Đau đầu do rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ)

Đau đầu do rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ) là gì?

Những cơn đau đầu này xuất phát từ rối loạn chức năng của khớp thái dương hàm, khớp bản lề giữ xương hàm với hộp sọ và cho phép chúng ta mở và đóng miệng, nhai và nuốt. Theo Hiệp hội TMJ, tại bất kỳ thời điểm nào, khoảng 12% dân số Hoa Kỳ, tương đương 35 triệu người, bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn TMJ. Hầu hết những người tìm cách trị bệnh là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Người ta ước tính rằng cứ một người nam thì có 9 người nữ bị bệnh và có các triệu chứng nghiêm trọng: hạn chế lớn trong cử động hàm và đau mạn tính. May mắn thay, những vấn đề này có xu hướng tự giới hạn, mặc dù một số có thể mất từ 7 đến 10 năm để giải quyết.

Các triệu chứng của đau đầu TMJ là gì?

Rối loạn TMJ có thể gây ra một loạt các triệu chứng. Đau đầu – gồm cả chứng đau nửa đầu – nằm trong số đó, nhưng rất ít người bị rối loạn TMJ gặp phải vấn đề chính là đau đầu. Các triệu chứng khác bao gồm đau và nhức khi nhai, hạn chế cử động hàm, nghe thấy tiếng tách hoặc bốp khi mở miệng, đau ở cổ và vai, đau tai và ù tai, chóng mặt và các vấn đề về thị lực. Nói chung, cảm giác khó chịu do rối loạn TMJ thi thoảng xảy ra, mang tính tạm thời và có thể tự khỏi mà không cần hoặc chỉ cần điều trị rất ít.

Hiệp hội Đau đầu quốc tế cho rằng những cơn đau đầu do rối loạn TMJ thường biến mất trong vòng ba tháng và không tái phát sau khi điều trị thành công.

Nguyên nhân gây đau đầu TMJ?

Nguyên nhân của rối loạn TMJ có thể bao gồm co thắt và viêm cơ, thấp khớp và viêm xương khớp, chấn thương, căng thẳng và nghiến răng, mặc dù rối loạn thường không có nguyên nhân rõ ràng. Một số thói quen nhất định, chẳng hạn như nhai kẹo cao su hoặc thường xuyên đặt điện thoại lên một vai, có thể góp phần gây ra tình trạng này. Vì chứng rối loạn TMJ xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ so với nam giới nên nghiên cứu tập trung vào việc liệu hormone nữ có đóng vai trò hay không.

Điều trị thông thường là gì?

Việc tìm kiếm phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng rối loạn TMJ có thể không dễ dàng vì không có chuyên khoa nào được chứng nhận để điều trị bằng nha khoa hoặc y học. Viện Nghiên cứu Nha khoa và Sọ mặt Quốc gia, một nhánh của Viện Y tế Quốc gia (NIH), khuyến nghị mọi người nên tìm một bác sĩ hiểu rõ các rối loạn ảnh hưởng đến cơ, xương và khớp và được đào tạo về điều trị đau. Phòng khám giảm đau của bệnh viện hoặc trường đại học có thể hướng dẫn bạn đến một nhà cung cấp dịch vụ được đánh giá cao.

Việc sử dụng ngắn hạn các loại thuốc chống viêm kê đơn hoặc không kê đơn (chẳng hạn như ibuprofen) có thể được khuyến nghị để giúp giảm đau đầu và các triệu chứng khác. Thuốc giãn cơ, cũng như thuốc chống trầm cảm và thuốc chống động kinh có đặc tính giảm đau, có thể được kê. Ngoài ra, việc điều chỉnh hành vi, phản hồi sinh học, thôi miên và vật lý trị liệu có thể giúp giảm đau và phục hồi chức năng hàm bình thường. Vật lý trị liệu dựa vào nhiệt và kéo giãn để giảm viêm khớp, phục hồi khả năng vận động của khớp và loại bỏ đau cơ.

Nếu bị rối loạn TMJ, bạn có thể giảm đau bằng cách ăn thức ăn mềm, chườm đá và tránh nhai kẹo cao su. Bạn cũng nên hạn chế há miệng rộng và các hoạt động khác gây căng thẳng cho hàm.

Cần lưu ý rằng việc điều trị bằng phẫu thuật cho chứng rối loạn TMJ không được khuyến nghị. Chưa có nghiên cứu dài hạn về tính an toàn và hiệu quả của phương pháp này. Tương tự, các nghiên cứu về tác dụng của khí cụ như miếng bảo vệ khớp cắn bằng acrylic vừa khít với răng cũng không có kết luận thuyết phục. Một số có thể làm tăng cơn đau. (Nếu vậy, hãy ngừng sử dụng.) Bạn cũng nên tránh dùng các thanh nẹp được thiết kế để định vị lại hàm dưới.

Tiến sĩ Weil khuyên gì cho chứng đau đầu TMJ?

Ngoài việc điều chỉnh hành vi, tập luyện thư giãn, thôi miên và phản hồi sinh học được đề cập ở trên, Tiến sĩ Weil đặc biệt khuyên bạn nên thử phương pháp nắn xương sọ (còn gọi là liệu pháp sọ não), một phương thức của liệu pháp nắn xương. (Bạn có thể tìm kiếm một bác sĩ qua trang web của Học viện Nắn xương Sọ) Ông cũng đề nghị liệu pháp hình ảnh có hướng dẫn, châm cứu và uống 500mg calcium và 500mg magnesium trước khi đi ngủ và 12 tiếng sau đó. Tiếp tục sử dụng các thực phẩm bổ sung này miễn là triệu chứng vẫn tồn tại, nhưng hãy giảm magnesium nếu gặp tác dụng nhuận tràng.

Được đăng tải lần đầu trên DrWeil.com

Nguồn: Steven B. Graff-Radford, “Rối loạn khớp thái dương hàm và đau đầu,” Tổ chức Đau nửa đầu Hoa Kỳ, Americanmigrainefoundation.org/resource-library/temporomandibular-disorders-and-headache/

Tiến sĩ Andrew Weil, M.D., là nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới và là người tiên phong trong lĩnh vực y học tích hợp, một phương pháp tiếp cận theo định hướng chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe bao gồm cơ thể, tâm trí và tinh thần.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Andrew Weil
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Andrew Weil, M.D., là nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới và là người tiên phong trong lĩnh vực y học tích hợp, một phương pháp tiếp cận theo định hướng chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe bao gồm cơ thể, tâm trí và tinh thần.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn