Câu chuyện Trung y: Thực hiện ước nguyện, nối tiếp mối tiền duyên
Có câu chuyện kể rằng: Có một chàng trai trẻ, khi dương thọ kết thúc, lưu luyến không muốn rời xa người mình yêu, thề nguyện kiếp sau nối lại tiền duyên. Đến Tây Thiên, từng sợi nỗi sầu ly biệt tích tụ thành tuyết. Chàng trai trẻ hỏi Phật Tổ rằng: “Khi nào thì con mới có thể gặp lại người yêu?” Phật Tổ hỏi chàng trai: “Con dám đánh đổi bao nhiêu?” Chàng trai trẻ lập tức trả lời: “Con nguyện đánh đổi tất cả.” Phật Tổ lắc đầu nói: “Những gì con phải chịu đựng, là phơi nắng 500 năm, dầm mưa 500 năm.” Quả thực là bể khổ vô biên!
Cứ như vậy, chàng trai trẻ trải qua khảo nghiệm vô cùng khắc nghiệt, phơi nắng chịu gió dầm mưa, qua 500 năm, rồi lại qua 500 năm nữa. Ngàn năm sau, chàng vượt qua Ngân Hà, xuống cõi phàm trần. Chỉ là trước khi hạ phàm, phải tẩy sạch hết thảy ký ức của kiếp trước. Trời đất mênh mông, biển người mờ mịt, chàng trai làm sao có thể tìm thấy người yêu của mình?
Một người phụ nữ 59 tuổi, phần lưng từng bị thương khi còn trẻ, mỗi ngày cô chỉ có thể nằm được khoảng 1-2 tiếng, còn lại đều phải ngủ ngồi. Cô đã đi chạy chữa khắp nơi nhưng đều không có hiệu quả. Cô luôn bị khó chịu ở ngực, hồi hộp, chóng mặt, thở hổn hển, thường cảm thấy phần cổ như sắp gãy mất. Thời còn là một cô gái trẻ trung, mặc dù sức khỏe yếu, thân mang nhiều bệnh, nhưng cô thường tham gia làm nhân viên tình nguyện. Cô giống như một người chị lớn trong nhà, đối đãi nhiệt tình, rất thích giúp đỡ người khác. Cô có đôi tay khéo léo, biết làm nghề thủ công truyền thống, cũng giỏi việc bếp núc, có thể làm chủ bếp, nấu nướng cho bữa tiệc cả trăm người.
Vì sức khỏe kém, có nhiều bệnh tật, hơn nữa còn phải chăm sóc các em và người chị gái đang bị bệnh của mình, nên cô không dám kết hôn, sợ phiền phức thêm cho gia đình bên chồng. Cô dự định sẽ hy sinh vì gia đình, nên đã chuẩn bị tâm lý sống cuộc đời độc thân.
Tuy nhiên, dự định của con người lại không giống với những gì mà ông Trời an bài. Cô đến phòng khám điều lý thân thể, cảm thấy được sức khỏe của mình đã cải thiện lên rất nhiều. Một hôm, cô đưa một chàng trai còn trẻ đến khám về chứng thoát vị, tôi cứ ngỡ đó là em trai của cô. Kết quả, cô giới thiệu rằng đó là chồng của mình, là một kỹ sư thi công lắp đặt điện nước. Ồ, tôi không khỏi ngạc nhiên.
Chứng thoát vị là gì?
*Các bộ phận trong khoang bụng như đại tràng, ruột non, ruột thừa, buồng trứng, ống dẫn trứng, mạc treo (màng treo ruột) … không còn nằm ở vị trí thông thường mà chui ra khỏi thành bụng qua một điểm yếu trên thành bụng ở vùng bẹn, được gọi chung là chứng thoát vị.
*Theo nhân chủng, tỷ lệ thoát vị ở người da đen là 10%, người da vàng là 7%, người da trắng là 5%. Ở Đài Loan, tỷ lệ gặp chứng thoát vị theo độ tuổi là: trẻ em 8%, trẻ sinh non 10%, trẻ sinh đủ tháng 1.5%, người lớn 6%, tỷ lệ giữa nam nữ là 9:1.
