Chu kỳ lão hóa: 7 năm đối với nữ giới, 8 năm đối với nam giới
Trung Y cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách chúng ta già đi và điều gì ảnh hưởng đến quá trình lão hóa của chúng ta. Theo Trung y, chu kỳ lão hóa ở nữ giới là 7 năm, trong khi nam giới là 8 năm.
Tất cả chúng ta đều trải qua các giai đoạn của cuộc đời, mỗi giai đoạn đều có những nét đặc trưng riêng. Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta trải qua các thời kỳ tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ cho đến khi trưởng thành, và sau đó là trạng thái suy giảm dần dần khi chúng ta ngày càng già đi.
Các giai đoạn này đã được xác định rõ ràng từ hàng ngàn năm trước và được ghi chép trong một tài liệu Trung y có tên là “Hoàng Đế nội kinh.” Tác phẩm này được viết vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên và là một trong những tác phẩm lâu đời và có giá trị nhất của Trung y.
Trong khi các nền văn minh thường chỉ tồn tại trong một vài thế kỷ, thì nền văn minh Trung Hoa là nền văn minh duy nhất trên thế giới kéo dài đến 5,000 năm. Do có lịch sử lâu đời, nên Đông y đã có hàng thiên niên kỷ để quan sát con người và thu thập bằng chứng về những gì xảy ra với cả nam giới và nữ giới khi họ già đi. Có sự khác biệt giữa chu kỳ lão hóa ở nam giới và nữ giới. Phụ nữ trải qua chu kỳ 7 năm, và nam giới là 8 năm. Cơ chế để duy trì sức khỏe qua mỗi giai đoạn phần lớn là do một thứ được mô tả trong Trung y gọi là “jing” – kinh khí.
Kinh khí trong Trung Y
Giống như nhiều điều trong Đông y, kinh khí không có [khái niệm] tương đương trực tiếp trong Tây y. Sự thiếu đối chứng này khiến việc giải thích kinh khí là gì trở nên khó khăn, đặc biệt khi kinh khí là một khái niệm quan trọng cho chúng ta hiểu quan điểm của Đông phương về cơ chế lão hóa của con người.
Nói một cách đơn giản nhất, kinh khí là bản chất của một người. Nếu phải làm một phép so sánh, tôi sẽ nói rằng kinh khí tương tự như sức mạnh của gen mà chúng ta kế thừa từ cha mẹ mình. Theo quan điểm của Đông phương, cha mẹ ban cho chúng ta kinh khí ngay từ lúc thụ thai. Nếu cha mẹ của bạn còn trẻ, còn sống, và khỏe mạnh, kinh khí của bạn sẽ mạnh mẽ và giúp bạn lớn lên và phát triển với sức mạnh tương ứng [với những gì] mà cha mẹ đã cho bạn.
Tuy nhiên, nếu cha mẹ của bạn đã lớn tuổi, có bệnh lý kinh niên hoặc các vấn đề sức khỏe, cũng như kiệt sức do thời gian dài làm công việc nặng nhọc hoặc thiếu ngủ, kinh khí mà bạn được truyền lại sẽ phản ánh sự thiếu hụt này. Những ý tưởng này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng tôi đã trải nghiệm điều này nhiều lần trong cuộc sống và công việc của mình. Nói một cách đơn giản, sức khỏe của bạn (ít nhất ở mức cơ bản) là biểu hiện trực tiếp về sức khỏe của cả bố mẹ bạn tại thời điểm bạn mới được hình thành.
Ví dụ, nếu bạn khỏe mạnh và cường tráng, cơ thể bạn có thể chịu đựng nhiều hơn một chút và dễ hồi phục từ những việc như mất ngủ, tiệc tùng, và uống rượu. Nhưng nếu bạn sinh ra với kinh khí thấp hơn mức tối ưu, bạn sẽ phải cố gắng nhiều hơn để duy trì sức khỏe tốt, và cơ thể bạn sẽ không được như ý muốn.
Nhận thức [về chính cơ thể mình] là chìa khóa [để có một sức khỏe tốt]. Bạn có phải là người dễ bị cảm lạnh và cúm bất kể bạn đã cố gắng rất nhiều để phòng tránh hay không? Nếu là như thế, hãy bảo đảm rằng bạn ngủ nhiều hơn, ăn uống đầy đủ, và chăm sóc bản thân. Điều này sẽ giúp củng cố kinh khí của bạn. Có phải bạn là người có thể không bị ảnh hưởng trong khi mọi người xung quanh bạn đang bị nhiễm virus? Nếu vậy, hãy tự hào vì bạn là người có sức khỏe tốt, nhưng dù gì đi nữa, hãy cố gắng chăm sóc bản thân của bạn.
