Chấm dứt căng thẳng tế bào là chìa khóa điều trị bệnh sa sút trí tuệ khởi phát sớm

Phản ứng căng thẳng liên tục được duy trì bởi tích tụ protein trong bộ não có thể là nguyên nhân gây các bệnh thoái hóa thần kinh

Mất trí nhớ, thay đổi trong giao tiếp và lú lẫn đều là dấu hiệu và triệu chứng của các tình trạng thoái hóa thần kinh như bệnh sa sút trí tuệ. Vậy điều gì đang diễn ra bên trong bộ não?

Một nghiên cứu mới đăng tải gần đây phát hiện thấy căng thẳng tế bào có thể là nguyên nhân. Chấm dứt phản ứng căng thẳng này sẽ giải cứu các tế bào não tương tự như tế bào bị ảnh hưởng bởi sa sút trí tuệ khởi phát sớm, mang lại một phương pháp điều trị mới đầy hứa hẹn để chống lại các bệnh thoái hóa não.

Khi dân số Hoa Kỳ già đi, tỷ lệ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh, bao gồm cả bệnh Alzheimer và Parkinson, sẽ tăng lên. Nhưng một số bệnh thoái hóa não bắt đầu sớm trong cuộc đời; ví dụ, sa sút trí tuệ khởi phát sớm xảy ra khi người ta phát triển các triệu chứng trước tuổi 65.

Điều đáng báo động là độ tuổi trung bình của người bị căn bệnh này là 49, với tỷ lệ chẩn đoán tăng 200% trong thập kỷ qua. Hiện nay, không có phương pháp điều trị nào để chữa khỏi các bệnh thoái hóa thần kinh, vì hầu hết các nỗ lực cứu các tế bào não đều ít thành công.

Và phát hiện mang tính cách mạng này, có thể giải thích lý do tại sao những nỗ lực phần lớn đã thất bại.

Các phương pháp điều trị hiện tại tập trung vào sự tích tụ protein trong não

Người ta đã biết rằng các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer được đặc trưng bởi sự tích tụ bất thường của hai loại protein chính trong não, là amyloid và tau. Những chất này kết tụ trong não được cho là nguyên nhân gây ra sự suy giảm chức năng của các tế bào não – như thường thấy ở bệnh sa sút trí tuệ – và cuối cùng dẫn đến tử vong.

Do đó, các phương pháp điều trị tập trung vào việc hòa tan và loại bỏ các tích tụ đã tích lũy.

Tuy nhiên, nhóm các nhà khoa học tại Đại học California-Berkeley (UC Berkeley) tiến hành nghiên cứu mới phát hiện ra rằng một số tình trạng thoái hóa bị thúc đẩy bởi phản ứng căng thẳng của tế bào não hơn là chính các tích tụ protein.

“Chúng tôi nhận ra rằng mặc dù có sự tương quan này, nhưng không có mối liên hệ nhân quả rõ ràng giữa tích tụ protein và sự tử vong của tế bào thần kinh,” nhà nghiên cứu chính Michael Rapé, giáo sư và trưởng Bộ môn Trị liệu Phân tử tại UC Berkeley, chia sẻ với The Epoch Times.

Khi điều tra xem các tế bào này tử vong như thế nào, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy việc cơ thể không thể chấm dứt phản ứng căng thẳng của các tế bào thần kinh là yếu tố cực kỳ nguy hiểm giết chết các tế bào não.

Phản ứng căng thẳng liên tục giết chết tế bào não

Làm thế nào bộ não giữ được nhận thức sắc bén?

Bằng cách thường xuyên gửi tín hiệu để cảnh báo đội dọn dẹp, gồm tế bào microglia, để dọn dẹp các tế bào chết không mong muốn, bao gồm cả tích tụ protein. Khi công việc hoàn thành, tín hiệu căng thẳng chấm dứt.

Ông Rapé có một phép tương phỏng đơn giản để giải thích cơ chế này: Bạn không chỉ cần dọn dẹp phòng mà còn phải tắt đèn trước khi đi ngủ. Nếu không tắt đèn, bạn không thể ngủ được.

Cỗ máy dọn dẹp các tế bào chết trong bộ não và dập tắt phản ứng căng thẳng được gọi là yếu tố im lặng của phản ứng căng thẳng tích hợp (SIFI).

Nhưng khi SIFI không làm tốt công việc của mình, các protein tiếp tục tích tụ, kích hoạt phản ứng căng thẳng không ngừng. Ở những người có phản ứng căng thẳng luôn hoạt động – như thể đèn luôn bật suốt đêm này qua đêm khác – các tế bào sẽ chết.

“Phức hợp SIFI là cần thiết để các tế bào tồn tại khi chúng bị căng thẳng bởi các protein không được chuyển đến ty thể,” ông Rapé giải thích. “Nếu chúng không đến được ty thể, [thay vào đó] các protein hình thành các tích tụ” trong và xung quanh các tế bào não.

Ty thể là nhà máy điện của tế bào, phân hủy thức ăn thành năng lượng để cho tế bào sử dụng. Khi các protein bị chuyển hướng khỏi ty thể, sẽ kích hoạt phản ứng căng thẳng để dọn sạch sự lộn xộn.

“Các tích tụ không giết chết tế bào một cách trực tiếp,” ông Rapé giải thích. Nguyên nhân là do phản ứng căng thẳng vẫn được duy trì, nghĩa là những bệnh này được điều trị bằng một chất ức chế có thể chấm dứt phản ứng căng thẳng.

Chấm dứt căng thẳng để cứu tế bào

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một hợp chất dược phẩm thành công chấm dứt phản ứng căng thẳng và cứu được các tế bào vốn tương tự như những tế bào bị ảnh hưởng bởi bệnh sa sút trí tuệ khởi phát sớm. Kết quả này mở ra cánh cửa mới tiềm năng để điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh.

Nhóm cũng phát hiện ra các loại thuốc trị liệu hoạt động mà không cần hòa tan các cụm protein. Phát hiện cho thấy các tích tụ protein nguy hiểm vì chúng duy trì căng thẳng tế bào.

“Bạn không phải lo nghĩ loại bỏ hoàn toàn các tích tụ lớn, điều này thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta về điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh,” ông Rapé chia sẻ thêm.

Dựa trên nghiên cứu, ông Rapé tin rằng “cách tốt nhất để điều trị bệnh thoái hóa thần kinh sẽ là một liệu pháp kết hợp giữ cho các tích tụ ở mức thấp và đồng thời chấm dứt tín hiệu phản ứng căng thẳng.”

Nghiên cứu trình bày một số dạng rối loạn thoái hóa thần kinh tương đồng khác, như hội chứng Mohr-Tranebjærg và hội chứng Leigh, thể hiện phản ứng căng thẳng quá mức tương tự và có các triệu chứng giống với bệnh sa sút trí tuệ khởi phát sớm.

Nghiên cứu cũng cho rằng cơ chế này có liên quan đến các bệnh có đặc điểm tích tụ protein diện rộng, như bệnh Alzheimer giai đoạn cuối và sa sút trí tuệ thuỳ trán thái dương. Cần nghiên cứu thêm để khám phá tác động của việc chấm dứt tín hiệu căng thẳng trong những bệnh lý này.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Cara Michelle Miller
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Cara Michelle Miller là một nhà văn tự do và nhà giáo dục sức khỏe toàn diện. Cô đã giảng dạy tại Trường Cao đẳng Khoa học và Y tế Thái Bình Dương tại thành phố New York trong 12 năm và dẫn dắt các cuộc hội thảo về truyền thông cho sinh viên kỹ thuật tại The Cooper Union. Hiện tại cô viết bài tập trung vào chăm sóc tích hợp và các phương thức toàn diện.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn