Gửi thế hệ tương lai: Những thời điểm tăm tối nhất, những thời điểm huy hoàng nhất
Tôi sinh năm 1929 ở một thành phố công nghiệp sản xuất tên là Holyoke ở tiểu bang Massachusetts. Vào năm đó, thị trường chứng khoán sụp đổ mở màn cho thời kỳ Đại suy thoái.
Thời đại tăm tối nhất
Tất nhiên, vào đầu những năm 30, thất nghiệp ồ ạt diễn ra và cuộc Khủng hoảng thực sự ập đến. Cha tôi có một cửa hàng thịt và cửa hàng tạp hóa, là nơi khách hàng thường mua hàng và trả tiền một lần một tuần vào ngày lĩnh lương của họ. Cuộc suy thoái đã khiến nhiều công nhân nghỉ việc, có nghĩa là họ cũng không thể trả tiền vào đúng kỳ hạn, điều đó khiến cửa hàng bị phá sản. Kinh doanh thua lỗ đồng nghĩa với việc không có thu nhập hoặc không có cách nào để chu cấp cho một gia đình có năm người con. Không có trợ cấp thất nghiệp nào cả. Ngay sau đó, gia đình tôi bị đuổi khỏi căn hộ vì không thể trả tiền thuê nhà.
Qua giới thiệu, chúng tôi tìm được một căn hộ tầng 4 đầy gián trong tình trạng bị bỏ bê ở một trong những khu vực nghèo nhất của thành phố. Tôi không thể tưởng tượng những khó khăn mà cha mẹ tôi đã phải đối diện thời điểm đó. Khó khăn vẫn tiếp diễn trong nhiều năm với các công việc bán thời gian — được tạo ra bởi Cơ quan Quản lý Tiến độ Công việc (Works Progress Administration) do Tổng thống Roosevelt khởi xướng. Các khó khăn tiếp tục kéo dài trong suốt những năm 30 và đầu những năm 40.
Vào ngày 07/12/1941, ở tuổi 12, trong lúc tôi đang đi dạo, một người bên tòa soạn đã tìm gặp và yêu cầu tôi nhanh chóng đi lấy báo ngay lập tức. Là một người đã bán báo vào buổi tối ở một góc phố trong nhiều năm, tôi tự hỏi tại sao [họ nhắn tôi] vào một buổi chiều chủ nhật. Tất nhiên, đây là “Ấn bản đặc biệt” với các tiêu đề lớn rằng người Nhật đã ném bom Trân Châu Cảng. Tôi hét vang “Số báo đặc biệt, đặc biệt đây” trên con đường chính và thậm chí tờ báo này có giá 5 xu thay vì 2 xu như thường lệ, tôi vẫn bán hết sạch. Tôi trở về nhà định nói cho mẹ biết rằng mình đã kiếm được bao nhiêu tiền, nhưng lại thấy mẹ đang khóc khi bà nghe đài với cha tôi. Mẹ biết rằng hai anh trai lớn của tôi vừa tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ phải nhập ngũ.
Những năm đó thực sự gian nan vì đất nước phải chuẩn bị cho chiến tranh, với cả Nhật Bản và Đức. Nhưng, tinh thần yêu nước đã dâng cao hơn bất cứ lúc nào mà tôi biết, với việc những phụ nữ đăng ký tham gia vào lực lượng lao động, toàn dân mua trái phiếu chiến tranh, những đứa trẻ (bao gồm cả tôi) đi thu gom sắt vụn và các rạp chiếu phim bật quốc ca trước khi chiếu phim khi tất cả khán giả đều đang đứng.
Không có hành vi quỳ gối hay không tôn trọng lá quốc kỳ.
Những thời điểm huy hoàng nhất
Những tháng năm tuổi thơ và thuở thiếu niên của tôi là khoảng thời gian tuyệt vời đối với thế hệ chúng tôi. Chúng tôi không có mối bận tâm nào như của cha mẹ. Chúng tôi không có gì và theo như thời nay, chúng tôi có thể được coi là người nghèo; tuy nhiên, nhiều người bạn thời thơ ấu của tôi đều “cùng hội cùng thuyền” như vậy. Chúng tôi đã có một cuộc sống gia đình gắn bó chặt chẽ, không như thời buổi này, chúng ta không thường thấy những hình ảnh như thế. Có những trò chơi ngẫu hứng vào các ngày thứ bảy, theo sau là các lịch học nghiêm túc nhưng hiệu quả. Nếu bạn cư xử không đúng mực ở trường, bạn rất sợ cha bạn phát hiện ra — cha sẽ luôn nói rằng bạn xứng đáng nhận với những gì bản thân đã gây ra — và ai ai cũng đều tôn trọng người lớn mọi lúc mọi nơi.
