thích rằng các sản phẩm nhựa hàng ngày sẽ thải ra hạt vi nhựa. Vải tổng hợp rơi ra các mảnh nhựa dạng sợi và lốp xe cũ tạo ra bụi chứa nhựa. Ngay cả những chai nước bằng nhựa có vẻ mịn màng cũng có thể thải ra các hạt vi nhựa trong quá trình rửa.
Trong tự nhiên, ánh sáng mặt trời và bức xạ cực tím liên tục phân hủy nhựa thành các hạt nhỏ hơn. Sản phẩm dệt may, sản phẩm vệ sinh, chai lọ, túi xách, hạt thải ra từ nhà máy, bụi lốp xe, lưới đánh cá, v.v. đều góp phần gây ô nhiễm hạt vi nhựa. Con người và các động vật khác ăn phải một phần, trong khi những hạt khác tích tụ và phân hủy trong đại dương, đất. Các sinh vật biển như động vật có vỏ, cá nhỏ và tôm, đặc biệt là những sinh vật gần bờ biển, rất dễ nuốt phải vi hạt nhựa.
Ông Lin nhấn mạnh, nguồn chính phát tán hạt vi nhựa là rác thải công nghiệp và nước thải, có thể gây thiệt hại đáng kể cho môi trường nếu không được xử lý thỏa đáng.
Do đó, trước khi nước thải được thải ra khỏi nhà máy phải trải qua các quá trình như sàng lọc, loại bỏ cát, lắng, phản ứng sinh học, khử trùng bằng clo, xử lý tia cực tím, công nghệ màng, v.v. để loại bỏ hơn 90% hạt vi nhựa. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn là không thể đạt được. Môi trường tự nhiên có thể mất hàng nghìn đến hàng chục nghìn năm để phân hủy hoàn toàn các hạt vi nhựa.
Mối nguy hại sức khỏe của vi nhựa
Hạt vi nhựa thường xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, trong khi nhựa nano có thể qua đường hô hấp. Ngoài việc trực tiếp gây kích ứng màng nhầy, hạt vi nhựa còn có thể mang các vi sinh vật trong môi trường như vi khuẩn và virus vào cơ thể.
“Nếu bạn ăn phải thứ gì đó độc hại, mọi người thường khuyên nhanh chóng tẩy rửa sạch ra, nhưng vi nhựa là những hạt rất nhỏ bám vào bề mặt dạ dày. Không đảm bảo rằng sẽ rửa sạch chúng; cơ thể cần loại bỏ chúng từ từ, làm tăng thêm gánh nặng cho cơ thể,” ông Lin nhấn mạnh.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sau khi tiếp xúc với tia cực tím và sự phân hủy của vi sinh vật trong môi trường tự nhiên, vi nhựa dễ hấp phụ hơn, tạo thành phức hợp với các chất gây ô nhiễm môi trường khác nhau trên bề mặt, khiến chúng trở nên độc hại hơn đối với sinh vật.
Các hạt vi nhựa đóng vai trò là chất mang kim loại nặng và mầm bệnh, sẽ thể hiện nhiều độc tính khác nhau khi xâm nhập vào cơ thể. Hầu hết các hạt vi nhựa ăn vào qua thức ăn đều được bài tiết qua phân, nhưng một phần nhỏ có thể tồn tại trong ruột nhiều ngày, gây tổn thương đường ruột, viêm nhiễm và phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột. Theo thời gian, vi nhựa có thể được hấp thụ vào tế bào ruột và xâm nhập vào máu, gây tổn hại cho các cơ quan và hệ thống trên khắp cơ thể.
Các cơ quan như gan, thận và các hệ thống cơ thể như hệ thống miễn dịch, sinh sản và thần kinh cũng rất dễ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, hít quá nhiều hạt vi nhựa có thể gây tổn thương mô hô hấp và dẫn đến bệnh tật.
Vào tháng 3, một nghiên cứu được công bố trên Tập san Y học New England, cho thấy hầu hết các mảng xơ vữa động mạch cảnh đều chứa vi hạt nhựa. Nghiên cứu bao gồm 257 bệnh nhân từ 18 đến 75 tuổi bị hẹp động mạch cảnh không có triệu chứng. Sau khi loại bỏ mảng xơ vữa khỏi động mạch, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy polyetylen ở 150 bệnh nhân (58.4%) và polyvinyl clorua ở 31 bệnh nhân (12.1%) có mảng xơ vữa động mạch cảnh đã được lấy ra.
Các đại thực bào bên trong những mảng xơ vữa chứa các hạt lạ có thể quan sát được, một số có các cạnh lởm chởm và chứa clo. Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân phát hiện ra hạt vi nhựa có nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc tử vong cao hơn 4,5 lần so với những người không có hạt vi nhựa.
Quốc hội Hoa Kỳ lo ngại về hạt vi nhựa
Vào ngày 27/02, Ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ về Môi trường và Công trình Công cộng đã tổ chức một phiên điều trần về hạt vi nhựa trong nước.
Bà Susanne Brander, phó giáo sư tại Đại học Khoa học Nông nghiệp thuộc Đại học bang Oregon, người đã nghiên cứu về vi hạt nhựa và ô nhiễm nhựa trong gần một thập niên, đã nói tại phiên điều trần rằng các hạt vi nhựa tồn tại trong tim, nhau thai, mô phổi và lưu thông trong máu. Hạt vi nhựa gây hại cho các sinh vật biển và trên cạn, làm chậm sự tăng trưởng, đồng thời thay đổi mô hình hành vi và gây rối loạn sinh sản, đặc biệt ảnh hưởng xấu đến động vật có vú.
Bà mô tả ô nhiễm nhựa là một trong những thách thức môi trường quan trọng nhất của nhân loại và là một trong những vấn đề “tốn kém nhất” của thế giới. Vấn đề này gây thiệt hại kinh tế hàng năm lên tới 13 tỷ USD cho ngành thủy sản, du lịch và vận tải biển. Năm 2018, chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan đến hóa chất có nhựa ở Hoa Kỳ ước tính lên tới 249 tỷ USD.
Cách tránh xa hạt vi nhựa
Làm thế nào chúng ta có thể giảm hấp thu vi nhựa vào cơ thể trong cuộc sống hàng ngày? Ông Lin giới thiệu các cách sau:
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times