Dầu mè giúp chống viêm và cân bằng nhiệt. Ba mẹo chọn dầu mè chất lượng cao
Nền y học cổ xưa Ayurveda và Trung y đều công nhận những đặc tính chữa bệnh của hạt mè từ cách đây 5000 năm.
Mè là một trong những cây trồng cổ xưa nhất thế giới, cho hạt và dầu thơm ngon. Mè có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, và có thể giúp hạ huyết áp với lượng magnesium cao.
Trong chương trình video “Health 1+1” của The Epoch Times, cô Vương Nịnh, một chuyên gia về dầu dinh dưỡng được Trung tâm Giáo dục Thực phẩm Ý của Học viện CLUBalogue (CLUBalogue Academy Italian Food Education Center) chứng nhận, đã giới thiệu ba mẹo giúp chọn dầu mè chất lượng cao và chia sẻ cách dùng dầu mè để có sức khỏe tốt hơn.
Cô Vương trước đây đã sống ở Ấn Độ một thời gian. Tại đây cô đã bắt đầu hành trình tìm kiếm dầu mè chất lượng cao sau khi trải nghiệm liệu pháp trị liệu bằng dầu mè theo y học cổ truyền Āyurveda của Ấn Độ. Ở Đài Loan, cô tìm được một mảnh đất bỏ hoang và bắt tay vào trồng mè. Ở đó, cô đã được chiêm ngưỡng những bông hoa mè màu hồng đẹp đẽ, tinh tế, và thu hoạch những hạt mè đạt tiêu chuẩn 3A quốc tế. Cuối cùng, cô nhận ra rằng hương vị của mè chất lượng cao có thể tạo cảm giác ấm miệng. Nhận thức này đã thôi thúc cô tìm hiểu sâu hơn về việc chiết xuất dầu mè.
Giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh của hạt mè
Hạt mè không chỉ nhiều dầu, protein mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng như calcium, magnesium, iron (sắt), zinc (kẽm), vitamin B, và lignan. Chất sesamin trong lignans có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, giúp ngủ ngon đã thu hút sự chú ý của mọi người.
Hạt mè chứa rất nhiều hoạt chất giống lignan có tác dụng hạ cholesterol, điều hòa lipid máu, bảo vệ tim mạch, bảo vệ gan, thận, chống oxy hóa, chống viêm, và chống khối u.
Các nghiên cứu in vivo và in vitro đã làm sáng tỏ về tác động của dầu mè trong việc giảm mức “cholesterol xấu” hoặc lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) đồng thời duy trì mức “cholesterol tốt” hay lipoprotein mật độ (HDL) cao, từ đó làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch hiệu quả.
Cô Vương cho biết, do khả năng chịu nhiệt nên hầu hết dưỡng chất trong hạt mè có thể được giữ lại trong quá trình làm dầu mè. Nhưng hạt mè lại không chịu được nhiệt độ cao, do đó nên ăn trực tiếp hạt mè để hấp thụ các dưỡng chất đồng thời thưởng thức hương vị và kết cấu của hạt mè. Đối với những người muốn giảm bớt các triệu chứng mãn kinh hoặc rối loạn giấc ngủ, thì nên lựa chọn các thực phẩm bổ sung sesamin.
Cô Vương nhấn mạnh rằng hạt mè là nguồn cung cấp calcium tuyệt vời cho người ăn chay. Ngoài ra, bổ sung đều đặn hai muỗng cà phê hạt mè đen mỗi ngày sẽ giúp mái tóc khỏe mạnh.
Dầu mè cũng có thể được dùng như một phương thuốc chữa bệnh ngoài da. Loại thuốc mỡ thảo dược truyền thống nổi tiếng nhất của Trung Hoa là “Thuốc mỡ Tử Vân Cao” hoặc “Thuốc mỡ mây tím.” Dầu nền là dầu mè, có tác dụng chống viêm, giảm sưng đau. Tính chất thân thiện với da của dầu mè cũng giúp các thành phần trong thuốc mỡ dễ dàng hấp thụ qua da hơn. Thuốc mỡ là sản phẩm bôi ngoài da tự nhiên rất được ưa chuộng ở các cộng đồng Đông phương.
