Chườm lạnh không phải luôn tối ưu: Các phương pháp thay thế giúp nhanh phục hồi sau chấn thương
Liệu chườm đá có luôn là lựa chọn tốt nhất để điều trị vết thương cấp tính gây sưng và đau? Trên thực tế chườm lạnh sẽ làm chậm quá trình phục hồi của cơ thể.
Đá lạnh thường là thứ đầu tiên được mọi người dùng để chườm khi bị bong gân hay bầm tím, nhưng phương pháp này gần đây đã bị nghi ngờ. Hãy cùng xem xét các bước sơ cứu chấn thương giai đoạn cấp tính, đồng thời so sánh quan điểm giữa Trung y và Tây y để tìm ra phương thức tốt nhất cho điều trị bong gân và bầm tím, nhằm phục hồi tối ưu các tổn thương.
Năm 1978, Bác sĩ Gabe Mirkin, một bác sĩ y học thể thao, đã giới thiệu nguyên tắc sơ cứu chấn thương giai đoạn cấp tính được gọi là “RICE” – viết tắt của Rest (nghỉ ngơi), Ice (chườm đá lạnh), Compression (băng ép) và Elevation (kê cao chân). Tuy nhiên, khi đánh giá về các kết quả nghiên cứu y học thể thao đang được thực hiện, ông nhận thấy rằng mặc dù chườm đá lạnh có thể làm giảm đau và viêm nhưng việc làm này cũng kéo dài thời gian hồi phục. Do đó, ông quyết định xem xét lại nguyên tắc sơ cứu chấn thương cấp tính mà ông đã đề xuất từ nhiều năm trước.
Trên trang web của mình, Bác sĩ Mirkin đã trích dẫn nghiên cứu để giải thích rằng việc chườm đá lạnh thực sự không có lợi cho việc tăng tốc độ phục hồi của các cơ bị thương. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy rằng sự kết hợp giữa chườm đá lạnh và băng ép sẽ hiệu quả hơn so với chỉ băng ép. Tuy nhiên, chườm đá lạnh cùng với xoa bóp có thể có một chút tác dụng trong việc phục hồi bong gân mắt cá chân.
Ông khuyên nên dùng biện pháp chườm đá lạnh cách quãng để giảm đau ở vùng bị thương. Ví dụ, bệnh nhân có thể chườm đá lạnh lên vùng bị sưng trong 10 phút, dừng chườm trong 20 phút và sau đó lặp lại việc đó một hoặc hai lần. Không nên áp dụng phương pháp điều trị bằng chườm đá lạnh sáu giờ liên tục sau khi bị thương.
Nguyên tắc điều trị mới cho các chấn thương phần mềm cấp tính và bán cấp tính
Tháng 4 năm 2019, Tập san Y học thể thao của Anh đã công bố phương pháp điều trị mới cho các chấn thương mô mềm liên quan đến tập luyện thể thao, trong đó biện pháp chườm đá lạnh đã bị loại bỏ. Các từ viết tắt mới áp dụng trong điều trị chấn thương là PEACE và LOVE.
Áp dụng nguyên tắc PEACE trong điều trị chấn thương giai đoạn cấp tính
PEACE là từ viết tắt của các nguyên tắc điều trị chấn thương cấp tính. Thông thường, giai đoạn cấp tính kéo dài khoảng từ một đến ba ngày sau khi bị thương, tuy nhiên, khoảng thời gian này có thể dài ngắn khác nhau tùy thuộc vào phạm vi và mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
P – Bảo vệ
Điều quan trọng là nên hạn chế cử động trong một đến ba ngày để tránh và giảm thiểu chảy máu mô, ngăn ngừa giãn nở của các bó sợi bị tổn thương và giảm được nguy cơ trầm trọng thêm. Tuy nhiên, cần lưu ý đến thời gian nghỉ ngơi hợp lý vì nếu kéo dài thời gian nghỉ ngơi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức mạnh và chất lượng của mô. Khi cơn đau giảm bớt thì có thể thực hiện các bài tập thể dục phù hợp.
E – Kê cao
Kê vùng bị thương cao hơn tim có thể tạo điều kiện cho máu lưu thông và giảm sưng tấy.
