Đã đến lúc kháng cự các thuật toán
Hãy nhìn thẳng vào việc này: Các thuật toán đã tốt và thậm chí sẽ còn tốt hơn nữa.
Mọi thứ, từ những gì bạn nhìn thấy trên các feed Instagram của mình, các gợi ý sản phẩm bạn nhận được trên Amazon, cho đến video được hiển thị trên YouTube, và những hướng dẫn chỉ đường cụ thể do Google Maps cung cấp cho bạn đều được định hình bởi các thuật toán mạnh mẽ – vốn xử lý lượng lớn dữ liệu để cung cấp cho bạn một trải nghiệm được điều chỉnh độc đáo theo sở thích của bạn.
Một thế giới không có thuật toán đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ có ít điều đẹp đẽ hơn để thưởng thức và sẽ là một bước thụt lùi ngay lập tức về mặt tiện lợi và cá nhân hóa.
Mặc dù những lợi ích tiêu dùng này có thể đo lường được, nhưng để định lượng chi phí của việc sống trong một thế giới bị các thuật toán thống trị lại khó khăn hơn. Tôi tin rằng có một luận cứ mạnh mẽ có thể đẩy lùi lực lượng này và bảo tồn một không gian cho những ý tưởng xưa cũ hơn phát triển.
Tác động so với cuộc sống dễ dàng
Giống như nhiều khía cạnh trong cuộc sống hiện đại, các thuật toán đã giúp cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng và dễ đoán hơn. Chúng hoạt động hiệu quả một cách đáng kinh ngạc.
Nhưng tôi lo rằng chúng ta đang xây đắp một nền văn hóa quá xem trọng sự thoải mái, sự mới lạ, và tiện nghi mà bỏ qua những đặc điểm khác liên quan đến một xã hội năng động, lành mạnh – như tính chấp nhận rủi ro, phiêu lưu, và tinh thần độc lập.
Thay vì dưỡng thành thế hệ doanh nhân dám nghĩ dám làm và đầy tham vọng tiếp theo, chúng ta đang ngày càng tự mãn hơn. Cuối cùng, sẽ đến ngày phải thanh toán các chi phí đó.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng chúng ta cần nhiều người hơn nữa kháng cự lại lối sống thuật toán một cách có chiến lược và sáng tạo, ngay cả khi thừa nhận vai trò quan trọng mà thuật toán sẽ góp phần trong tương lai chúng ta.
Hành động kháng cự này có thể không hiệu quả trong thời gian ngắn (tại sao không giao nhiều quyết định của mình hơn cho những thuật toán mạnh mẽ này?) Tôi nghĩ chúng ta cần bảo tồn một thứ cốt yếu trong tinh thần con người: Một tập hợp các giá trị tạo nên cuộc sống tốt đẹp nhất có thể, chứ không chỉ đơn thuần được tối ưu hóa để đem lại sự thoải mái hơn, bảo mật cao hơn, hoặc trải nghiệm trực tuyến hấp dẫn hơn.
Luận cứ kháng cự lại các thuật toán
Vấn đề tôi đang cố gắng đưa ra khá là phức tạp, nhưng tôi nghĩ rằng tôi có một phép loại suy hữu ích.
Tôi nghĩ thật tuyệt vời khi rất nhiều người trong chúng ta hiện đang sống trong một thế giới dư thừa thực phẩm. Trong 100 năm qua, thực phẩm đã trở nên rẻ hơn, có hương vị hấp dẫn hơn, và tiện lợi hơn bao giờ hết trong lịch sử. Tôi mừng thay cho thành tựu này và hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục.
Tuy nhiên, không khó để tìm ra những vấn đề do sự phát triển này gây ra. Một báo cáo được Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia công bố năm 2020 cho biết con số đáng kinh ngạc: 76% người Mỹ trưởng thành bị thừa cân, với 43% hội đủ các tiêu chuẩn về béo phì. Ở một mức độ nào đó, đó là bởi vì các nhà sản xuất thực phẩm có thuật toán phân loại riêng của họ – sự kết hợp giữa giá cả, sự tiện lợi, và các loại ngũ cốc nhiều tinh chế, đường và dầu hạt. Thực phẩm sẽ ngon, dễ gây nghiện, và là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật.
Sống trong một thế giới dư thừa lương thực vừa là một phước lành vừa là một lời nguyền. Nhìn chung, xã hội của chúng ta có lẽ là xã hội được nuôi dưỡng tốt nhất nhưng kém năng động nhất trên trái đất. Và theo một số cách, chúng ta đã phải trả giá.
Phương án giải quyết không phải là quay trở về thế giới trước khi tất cả những tiến bộ này được tạo ra, mà là nuôi dưỡng một bộ các giá trị giúp đẩy lùi những nguy cơ của sự dư thừa thực phẩm chế biến sẵn, đồng thời chừa lại không gian rộng lớn để tận hưởng những lợi ích của thực phẩm tự nhiên. Các hoạt động như tập thể dục, nhịn ăn, tự trồng lương thực, và có một tiêu chuẩn ăn uống cân bằng dường như phù hợp với đối sách này.
