7 cách hạ nhiệt tai hại cần tránh trong ngày hè nóng bức
Một chuyên gia Trung y giải thích vì sao nhiệt độ cao ảnh hưởng đến sức khỏe và chỉ ra một vài phương pháp làm mát mà không gây hại.
Những làn sóng nhiệt như đang thiêu đốt khắp vùng nam và tây nam Hoa Kỳ, một số nơi nhiệt độ vượt quá 100 độ F. Nóng cực đoan có thể dần gây áp lực lên cơ thể, làm tăng nguy cơ bị các bệnh liên quan đến tăng thân nhiệt, thậm chí gây tử vong.
Trong bài viết này, một chuyên gia Trung y sẽ giải thích vì sao nhiệt độ cao ảnh hưởng đến sức khỏe và chỉ ra một vài phương pháp làm mát nhưng không gây hại.
Nhiệt độ cao làm tăng nguy cơ bị tiểu đường và bệnh thận
Nhiệt độ cao cực đoan làm tăng nguy cơ bị các bệnh kinh niên như tiểu đường và tim mạch do gây áp lực về nhiệt lên cơ thể. Một nghiên cứu trình bày tại Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ đã phát hiện nóng cực đoan có thể làm suy yếu đáp ứng miễn dịch của cơ thể, thúc đẩy viêm hệ thống, có khả năng làm tổn hại đến sức khoẻ tim mạch.
Do khả năng tản nhiệt kém, người bị tiểu đường dễ bị các bệnh liên quan đến nóng trong các đợt sóng nhiệt và khi hoạt động thể chất. Một nghiên cứu chỉ ra người bệnh tiểu đường có tưới máu da cũng như phản ứng đổ mồ hôi kém hơn trong điều kiện nhiệt độ cao, do vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng kiểm soát đường máu và điều hòa tim mạch. Đặc biệt những người kiểm soát đường huyết kém và có biến chứng do tiểu đường sẽ dễ bị tổn thương trong những đợt nắng nóng như vậy.
Nhiệt độ cao cũng được biết đến là yếu tố nguy cơ của bệnh thận. Khi cơ thể điều hòa nhiệt độ và tuần hoàn máu để đối phó với tăng nhiệt độ, sẽ gây áp lực lên thận và làm suy yếu chức năng cơ quan này. Ngoài ra, nhiệt độ cao liên tục cũng có thể dẫn đến bệnh thận kinh niên.
Ảnh hưởng của nhiệt độ đối với sức khỏe từ quan điểm Trung y
Ông Ngô Quốc Bân, giám đốc Phòng khám Trung y Tâm y đường, Đài Loan, đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng trong những tháng hè nóng bức, cần tránh phụ thuộc vào điều hòa nhiệt độ và nước lạnh. Sử dụng những thứ này có thể cản trở cơ thể thải độc, đồng thời khiến khí lạnh xâm nhập và gây nên nhiều vấn đề sức khỏe.
Ông giải thích rằng, theo Trung y thì phong (gió) được coi là một trong những nguyên nhân gây bệnh hàng đầu. Cơ thể điều chỉnh nhiệt độ với môi trường thông qua đóng mở lỗ chân lông. Nếu gió thổi trực tiếp vào cơ thể trong thời tiết nóng sẽ trực tiếp đi qua lỗ chân lông đang mở và dần dần lan vào kinh mạch, từ đó có thể ảnh hưởng đến toàn thân.
Giải thích thêm, ông Ngô cho biết theo Trung y có một mối liên hệ giữa Trái Đất và con người. Trong mùa hè nóng bức, năng lượng dương của Trái Đất (nhiệt) bao phủ bề mặt, trong khi phần dưới lòng đất vẫn mát, do đó các hang động thành nơi trú ẩn mát mẻ. Ngược lại, trong mùa đông, năng lượng dương của Trái Đất ẩn bên dưới lòng đất, nên con người sẽ cảm thấy ấm áp khi ở trong hang động.
