Dưỡng sinh ngày Lập hạ: Ăn thế nào để vừa bổ vừa dưỡng nhan sắc?
Gió ấm tháng năm đang chào đón mùa hè tới, khi Lập hạ có những phong tục dân gian gì? Làm thế nào để giữ gìn sức khỏe trong những ngày nắng nóng? Hướng dẫn dưỡng sinh truyền thống của Trung Y và lý thuyết về thực liệu đồng nguyên đã cung cấp cho chúng ta kiến thức về suối nguồn sức sống của sinh mệnh. Vậy làm thế nào để tận dụng sức sống của mùa hè để có một cuộc sống tươi đẹp? Trung y nói mùa hè chính là thời gian để dưỡng nhan sắc, vậy nên ăn như thế nào?
Tiết khí Lập hạ
Lập hạ là một trong “tứ lập” tiết khí, đánh dấu cho sự xuất hiện của mùa hè. “Tứ thời thiên khí xúc tương thôi, nhất dạ huân phong đới thử lai” (Bốn mùa thiên khí nối tiếp nhau, một đêm gió ấm mang hè đến) – là hai câu thơ trong bài “Lập hạ” của Triệu Hữu Trực thời nhà Tống. Bất tri bất giác gió ấm đã đến, nhiệt độ tăng lên đáng kể, mùa hè đã tới rồi. Lập hạ trong Hoàng lịch được coi là Tiết tháng tư, thời gian chuyển từ mộ xuân (cuối xuân) sang Lập hạ rơi vào khoảng từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng 5 Dương lịch.
Tiết Lập hạ có tổng cộng 15 ngày, với những hình ảnh tượng trưng như tiếng kêu của chẫu chuộc, giun bò ra khỏi đất, dưa núi sinh trưởng v.v. “Dật Chu Thư – Thời Huấn Giải” ghi chép rằng: “Vào ngày Lập hạ, chẫu chuộc kêu, năm ngày nữa thì giun đất chui ra, năm ngày nữa thì dưa vua ra quả”. Tiết khí này tương ứng với sức sống vô tận của thiên địa nhân gian, sản sinh tinh hoa của vạn vật.
Tiết khí Lập hạ và dưỡng sinh
1. Nguyên tắc dưỡng sinh
Trung Y cổ đại rất coi trọng học thuyết dưỡng sinh phù hợp với sự thay đổi của bốn mùa. Vậy làm thế nào để dưỡng sinh trong mùa hè? Trung Y nhấn mạnh rằng mùa hè là mùa để “dưỡng trưởng” (bồi dưỡng sự tăng trưởng) và “dưỡng tâm”.
“Hoàng đế nội kinh – Tứ khí điều thần đại luận” nói rằng, mùa hạ thiên địa giao hòa, là thời kỳ thịnh vượng, cây cỏ ra hoa, vạn vật sinh sôi nảy nở. Cơ thể con người chúng ta cũng cần hợp với khí của trời đất, mùa hạ “dưỡng trưởng” thì tinh khí trong cơ thể con người mới có thể sinh sôi, nảy nở trọn vẹn.
Làm thế nào để “dưỡng trưởng”? Phương pháp cụ thể là ngủ muộn và dậy sớm để hợp với sự thay đổi dương khí ngày dài đêm ngắn của trời đất. Mùa hè thuộc Hỏa, Hỏa thông với Tâm (tim), vì vậy mùa hè tương thông với Tâm khí, dưỡng Tâm là hiệu quả nhất. Chúng ta nên bảo trì tâm thái bình tĩnh, thanh thản, lạc quan và vui vẻ, để khí trong toàn thân được lưu thông thông suốt; Tránh nóng nảy, cáu gắt, nóng giận hay vui mừng quá độ, nếu không sẽ “thương Tâm”.
Vào mùa hè, ở trong phòng điều hòa quá lâu dễ khiến cơ thể trong nóng ngoài lạnh, tạo thành chứng bệnh. Vì vậy, nên vận động vừa phải để ra mồ hôi, giúp khí thông thoát, có lợi cho sức khỏe. Ví dụ, buổi sáng đi dạo dưới ánh nắng mặt trời và tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp cơ thể bài trừ thấp khí và tăng cường hấp thụ năng lượng dương. Trong khi tập thể dục, hãy chú ý bổ sung lượng nước vừa phải, và không nên “tham lạnh”. Uống lượng lớn đồ lạnh trong một lúc sẽ không tốt cho việc duy trì khả năng miễn dịch và sức khỏe.
2. Thực phẩm dưỡng sinh mùa hè
Sau tiết Lập hạ, vạn vật bước vào thời kỳ sinh trưởng, đối với cơ thể con người thì đây là lúc thuận lợi cho việc dưỡng tạng Tâm. Bắt đầu từ Lập hạ là thời điểm thích hợp để dưỡng “nhan sắc”.