Các loại thoát vị
* Thoát vị bẹn (Inguinal Hernia): Phần bẹn là chỗ nếp gấp của thành bụng, tương đối mỏng yếu. Khi áp lực ổ bụng tăng lên cao, các bộ phận như đại tràng, ruột non, ruột thừa, mạc treo, buồng trứng trong ổ bụng dễ dàng lọt ra thành bụng hoặc lọt vào trong bìu, gọi là chứng thoát vị bẹn, hay còn gọi là thoát vị háng, hoặc thoát vị trực tiếp.
Thoát vị bẹn thường xảy ra ở người lớn, là loại thoát vị phổ biến nhất, chiếm 90% trong các chứng thoát vị, thường được gọi là “sa ruột” hoặc “thòng ruột.” Thoát vị bẹn được phân chia thành hai loại chính là thoát vị gián tiếp và thoát vị trực tiếp. Thoát vị gián tiếp phổ biến nhất, thường đi vào phần bìu, đa phần ở phía bên phải nhiều hơn bên trái.
*Thoát vị đùi: là tình trạng các cơ quan trong ổ bụng sa xuống, chui vào khu vực nối liền giữa đùi và bụng. Ở phần gốc đùi, có một cấu trúc là ống đùi, nếu miệng của ống đùi yếu và kèm theo sự yếu đuối của cơ và dây chằng lân cận, ruột dễ bị sa xuống chui qua lỗ ống đùi tạo thành chứng thoát vị ở đùi. Thoát vị đùi thường gặp nhiều ở phụ nữ trên 40 tuổi. Trong thời kỳ mang thai, áp lực trong ruột tăng cao, tăng nguy cơ thoát vị ở đùi.
*Thoát vị rốn: là tình trạng cơ quan trong bụng rơi vào khu vực gần rốn, làm cho rốn nhô lên. Vì ống mạc bụng nơi dây rốn đi qua chưa đóng hoàn toàn, nên ruột non của trẻ sơ sinh có thể chui qua rốn. Chứng thoát vị rốn hiếm gặp ở người lớn. Người lớn bị chứng này đa phần là phụ nữ trung niên đã sinh con. Thoát vị rốn dễ bị kẹt.
*Thoát vị thành bụng sau phẫu thuật: hiện tượng xảy ra do sau khi phẫu thuật, vết thương hơi dài hoặc khá lớn, thành bụng không hồi phục hoàn toàn, khiến cho ruột hoặc cơ quan bên trong bụng rơi vào chổ hở vết mổ.
*Thoát vị gián tiếp: là đường từ tinh hoàn xuống bìu (ống phúc tinh mạc) chưa đóng kín hoàn toàn, tạo thành một khối giống như túi, ruột non có thể đi lạc vào trong này, gọi là thoát vị gián tiếp, thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Nguyên nhân gây thoát vị
*Áp lực trong ổ bụng tăng cao, khiến các cơ quan trong khoang bụng di chuyển khỏi vị trí.
*Thành bụng phát triển kém, gây ra những khe hở cần được co lại hoặc đóng kín, nhưng không đóng hoàn toàn.
*Các nguyên nhân như chấn thương, dùng lực mạnh đột ngột, thường xuyên nâng vật nặng, ho hoặc ho từng cơn co thắt mạnh, dùng lực mạnh khi đi đại tiểu tiện, béo bụng, thai nhi quá lớn trong thời kỳ mang thai, thân thể lão hóa, tỳ khí hư, thận khí hư v.v… khiến cho thành bụng yếu, bị rách hoặc làm tăng áp lực trong khoang bụng.
Triệu chứng của thoát vị
*95% trường hợp thoát vị có thể quan sát từ bên ngoài, đặc biệt là khi đứng hoặc khi dùng sức ở vùng bụng, sẽ xuất hiện một khối nhô lên. Khi nằm xuống, thả lỏng, phần nhô lên sẽ thụt vào khoang bụng, giống như hồ ly vào hang, nên còn gọi thoát vị là hồ sán. Khối thoát vị to thì bằng nắm tay, khối nhỏ bằng quả trứng hoặc hạt dẻ. Một số có kèm theo cảm giác nóng rát, sưng đau, phù nề. Khu vực vùng háng có cảm giác co kéo đau, nặng nề và đau lan ra. Khi cúi người, ho mạnh hoặc nâng vật nặng, triệu chứng thoát vị trở nên rõ ràng hơn.
*Khi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khóc, ho hoặc gắng sức khi đại tiện, sẽ xuất hiện một khối nhô lên ở háng, có khi sa xuống bìu đối với bé trai và rãnh âm hộ ở bé gái, có khi kèm theo tinh hoàn tụt xuống không hoàn toàn. Trong trường hợp nặng, có thể xảy ra đau bụng, buồn nôn, nôn, chán ăn và hay khóc. Trường hợp nghiêm trọng hơn, ruột bị sa xuống và mắc kẹt vào túi thoát vị, gây hoại tử ruột hoặc viêm phúc mạc.
Những biến chứng của thoát vị
*Kẹt nghẽn: Khi một lượng lớn ruột non bị nhô ra hoặc thoát vị trong thời gian dài, khối thoát vị nhô ra sẽ trở nên đỏ và sưng lên, không thể đẩy trở lại vị trí ban đầu và bị mắc kẹt lại, gọi là thoát vị kẹt nghẽn. Nó có thể gây đau ở ống đùi, buồn nôn, nôn ói, cần phải phẫu thuật khẩn cấp.
*Hoại tử: Khi ruột non bị kẹt nghẽn, các mạch máu cung cấp máu bị đè ép và không thể cung cấp máu bình thường, làm cho ruột non dần sưng đỏ lên, gây buồn nôn, vùng bụng đau đớn. Do thiếu máu kéo dài, ruột non dần bị hoại tử, cần phẫu thuật khẩn cấp.
Những nhầm lẫn về thoát vị
*Thoát vị dễ bị nhầm lẫn với sưng phù bìu, u mỡ, u tĩnh mạch, u bướu, giãn tĩnh mạch, áp xe (Abscess), viêm hạch bạch huyết, v.v. Phù bìu ở trẻ sẽ tự khỏi trước một tuổi.
*Thoát vị dễ kết hợp với các bệnh khác như: ung thư đại trực tràng kết hợp bệnh tắc ruột, phì đại tuyến tiền liệt kết hợp khó tiểu tiện, bệnh phổi lâu ngày và ho mãn tính.
Phẫu thuật điều trị chứng thoát vị
Y học hiện đại đều nhất trí một vấn đề: hiện nay không có loại thuốc hay phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi bệnh thoát vị, ngoại trừ phẫu thuật.
Những biến chứng phẫu thuật thoát vị
*Đau căng cơ: Sau khi thuốc tê hết tác dụng, khi các cơ hồi phục độ căng trở lại, sẽ xuất hiện một cơn đau căng kéo rất mạnh. Hiện tượng này chiếm từ 2%-10% trong các ca phẫu thuật truyền thống.
*Đau thần kinh: Sau phẫu thuật, dây thần kinh bị ảnh hưởng, hoặc mạc treo bị dính hoặc căng kéo gây rút đau, đau mãn tính.
*Da bị tê: Vết thương phẫu thuật truyền thống dài, các dây thần kinh ở bề mặt da bị cắt, dẫn đến cảm giác tê. Dây thần kinh bị thương tổn sẽ tự phục hồi dần trong vài tuần, vài tháng hoặc vài năm.
*Viêm nhiễm vết thương: Nhiễm trùng và sưng viêm có thể xảy ra ở vết thương sau phẫu thuật; chiếm 2% trong các trường hợp thực hiện phẫu thuật thoát vị.
*Các vấn đề về tinh hoàn: Gây ra tình trạng thiếu máu tinh hoàn cục bộ, teo tinh hoàn, xoắn hoặc đứt thừng tinh; chiếm 1.8% các trường hợp thực hiện phẫu thuật thoát vị.
*Xuất huyết ổ bụng: xuất huyết ổ bụng, xuất huyết ống dẫn tinh, xuất huyết bìu chiếm 13% tổng số ca phẫu thuật. Cần phải phẫu thuật lại.
*Thương tổn cơ quan khác: gây tổn thương đến bàng quang, tắc nghẽn ruột, kết dính ruột, hoặc rạn nứt ruột; chiếm 0.5%-0.7% các trường hợp thực hiện phẫu thuật thoát vị.