Luận cứ chống lại các thuật toán cũng theo một cách tương tự. Để hưởng lợi và phát triển trong một thế giới tự động hóa, thuận tiện và vâng, là các thuật toán, chúng ta cần đẩy lùi sự tự mãn mà những thuật toán này cổ súy.
Các thuật toán định hình chúng ta theo ba cách và chúng đặc biệt đáng ngại:
Các thuật toán định hình thế giới quan của chúng ta
Hầu hết các thuật toán hoạt động giống như một hộp đen. Chúng ta không kiểm soát được những gì chúng ta nhìn thấy hoặc khi nào chúng ta nhìn thấy. Trong những năm gần đây, sự lan truyền nhanh chóng của thông tin sai lệch và sự hiện diện của bong bóng bộ lọc – mà trong đó mọi người chủ yếu được xem nội dung phù hợp với quan điểm của mình – làm dấy lên lo ngại.
Các thuật toán làm tăng sự thụ động
Một tính năng gây hiếu kỳ của các thuật toán là xu hướng chia nhỏ nội dung thành các phần nhỏ hơn và đưa chúng lại cho chúng ta trong một luồng những liều dopamine ổn định (dopamine còn gọi là hormone hạnh phúc).
- Thay vì nghe những album nhạc, chúng ta tải từ trực tuyến các bài nhạc được cá nhân hóa.
- Thay vì đọc sách, chúng ta lướt qua các Tweet và hình ảnh.
- Thay vì xem phim điện ảnh, chúng ta xem các video clip dài 30 giây và các tập phim ngắn.
Các thuật toán hiển thị những thứ tốt nhất trong số những thứ tốt nhất và đem đến trải nghiệm lướt thuận tiện, vô tận, và khuyến khích sử dụng quá mức. Chúng làm tăng mức độ liên quan và sự thuận tiện bằng cách đánh đổi sự bất ngờ, khiến chúng ta bỏ lỡ những trải nghiệm, quan điểm, và những giao tiếp mới mà có thể thách thức chúng ta hoặc định hình thế giới quan của chúng ta theo những cách không ngờ tới.
Phụ thuộc vào thuật toán làm xói mòn các năng lực khác
Trong ngắn hạn, các thuật toán thường ra quyết định tốt hơn con người. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu điều này dẫn đến cái giá phải trả về lâu dài là làm xói mòn các năng lực cần thiết để con người phát triển và trưởng thành? Trong một ví dụ có lẽ ngây ngô, chúng ta có thể thấy việc sử dụng GPS đã làm xói mòn khả năng xem bản đồ giấy hoặc đi du lịch mà không cần sự trợ giúp công nghệ của chúng ta như thế nào. Còn có những năng lực quan trọng hơn nào mà chúng ta đang đánh mất và không biết đây?
Ngoài tất cả những điều này là một câu hỏi đơn giản về ý định nào thúc đẩy thiết kế của thuật toán? Trong rất nhiều trường hợp, các thuật toán dựa trên trí tuệ nhân tạo được thiết kế để thu hút sự chú ý của chúng ta và khiến chúng ta rời xa ý kiến của mình.
Những cách nhỏ để kháng cự lại thuật toán
Một tác dụng phụ đáng ngạc nhiên của việc kháng cự lại các thuật toán là bạn bắt đầu sống một cuộc sống thú vị hơn nhiều. Bạn không phải là kẻ sợ công nghệ luôn ghét sự tiến bộ hay kẻ cuồng công nghệ luôn ham mê với mọi bước phát triển mới; bạn là kẻ đi ngược lại, mở ra một con đường mới cho tương lai, và cố gắng nắm giữ những gì tốt nhất của cả hai thế giới.
Bạn đã sẵn sàng để khai thác tinh thần đối lập bên trong của bạn? Dưới đây là một số cách nhỏ mà bạn có thể bắt đầu ngay hôm nay:
Nhìn ra bên ngoài các thuật toán để học những điều mới
- Đọc toàn bộ sách và các bài báo dài trên tạp chí
- Chống lại sự thôi thúc tra Google mọi thứ
- Khám phá hiệu sách hoặc thư viện để tìm cảm hứng
- Trò chuyện với những người không giống bạn
- Hãy thử học một chuyên môn mới mà không cần đọc về nó
Giải trí khi nhìn ra bên ngoài những thuật toán
- Tham dự các sự kiện trực tiếp (buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao, lễ hội, nhà hát)
- Đi đến rạp chiếu phim mà không nhìn trước xem rạp đang chiếu gì
- Nghe toàn bộ album nhạc trong một lần ngồi [thoải mái]
- Ghi danh trực tiếp với nhà sản xuất nội dung yêu thích của bạn
- Xem nhiều phim dài hơn và ít xem video clip trên mạng xã hội hơn
Nhìn ra ngoài các thuật toán để tìm các mối quan hệ và chuyến phiêu lưu
Tân Dân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times