Chúng ta có thể áp dụng nguyên lý tương tự cho cơ thể con người. Trong mùa hè, lỗ chân lông cơ thể mở ra, khiến năng lượng tản ra khắp bề mặt và gây đổ mồ hôi. Tuy nhiên các cơ quan bên trong lại tương đối mát. Do đó theo quy luật tự nhiên, trong mùa hè chúng ta cần giúp cho cơ thể đổ mồ hôi để đào thải chất độc và hàn khí bên trong, từ đó đạt được trạng thái thoải mái và cải thiện sức khoẻ tổng thể. Nếu quanh năm chúng ta ít khi đổ mồ hôi, độc tố ít được thải ra, dần dần các vấn đề sức khỏe sẽ xuất hiện.
Mặt khác, trong mùa hè oi nóng, bất cứ phương pháp làm mát nào mà làm đóng lỗ chân lông nhanh, ức chế tiết mồ hôi hoặc khiến khí lạnh nhập vào đều có hại cho cơ thể.
7 cách làm mát tai hại cần tránh
Các phương pháp làm mát sai có thể gây hại cho sức khỏe cần tránh bao gồm:
1. Dùng điều hòa nhiệt độ trực tiếp thổi vào người
Ông Ngô giải thích rằng khi cơ thể đang nóng và đổ mồ hôi, lỗ chân lông mở ra. Nếu lúc này dùng điều hòa để làm mát thì lỗ chân lông sẽ co lại, khiến nhiệt từ bên trong không thoát ra ngoài được. Điều này dẫn đến đau đầu, sưng nề, nôn hoặc đau bụng.
Ông đã chia sẻ hai ca lâm sàng. Một bệnh nhân ngủ với quạt điện thổi trực tiếp vào cơ thể từ chân và sáng hôm sau dậy bị liệt mặt. Tương tự một bệnh nhân khác ngủ trên xe buýt bật điều hòa lạnh, dẫn đến liệt mặt sau khi mặt tiếp xúc với khí lạnh trong một đến hai tiếng.
Trung y tin rằng nguyên nhân và do kinh mạch bị tắc nghẽn, dẫn đến ứ huyết.
Bên cạnh đó, một số người còn bị “cúm điều hòa” do ngồi điều hòa lâu ngày khi làm việc. Ông Ngô đề nghị nên mặc áo khoác mỏng khi đi lại giữa khu vực trong và ngoài phòng điều hòa để ngăn khí lạnh trực tiếp đi vào cơ thể, đồng thời giúp nhiệt lượng cơ thể tiêu tán dần trong khoảng năm phút.
2. Làm mát phần gáy
Huyệt Phong phủ nằm ở phần gáy. Khi gió hoặc khí lạnh đi vào qua huyệt này sẽ gây đau đầu và một số triệu chứng khác.
3. Tắm nước lạnh khi đổ mồ hôi
Khi cơ thể đổ mồ hôi, lỗ chân lông sẽ nở rộng. Nước lạnh hoặc không khí sau đó có thể tràn vào, dễ dẫn đến viêm khớp dạng thấp trong tương lai. Vì vậy nên tắm nước ấm trong mùa hè.
4. Để tóc khô tự nhiên
Một số người có xu hướng để tóc khô tự nhiên khi thời tiết nóng bức. Quá trình này hút nhiệt từ cơ thể để làm bay hơi ẩm, có thể ảnh hưởng đến da đầu và hạ nhiệt cơ thể, dần dần dễ gây chứng đau nửa đầu. Dùng máy sấy tóc sẽ tốt hơn là để tóc khô tự nhiên.
5. Đặt khăn ướt hoặc lạnh ở sau gáy
Mặc dù điều này có thể mang lại cảm giác sảng khoái và mát mẻ nhưng lại tạo điều kiện cho hàn và ẩm xâm nhập vào cơ thể. Nếu bạn muốn khô ráo hãy lau mồ hôi bằng khăn, nhưng cần nhớ rằng mồ hôi giúp chúng ta hạ nhiệt khi bay hơi.