Lượng kinh khí chúng ta nhận được khi thụ thai là hữu hạn. Tuy nhiên, vẫn có những cách để chúng ta có thể bảo vệ và bảo toàn kinh khí của bản thân trong suốt cuộc đời. Đông y tin vào sự điều độ trong mọi mặt của cuộc sống. Tránh xa mọi điều cực đoan không chỉ là một triết lý sống tốt; mà đó là điều cần thiết để bảo toàn kinh khí. Một số ví dụ về các hoạt động và hành vi làm cạn kiệt kinh khí bao gồm: làm việc quá sức, không ngủ đủ giấc, lạm dụng ma tuý và rượu, quan hệ tình dục quá nhiều, và sinh nhiều con gần nhau. Kinh khí giống như sinh lực của một người và bạn chỉ có từng đó. Một số hoạt động nhất định cũng có thể làm giảm lượng kinh khí, như tiệc tùng và sống phóng đãng. Bạn có thể thấy điều này ảnh hưởng đến những người có lối sống như vậy (ví dụ như các ngôi sao nhạc rock) thường trông già hơn tuổi. Họ đã làm tiêu hao kinh khí của mình. Vậy nên kinh khí bị suy giảm thực sự làm chúng ta già đi.
Mặt khác, một người sống lành mạnh, cân bằng thường trông trẻ trung và nhiều sức sống hơn so với tuổi của họ. Có nhiều cách để hỗ trợ và chăm sóc kinh khí của chúng ta. Chăm sóc cơ thể, rèn luyện khả năng thấu hiểu chính mình, và quan tâm đến cảm xúc của bản thân là những cách bảo vệ và giữ gìn kinh khí để chúng ta có thể duy trì kinh khí [khỏe mạnh] lâu dài.
Có một vài điều khác tôi muốn đề cập đến về kinh khí. Nếu bạn cảm thấy có lẽ bạn không được ban phước cho nhiều kinh khí như bạn mong muốn, điều đó không có nghĩa là bạn không thể sống một cuộc đời dài lâu và khoẻ mạnh, không ốm đau và bệnh tật. Chúng ta đơn giản chỉ cần một chút nhận thức về bản thân và cố gắng để giữ gìn sức khoẻ và cân bằng [cuộc sống]. Khái niệm này không đồng nghĩa với việc khuyến khích hoặc cho phép ai đó từ bỏ trách nhiệm để sống lành mạnh. Đây chỉ đơn giản là một cách nhìn vào điểm mạnh và điểm yếu tương đối giúp chúng ta có thể điều chỉnh quan điểm và hành vi để sống một cuộc sống tốt nhất có thể. Kiến thức chính là sức mạnh.
Chu kỳ của nữ giới và nam giới
(Phần mô tả cho từng giai đoạn đã được giản lược theo nguyên tác trong Hoàng Đế nội kinh).
1. Chu kỳ của phụ nữ (7 năm)
Độ tuổi | Biến đổi sinh lý |
7 tuổi | Hệ sinh sản của phụ nữ bắt đầu phát triển. |
14 tuổi | Phụ nữ xuất hiện kinh nguyệt, và có thể sinh con.
Trong Trung Y, thời kỳ kinh nguyệt (chu kỳ đầu tiên) là một yếu tố để hiểu về sức khoẻ tổng thể, đặc biệt là hệ sinh sản. |
21 tuổi | Năng lượng của phụ nữ, đặc biệt là khả năng sinh sản phát triển hoàn toàn ở tuổi 21. |
28 tuổi | Khả năng sinh sản của phụ nữ đạt đến đỉnh điểm.
28 tuổi được coi là độ tuổi tốt nhất để sinh con theo quan điểm của Đông phương. |
35 tuổi | Cơ thể và khả năng sinh sản nói chung bắt đầu suy giảm. Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn có thể sinh con. |
42 tuổi | Năng lượng thể chất và khả năng sinh sản suy giảm. Việc thụ thai trở nên khó khăn hơn. |
49 tuổi | Nhiều người phụ nữ bắt đầu mãn kinh và có khả năng không sinh con được nữa.