Các loại và tác dụng của hạt mè
Hạt mè có hai loại đen và trắng với giá trị dinh dưỡng như nhau.
Cô Vương giải thích rằng hạt mè trắng thường được chế biến thành dầu mè hoặc nước sốt mè trắng và thích hợp để làm sốt hoặc tạo hương vị. Cô cho biết mè trắng có mùi thơm nồng, nên một số thương gia sẽ trộn các loại dầu khác vào dầu mè. Vì vậy khi mua hàng cần đặc biệt chú ý đến nhãn dinh dưỡng để xem có thành phần khác hay không.
Cô tiếp tục giải thích rằng dầu mè đen làm từ hạt mè đen thường được dùng trong nấu ăn, đặc biệt là một số món ăn bổ dưỡng như gà sốt dầu mè, thận chiên dầu mè. Dầu mè đen đặc biệt thích hợp để bổ sung dưỡng chất cho phụ nữ sau sinh.
Tuy nhiên, đối với những người có thể trạng nóng và khô, chẳng hạn như những người bị mụn trứng cá hoặc mặt dễ bị mẩn đỏ sẽ không thích hợp ăn các món nấu bằng dầu mè. Thay vào đó có thể chuyển sang ăn hạt mè.
Cô Vương cho biết, dầu mè có điểm bốc khói tương đối cao nên thích hợp để xào, chiên các món ăn. Tuy nhiên, vì dầu mè có mùi nồng nên nếu dùng quá nhiều sẽ dễ gây ngán. Cô chia sẻ rằng cô sẽ thêm hạt mè vào ly “đồ uống xanh” (nước ép trái cây, rau củ) hàng ngày của mình và chỉ dùng dầu mè để nấu những món ăn phù hợp với hương vị.
Ba mẹo giúp chọn dầu mè chất lượng cao
Cô Vương giới thiệu ba điểm chính cần lưu ý khi chọn dầu mè đen:
Màu sắc
Đặt [và quan sát] dầu mè dưới ánh sáng. Nếu thấy có màu hổ phách đậm là loại dầu mè có chất lượng tốt nhất, chứng tỏ không được rang ở nhiệt độ quá cao. Một số loại dầu có thể có màu sẫm nhưng không phải màu hơi đỏ là hạt mè đã được rang quá kỹ.
Nếm
Dầu mè làm từ hạt được rang chín quá sẽ rất thơm nhưng có vị đắng. Nên chọn loại dầu mè không có vị đắng.
Độ thẩm thấu
Bạn có thể nhỏ một giọt dầu mè lên tay. Nếu sau vài phút mà mùi biến mất thì đó là dầu mè tự nhiên. Nếu không được ép ở nhiệt độ đặc biệt cao, dầu sẽ có kết cấu nhẹ hơn và sẽ thấm nhanh khi thoa lên da.
Cách chọn dầu mè trắng:
Màu sắc
Dầu mè trắng có màu rất nhạt chứng tỏ nhiệt độ ép dầu không quá cao. Ngoài ra còn có một số loại dầu mè được chế biến mà không cần rang, tương đối hiếm và quý. Một số loại dầu mè trắng có màu đậm hơn và hơi nâu, nghĩa là nhiệt độ ép dầu tương đối cao. Loại dầu này thường có mùi thơm hơn vì các phân tử mùi thơm của hạt bị phá hủy để tạo ra mùi thơm.
Cô Vương một lần nữa lưu ý đến tầm quan trọng của việc đọc thành phần dinh dưỡng của dầu mè. Cô nói rằng tốt nhất là gặp được người bán sẵn lòng cho nếm thử dầu. Sau đó, bạn có thể dùng chính vị giác của mình để tìm ra thương hiệu tốt nhất.
Ngoài ra mè còn có các sản phẩm khác như bột mè và sốt bơ mè (sesame paste). Cô Vương khuyến khích nên chọn loại bột mè làm từ hạt mè nảy mầm sẽ có giá trị dinh dưỡng tốt hơn.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.