‘Điều này thật vô lý’: Các chuyên gia cố gắng giải thích tình trạng phổi trắng ở Trung Quốc
Trong khi dữ liệu chính thức từ Trung Quốc chỉ ghi nhận các ca bệnh nhẹ và tỷ lệ tử vong thấp xoay quanh đợt bùng phát COVID-19 mới đây nhất, thì mạng xã hội nước này đang tràn ngập những câu chuyện về tình trạng “phổi trắng”, một dạng viêm phổi.
Các cụm màu trắng xuất hiện trên hình chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp X-quang là những dấu hiệu của chứng viêm phổi, cả hai đều là những dấu hiệu đáng lo ngại thường thấy ở các bệnh nhân COVID-19 từ trung bình đến nặng.
Những câu chuyện kể về các ca tử vong sau khi nhiễm bệnh, các bệnh viện và nhà xác quá tải đã tràn ngập Weibo và các nền tảng video dạng ngắn của Trung Quốc.
Phổi trắng: Một triệu chứng bệnh nặng
Tiến sĩ Joseph Varon đến từ Đại học Baylor, một chuyên gia chăm sóc đặc biệt về phổi, đã bày tỏ sự bối rối của mình trước những thông tin trên mạng xã hội Trung Quốc về tình trạng phổi trắng.
“Điều này thật vô lý,” ông nói, đề cập đến việc các báo cáo chính thức từ Trung Quốc tuyên bố các chủng [virus] chiếm ưu thế hiện đang lưu hành ở đại lục là BA.5.2 và BF.7, hai loại này đều là các biến thể Omicron gây bệnh nhẹ.
Nhìn chung, biến thể Omicron không “khiến người ta bị phổi trắng,” ông lập luận. “Những hình ảnh đó cho thấy người ta đang đối diện với một thứ gì đó rất giống biến thể Delta.”
Tình trạng trắng xóa trong ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) là một dấu hiệu cho thấy bệnh đã đến mức nặng. “Phổi càng trắng, thì người ta càng có nhiều khả năng tử vong,” ông Varon nói, đề cập đến một nghiên cứu về tiên lượng bệnh mà ông là đồng tác giả.
Biến thể Omicron thường gây nhiễm trùng đường hô hấp trên hơn là gây viêm nhiễm ở phổi. Tuy nhiên, bệnh nhân cao niên và bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng có nguy cơ viêm phổi cao hơn khi nhiễm Omicron.
Mới đây The Epoch Times đã trò chuyện với một người đàn ông 36 tuổi ở Trung Quốc, người này không có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nhưng đã mắc phải tình trạng phổi trắng hồi giữa tháng 12/2022 sau khi có các triệu chứng giống bệnh cúm.
Cảm thấy như không thể thở được, bệnh nhân này đã nhập viện. Các bác sĩ không đưa ra một chẩn đoán nào mà chỉ kê đơn cho anh với Azvudine, một loại thuốc được chấp thuận có điều kiện để điều trị COVID-19 ở Trung Quốc.
Tiến sĩ Paul Marik, một chuyên gia chăm sóc đặc biệt về phổi khác, cho biết trên ảnh chụp CT, phổi của người đàn ông này có dấu hiệu điển hình của bệnh viêm phổi do COVID-19.
Ông Varon suy đoán rằng nếu các trường hợp phổi trắng thực sự được ghi nhận ở nhiều người khỏe mạnh và trẻ hơn, thì ông sẽ đặt nghi vấn về việc liệu có đúng là biến thể Omicron đã gây ra nhiều tổn thương như vậy hay không.
Khả năng miễn dịch thấp và bị suy giảm do phong tỏa
Tiến sĩ Stanley Perlman, một nhà vi sinh học, bày tỏ rằng ông “không ngạc nhiên” khi thấy thông tin về phổi trắng xuất hiện ở Trung Quốc.
Ông Perlman lập luận rằng các chính sách zero COVID và các biện pháp kiểm soát phong tỏa nghiêm ngặt có nghĩa là hầu hết người dân đại lục có khả năng vừa có sự phơi nhiễm thấp vừa miễn dịch thấp với virus này, điều đó sẽ khiến họ tăng nguy cơ bị bệnh nặng.
Giáo sư về bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ William Schaffner đến từ Khoa Y khoa thuộc Đại học Vanderbilt đã đồng ý rằng tình trạng phong tỏa đã làm giảm khả năng tiếp xúc với virus và khả năng miễn dịch tự nhiên.
“Ở Trung Quốc, tình trạng phong tỏa là rất nghiêm ngặt,” ông Schaffner nói. “Biện pháp này thực sự làm giảm sự lây lan của COVID.”
Ông Schaffner nói rằng trong khi phần còn lại của thế giới dường như coi Omicron là một căn bệnh nhẹ, bệnh nền, thì với rất ít dữ liệu về tỷ lệ tử vong và lây nhiễm từ Trung Quốc, người ta rất khó để đưa ra so sánh và đánh giá toàn diện về tình hình ở nước này.
Tiến sĩ David Bell, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đồng thời là cựu quan chức y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã chỉ trích các chính sách phong tỏa của Trung Quốc vì đã góp phần gây ra các đợt bùng phát lớn.
Ông Bell lập luận rằng việc các biện pháp phong tỏa không thể kiểm soát một virus gây bệnh đường hô hấp không phải là kiến thức gì mới và những biện pháp như vậy có khả năng làm suy giảm hệ miễn dịch của con người nếu kéo dài.
Ngoài ra, trẻ em được giữ trong môi trường vô trùng và cách ly sẽ phát triển các phản ứng miễn dịch kém khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích trong môi trường.