Bước qua giai đoạn sinh sản là một sự thay đổi đáng kể trong cuộc đời người phụ nữ, không chỉ về mặt thể chất mà còn cả về tâm lý, và tinh thần. |
2. Chu kỳ của đàn ông (8 năm)
Độ tuổi | Biến đổi sinh lý |
8 tuổi | Hệ sinh sản của nam giới bắt đầu phát triển. Tóc và răng chắc khỏe. |
16 tuổi | Hệ sinh sản đã phát triển hoàn toàn, và nam giới có khả năng sinh sản. Các hệ cơ quan vẫn tiếp tục phát triển, cơ thể, khối cơ và răng phát triển mạnh. |
24 tuổi | Thận khí phát triển, tứ chi cường tráng. |
32 tuổi | Cơ thể đang đến đỉnh cao về thể chất, và tất cả các hệ cơ quan đều khỏe mạnh và đầy sức sống. |
40 tuổi | Cơ thể bắt đầu quá trình suy thoái dần dần. Dương khí (hay lửa) giảm dần, tóc chuyển màu bạc và răng yếu đi. |
48 tuổi | Sự suy giảm về sức khỏe vẫn tiếp tục xảy ra. Các nếp nhăn xuất hiện, tóc bạc dần, cơ thể ít năng lượng hơn. |
56 tuổi | Do suy giảm khí ở thận và gan, cơ thể bắt đầu mất tính linh hoạt, cử động trở nên khó khăn, có thể bắt đầu xuất hiện tình trạng co cứng và đau. |
64 tuổi | Năng lượng sống bị suy yếu, xương trở nên giòn hơn, giảm linh hoạt, và răng bắt đầu xấu đi. |
Tất nhiên, một số điều đã thay đổi kể từ thế kỷ thứ ba. Một trong những điều đáng chú ý nhất là chúng ta sống lâu hơn. Tuổi thọ kéo dài của chúng ta là do nhiều yếu tố, bao gồm việc tiếp cận với thực phẩm và nước sạch, cũng như sự cải thiện mạnh mẽ về chất lượng cuộc sống tổng thể của chúng ta.
Tự nhận thức về nguồn năng lượng của bản thân
Những chu kỳ này giúp chúng ta nâng cao nhận thức về cách nam giới và nữ giới trải qua các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời.
Đối với phụ nữ, kiến thức về các giai đoạn này có thể giúp họ hiểu các sự kiện quan trọng, chẳng hạn như quyết định khi nào có thể sinh con và cách để vượt qua thời kỳ mãn kinh mà không cần lo lắng hoặc đối mặt các vấn đề thể chất khác. Các khía cạnh tình cảm và tinh thần cũng cần được quan tâm, giống như cơ thể chúng ta vậy.
Đối với nam giới cũng vậy, các giai đoạn này đóng vai trò như một loại hướng dẫn, giúp chúng ta biết về những gì sẽ xảy ra và cách để vượt qua các chu kỳ một cách suôn sẻ. Đôi khi, những quá trình chuyển đổi này [diễn ra] không mấy dễ chịu, vì vậy việc có một cuốn sách hướng dẫn có thể giúp chúng ta đối phó với những lo lắng, căng thẳng, và những nghi vấn khi đến và đi qua mỗi giai đoạn. Có thể nói, Trung y cung cấp cho chúng ta nhiều phương tiện để giúp chúng ta sống một cuộc sống dễ dàng hơn.
Tôi liên tục cảm thấy thán phục trước vẻ đẹp, sự phức tạp và trí huệ của Trung y. Sự hiểu biết sâu sắc của Trung Y về con người ở rất nhiều cấp độ là một minh chứng cho sự hiệu quả của nền y học có lịch sử lâu đời này. Và đó cũng là một trong những lý do Trung Y vẫn được sử dụng để điều trị các vấn đề sức khỏe trong thời đại ngày nay.
Emma Suttie là một bác sĩ châm cứu và là người sáng lập Chinese Medicine Living – một trang web dành riêng để chia sẻ cách sử dụng trí tuệ cổ xưa sống một cuộc sống lành mạnh trong thế giới hiện đại. Cô đã sống và thực tập tại 4 quốc gia và hiện đang làm việc với công ty Thrive Consulting của mình. Cô là người yêu thích thế giới tự nhiên, võ thuật và một tách trà ngon.
Vân Hi biên dịchQuý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times