Những năm tháng tuyệt đẹp là khi các anh trai tôi đã trở về sau ba năm ở Thái Bình Dương và Âu Châu, là ở những năm 40 sau chiến tranh. Cuộc sống êm đềm như vậy cho đến khi bắt đầu những năm 50 với cuộc xung đột Triều Tiên – và lần này thì đến lượt tôi được nhập ngũ và phục vụ đất nước.
Ngoài giai đoạn năm 1950 đến năm 1953, những năm 50 là những năm rất tốt đẹp, khi tôi gặp người vợ hiện tại của mình, hiện đã 64 tuổi và có 5 đứa con tuyệt vời.
Những thời điểm không quá tuyệt vời
Rất khó để chúng ta đưa ra lời khuyên cho thế hệ hiện tại. Không phải chỉ do lỗi của họ, ngay từ khi còn nhỏ họ đã được hưởng thụ các quyền lợi, những vùng an toàn, ma túy, được giảng dạy về thuyết sắc tộc trọng yếu, ngôn ngữ thô tục, chủ nghĩa chuyển giới, nội dung khiêu dâm, tự do ngôn luận, thiếu tôn trọng với đất nước vĩ đại và uy quyền của chúng ta. Tôi cầu nguyện rằng một sự thay đổi mới sẽ xảy ra — và tôi ngày càng tự tin hơn rằng những điều đó sẽ xuất hiện thông qua các cuộc bầu cử — để giúp con tàu này đi đúng hướng, vốn là điều đang rất cần được xảy ra.
Là một người ông và là một cụ cố, tôi cầu xin Chúa phù hộ cho thế hệ hiện tại và đất nước vĩ đại của chúng ta.
Gerald Page, New Hampshire
__
Những năm 1930, 40, và 50
Tôi đặc biệt quan tâm đến bài báo của Richard Bryant. Ông ấy 86 tuổi và tôi 85 tuổi, vì vậy cuộc sống của chúng tôi có nhiều điểm tương đồng. Tôi lớn lên trong một ngôi làng nông thôn nhỏ ở ngoại ô New York. Đó là một cuộc sống tuyệt vời đối với một đứa trẻ. Mỗi người nông dân đều có những chú chó, vì vậy lượng chó con là rất nhiều. Người nông dân ở nhà bên cạnh đã cho tôi một chú chó con khi tôi mới 3 tuổi. Cha mẹ tôi đồng ý, nhưng nói rằng tôi phải có trách nhiệm với nó. Thật là một trải nghiệm tuyệt vời. Thời nay, những chú chó con được bán với giá hơn 2,000 đô la, thật khiến tôi sửng sốt.
Đại khái là tôi đồng ý với nội dung trong bài viết nhưng cũng muốn thêm một vài điểm. Tôi không nhớ lắm về những năm 30, nhưng những năm 40 và 50 là khoảng thời gian tuyệt vời cho một đứa trẻ. Tôi đã chơi bóng chày rất nhiều từ tấm bé; mỗi thị trấn nhỏ đều có một đội bóng chày. Đó là môn chơi của cả quốc gia. Chúng tôi đã học được tinh thần đồng đội và cách thắng, thua một cách thiện chí. Tôi còn làm các việc nhà. Các gia đình được khuyến khích tự trồng rau để trợ giúp cho cuộc chiến. Khu trồng rau được gọi là “khu vườn chiến thắng” và tôi phụ trách khu vườn của gia đình mình. Tôi trồng cà rốt, khoai tây, bắp và cà chua và thường ra ngoài vườn với một lọ rắc muối, rồi ăn cà chua ngay dưới giàn nho. Thật ngon miệng xiết bao! Ngoài ra, những cậu bé bán báo còn bán cả tem trái phiếu chiến tranh. Khi tổng số tem của bạn đạt 18.75 đô la, bạn có thể đổi chúng thành 25 đô la sau một khoảng thời gian.
Sau khi làm xong việc nhà, tôi sẽ đi chơi bóng chày với bạn bè và phải về nhà trước lúc 6 giờ tối bởi vì lúc đó cha tôi đi làm về. Theo quy tắc của gia đình, tất cả chúng tôi phải dùng bữa cùng nhau tại bàn. Chúng tôi không có TV. Mẹ tôi làm nội trợ, và điều đó thật hay. Bà là người mẹ tuyệt vời nhất từ xưa đến nay. Mẹ với tôi thường cùng nhau đi hái việt quất trên cánh đồng và chúng tôi cũng chơi rất nhiều trò chơi cùng nhau.