Nghiên cứu gần đây cho thấy phản ứng viêm sau chấn thương có thể hỗ trợ sửa chữa mô. Mặc dù thuốc chống viêm giúp kiểm soát tình trạng viêm nhưng loại thuốc này cũng có thể làm chậm quá trình lành bệnh, dẫn đến thời gian hồi phục lâu hơn. Phương thức kê cao chân này chỉ áp dụng cho trường hợp bị viêm ở mức độ nhẹ và trung bình. Trong trường hợp viêm nặng hoặc viêm kèm nhiễm trùng thì có thể cân nhắc sử dụng thuốc chống viêm trong thời gian ngắn (dưới bảy ngày) để ngăn phản ứng viêm lan rộng.
C – Băng ép
Tạo áp lực lên vết thương bằng băng đàn hồi có thể giúp giảm sưng khớp và xuất huyết trong mô.
E – Giáo dục
Khuyến khích bệnh nhân chủ động tìm các phương thức tích cực để kiểm soát cơn đau của bản thân và hướng dẫn bệnh nhân các kỹ thuật chăm sóc vết thương thích hợp để vết thương nhanh lành hơn.
Áp dụng nguyên tắc LOVE trong điều trị chấn thương giai đoạn bán cấp
Việc không thấy đau không đồng nghĩa với vết thương đã lành hoàn toàn. Điều quan trọng là cần tiếp tục tích cực điều trị tổn thương để có thể khôi phục về trạng thái trước đó. Tuân thủ các nguyên tắc chăm sóc bán cấp tính có thể giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Nếu thấy không còn triệu chứng sưng, đỏ hoặc cảm giác nóng rát sau giai đoạn cấp tính thì bệnh nhân có thể chuyển sang giai đoạn điều trị chấn thương bán cấp.
L – Chịu lực
Nhiều người cho rằng nghỉ ngơi là điều tốt nhất nên làm sau chấn thương. Tuy nhiên, khi cơn đau và sưng ban đầu đã giảm bớt thì bệnh nhân cần phải tập dần dần chịu lực cơ học lên vùng bị thương để kích thích quá trình sửa chữa mô và tái tạo khả năng của cơ, gân và dây chằng.
O – Lạc quan
Duy trì tâm lý ổn định, tích cực để giải quyết và kiểm soát cơn đau sẽ có lợi cho quá trình chữa lành vết thương. Đôi khi đây chính là biện pháp then chốt.
V – Lưu thông máu
Thực hiện một số bài tập aerobic thích hợp có thể giúp thúc đẩy lưu thông máu, có lợi cho việc phục hồi sau chấn thương.
E – Vận động
Vận động sớm sau chấn thương mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân vì việc áp dụng bài tập phục hồi chức năng thích hợp có thể giúp chữa lành mô và rút ngắn thời gian hồi phục.
Trước đây, các nguyên tắc điều trị chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát giai đoạn cấp tính của tổn thương, mà bỏ qua việc xem xét tác động của giai đoạn này đối với các giai đoạn bán cấp tính và kinh niên tiếp theo.
Mặc dù liệu pháp chườm đá lạnh giúp giảm sưng, viêm và đau. Nhưng nghiên cứu y học hiện nay đã cho thấy tình trạng viêm ở mức độ nhẹ có thể hỗ trợ cơ chế tự sửa chữa của cơ thể. Ngoài ra, lĩnh vực y học thể thao đã nhấn mạnh đến việc trợ giúp tâm lý cho các vận động viên bị thương trong giai đoạn hồi phục bán cấp.
Triệu chứng viêm là một phản xạ tự nhiên trong quá trình tự chữa bệnh của cơ thể
Khi các mô bị chấn thương hoặc tổn thương do tập luyện ở cường độ cao, cơ thể sẽ bắt đầu có phản ứng viêm, kích hoạt hệ thống miễn dịch để tự điều trị. Quá trình này tương tự như cơ chế sinh lý của cơ thể để tiêu diệt vi khuẩn.
Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ vận chuyển các tế bào và protein đến khu vực bị nhiễm bệnh để tiêu diệt. Tương tự như thế, khi cơ và mô bị tổn thương, hệ thống miễn dịch sẽ gửi các tế bào viêm đến vùng bị thương để thúc đẩy quá trình chữa lành. Điều này có nghĩa là phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với nhiễm trùng và tổn thương mô là như nhau.
