Dưỡng tim và làm sạch mạch máu với 5 loại thực phẩm dưỡng tim và 2 huyệt vị
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim mạch (CVD) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), chỉ riêng ở Hoa Kỳ, cứ 33 giây lại có một người tử vong vì bệnh tim mạch.
Vậy Trung y dưỡng tim, cải thiện tuần hoàn máu và gia tăng chức năng của tim, phổi, gan và thận như thế nào? Hãy để tôi chia sẻ cách xoa bóp, bấm huyệt, ăn uống, hít thở và tập thể dục đơn giản mà hiệu quả.
Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi liên tục và cứng vai thì mạch máu của bạn có thể bị lão hóa. Động mạch càng xơ cứng thì mạch máu càng già, nhiều bệnh tật cũng sẽ theo đó mà sinh ra.
Nếu bạn trên 40 tuổi, có thể có sự tích tụ chất béo trong mạch máu.
Ở tuổi 50, các mạch máu có thể đã bị tắc phần nào. Vì vậy, làm thế nào để chúng ta biết liệu mạch máu của chúng ta có bị lão hóa hay không?
Tự phát hiện lão hóa mạch máu
Nếu bạn có 4 triệu chứng sau, rất có thể động mạch vành của bạn đang phát đi tín hiệu nguy cấp, nhắc nhở bạn rằng sức khỏe của bạn đang ở mức đáng lo ngại và cần được điều chỉnh gấp:
- Khi đi bộ với tốc độ nhanh hơn một chút, bạn cảm thấy hụt hơi.
- Khi leo cầu thang, bạn cảm thấy hụt hơi.
- Bạn thường cảm thấy yếu ở bàn chân và tức ngực.
- Bạn bị lạnh tay chân và thậm chí có lúc rùng mình.
Thực phẩm dưỡng tim và thông huyết mạch
Dưới đây là một số nguyên liệu giúp thông huyết mạch, chống xơ cứng động mạch, bổ tim, có thể bổ sung bất cứ lúc nào trong ba bữa ăn hàng ngày của bạn.
1. Mộc nhĩ đen: Giúp giảm mỡ máu
Mộc nhĩ đen, thường được gọi là nấm mộc nhĩ hoặc nấm thạch, không chỉ là một loại nấm ăn mà còn là thuốc truyền thống ở Trung Hoa. Mộc nhĩ đen được đánh giá cao ở Á Châu và trên toàn thế giới về đặc tính dinh dưỡng và chữa bệnh.
Mộc nhĩ đen là một loại thực phẩm nổi tiếng vì giàu đường đa, protein, chất béo, vitamin, sắc tố và các nguyên tố vi lượng. Trong số các thành phần của mộc nhĩ đen, Auricularia auricula polysaccharide (AAP) được coi là hoạt chất chính.
Theo Trung y, mộc nhĩ đen có thể dưỡng huyết và giúp thông mạch. Mộc nhĩ đen giúp giảm huyết khối (cục máu đông) một cách hiệu quả, có lợi cho hệ tim mạch và giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nhiều nghiên cứu cũng khẳng định rằng, mộc nhĩ đen không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có nhiều hoạt tính sinh học. Theo các báo cáo khác nhau trong tài liệu, mộc nhĩ đen đã được phát hiện là có hoạt tính chống đông máu, chống oxy hóa, giảm mỡ máu, chống bức xạ, chống khối u và tăng cường miễn dịch.
2. Tam thất: Ngừa tắc nghẽn tim mạch
Tam thất là một loại thuốc của Trung y chống đông máu rất tốt. Sau khi bị đột quỵ, ăn Tam thất thường xuyên có thể duy trì hệ hệ thống tim mạch. Theo báo cáo được công bố trên Tập san Các lĩnh vực trong Dược lý học năm 2016, một số lượng lớn các nghiên cứu đã chứng minh rằng Tam thất có tác dụng bảo vệ chống lại tổn thương tim. Nghiên cứu được công bố trên Tập san Dân tộc học năm 2013 cũng cho thấy Tam thất có tiềm năng điều trị đáng kể đối với bệnh nhồi máu cơ tim và có thể cải thiện chức năng tim.
Các chức năng chính của Tam thất:
- Thúc đẩy quá trình tạo máu mới và làm tan máu ứ.
- Hạ cholesterol.
- Ngăn ngừa xơ cứng và tắc nghẽn tim mạch.
- Cải thiện lưu thông máu.
Tam thất rất hữu ích cả cho người bị huyết áp cao hoặc huyết áp thấp. Tam thất có bán ở các hiệu thuốc bắc và cửa hàng có thể giúp nghiền thành bột để dùng lâu dài. Chú ý không nên ăn quá nhiều, mỗi ngày chỉ nên ăn tối đa là 3.75 gam (0,13 ounce).
Tuy nhiên, do cơ địa của từng người là khác nhau, việc dùng các loại thuốc thúc đẩy tuần hoàn máu và loại bỏ huyết ứ này phải được bác sĩ Trung y chỉ định, đặc biệt là những người đang dùng thuốc kháng đông.
3. Thực phẩm màu đỏ: Dưỡng tim và thông mạch
Mùa hè là mùa có nhiều thực phẩm màu đỏ để bồi bổ tim mạch. Ví dụ như quả anh đào, táo đỏ, dưa hấu đỏ, cà chua đỏ, khoai lang đỏ, v.v.
Thuyết ngũ hành là cơ sở lý luận của Trung y tin rằng năm yếu tố gồm: mộc, hỏa, thổ, kim và thủy tương ứng với năm cơ quan nội tạng: gan, tim, lá lách, phổi và thận, tương ứng với năm màu: xanh, đỏ, vàng, trắng, đen, tương ứng với ngũ vị: chua, đắng, ngọt, cay, mặn.
Trung y cho rằng tim tương ứng với màu đỏ. Nhiều thực phẩm màu đỏ có thể giúp nuôi dưỡng tim, thông mạch và giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch.
Trái tim cũng tương ứng với vị đắng, thức ăn có vị đắng có thể giải nhiệt trong tim. Ví dụ, ăn mướp đắng, cải xoăn, bồ công anh và các loại tương tự có thể giúp loại bỏ nội nhiệt và dưỡng tâm.
4. Ăn các loại hạt để hạ mỡ máu
Ăn các loại hạt có thể làm giảm cholesterol xấu trong máu. Cholesterol được chia thành 2 loại: cholesterol tỷ trọng cao (HDL) và cholesterol tỷ trọng thấp (LDL). Hầu hết mọi người đều cho rằng HDL là tốt, còn LDL là xấu. Ăn các loại hạt có thể làm giảm sự tích tụ LDL trong máu và ngăn ngừa sự hình thành mảng bám trong hệ thống tim mạch.
Các loại hạt rất dồi dào vitamin E, có thể ngăn ngừa lão hóa tế bào và giúp tránh được bệnh tim mạch. Lượng khuyến nghị tiêu thụ hàng ngày là khoảng từ 2-4 hạt óc chó hoặc 12-15 hạt điều.
Thở sâu gia cường tạng phủ và thông huyết mạch
Tập thở chậm, sâu có thể giúp tim, hệ tim mạch, phổi, gan và thận khỏe mạnh. Phương pháp này có ưu điểm là có thể được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi.
Theo cuốn “81 vấn đề nan giải của Hoàng đế Nội kinh” của Biển Thước, một nhà y học vĩ đại thời Trung Hoa cổ xưa, tim và phổi hoạt động khi chúng ta thở ra. Gan và thận hoạt động khi chúng ta hít vào. Vì vậy, hít vào thật sâu sẽ rất tốt cho gan và thận.
Nếu bạn cảm thấy không trơn tru khi hít vào, có thể gan hoặc thận của bạn cần được chăm sóc nhiều hơn. Nếu bạn thở dốc hoặc thở ra có một chút tiếng ồn, điều đó có nghĩa là bạn không thể trục xuất tốt khí thải ra ngoài, nghĩa là bạn nên chú ý đến sức khỏe của tim và phổi.
Bài tập mở rộng lồng ngực cộng với hít thở sâu để tăng chức năng tim phổi
Thực hiện khoảng 20 lần bài tập mở rộng ngực mỗi ngày khi thức dậy hoặc trước khi đi ngủ, kết hợp với hít thở sâu có thể tăng cường chức năng tim và phổi.