Bryant hẳn là một người giàu theo tiêu chuẩn của tôi. Anh ấy đề cập tới việc mua đồ ăn trưa ở trường. Trong 12 năm học trường công, tôi không bao giờ đủ tiền mua bữa trưa ở trường. Bữa trưa của tôi chủ yếu là một chiếc bánh sandwich với sốt cà chua mà tôi mang từ nhà. Đối với những người không biết bánh mì kẹp sốt cà chua là gì, tên gọi ra sao thì là như thế: là hai miếng bánh mì với nước sốt cà chua ở giữa. Tôi cũng uống một cốc nước. Đôi khi, những đứa trẻ khác đổi bữa ăn trưa với nhau, nhưng không ai đổi với tôi. Nhà tôi có một đặc điểm thú vị, nước ép cà chua là một cốc nước với một muỗng đầy tương cà trong đó.
Tôi phải tự kiếm tiền tiêu vặt; vì cha mẹ không có tiền để cho tôi. Tôi đã làm việc ở trang trại của những người hàng xóm với mức lương 50 xu một giờ. Công việc của tôi là dọn chuồng, đóng những kiện cỏ khô, sửa hàng rào, quây bò, vắt sữa bò và chặt gỗ và tôi cũng đi trông trẻ rất nhiều. Công việc bó cỏ khô là tuyệt vời nhất vì những ưu điểm như giúp tôi có đôi cánh tay mạnh mẽ, vì vậy tôi đã giành được chức vô địch ở trường khi ghi điểm trực tiếp trên sân nhà.
Chúng tôi không đủ tiền mua TV hoặc điện thoại cho đến những năm 50. Điện thoại đầu tiên của chúng tôi có chung một đường dây với tám gia đình khác. Chúng tôi sẽ biết cuộc gọi dành cho ai theo số lần đổ chuông. Ví dụ, của chúng tôi là hai vòng ngắn, người hàng xóm bên cạnh là một vòng dài và một vòng ngắn, và cứ tiếp tục như vậy. Vào những tối thứ sáu, chúng tôi sang nhà bên cạnh để xem các trận đấu trên TV do Gillette tài trợ.
Tôi học đại học từ năm 1954 đến năm 1958. Tôi tốt nghiệp mà không bị nợ môn. Học phí của tôi chỉ dao động khoảng 500 đô la mỗi năm và tôi còn được nhận học bổng nữa. Tôi cũng chơi bóng chày ở trường trong bốn năm — không có học bổng thể thao, nhưng phòng thể thao đã cho tôi một công việc vừa học vừa làm, đó là chăm sóc các sân thể thao, sắp xếp đồ cho trận đấu, dọn rác sau trận đấu, vân vân. Tôi học đại học ở tiểu bang New Jersey, tuổi được phép uống rượu là 21, vì vậy tôi chưa bao giờ uống rượu ở trường đại học. Tôi tốt nghiệp khi mới 20. Những ngày đó ở trường trung học hay đại học không có ma túy và tôi chưa bao giờ hút thuốc. Đó là quyết định tốt nhất mà tôi từng đưa ra. Đừng bắt đầu hút thuốc — đó sẽ là điều tệ nhất mà bạn có thể làm đối với cơ thể của mình.
Tôi chưa bao giờ có một chiếc xe hơi khi ở trường trung học hoặc đại học; Tôi không đủ tiền mua một chiếc. Khi tôi tốt nghiệp đại học năm 1958, tôi đã dùng số tiền tốt nghiệp của mình, 500 đô la, để mua một chiếc xe hơi cũ. Sau đó tôi có một công việc toàn thời gian. Tôi nhập ngũ năm 1960; lệnh quân dịch đã tồn tại hồi đó. Khi tôi rời khỏi quân ngũ năm 1962, tôi trở lại với công việc cũ của mình. Năm 1964, tôi mua chiếc xe mới đầu tiên cho mình, một chiếc sedan Plymouth đời 1964.
Không còn nghi ngờ gì nữa, trong tâm trí tôi, đó là khoảng thời gian đẹp nhất cho một đứa trẻ. Chúng tôi không gặp phải những vấn đề mà trẻ em thời nay phải đối mặt từ chuyện gia đình đổ vỡ, cho đến ma túy, băng đảng và tội phạm. Tôi đã có một tuổi thơ hạnh phúc. Chúng tôi quả là may mắn!
Dr. Douglas Lonnstrom, New York
___________
Bạn muốn đưa ra lời khuyên nào cho các thế hệ trẻ?
Chúng tôi kêu gọi tất cả độc giả chia sẻ những giá trị vượt thời gian, những chia sẻ xác định các quan điểm đúng sai và thông qua sự khôn ngoan và kinh nghiệm dày dặn của mình giúp mọi người để vượt qua khó khăn. Chúng tôi cảm thấy rằng sự truyền lại của trí tuệ này đang giảm dần theo thời gian, chỉ với một nền tảng đạo đức vững chắc thì thế hệ tương lai mới có thể phát triển mạnh mẽ được.
Linh Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch times.