Đột tử khi ngủ: Nguyên nhân, dấu hiệu cảnh báo và cách phòng ngừa
Đột tử do tim không phải là hiếm và gần 25% số ca tử vong đột tử xảy ra vào ban đêm.
Ông Thanh Hiểu Âu, người sáng lập công ty AI Trung Quốc SenseTime, công ty từng bị Hoa Kỳ trừng phạt, đã đột ngột qua đời trong khi ngủ vào ngày 15/12 năm ngoái. Ông ấy đã 55 tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây đột tử khi đang ngủ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá các nguyên nhân có thể gây tử vong khi ngủ, nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất và các phương pháp phòng ngừa.
Nguyên nhân đột tử khi đang ngủ
Đột tử do tim là một hiện tượng phổ biến, chiếm khoảng 15 đến 20% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khoảng 22% trường hợp đột tử do tim xảy ra vào ban đêm.
Người cao tuổi dễ mắc các bệnh như mỡ máu cao (cholesterol cao), tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao), tăng huyết áp (huyết áp cao) và xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nhồi máu cơ tim nghiêm trọng (đau tim) có thể dẫn đến đột tử do tim. Tương tự, những bệnh nhân mắc hội chứng đột tử do loạn nhịp tim (SADS) có thể bị rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ đột tử do tim. Hội chứng này có thể xảy ra ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trung niên.
Ngoài bệnh tim, đột tử vào ban đêm có thể do hội chứng ngưng thở khi ngủ. Việc ngừng thở khi ngủ có thể gây thiếu oxy, làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim. Thiếu oxy kéo dài cũng có thể dẫn đến suy tim và tăng nguy cơ đột quỵ. Nếu bạn bị ngáy nhiều, thường xuyên thức giấc về đêm do tắc nghẽn đường thở và mệt mỏi quá mức vào ban ngày, bạn có thể cân nhắc khả năng mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ và tìm kiếm sự đánh giá và điều trị y tế kịp thời.
Ngộ độc carbon monoxide là một nguyên nhân tiềm ẩn khác của SADS và có thể xảy ra khi sử dụng máy sưởi hoặc các thiết bị đốt dùng gas vào mùa đông hoặc khi chạy không tải trong xe hơi mà nhiên liệu chưa cháy hết. Nếu một người bị chóng mặt, suy nhược, buồn nôn hoặc nôn khi tỉnh, đó có thể là dấu hiệu ngộ độc khí carbon monoxide.
Quá liều thuốc là một yếu tố khác có thể dẫn đến đột tử khi đang ngủ. Một số loại thuốc dùng để điều trị rối loạn nhịp tim, cao huyết áp và trầm cảm có thể gây ra chứng loạn nhịp tim. Nguy cơ càng lớn hơn khi những loại thuốc này được kết hợp với rượu.
Những người uống quá nhiều rượu vào ban đêm cũng có nguy cơ đột tử khi đang ngủ, đặc biệt nếu họ nôn mửa khi đang ngủ. Điều này có thể dẫn đến tình trạng viêm phổi hít hoặc tắc nghẽn đường thở, làm tăng thêm nguy cơ tử vong đột ngột khi ngủ.
Một số trẻ nhỏ có thể bị đột tử trong khi ngủ mà không có lý do rõ ràng. Trẻ nằm ngửa khi ngủ có nguy cơ đột tử thấp hơn so với trẻ nằm sấp hoặc nằm nghiêng.
Triệu chứng và sơ cứu
Các nỗ lực cứu hộ có thể gặp khó khăn nếu ai đó gặp vấn đề về tim đột ngột trong khi ngủ — trừ khi có những triệu chứng rõ ràng và có người ở gần có thể sơ cứu kịp thời. Vì vậy, điều quan trọng là mọi người phải học các kỹ thuật hô hấp nhân tạo. Mặc dù hô hấp nhân tạo không phải lúc nào cũng có thể khôi phục nhịp tim bình thường nhưng ít nhất điều này có thể làm giảm tổn thương não do thiếu oxy.
Việc sử dụng máy khử rung tim kịp thời là rất quan trọng để cứu sống. Nếu việc điều trị được bắt đầu trong vòng vài phút đầu tiên sau khi bị ngừng tim đột ngột, tỷ lệ sống sót có thể lên tới 90%. Cứ mỗi phút trì hoãn điều trị, tỷ lệ sống sót giảm khoảng 10%. Nếu không thực hiện hồi sức tim phổi (CPR), ngừng tim đột ngột kéo dài hơn 8 phút có thể gây tử vong.
Nhận biết dấu hiệu của hội chứng đột tử
Để đề phòng trường hợp đột tử do tim, hãy chú ý đến ba tín hiệu sau.
1. Xem xét yếu tố di truyền. Nhiều bệnh tim có thể được di truyền. Nếu ai đó trong gia đình bạn đột ngột qua đời vì bệnh tim hoặc không rõ nguyên nhân, bạn có thể có tiền sử gia đình mắc bệnh tim.
2. Theo dõi các triệu chứng đánh trống ngực hoặc cảm giác “run rẩy,” vì những triệu chứng này có thể chỉ ra chứng rối loạn nhịp tim. Những triệu chứng này có xu hướng xấu đi trong hoặc sau khi tập thể dục.
3. Chóng mặt hoặc ngất xỉu khi tập luyện. Mặc dù hầu hết các cơn ngất xỉu liên quan đến tập thể dục đều không nghiêm trọng, nhưng trong một số trường hợp, chóng mặt hoặc ngất xỉu có thể gợi ý đến tình trạng bệnh tim chưa được phát hiện, chẳng hạn như hẹp động mạch chủ hoặc rối loạn nhịp tim. Nếu bạn thường xuyên ngất xỉu trong hoặc sau khi tập thể dục, nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Phương pháp phòng ngừa
Có một số yếu tố phòng ngừa quan trọng cần xem xét đối với trường hợp đột tử trong khi ngủ.
1. Quản lý căng thẳng
Quản lý căng thẳng là điều cần thiết. Trước khi ông Thang qua đời, công ty của ông liên tục bị lôi kéo vào các cuộc khủng hoảng hoạt động và các báo cáo cho thấy ông phải chịu áp lực chính trị đáng kể. Căng thẳng có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể và có liên quan đến các yếu tố có thể gây tổn hại cho tim, chẳng hạn như huyết áp cao. Căng thẳng mạn tính cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp đến tim bằng cách làm gián đoạn giấc ngủ và dẫn đến bỏ bê việc tập thể dục và ăn kiêng. Những thay đổi lối sống tiêu cực này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe tim mạch của bạn.
2. Ăn kiêng và tập thể dục
Một khẩu phần ăn uống cân bằng là rất quan trọng để bảo đảm cung cấp đủ chất dinh dưỡng và chất điện giải. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên có thể giúp hạ huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và giảm viêm khắp cơ thể, từ đó kiểm soát các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tim.
3. Hãy chủ động phòng ngừa
Nhiều người trẻ tuổi có thể đã bị ảnh hưởng bởi các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, họ có thể không biểu hiện các triệu chứng do khả năng bù trừ mạnh mẽ của tim, giúp che giấu tổn thương tiềm ẩn ở tim. Vì vậy, điều quan trọng là mọi người ở mọi lứa tuổi phải chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa để tự bảo vệ trái tim.
Phương Vy biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times