*Ứ nước ở bìu: chiếm 0.5% các trường hợp thực hiện phẫu thuật thoát vị.
*Tái phát chứng thoát vị: chiếm từ 1% -10% trong các trường hợp thực hiện phẫu thuật thoát vị.
*Di chứng sau gây mê: gây ra các bệnh trên toàn bộ cơ thể, bệnh tim mạch, đột quỵ; chiếm 0.2% các trường hợp thực hiện phẫu thuật thoát vị.
*Xuất hiện các vấn đề khác thường: một số trường hợp có thể xuất hiện các vấn đề như dị ứng, đau đầu kinh niên, đau lưng, hoặc bị choáng.
Điều trị bằng châm cứu
Vị kỹ sư trẻ không muốn thực hiện phẫu thuật, nên tình trạng đã kéo dài vài năm, vợ anh cũng không còn cách nào.
Vị kỹ sư này đã bị tiêu chảy trong suốt 10 năm, lưỡi nhợt nhạt, mép lưỡi có dấu răng rất rõ. Tỳ khí hư hàn, cần bổ tỳ, châm huyệt Tam âm giao, Nội quan. Chứng thoát vị, trung khí (khí dạ dày) hạ hãm, ruột non sa vào bìu, thường đau thắt lưng, cũng là dấu hiệu của thận khí hàn, cần châm các huyệt Bách hội, Khí hải, Quan nguyên. Trong đó, khi châm huyệt Bách hội thì sử dụng hai kim để châm. Cơ bụng yếu, cần bổ tỳ vị, châm huyệt Tam âm giao, Túc tam lý. Giảm nhẹ áp lực vùng bụng, tìm Đới mạch, châm huyệt Túc lâm khấp, Đới mạch.
Vùng háng trở nên yếu, châm huyệt Cấp mạch, Khí trùng. Liên quan đến lực căng của gân và cơ, tính đàn hồi của mạc gân, thì tìm Can đảm kinh, châm huyệt Dương lăng tuyền, Thái trùng. Thoát vị căng đau, có cảm giác bị kéo đau, châm huyệt Hợp cốc, Thái trùng. Tăng cường độ bền của màng mỡ chài trong ổ bụng, châm huyệt Thiên khu, Hạ quản, Khí hải; cách châm này cũng có thể ngăn ngừa thể trạng béo phì dạng trung bình đến lớn. Phòng ngừa cảm cúm, tránh cho tình trạng thoát vị của bệnh nhân nặng thêm vì ho, châm huyệt Bách hội, Phong trì, Khúc trì, Hợp cốc. Mỗi tuần thực hiện châm cứu một lần.
Dặn dò đặc biệt:
*Hạn chế nâng vật nặng, nếu không thể tránh được thì nên dùng sức của toàn thân nâng, để vật được nâng sát với cơ thể, không nên dùng sức ở phần eo bụng.
*Kiểm soát chu vi bụng: Giảm uống nước lạnh, thức ăn có tính hàn. Tránh ăn trái cây vào buổi sáng và buổi tối. Sau khi ăn cơm một giờ đồng hồ, tránh uống lượng nước quá 300cc để tránh tạo thành dịch nhầy tích tụ ở bụng dưới.
*Khi tiểu tiện không sử dụng lực vùng bụng. Khi đi tiểu, lưỡi đặt nhẹ lên hàm trên, ngậm miệng không nói chuyện, đi hơi nhón mũi chân, giúp việc đi tiểu trở nên dễ dàng hơn, hơn nữa có thể đi tiểu mà không tiết khí.
*Khi đại tiện không sử dụng lực vùng bụng. Khi đại tiện, hai bàn tay nắm cổ tay lẫn nhau, vì một khi nắm cổ tay thì kinh đại tràng và tiểu tràng sẽ buông lỏng, giúp đại tiện dễ dàng hơn.
*Massage rốn (huyệt Thần khuyết) 36 lần, hoặc sử dùng cây ngải cứu hơ rốn, huyệt Đầu đỉnh, Bách hội, mỗi huyệt hơ khoảng 5 phút. Vào mùa đông, có thể hơ 10 phút.
*Buổi tối, sau khi tắm rửa xong, nằm ngửa, đặt bờ mông sát vào tường, nâng cao hai chân và bàn chân đặt sát tường, giữ nguyên tư thế khoảng 10 phút.
*Hai tay ôm đầu gối, từ từ đưa về gần ngực, sau đó duỗi chân nằm thẳng, thực hiện động tác này 3 lần một lượt, làm liên tiếp 3 lượt.
*Chú ý giữ ấm, đặc biệt là phần nửa người dưới. Bốn mùa phải luôn mặc quần dài, khi đi ngủ mang thêm vớ. Chớ để khí lạnh hoặc quạt điện thổi trực tiếp đến phần bụng dưới.
Sau hai tháng điều trị, người vợ bắt đầu kể câu chuyện “Nghìn lẻ một đêm” có thật
Một chàng trai 26 tuổi, làm nghề kỹ sư thi công lắp đặt điện nước, là người thật thà, hiền lành, làm việc chăm chỉ, chịu khổ chịu khó, tính cách hướng nội, trầm mặc ít nói. Nếu có cô gái nào nói chuyện với anh, thì anh sẽ đỏ mặt xấu hổ, lúng ta lúng túng. Một lần, khi đang làm việc ở lầu 4, hai đồng nghiệp kéo dây điện để thi công, sơ ý không khống chế được lực kéo, khiến cho anh kỹ sư té từ lầu 4 rơi xuống. Tai nạn khiến anh bị dập lá lách, chấn thương nhiều nơi, nhiều vết thương hở và bị gãy xương. Lập tức anh được đưa vào bệnh viện làm phẫu thuật khẩn cấp, cắt bỏ lá lách, nối xương. Người ta thường nói “đại nạn bất tử, tất hữu hậu phúc” (gặp nạn lớn mà không mất, ắt sẽ gặp may mắn, gặp phúc phận về sau).
Sau tai nạn, cơ bụng của anh dường như yếu hơn, dần dần xuất hiện hiện tượng thoát vị ở bụng bên phải. Bởi vì trong nhà anh còn có các em, còn phải trang trải chi phí cho gia đình, nên bệnh trạng thoát vị bị anh trì hoãn rồi kéo dài, anh chỉ đeo một chiếc đai hỗ trợ thoát vị mà thôi. Trong công việc hàng ngày, không thể tránh khỏi việc nâng chuyển vật nặng, khiến cho tình trạng thoát vị trở nên ngày càng nghiêm trọng. Anh muốn dùng phương pháp điều trị tự nhiên, nên quyết định đến lớp khí công tập thử.
Vẻ ngoài thật thà, chất phác của anh kỹ sư, đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với nhiều cô gái. Nhưng trong vô số oanh yến bay lượn đó, không có ai lọt vào tầm mắt của anh. Đi qua trăm hoa đua nở xinh đẹp, nhưng không có bông hoa nào thu hút ánh nhìn của anh. Vì không muốn làm phẫu thuật trị thoát vị, anh đến lớp tập khí công thử xem. Chính tại lớp luyện khí công, một chuyện kỳ diệu đã xảy ra, Nguyệt lão đã lặng lẽ thả một sợi tơ hồng. Một cô gái sắc mặt nhợt nhạt, xám vàng tiều tụy như hoa cúc, vì bị bệnh đau lưng không thể nằm được, điều trị không có hiệu quả, cũng đến nơi này luyện khí công. Ngay tại khoảnh khắc nhìn thấy cô gái ấy, anh kỹ sư chất phác cảm thấy có một luồng khí nóng hầm hập, giống như dòng điện từ trái tim chạy xuyên qua bụng, giống như bị điện giật.
Cô gái lớn tuổi mà anh chưa từng gặp mặt đó, lại trông thân quen đến như vậy. Chàng trai trẻ hay ngượng ngùng nhút nhát, thế nhưng đầu óc bỗng nhiên như nở hoa, trở nên nhiệt tình, mỗi lần luyện tập anh đều chuẩn bị đệm tập cho cô. Chàng trai trầm mặc, chất phác, ít nói, vậy mà mỗi ngày đều gọi điện thoại cho cô hỏi han, khiến cô “hoảng hốt”! Chàng trai cục mịch ấy còn tiến thêm một bước nữa, mỗi ngày anh đợi cô tan làm, đưa cô về nhà. Cô sợ làm lỡ tuổi thanh xuân của chàng trai, nên nhiều lần từ chối. Thế nhưng, chàng trai nhận định cô là tình yêu của đời mình, không đụng tường thì sẽ không quay đầu, vẫn tiếp tục quan tâm ân cần đối với cô.
