Câu chuyện Trung y: Nỗi khổ của bệnh Parkinson
Một người đàn ông 65 tuổi vừa về hưu, trải qua nỗ lực và gập ghềnh một đời, chỉ muốn tận hưởng cuộc sống, hưởng thụ thanh nhàn, nhưng thân thể lại xuất hiện vấn đề.
Cả ngày ông cảm thấy đầu bị choáng váng, ngón tay ban đầu chỉ tê dại, nhưng dần dần dần biến thành run tay. Ông cũng không vận động mạnh, vậy mà thắt lưng và bàn chân đau nhức, thường xuyên cảm thấy toàn thân cứng ngắc không linh hoạt. Đôi chân của ông ngày càng không thể sải những bước dài, chỉ bước đi từng bước nhỏ. Theo Tây y chẩn đoán, ông bị bệnh Parkinson.
Những mong muốn trong lòng con người thường không giống với những gì mà ông Trời an bài. Bởi vậy, điều gì muốn làm, thì tốt nhất nên thực hiện ngay. Bằng không, đợi đến khi thực sự có thời gian, thì thân thể có thể đã không còn khả năng tự chủ nữa. Sự hối tiếc và âm u đó luôn khắc sâu trên gương mặt của người bệnh Parkinson. Mí mắt trái của bác trai này rũ xuống, làm cho con mắt nhỏ đi. Các cơ mặt rất ít hoạt động khi nói chuyện, giọng nói cũng dần nhỏ yếu, tai cũng bắt đầu lãng. Những triệu chứng này đã xuất hiện hơn một năm rồi, uống thuốc Tây y không có tiến triển gì, hơn nữa còn ngày càng xấu đi.
Vì bệnh Parkinson là một chứng bệnh thoái hóa mất cân đối của hệ thần kinh trung ương, là một căn bệnh tổng hợp do sự thoái hóa của cấu trúc hắc thể (Substantia nigra, chất đen) gây ra. Các triệu chứng đặc trưng của bệnh này là hiện tượng run chân tay, cứng cơ, nên còn được gọi là “liệt rung,” Trung y gọi là “kinh bệnh” (bệnh co giật hay co gân), và là một trong ba bệnh về não ở người cao tuổi (đột quỵ, bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson). Ngoài ra, một số bệnh như xơ cứng động mạch não, viêm não, chấn thương não, não úng thủy, bệnh gan hoặc bị ngộ độc các chất như Carbon Monoxide, Carbon disulfide, Mangan, Thủy ngân, Chloride, thuốc chống loạn thần, và một số loại thuốc khác, cũng có thể gây ra bệnh này.
Các triệu chứng của bệnh Parkinson có ba đặc điểm chính:
- Run tay chân
- Cứng cơ
- Rối loạn vận động do mất khả năng phối hợp và giữ thăng bằng.
Lúc mới bắt đầu là từ các ngón tay, đặc biệt là ngón tay phải, sau đó phát triển dần dần từ tay xuống chân. Khi sức căng cơ trong cơ thể tăng lên, cơ sẽ trở nên cứng lại, khiến những cử động nhỏ của tay chân trở nên khó khăn. Cử động sẽ dừng lại mà không báo trước, thậm chí bị cứng đờ, tay không thể nắm được đồ vật, không thể đung đưa cánh tay. Ngoài ra, do cơ co rút liên tục nên tay chân sẽ run rẩy không kiểm soát được, tư thế nghiêng về phía trước, đồng thời còn có dáng đi không vững, bước đi nhỏ, lưng đau chân yếu, tay chân không có lực, .v.v.
Do không điều khiển được cơ lưỡi nên sẽ chảy dãi, nói nhỏ giọng, nói lắp, phát âm không rõ. Còn có thể xuất hiện phản ứng chậm chạp, tri giác và khứu giác bất thường, đổ mồ hôi nhiều, tiết nhiều dầu trên mặt, chóng mặt, ù tai, hay quên, ngủ mơ nhiều và dễ bực bội lo âu, trầm cảm, tính tình cáu kỉnh, tính cách thu mình. Ngoài ra còn có táo bón, tiểu không tự chủ và rối loạn chức năng tình dục. Do khuôn mặt không có cảm xúc, ít chớp mắt, nên sẽ hình thành hiện tượng mặt như mặt nạ. Về mặt lâm sàng, người bị bệnh Parkinson thường có đặc điểm là tính cách cương nghị kiên quyết. Điều này có thể là do nội tâm của họ mất cân bằng và không chấp nhận thực tế sau khi bị bệnh, hoàn toàn không thể chấp nhận tình trạng dáng vẻ không bình thường của cơ thể mình.