Vào mùa hè, không khí ấm dần lên, có lợi cho sự tuần hoàn và lưu thông khí huyết của Tâm tạng. Trung Y cho rằng Tâm chủ huyết mạch, vì vậy dưỡng Tâm cũng chính là dưỡng nhan sắc từ bên trong.
Vào mùa hè, Trung Y nhấn mạnh rằng “màu đỏ vào Tâm”, “vị đắng vào Tâm tiêu trừ tâm hỏa”. Vì vậy, các loại thực phẩm có màu đỏ tự nhiên và các loại thực phẩm có vị đắng đều thích hợp. Ngoài ra, các loại thực phẩm có tính acid để giúp tiêu hóa và loại bỏ cảm giác thèm ăn cũng được khuyến khích.
Mùa hè chính là thời điểm để ăn đậu và dưa. Ví dụ trong các loại đậu, đậu nho nhe và đậu đỏ (nhìn giống nhau nhưng tác dụng khác nhau) rất thích hợp để bồi bổ vào mùa hè. Ngoài ra còn có các dược liệu như chà là đỏ (bỏ lõi, làm khô), cây sói rừng v.v. vừa có tác dụng bồi bổ thể lực, vừa có tác dụng dưỡng Tâm (những người có triệu chứng viêm nhiễm thì tạm thời không nên ăn). Hồng khúc mễ (men đỏ, chế từ gạo thành men) cũng được Trung Y khuyên dùng. Ý Dĩ thì có thể làm trắng da, khử ẩm và lợi tiểu, nó cũng thích hợp để thêm vào nấu cùng chè hoặc cháo.
Các loại trái cây màu đỏ như anh đào, mận, cà chua, lựu, dứa, bụp giấm, táo gai, dưa hấu v.v. đều được Trung Y khuyên dùng.
Những thực phẩm có vị đắng như hạt sen, mướp đắng, cải bẹ xanh đều là những thực phẩm tốt vào mùa hè. Tuy nhiên nên ăn điều độ, ăn quá nhiều sẽ không tốt.
Trà tâm sen, trà xanh, cà phê và trà đắng đều có vị đắng, rất thích hợp để uống hàng ngày trong mùa hè. Chè ô mai (ô mai, bụp giấm, táo gai, cam thảo) chứa rất nhiều chất dinh dưỡng từ các nguyên liệu có màu đỏ, lại có vị chua thanh nên có thể thúc đẩy cảm giác thèm ăn.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng nhắc nhở, ăn nhiều những loại hoa quả và chè đắng mang tính hàn sẽ dễ bị tiêu chảy, nên cần lưu ý dùng một cách điều độ. Ngoài ra, chế độ ăn uống trong mùa hè trọng về thanh, nhạt, để tránh khiến cho “hỏa” chạy lên phần trên cơ thể.
3. Phong tục dân gian
Ở Đài Loan có câu rằng: “Lập hạ, bổ lão phụ”. Ý tứ chính là dùng ngày Lập hạ để nhắc nhở con cái bồi bổ sức khỏe cho phụ thân. Tất nhiên, ngày nào trong năm cũng là ngày báo hiếu, và ngày Lập hạ này là một lời nhắc nhở mang tính biểu tượng. Vì mùa hè lấy mặt trời làm gốc, người cha giống như mặt trời của gia đình, nam tính mà ấm áp. Mùa hè là mùa dưỡng tạng Tâm, cũng cần đặc biệt chú ý đến việc phụng dưỡng trái tim của cha mẹ cao tuổi.
Bánh Thảo Tử Quả (hay còn gọi là bánh Thanh Đoàn) là món ăn dân dã đầu hè ở Đài Loan. Phong tục dân gian ở Đài Loan nói rằng vào ngày Lập hạ, hãy ra đồng hái lá khúc để làm bánh Thanh Đoàn, ăn vào có thể tránh lở loét vào mùa hè.
Vào ngày Lập hạ, rất nhiều vùng ở miền nam Trung Quốc có phong tục ăn “cơm lập hạ”. Cơm lập hạ được làm từ đậu đỏ, đậu tương, đậu đen, đậu nành, đậu xanh v.v. các loại đậu ngũ sắc trộn với một lượng lớn gạo trắng rồi nấu chín, tương tự như cơm ngũ cốc dưỡng sinh. Có thể cho thêm Ý dĩ, hạt sen và các loại ngũ cốc khác vào nấu chung. Cũng có thầy thuốc Trung Y khuyến nghị nên cho thêm bí đao.
Một số nơi ở phía nam Phúc Kiến thì ăn mì tôm để nghênh đón ngày Lập hạ, vì con tôm (蝦) và mùa hè (夏) là hai từ đồng âm trong tiếng Trung, tôm đỏ nấu chín cũng là một món ăn tốt trong những ngày hè.
Tác giả: Dung Nãi Gia
Lý Mai biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: