Lợi ích sức khỏe của hạt mè đen
Từ xa xưa, hạt mè đen đã được dùng để bổ thận, dưỡng tóc và ngăn ngừa loãng xương.
Hạt mè đen là một loại thực phẩm cổ xưa và có nhiều lợi ích sức khỏe, được mệnh danh là vua của các loại hạt và thậm chí còn được tôn sùng là “thực phẩm thần tiên.”
Lợi ích sức khỏe của hạt mè đen bao gồm bổ thận, tăng sức khỏe của xương, làm đen tóc, ngăn ngừa lão hóa sớm, và thậm chí còn giúp tăng trí nhớ và thính giác. Tuy nhiên, mè đen có thể không phù hợp với tất cả mọi người.
Hạt mè đen nhỏ xíu không những tốt cho sức khỏe mà còn có hương vị đậm đà và thơm ngon. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món mè đen đơn giản và bổ dưỡng tại nhà bằng nguyên liệu tự nhiên.
Lợi ích sức khỏe của hạt mè đen
Lợi ích sức khỏe của hạt mè đen đã được phát hiện và dùng từ thời xa xưa. Trung y thường dùng mè đen để điều trị nhiều bệnh khác nhau như chứng bạc tóc sớm, rụng tóc, yếu và đau nhức ở thắt lưng, đầu gối, mỏi chân tay, suy nhược nội tạng, khô da, tóc, và táo bón.
1. Bổ thận, chắc xương, tăng trí nhớ
Hạt mè đen dồi dào khoáng chất như calcium, magie và kẽm, có vai trò quan trọng làm tăng mật độ xương và ngăn ngừa loãng xương. Việc thêm mè đen vào thực đơn ăn uống đặc biệt có ích cho sự tăng trưởng, phát triển của trẻ em và sức khỏe xương của người già.
Các phospholipid trong mè đen có thể góp phần nuôi dưỡng hệ thần kinh, tăng trí nhớ, cải thiện khả năng tập trung tinh thần và giải quyết các vấn đề như suy giảm trí nhớ.
Trung y cho rằng hạt mè đen có tính ôn, vị ngọt, có tác dụng bổ tỳ vị. Theo Trung y, màu đen tương ứng với thận, do đó, mè đen được cho là có ích cho sức khỏe của thận, giúp ngăn ngừa và cải thiện các vấn đề khác nhau do thận khí không đủ gây ra, chẳng hạn như loãng xương, giảm thính lực, ù tai, suy nhược tinh thần và suy giảm trí nhớ.
Theo Trung y, kinh mạch là các kênh năng lượng của cơ thể con người, có nhiệm vụ vận chuyển khí và huyết – những chất cơ bản cấu tạo nên cơ thể và duy trì mọi hoạt động sinh lý của con người đi khắp cơ thể. Tất cả các chất dinh dưỡng bổ sung cho cơ thể được gọi chung là huyết. Khi khí huyết trong cơ thể mất cân bằng hoặc thiếu hụt thì sẽ dẫn đến bệnh tật hoặc các tình trạng khác.
2. Lợi ích sức khỏe của hạt mè đen trên tóc, quá trình lão hóa, và thúc đẩy nhu động ruột
Vitamin E trong hạt mè đen có đặc tính chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa, giúp duy trì độ đàn hồi của da.
Trung y cho rằng “tóc là phần dư thừa của huyết,” nghĩa là khi huyết nhiều sẽ có thêm năng lượng để nuôi tóc. Hạt mè đen có hàm lượng sắt cao, giúp bổ huyết, kích thích mọc tóc, làm cho tóc đen bóng và ngăn ngừa sự xuất hiện của tóc bạc.
Ngoài ra, hàm lượng dầu trong hạt mè đen cao, giúp kích thích nhu động đường tiêu hóa và trợ giúp tiêu hóa. Hạt mè đen chứa rất nhiều chất xơ, giúp giảm táo bón.
3. Lợi ích sức khỏe của hạt mè đen trong điều trị mụn trứng cá và vết thương
Hạt mè đen còn có thể bôi ngoài để chữa một số bệnh ngoài da. Hạt mè đen thường được người xưa dùng để chữa mụn trứng cá, ghẻ lở, phát ban và các bệnh về da khác.
Cách dùng là nhai hạt mè đen trong miệng rồi bôi lên vùng bị ảnh hưởng, bản thân nước bọt có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên, giúp giảm viêm và giảm ngứa. Đối với vết bỏng, bạn cũng có thể dùng các dụng cụ như cối để giã hoặc máy xay, sau đó bôi hỗn hợp đó lên vùng bị ảnh hưởng, hiệu quả điều trị cũng tương tự.