Thông thường, ở người bình thường, có khoảng 200,000 tế bào thần kinh dopamine ở cấu trúc hắc thể trong não, có khả năng tiết ra một chất dẫn truyền thần kinh gọi là dopamine, giúp điều chỉnh các chuyển động của cơ thể. Khi có biến đổi bệnh lý trong cấu trúc hắc thể và đường dẫn thể lưới của nó, dẫn đến sự suy giảm và thoái hóa tế bào sản xuất dopamine, cũng sẽ gây ra thoái hóa của các neuron thần kinh hạch nền của não, làm chết các tế bào thần kinh dopamine. Khi số lượng tế bào trong hắc thể giảm 50%, các triệu chứng nhẹ bắt đầu xuất hiện, và khi số lượng tế bào này giảm đến 80%, mạch truyền hành động của não bị ức chế quá mạnh, triệu chứng trở nên rõ ràng, gây trở ngại trong việc thực hiện vận động.
Mặc dù các triệu chứng của bệnh Parkinson rất rõ ràng, nhưng cơ chế và nguyên nhân thực sự của bệnh vẫn chưa xác định rõ. Độ tuổi khởi phát bệnh thường là trên 50 tuổi, nam nhiều hơn nữ, và có khoảng 40% bệnh nhân bị biến chứng sa sút trí tuệ. Vì chưa rõ nguyên nhân gây bệnh nên hy vọng chữa khỏi bệnh cũng xa vời như ngắm nhìn lên các vì sao trên bầu trời vậy. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối, bệnh nhân chỉ có thể ngồi xe lăn hoặc nằm trên giường, hoàn toàn không thể tự lo cho sinh hoạt của bản thân. Đến khi gần đất xa trời, những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời lại chịu nỗi đau nhiễm trùng do vi khuẩn ở đường hô hấp, đường tiết niệu, hoại tử .v.v. rồi kết thúc sinh mệnh trong đau khổ.
Mặc dù thuốc điều trị bệnh Parkinson đã được phát minh từ năm 1970, có thể làm giảm các triệu chứng ở giai đoạn đầu dùng thuốc. Tuy nhiên, khi liệu trình điều trị kéo dài hơn, tác dụng của thuốc ngày càng ngắn hơn, vẫn không thể làm giảm hoặc chấm dứt sự suy giảm và chết của tế bào dopamine ở cấu trúc hắc thể của não. Ngoài ra, thuốc này còn có thể có các tác dụng phụ như hạ huyết áp, mất ngủ, lo âu, kích thích thần kinh, ảo giác, khô miệng, táo bón, dạ dày khó chịu, toàn bộ cơ thể và tay chân run rẩy không tự chủ được, cứng cơ và đau nhức.
Phải làm thế nào để phá vỡ tình trạng “cứng cơ” của bác trai này? Cuộc sống sinh hoạt và cách ăn uống của bác ấy đều rất bình thường, không có sở thích xấu gì, không hiểu sao bác ấy lại bị bệnh này? Nhưng dù thấy đáng tiếc và thắc mắc đến đâu cũng không giúp ích được gì, chỉ có đối mặt với nó mới là cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Đầu tiên, tôi hướng dẫn bác thực hiện các bài tập tăng cường trí não:
- Yêu cầu hai tay như nắm quả bóng, chạm đầu ngón tay của hai bàn tay vào nhau 36 lần, cần đạt ít nhất 10 lần đầu ngón tay của hai tay chạm đúng vào nhau mà không sẩy tay hoặc trượt mất. Thực hiện ít nhất 3 lần mỗi ngày.
- Dùng ngón trỏ bàn tay trái chạm vào mũi trước, sau đó chạm vào ngón cái bàn tay phải, lại chạm trở lại mũi. Lặp lại lần lượt như vậy cho 4 ngón tay còn lại, sau đó đổi tay và thực hiện theo cách như vậy, thực hiện 9 lần liên tiếp. Thực hiện ít nhất 3 lần mỗi ngày.
- Khi có thời gian, hãy ngồi xếp bằng và xoa bóp rốn, có thể khóa thận tinh, khiến cho tinh khí theo mạch Nhâm đốc thuận lợi đến não.
- Hai tay dùng lực nắm chặt lại thành nắm đấm trong 5 giây, sau đó mở căng ra hết sức duy trì trong 5 giây; hoặc nắm chặt thành nắm đấm rồi mở ra, thực hiện liên tục 9 lần; hoặc tay nắm quả bóng tròn và xoay quả bóng trong lòng bàn tay.
- Đi bộ mỗi ngày, tốt nhất là đi chân trần, sau khi tập các bài tập nhịp điệu, hãy nâng chân lên cao hơn tim để giúp máu chảy ngược lên não.
Não là “thanh khiếu,” [*] nhưng đại não lại bị những bệnh tà không biết tên xâm nhập làm mê mờ. Vậy phải làm thế nào thông qua lượng máu não này để loại bỏ tà khí ra khỏi não? Bằng cách lợi dụng sự chuyển động vô hình của khí, điều chỉnh thông qua kinh mạch, biết đâu có thể đánh thức tế bào não ngủ mê, để nó tự xây dựng sửa chữa hàng rào bảo vệ, đồng thời xua đuổi bệnh tà.
Điều trị bằng châm cứu
Để thúc đẩy hoạt động bình thường của não và vi tuần hoàn ở đầu, châm cứu huyệt Bách hội, Tứ thần thông, huyệt Suất cốc xuyên huyệt Giác tôn. Để bổ thận giúp tủy não, châm cứu huyệt Quan nguyên, Dũng tuyền, Hậu khê. Chứng run thuộc về can phong nội động, châm cứu huyệt Phong trì, Thái xung. Để thư giãn cơ mặt bị căng cứng, châm huyệt Hợp cốc, Nghinh hương. Mí mắt bị rũ, châm huyệt Toản trúc xuyên đến huyệt Ngư yêu, Thái dương. Tay run, châm các huyệt Trung chử, Khúc trì, Thủ tam lý. Để tăng cường sự phối hợp của động tác chân, châm các huyệt Dương lăng tuyền, Túc tam lý, Phong thị, Côn lôn. Bệnh này đa phần có biểu hiện khí huyết hư, châm các huyệt Bách hội, Khí hải, Túc tam lý, Tam âm giao. Lãng tai, châm huyệt Thính hội, Ế phong.
Ngoài ra, tôi đề nghị bác mỗi ngày tự khum tay vỗ vào huyệt Quan nguyên 108 cái để bổ thận; ấn huyệt Hợp cốc, Thái xung để khai mở các bộ phận gân cốt cơ thể. Mỗi lần thực hiện ít nhất 9 cái, nếu có thể ấn 36 cái là tốt nhất. Thực hiện cứu ngải các huyệt Bách hội, Thần khuyết, Quan nguyên, mỗi huyệt cứu khoảng 10 phút. Mỗi ngày dùng nước ấm ngâm chân 15 phút, có thể lần lượt thay phiên thêm giấm trắng, muối hoặc rượu vào nước ngâm. Luyện tập thả lỏng, tham gia nhiều hoạt động như thủ công mỹ nghệ, thư pháp, vẽ tranh, hoặc tập khí công, luyện Pháp Luân Công, Thái cực quyền, yoga, .v.v… nhằm giảm căng cơ bắp. Không được dùng thức ăn lạnh, đồ uống lạnh, hạn chế ăn các thực phẩm tính hàn.
Trong quá trình điều trị, trong 10 ngày đầu, mỗi ngày đều thực hiện châm cứu, sau đó giảm xuống mỗi tuần châm cứu 2 lần. Sau 14 lần châm cứu, triệu chứng bắt đầu ổn định: nói chuyện, biểu cảm trên mặt, hoạt động của tay chân dần khôi phục về bình thường, nhưng vẫn thường xuyên cảm thấy choáng váng đầu. Tiếp tục châm cứu thêm 7 lần nữa, bác đã hoàn toàn giống như một người bình thường. Trạng thái sức khỏe tinh thần của bác đã tốt hơn so với trước khi bị bệnh, có thể nói cười, chạy bộ. Sau đó, thực hiện châm cứu duy trì mỗi tuần một lần để điều dưỡng.
Bệnh của bác xem như ở giai đoạn đầu, triệu chứng không tính là quá nghiêm trọng, bác lại rất nghiêm túc thực hiện các bài tập phục hồi, nên hiệu quả rất tốt. Đối với những bệnh nhân khác có diễn tiến bệnh lâu hơn và triệu chứng nặng hơn, thì hiệu quả sẽ chậm hơn.
Chú thích của dịch giả:
[*]: Trung y cho rằng con người có cửu khiếu (chín lỗ), trong đó có thất khiếu (bảy lỗ) trên đầu (2 mắt, 2 lỗ mũi, 2 lỗ tai và miệng) cộng với hai lỗ âm ở phía trước và phía sau, tổng cộng là cửu khiếu (chín lỗ). Thất khiếu trên đầu còn được gọi là “thượng khiếu” (lỗ trên) hay “thanh khiếu” (lỗ trong), còn hai lỗ âm ở phía trước và phía sau được gọi là “hạ khiếu” (lỗ dưới) hay “trọc khiếu” (lỗ đục).
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