“Tôi gọi những đứa trẻ như vậy là cậu bé bong bóng,” ông Varon nói. “Kiểu như khi có con, quý vị sẽ không muốn con mình bị nhiễm mọi thứ, [nhưng] quý vị muốn cho bọn trẻ tiếp xúc với những thứ bình thường. Nếu quý vị giữ bọn trẻ trong một bong bóng thủy tinh, thì bất cứ thứ gì cũng có thể tước đi sinh mạng của chúng.”
Chuyên gia chăm sóc đặc biệt về phổi, Tiến sĩ Paul Marik nói rằng người dân sẽ tiếp xúc một cách tự nhiên giữa người với người sau khi các hạn chế được dỡ bỏ, và lẽ dĩ nhiên là họ sẽ bắt đầu lây truyền virus này.
“Điều này [sự gia tăng số ca nhiễm virus và tử vong] sẽ xảy ra. Vấn đề chỉ là khi nào mà thôi,” ông Marik nói.
Bác bỏ lập luận về phong tỏa
Nhà virus học, Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng (Li-Meng Yan) bác bỏ lập luận rằng biểu hiện phổi trắng là do thiếu khả năng miễn dịch cộng đồng do các biện pháp zero COVID.
Cô Diêm cho biết phương thức lập luận này sẽ giả định rằng có rất ít người bị nhiễm bệnh trong các đợt bùng phát trước đó ở Trung Quốc, nhưng giả định đó là không thể kiểm chứng.
Kể từ khi COVID-19 xuất hiện ở Trung Quốc hồi năm 2019, tất cả các dữ liệu về tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong đều đến từ các báo cáo chính thức của Trung Quốc và không có nhóm nghiên cứu bên ngoài nào có thể xác minh những số liệu này một cách độc lập.
Cô Diêm, người đã nghiên cứu về virus COVID-19 tại Đại học Hồng Kông trong giai đoạn đầu của đại dịch, nói rằng việc chia sẻ dữ liệu giữa các phòng thí nghiệm nghiên cứu của Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đột nhiên bị kiểm soát và giám sát kỹ lưỡng. Các nhà khoa học ở Hồng Kông chỉ có thể làm việc với dữ liệu chính thức và đưa ra các con số ước tính của riêng họ.
Các cuộc phỏng vấn được thực hiện với công dân Trung Quốc trong những đợt bùng phát ban đầu cũng cho thấy rằng trong đợt bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán, số ca bệnh và tử vong không được báo cáo đầy đủ do các bệnh viện từ chối tiếp nhận các bệnh nhân có triệu chứng COVID-19.
Cô Diêm lập luận rằng có khả năng các đợt bùng phát trước đó là nghiêm trọng hơn so với những gì đã được báo cáo chính thức. Như vậy có nghĩa là, nếu như trước đó có nhiều người hơn đã bị nhiễm bệnh và tử vong, thì giờ đây cũng sẽ có nhiều người hơn sở hữu một mức độ miễn dịch nhất định để bảo vệ họ trước biến thể Omicron.
Tuy nhiên, các thành phố như Vũ Hán và Trường Sa, cả hai đều là tâm điểm của dịch COVID-19 trong các đợt bùng phát trước đó, hiện đang chứng kiến tình trạng quá tải tại các bệnh viện và nhà xác tái diễn.
Vấn đề với đợt bùng phát mới gần đây của Trung Quốc cũng giống như vấn đề với đợt bùng phát đầu tiên cách đây ba năm: Dữ liệu chưa được xác minh và tỷ lệ tử vong cũng như lây nhiễm thực tế có khả năng đã bị hạ thấp trong báo cáo.
Mặc dù việc dỡ bỏ các chính sách zero COVID sẽ góp phần khiến dịch bệnh lan rộng hơn nữa, nhưng Tiến sĩ Diêm lập luận rằng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt là không liên tục.
Cô chỉ ra các tin tức trên truyền thông về phong tỏa ở Thượng Hải và Tân Cương, kéo dài hàng tháng và khiến nhiều người chịu đói khát. Cô Diêm nói rằng mặc dù những đợt phong tỏa đó rất nghiêm trọng và các trải nghiệm như thế là có thật, nhưng thực tế là hầu hết các chính sách zero COVID đều liên quan đến việc truy vết tiếp xúc và khai triển “kiểm soát kỹ thuật số bằng cách sử dụng mã theo dõi.”
Sau khi tình trạng phong tỏa được dỡ bỏ, cuộc sống vẫn diễn ra như bình thường; người dân sẽ đi làm và ra ngoài để xét nghiệm hàng ngày, như vậy sẽ khiến họ ở trong một môi trường có tiếp xúc với virus.
Theo dữ liệu của WHO, hơn 86% dân số Trung Quốc đã chích vaccine COVID của Trung Quốc cho hai mũi đầu tiên, đây là loại vaccine truyền thống có chứa virus SARS-CoV-2 bất hoạt, và khoảng 55% người dân đại lục đã được chích mũi bổ sung.
Với mức độ phơi nhiễm này, Tiến sĩ Diêm cho rằng hầu hết người dân đều đã có một mức độ miễn dịch nhất định.
Trước những điểm mâu thuẫn này, cô Diêm nói rằng các cơ quan y tế toàn cầu nên đặt câu hỏi tại sao các cơ quan y tế Trung Quốc ngừng xét nghiệm PCR để theo dõi các biến thể mới.
Ông Schaffner cũng bày tỏ lo ngại về việc các biến thể nói trên đang không được theo dõi.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times