Họ hàng và bạn bè của cô, cũng như họ hàng và bạn thân của chàng trai đều ngạc nhiên, bối rối. Cô lớn tuổi, diện mạo không xinh đẹp, dáng dấp không thanh tú, lại thêm thể trạng béo phì, sức khỏe yếu nhiều bệnh, vừa lớn tuổi vừa không dễ nhìn, rốt cuộc chàng trai vừa ý điểm gì ở cô? Chàng trai nói rằng anh không biết, chỉ biết rằng anh yêu cô, nhất định phải yêu cô. Trong mắt người si tình thì người mình yêu chính là Tây Thi, ngắm nhìn mãi cũng không chán.
Cô lớn hơn anh chín tuổi! Hành trình theo đuổi tình yêu này kéo dài 12 năm, chàng trai si tình theo đuổi tình yêu từ khi cô gái còn trẻ trung thanh xuân mãi cho đến khi luống tuổi, từ khi cô còn là một phụ nữ trẻ đến khi thành một bà cô. Gia đình và bạn bè của cả hai bên đều không khỏi bị làm cho cảm động, ngay cả Phật Tổ cũng mủi lòng, tác hợp họ thành đôi, để họ bước lên thảm đỏ hôn lễ, chúc phúc cho họ. Lúc này chú rể đang độ tráng niên 39 tuổi, còn cô dâu đã bước vào độ tuổi mãn kinh, 48 tuổi.
Sau khi kết hôn, ngoài việc ba bữa ăn một ngày là do cô nấu, thì mọi công việc khác trong nhà đều do người chồng giành làm hết. Anh ngày càng thêm yêu thương người vợ của mình. Mười hai năm theo đuổi, trải qua cuộc sống hôn nhân 11 năm, hai người chưa từng cãi nhau, chưa từng có bạn bè khác giới. Nửa đời trước của hai người đều nhấp nhô gian khổ, từ khoảnh khắc gặp mặt nhau kia, thì vừa gặp đã yêu mến, đã xác định đi đến cuối đời. Họ tha thiết trân quý nhau, trải qua khó khăn, đi đến hạnh phúc không dễ dàng gì có được.
Người thật, việc thật trong câu chuyện “Nghìn lẻ một đêm” đẹp đẽ xúc động lòng người. Nghe xong, không khỏi khiến người ta cảm động sâu sắc! Sau thời gian điều trị, bệnh thoát vị của chàng kỹ sư, chỉ còn nhô lên một chút, đã không còn cảm giác nặng nề, cũng đã ngừng tiêu chảy. Còn lưng của cô gái không còn đau nữa, có thể yên ổn nằm trong lòng người chồng tha thiết yêu cô mà ngủ, cứ thế an tường hạnh phúc.
Có phải đó là chàng trai trẻ đã trải qua 500 năm phơi nắng, 500 năm dầm mưa trong câu chuyện truyền thuyết kia không? Chàng trai đã xuyên qua thời không, đi đến trái đất, từ một đứa trẻ mới chào đời, bước qua thời niên thiếu, đi qua tuổi trẻ ngây ngô, trong dòng sông thời gian dài đằng đẵng, gian khổ tìm kiếm … Trời cao không phụ người có tâm, rốt cuộc chàng trai đã tìm được tình yêu của đời mình. Ước hẹn ngàn năm, thực hiện ước nguyện, nối tiếp tiền duyên, nguyện tình này mãi mãi không đổi thay.
(Bài viết được trích từ cuốn “Thất Tình Quải Tâm – Mê Vân Già Tuệ Nguyệt” (Tạm dịch: Cảm Xúc trong Tim – Mây Mù Che Phủ Ánh Trăng Trí Tuệ), của bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung, do Nhà xuất bản Bác Đại – Đài Loan ấn hành)
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