Đậu phộng bổ dưỡng nhưng ai cần tránh món ăn này?
Đậu phộng là món ăn được yêu thích ở cả Đông phương và Tây phương. Tiến sĩ Trương Vĩ Quân (Zhang Wei Jun), người thừa kế thế hệ thứ năm phòng khám Trung y nổi tiếng ở Đài Loan Hoài Sinh Đường (Hwai Sheng Tang), đã giải thích những lợi ích dinh dưỡng, dược tính trị liệu trong Trung y và những cách kết hợp độc đáo vào bữa ăn hàng ngày.
Tiến sĩ Trương giải thích rằng đậu phộng được mệnh danh là trái trường thọ vì chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt có lợi cho người lớn tuổi.
Giá trị dinh dưỡng của đậu phộng
1. Acid palmitic
Acid palmitic, được tìm thấy trong đậu phộng, là nguồn năng lượng chính cho hệ tim mạch. Tiêu thụ đậu phộng có thể tăng sức khỏe cho tim, sức khỏe tim mạch và sức sống tổng thể, đặc biệt đối với những người không hấp thụ đủ chất béo.
2. Acetylcholine và acid linoleic
Acid linoleic trong cơ thể có thể chuyển đổi thành acid arachidonic, cùng với acetylcholine, rất quan trọng đối với sức khỏe của bộ não. Những chất dinh dưỡng này giúp tăng trí nhớ và khả năng phản ứng của bộ não.
3. Sterol thực vật
Những hợp chất này ức chế sự hấp thụ cholesterol. Một nghiên cứu cho thấy rằng hấp thụ sterol thực vật (2g/ngày) có thể làm giảm mức cholesterol LDL xuống 10%. Tiêu thụ sterol thực vật có thể cải thiện hệ tuần hoàn, hạ huyết áp và ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
4. Resveratrol
Resveratrol là một chất chống oxy hóa quý giá giúp chống lại các gốc tự do và chống lão hóa sớm do căng thẳng quá mức.
5. Tryptophan
Tryptophan hoạt động như một chất ổn định tâm trạng, giảm bớt lo lắng, trầm cảm và giúp ngủ ngon hơn. Giấc ngủ được cải thiện giúp tăng cường trí nhớ và khả năng phản ứng.
Tiến sĩ Trương cho biết theo Trung Y, đậu phộng có thể bồi bổ khí (năng lượng sự sống) và kích thích cảm giác thèm ăn. Những người có sức khỏe tinh thần kém thường có khí yếu, dẫn đến chán ăn và thiếu hụt dinh dưỡng. Hàm lượng dinh dưỡng phong phú của đậu phộng bổ khí, phục hồi năng lượng và cảm giác thèm ăn, đồng thời phá vỡ vòng lặp bệnh tật.
Khái niệm của “khí” trong Đông Y đề cập đến khí hoặc năng lượng nguyên thủy. Khí luân chuyển khắp cơ thể, duy trì các hoạt động sống. Sự mất cân bằng hoặc thiếu hụt khí có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Tăng bổ sung dinh dưỡng làm tăng hệ thống miễn dịch. Mặc dù phổi là cơ quan nội tạng nhưng phổi cũng tiếp xúc trực tiếp với các chất ô nhiễm bên ngoài và vi khuẩn xâm nhập vào đường thở và phế quản. Do đó, khả năng miễn dịch mạnh mẽ là rất quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng phổi. Tiến sĩ Trương đề cập rằng khi các triệu chứng như ho và đờm dư thừa xảy ra, hệ thống miễn dịch cần nhiều loại chất dinh dưỡng để bổ sung năng lượng phòng vệ.
Thiếu khí
Khi đối mặt với căng thẳng hoặc lối sống bận rộn, cơ thể tiêu thụ một lượng khí đáng kể, điều này có thể dẫn đến lo lắng, căng thẳng, giấc ngủ kém, giảm trí nhớ và khả năng phản ứng.
Tình trạng này trong Trung Y được gọi là thiếu khí. Đậu phộng là một lựa chọn ăn kiêng tuyệt vời để giảm bớt tình trạng này. Ngoài ra, vỏ đậu phộng cũng chứa nhiều dưỡng chất quý giá.
Các chất dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe của đậu phộng
1. Chất xơ
Chất xơ trong vỏ đậu phộng hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường ruột, tăng cường sức khỏe đường ruột.
2. Chất chống oxy hóa
Vỏ đậu phộng chứa polyphenol và flavonoid, có tác dụng chống lại tổn thương từ gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa tế bào và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
3. Hóa chất thực vật tự nhiên
Các hợp chất như sterol thực vật và tannin có lợi cho việc giảm cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch.
4. Chiết xuất vỏ đậu phộng
Đối với những người bị bệnh máu khó đông, da dễ bị đốm đỏ, bầm tím, chảy máu cam và phụ nữ bị chảy máu kinh nguyệt quá nhiều, vỏ đậu phộng có thể giúp cải thiện quá trình đông máu. Ngược lại, những người có vấn đề về đông máu, có tiền sử đột quỵ, đau tim hoặc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch nên tránh vỏ đậu phộng.
Vỏ đậu phộng có thể làm tăng hàm lượng tiểu cầu và cải thiện chất lượng tiểu cầu, giúp cải thiện các yếu tố đông máu. Một nghiên cứu cho thấy rằng uống PEXT—những hoạt động sinh hóa lạ thường của chiết xuất vỏ đậu phộng—làm tăng mức tiểu cầu ngoại biên ở chuột.
Đậu phộng: Một phương pháp tiếp cận dinh dưỡng
Tiến sĩ Trương khuyến nghị các chế phẩm ăn kiêng sau đây sử dụng đậu phộng:
1. Gà nguội đậu phộng
Kết hợp thịt gà chần và đậu phộng với gia vị (chẳng hạn như đồ gia vị, muối hoặc đường) để có món ăn nguội. Cả thịt gà và đậu phộng đều giàu tryptophan và có tác dụng hiệp đồng ổn định tâm trạng và nâng cao chất lượng giấc ngủ.
2. Móng giò hầm đậu phộng
Cách chế biến này có lợi cho những phụ nữ có vấn đề về tiết sữa sau sinh. Sau khi sinh con, một số phụ nữ có thể bị căng thẳng và lo lắng, điều này có thể ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn và có thể gây suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng, căng thẳng và lo lắng ngăn cản quá trình tiết sữa bình thường.
Đậu phộng giúp giảm căng thẳng, còn giò heo rất giàu collagen và lợi sữa.
3. Canh đậu phộng đậu đỏ
Luộc đậu phộng và đậu đỏ với nhau để tạo thành món canh bổ dưỡng.
4. Đậu phộng ngâm giấm đen
Đây là công thức gia truyền độc đáo từ Tiến sĩ Trương. Đậu phộng tươi, chưa nấu chín cho vào lọ thủy tinh sạch, đổ giấm đen vào, đậy kín nắp và để yên trong 7 ngày trước khi dùng.
Đối với những người thừa cân, ăn 10 hạt đậu phộng ngâm giấm đen trước bữa ăn có thể làm tăng cảm giác no và giảm lượng thức ăn nạp vào. Những người có vấn đề về tiêu hóa hoặc người ăn nhiều có thể ăn 5 hạt đậu phộng ngâm giấm đen sau bữa ăn để kích thích tiết acid dạ dày, từ đó giúp tiêu hóa và trao đổi chất. Bệnh nhân cao huyết áp có thể hạ huyết áp bằng cách ăn những thực phẩm này vì giấm có thể làm mềm mạch máu và đậu phộng cung cấp chất béo tốt mà mạch máu cần.
Tiến sĩ Trương nhấn mạnh, đậu phộng rất giàu acid béo không bão hòa, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và tuần hoàn. Tuy nhiên, đậu phộng dễ bị oxy hóa và hư hỏng khi tiếp xúc với nhiệt độ cao qua quá trình chiên, rang hoặc nướng. Tốt nhất là hấp, luộc hoặc hầm đậu phộng.
Ngoài ra, đậu phộng có tỷ lệ acid béo omega-6 tương đối cao, có thể gây viêm khi tiêu thụ quá mức. Những người có thân nhiệt cao, dễ bị lở loét trong miệng môi (oral ulcers), ngứa da, viêm khớp và cơ nên ăn đậu phộng ở mức độ vừa phải. Nếu bạn có cơ địa lạnh và có xu hướng bị lạnh tứ chi thì có thể ăn đậu phồng nhiều hơn.
Ai nên tránh tiêu thụ đậu phộng?
Tiến sĩ Trương khuyên có 9 loại người nên tránh ăn đậu phộng:
1. Người có vết thương đang lành
Những người có vết thương chưa lành hẳn nên tránh ăn đậu phộng. Hàm lượng omega-6 trong đậu phộng có thể làm gia tăng tình trạng viêm, do đó một số người bị thương và vết thương đang lành có thể tái phát các triệu chứng khi ăn đậu phộng.
2. Người bị tiêu chảy
Những người bị tiêu chảy nên tránh ăn đậu phộng sống – ngay cả những loại đậu ngâm giấm đen – vì có thể khiến bệnh tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn. Đậu phộng nấu chín thường dễ tiêu hóa hơn.
3. Trẻ em
Đậu phộng khá khó tiêu. Trẻ em dưới sáu tuổi có thể bị đau bụng, tiêu hóa kém và đầy hơi do ăn quá nhiều đậu phộng. Những người có hệ tiêu hóa yếu cũng nên thận trọng và hạn chế ăn đậu phộng.
4. Bệnh nhân viêm loét dạ dày
Những người bị viêm loét dạ dày sẽ khó tiêu hóa đậu phộng.
5. Người bị táo bón, khô miệng, dễ nóng nhiệt
Tránh đậu phộng chiên, xào, rang vì có thể làm tăng tình trạng nóng trong cơ thể. Chọn đậu phộng luộc hoặc hấp.
Khái niệm “nhiệt” mô tả một số triệu chứng nhất định của nhiệt bên trong cơ thể, bao gồm mắt đỏ và sưng, loét miệng, nước tiểu màu vàng, đau răng và đau họng.
6. Người thường xuyên thức khuya
Vì những người thường xuyên thức khuya thường sinh nhiệt trong cơ thể nên việc tiêu thụ đậu phộng, loại thực phẩm cũng có xu hướng gây nóng, là điều không nên.
7. Người dễ bị đờm
Đậu phộng có thể gây ra tình trạng dư thừa acid dạ dày do tiêu hóa kém, dẫn đến sản sinh đờm. Điều này đặc biệt đúng đối với đậu phộng được chế biến có thêm đường.
8. Những người dễ bị đầy hơi
Vì đậu phộng có tính ấm nên tiêu thụ quá nhiều có thể gây nóng, dẫn đến đầy hơi.
9. Cơ địa nhiệt
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times