Bí quyết ‘bổ thận’ và bảo toàn sức khỏe cho mùa đông
Cuốn sách kinh điển của y học cổ truyền Trung Hoa, “Hoàng đế Nội kinh,” chủ trương duy trì sức khỏe theo mùa, tức là dưỡng gan vào mùa xuân, bảo vệ trái tim vào mùa hè, dưỡng phổi vào mùa thu và dưỡng thận vào mùa đông. Khi chúng ta bước vào mùa đông, cũng là thời điểm thích hợp để bổ sung năng lượng cho thận. Dưới đây là một số công thức dùng hạt mè hữu ích giúp bổ sung năng lượng cho thận và nâng cao sức khỏe tổng thể:
Phù Tang hoàn (Hạt mè đen + lá dâu)
Từ xa xưa, hạt mè đã được con người dùng để làm thực phẩm tốt cho sức khỏe. Một trong những bí quyết tốt cho sức khỏe là nghiền hạt mè đen và lá dâu tằm thành bột mịn rồi vo thành từng viên với mật ong, gọi là Phù Tang hoàn.
Phù Tang hoàn được cho là có tác dụng giảm nhẹ bệnh thấp khớp, làm đẹp, làm đen tóc và nâng cao sức khỏe tổng thể. Ngày nay, chúng ta cũng có thể tự làm được Phù Tang hoàn hoặc nhờ các bác sĩ Trung y bào chế. Ăn trực tiếp hạt mè đen cũng có thể đạt được tác dụng tương tự.
Sữa đậu nành hạt dẻ mè đen
Nguyên liệu:
- 500ml sữa đậu nành
- 10g hạt dẻ nấu chín
- 5g bột mè đen (có thể tự nghiền tại nhà hoặc mua thành phẩm)
Chế biến:
- Hạt dẻ bóc vỏ, cắt thành từng miếng nhỏ.
- Cho hạt dẻ, sữa đậu nành và bột mè đen vào nồi, đun sôi trong 5 phút, xay cho đến khi mịn là có thể uống được.
Hạt dẻ có thể bổ thận, dạ dày, tốt cho cơ bắp và xương, khi kết hợp với hạt mè đen và sữa đậu nành sẽ không chỉ bổ sung khí cho thận mà còn cung cấp protein. Thận khí đầy đủ sẽ giúp tinh thần minh mẫn, cải thiện thính giác và giảm bớt chứng ù tai.
Sữa mè đen
Một phương pháp đơn giản hơn là thêm một thìa bột mè đen vào sữa tươi hoặc sữa đậu nành và uống vào buổi sáng. Đơn giản là chỉ cần trộn đều và uống. Đồ uống này có thể giúp tăng năng lượng, nâng cao hiệu quả công việc và thậm chí giảm táo bón.
Những lưu ý khi dùng hạt mè đen
Mặc dù hạt mè đen có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng do hàm lượng dầu cao nên chỉ nên ăn khoảng 10g mỗi ngày và không nên ăn quá nhiều.
Ngoài ra, không phải người nào cũng phù hợp với ăn hạt mè đen, những người có các bệnh lý sau đây nên thận trọng khi dùng hạt mè đen:
1. Người bị viêm da
Hạt mè đen là thực phẩm dễ gây kích ứng, nếu ăn mè đen sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm hiện có. Những người có các triệu chứng về da như mụn trứng cá, ghẻ, mẩn ngứa hoặc viêm nhiễm vết thương nên hạn chế ăn hạt mè đen để tránh làm tình trạng viêm nhiễm trở nên nặng hơn.
2. Người dị ứng với mè đen
Mặc dù được liệt kê là một trong 9 thực phẩm gây dị ứng thực phẩm hàng đầu ở Hoa Kỳ, nhưng mè vẫn được dùng rộng rãi trong ngành chế biến thực phẩm.
Nếu bạn gặp các triệu chứng như nổi mề đay, sưng mặt hoặc môi, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt hoặc khó thở xuất hiện sau khi ăn hạt mè đen thì nên ngừng ăn ngay lập tức và đánh giá xem có cần đến sự trợ giúp y tế hay không. Ngoài ra, nên tìm đến chuyên gia y tế để xác định xem các phản ứng bất lợi được mô tả ở trên có phải do dị ứng thực phẩm hay không.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times