Bài tập mở rộng ngực:
- Cong cánh tay của bạn, và nâng lên trước mặt với lòng bàn tay hướng vào mặt và khuỷu tay sát nhau.
- Trong khi hít sâu, mở rộng lồng ngực và từ từ mở rộng cánh tay sang hai bên. Hai cánh tay ngang với vai theo hình cột gôn và giữ trong khoảng năm giây.
- Sau đó, trong khi thở ra, hãy để cánh tay từ từ trở về phía trước.
- Hít vào để mở rộng lồng ngực, sau đó thở ra để khép cánh tay lại. Thực hiện động tác này lặp đi lặp lại từ 10 đến 20 lần.
Coi chừng gù lưng có thể gây đau tim và tức ngực
Theo kinh điển “Hoàng đế Nội kinh” của Trung y, khom lưng trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng tim và phổi của bạn.
Phần trên của cơ thể đổ về phía trước sẽ gây gánh nặng lớn cho cột sống cổ và ngực. Theo thời gian, khoảng cách giữa các phần của cột sống ngực có thể ngày càng bị thu hẹp lại. Khi dây thần kinh cột sống bị chèn ép sẽ gây đau nhức, khó thở, và thậm chí ảnh hưởng đến dạ dày.
Thời điểm vàng để dưỡng tim
Trung y nói về việc “bổ tâm vào buổi trưa”. Buổi trưa được coi là khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều, là thời điểm tâm kinh phát ra mạnh mẽ nhất. Lúc này, nếu có thể ngồi yên tĩnh nghỉ ngơi hoặc nhắm mắt dưỡng thần một lúc thì có thể tĩnh tâm, điều hòa khí lực và đạt được mục đích dưỡng tâm.
Trung y đã phát hiện ra rằng cơ thể con người có một hệ thống kinh mạch, là đường dẫn năng lượng, có nhiệm vụ vận chuyển khí và huyết đi khắp cơ thể. Đây là những chất cơ bản cấu tạo nên cơ thể con người và duy trì mọi hoạt động sinh lý của đời sống con người. Trong cơ thể có 12 kinh mạch chính, tương ứng với 12 tạng phủ trong cơ thể, và 24 giờ trong một ngày được chia thành 12 canh giờ. Vào các thời điểm khác nhau, khí và huyết trên các kinh mạch tương ứng sẽ đặc biệt vượng và các tạng phủ tương ứng cũng hoạt động nhiều hơn.
Nhưng nên cẩn thận: Tập thể dục sau bữa trưa không phù hợp với huyết và tim. Một số người có thói quen tranh thủ thời gian nghỉ trưa đến phòng tập thể dục để tập thể dục, chẳng hạn như chạy trên máy chạy bộ, đổ mồ hôi đầm đìa. Điều này không những không dưỡng được tim mà còn làm tổn thương tim.
Hai huyệt bảo vệ tim mạch
Trung y có một câu nói là: “Nội quan, Công tôn, cho dạ dày, tim và ngực,” có nghĩa là ấn các huyệt Nội quan và Công tôn cùng nhau có thể giúp điều trị dạ dày, tim và ngực. Phương pháp bấm là dùng ngón cái của tay phải bấm vào huyệt Nội quan của bàn tay trái, đồng thời dùng ngón cái của tay trái bấm vào huyệt Công tôn của bàn chân phải đồng thời bấm nhẹ nhàng bằng cả hai tay.
Trung y tin rằng một số điểm có công năng đặc biệt trên kinh lạc được gọi là huyệt. Thông qua chấm cứu và xoa bóp kích thích các huyệt tương ứng có thể điều trị các bệnh của tạng phủ tương ứng.
Trên thực tế, ấn huyệt Nội quan còn có tác dụng chống ói hoặc có thể chấm dứt hiện tượng buồn ói và ói. Ngược lại, nếu trong dạ dày có nhiều thứ muốn ói ra ngoài, cũng có thể gây ói bằng cách ấn mạnh vào huyệt Nội quan.
Khánh Nam biên dịch.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times