6. Uống nước lạnh ngay sau khi tập thể dục
Thói quen này rất có hại. Khi nhiệt độ cơ thể tăng cao, việc hạ nhiệt nhanh chóng bằng đồ uống lạnh có thể khiến hơi lạnh truyền từ cổ họng đến khí quản rồi đến dạ dày. Dòng lạnh đột ngột này có thể làm tổn thương khí quản và phổi, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tim do nhiệt độ giảm cục bộ.
7. Uống nước lạnh sau bữa ăn
Điều này khiến chất béo trong dạ dày và ruột đông đặc lại, cản trở quá trình tiêu hóa và ảnh hưởng đến trao đổi chất. Ngoài ra, sự thay đổi nhanh chóng giữa nóng và lạnh gây hại cho cơ thể, có khả năng dẫn đến suy giảm chức năng tỳ vị, tiêu hóa kém, giảm thèm ăn và trong trường hợp nghiêm trọng là tiêu chảy, đau bụng và các rối loạn tiêu hóa khác.
Tầm quan trọng của bổ sung nước và tập thể dục trong mùa hè
Việc bổ sung đủ nước cho cơ thể vào mùa hè là rất quan trọng. Uống nhiều nước trong thời tiết nắng nóng là điều cần thiết để duy trì cân bằng chất lỏng trong cơ thể và ngăn ngừa tình trạng mất nước.
Dù mùa hè nóng bức nhưng tốt nhất nên uống nước ấm để giúp cơ thể tiết ra mồ hôi. Tất nhiên, điều này phụ thuộc vào thể chất của từng cá nhân. Đối với những người thường đổ mồ hôi nhiều, uống nước nóng sẽ không tạo ra nhiều khác biệt nên tốt nhất họ nên uống nước ở nhiệt độ phòng. Tuy nhiên nên tránh uống nước đá bằng mọi giá.
Đối với những người có thói quen uống nước đá, nên lấy thức uống từ tủ lạnh ra nhiệt độ phòng ít nhất một giờ. Điều này giúp hơi lạnh tan đi trước khi uống, sẽ ít gây hại hơn.
Ngoài ra, nên tập thể dục vừa phải trong mùa hè để cải thiện lưu thông máu, tăng trao đổi chất và giúp thải độc tố. Tuy nhiên, khi thời tiết nóng bức, nên tập thể dục trong môi trường và thời điểm mát mẻ, cũng như tham gia các hoạt động nhẹ nhàng để tránh quá sức và giảm nguy cơ say nắng.
Cách ăn trái cây tốt nhất trong mùa hè nóng bức
Hầu hết các loại trái cây đều có đặc tính làm mát. Ăn trái cây trước bữa sáng khiến cơ thể dễ nhiễm lạnh và có thể gây hại. Ăn trái cây ngay sau bữa sáng cũng khả dĩ nhưng thời điểm ăn tối ưu là sau bữa trưa khi nhiệt độ cơ thể cao hơn. Ăn trái cây sau bữa trưa giúp điều chỉnh lượng đường trong máu đồng thời giảm tác dụng làm mát của trái cây.
Mặc dù một số phương pháp được đề cập trong bài viết này là thói quen của nhiều người, nhưng cần phải sửa đổi để duy trì sức khỏe trong mùa hè nóng bức.
3 nhóm người dễ bị tổn thương nhất bởi nhiệt độ rất cao
Những người sau đây dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao:
- Trẻ sơ sinh và người lớn tuổi
Hệ thống điều chỉnh nhiệt độ của nhóm này kém phát triển hoặc xuống cấp, do đó sức chịu đựng với nhiệt kém hơn.
- Những người bị bệnh mạn tính
Một số loại thuốc có thể cản trở khả năng điều chỉnh sự thay đổi nhiệt độ của cơ thể, do đó làm nặng thêm các bệnh lý nền.
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times