Các tế bào viêm di chuyển đến mô bị thương để bắt đầu quá trình chữa lành. Các tế bào viêm này được gọi là đại thực bào, giải phóng các hormone như yếu tố tăng trưởng giống insulin – 1 (IGF-1) vào mô bị tổn thương để giúp sửa chữa cơ hoặc các mô bị thương khác.
Chườm đá lạnh ngăn các tế bào chữa lành di chuyển vào mô bị thương
Một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên tập san Phẫu thuật khớp gối – Chấn thương thể thao – Nội soi khớp (Knee Surgery, Sports Traumatology, Arthroscopy journal), phát hiện thấy việc chườm lạnh vết thương có thể gây co mạch và ngăn các tế bào chữa lành di chuyển đến vùng bị thương. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các mạch máu phải mất nhiều giờ để nở lại sau khi chườm đá, điều này có thể dẫn đến chết mô do không được cung cấp đủ máu và thậm chí bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn.
Chuyển sang chườm ấm trong giai đoạn cấp tính của chấn thương
Việc chườm túi nước đá trong chấn thương thể thao được áp dụng rộng rãi trong một thời gian dài. Giới y tế và thể thao có nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên loại bỏ biện pháp chườm đá lạnh trong quá trình điều trị hay không.
Mặc dù việc chườm đá lạnh có thể giảm sưng, đỏ và đau do chấn thương thể thao gây ra trong giai đoạn cấp tính, nhưng vẫn còn những tranh cãi về việc liệu phương pháp này có thể làm chậm quá trình làm lành vết thương hay không. Do đó, nên áp dụng phương pháp trung dung giữa chườm đá lạnh và chườm nóng, đó là dùng miếng gạc ấm.
Phương pháp chườm ấm khá đơn giản:
- Ngâm một chiếc khăn trong nước ở nhiệt độ phòng.
- Đắp khăn ướt lên vùng bị thương.
- Để yên chiếc khăn trên vết thương trong 10 phút, sau đó bỏ ra ngoài 5 phút.
- Lặp lại quy trình hai lần.
Chữa lành bong gân mắt cá chân cấp tính trong một tuần bằng phương pháp Trung Y
Một nam sinh trung học bị trẹo mắt cá chân sau khi tập thể dục đã chườm đá lạnh vào vết thương từ hai đến ba giờ mỗi ngày trong hai đến ba ngày liên tiếp. Sau một tháng, các cơ và dây chằng ở khớp mắt cá chân của cậu ấy trở nên cứng, bắp chân và bàn chân tạo thành hình chữ “L” cứng ngắc làm cho việc đi lại trở nên khó khăn. Sau đó, cậu đã đến gặp một bác sĩ Trung Y. Sau một tuần uống thuốc Trung Y giúp lưu thông khí huyết và ngâm chân nước gừng thì khớp cổ chân của cậu đã linh hoạt trở lại.
Nguyên tắc điều trị bong gân mắt cá chân ở giai đoạn cấp tính và kinh niên
Nguyên tắc điều trị bong gân mắt cá chân trong giai đoạn cấp tính
1.Liệu pháp khí động của Trung y liên quan đến việc ấn và xoa huyệt Ngoại quan (SJ 5) trên cẳng tay đối diện kết hợp với cử động chân bị tổn thương. Ví dụ, nếu bàn chân trái bị bong gân thì sẽ ấn và xoa huyệt Ngoại quan trên cẳng tay phải đồng thời cử động các khớp của bàn chân trái.
- Dùng phương pháp chườm ấm thay vì chườm lạnh
- Nếu vết sưng và đau ở mắt cá chân không quá nghiêm trọng và không ảnh hưởng đến việc đi lại thì nên cố gắng duy trì tư thế bình thường khi đi bộ vì việc vận động này có thể giúp hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, với vết sưng và đau nghiêm trọng đến mức không thể đi lại được thì nên dùng thuốc Trung y để thúc đẩy lưu thông máu, loại bỏ máu cục, thúc đẩy lợi tiểu và giảm sưng tấy. Ngoài ra, nên vận động nhẹ nhàng vùng bị thương để tăng tốc độ chữa lành.
Nguyên tắc điều trị bong gân mắt cá chân giai đoạn kinh niên:
Châu Anh biên dịch.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times