Câu chuyện Trung y: Ngày mai xa xăm
“Hãy lắng nghe, tình yêu của anh, anh sẽ hát cho em một bài ca. Khi em thức giấc vào bình minh, không tìm thấy hình bóng anh, em sẽ biết rằng, anh đã rời xa em… Anh vốn muốn sống bên em trọn đời, nào ngờ cuộc đời lại ngắn ngủi như thế…”
Năm 1973, Công ty Thiệu Thị ra mắt bộ phim “Minh Nhật Thiên Nhai” (Tạm dịch: Ngày mai xa xăm). Ca khúc chủ đề của bộ phim này có ca từ chia ly, đẹp đẽ mà thê lương, do Y Đạt sáng tác lời, Cố Gia Huy viết nhạc, La Văn Nguyên thể hiện.
Ca khúc này vang vọng trong tâm khảm một ông lão 84 tuổi. Mới vừa nghe là nước mắt già nua của ông đã lưng tròng, nhớ tới người vợ yêu quý đã quá cố của mình. Hơn hai năm nay, ông một mình sống trong căn nhà trống trải, lẻ loi hiu quạnh, mượn lời ca để tiêu sầu, nhưng sầu càng sầu thêm! Tịch mịch đau khổ khó chịu đựng, phải sống làm sao đây?
Gần nửa năm nay, ông lão bị trướng bụng, dạ dày khó tiêu, buồn nôn, trong bụng có cảm giác nóng, ăn ít, thậm chí không có chút khẩu vị gì, càng ngày càng gầy. Con trai đã lập gia đình và làm việc ở nơi khác, sự nghiệp bận rộn. Con gái cũng đã xuất giá, tuy ở cùng thành phố, nhưng ông cũng không tiện đến làm phiền. Nỗi đau mất bạn đời, không hề phai nhạt trôi theo thời gian.
Ca khúc “Ngày mai” thường văng vẳng bên tai: “Em đi rồi, em đi rồi, hoa ngày mai vẫn thơm như vậy. Em đi rồi, em đi rồi, mặt trời ngày mai vẫn rực rỡ như thế … Xa cách rồi, xa cách rồi, ca khúc ngày mai chỉ còn mình anh hát.” Đây đều là những bài hát yêu thích của vợ ông. Lời bài hát ngày xưa đã trở thành sự khắc họa sống động của cuộc sống hiện tại. Lúc đầu không mấy hiểu ý nghĩa của bài hát, nhưng càng nghe lại càng trở thành nhân vật trong bài hát, thật sự rất khó chịu đựng!
Bản thân cô con gái cũng khốn khổ với căn bệnh ung thư vú quái ác, không thể tự lo cho mình. Người cha già bề ngoài có vẻ ổn, chỉ hơi gầy đi một chút. Vào dịp năm mới Tết đến, con gái mời cha đến nhà ăn Tết đoàn viên, nhưng dù cô nấu mấy món mà cha thích nhưng ông cũng không ăn được nhiều. Mọi người cùng nhau chụp ảnh trong niềm vui đầu năm mới. Con gái bận rộn, đến tối mới được nghỉ ngơi, cô ngồi ngắm nghía những bức ảnh. Lúc này mới phát hiện, trong tất cả các bức ảnh, cha đều không nở nụ cười, hơn nữa ông còn cau mày. Nhất thời cô mới nhận ra, hình như cha không được ổn. Khi đến phòng khám, cô cũng đưa cha đi khám cùng.
Ông lão lúc này gầy như que củi, lưng còng, bước đi nặng nề, viền môi thâm, ở giữa môi có vệt đỏ tươi. Tay chân khẳng khiu, chỗ huyệt Hợp cốc trũng xuống, ấn đường có nếp nhăn dọc xen kẽ, đầu mũi nhỏ và xanh đậm, các nếp nhăn khóa quanh miệng, mu bàn tay và lòng bàn tay rất nóng, khuôn mặt u ám và hốc hác. Bắt mạch thì nhận thấy hữu quan phình to, ấn mạnh cảm giác bằng hạt đậu, tả quan cong và trơn. Dùng tay ấn vào phần đại tràng của bụng thấy mềm và vô lực, phần dạ dày tương đối cứng và gồ ghề, cơ bụng ở vùng gan căng. Xem ra hệ thống tim, gan, dạ dày, đại tràng đều có vấn đề. Sợ có chuyện bất ổn, tôi đề nghị cô con gái đưa cha đến bệnh viện kiểm tra.
Kết quả kiểm tra cho thấy: Người cha bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, có nhiều khối u lớn nhỏ khắp dạ dày, thuộc loại ung thư dạ dày lan tỏa. Bác sĩ nói không thể phẫu thuật, cũng đã không thể chữa trị, và người cha không biết về bệnh tình.
Một trong những bi thảm của Đài Loan, chính là tỷ lệ bị bệnh ung thư cao, đứng thứ mười trong mười quốc gia hàng đầu thế giới và chỉ đứng thứ hai sau Nam Hàn ở châu Á. Thật là một thảm họa cho Đài Loan! Tỷ lệ bị bệnh ung thư ở Đài Loan rất cao, cứ 100,000 người dân thì có 296.7 người bị ung thư.
Năm 2018, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày là 9.46 trên 100,000 người, đứng thứ 9 trong 10 bệnh ung thư hàng đầu. 40% bệnh ung thư dạ dày được xác định, hầu hết đều ở vào giai đoạn muộn, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ là 5%. Trong một cuộc khảo sát trực tuyến năm 2017 với 191 quốc gia về đất nước đáng sống nhất, Đài Loan vinh hạnh đứng đầu thế giới. Trầm cảm là cái tổ ưa thích của ung thư và cũng là cái tổ của tà khí. Sinh sống ở hòn đảo Formosa xinh đẹp, nơi đáng sống nhất, vì sao lại có nhiều người không đẹp cả về tinh thần lẫn thể xác như vậy?
Con gái và chồng đến phòng khám, hỏi chuyện của cha với vẻ mặt nghiêm túc, muốn biết nên làm như thế nào? Tôi nghe xong cũng thấy lòng nặng trĩu: “Hóa trị thì có hiệu quả thấp, hóa trị có thể kéo dài thời gian sống thêm một chút, nhưng nỗi thống khổ do đau đớn đến mức không thiết sống nữa đối với người già thì quả thật là cực hình, vô cùng thê thảm!” Người con rể lập tức lo lắng hỏi, “Ông còn lại bao nhiêu thời gian?”
Tôi suy đoán, “Chưa tới ba tháng, vượt qua được là phước lành của ông.” Cô con gái buồn bã hỏi, “Chúng ta phải làm sao đây?” Tôi trả lời, “Có lẽ lúc này cha cô cần nhất tình yêu thương của gia đình, con cái chăm sóc bên cạnh. Điều đó tốt hơn bất kỳ loại thuốc đặc hiệu nào. Ông ấy đã vất vả cô đơn quá lâu rồi! Đồng hành cùng ông trên chặng đường cuối cùng của cuộc đời, có thể từ giã cõi đời một cách nhẹ nhàng, hy vọng ông sẽ không phải quá đau đớn lúc ra đi. Đến cuối cùng đau quá thì sẽ chích morphine.”
Điều trị bằng châm cứu
Việc phát sinh các bệnh trầm trọng, đa số nguyên nhân là thủy hỏa thổ trong ngũ hành xuất hiện vấn đề. Ung thư dạ dày là do sinh hóa quá mức, giai đoạn đầu cần dùng mộc khắc thổ, tăng cường thủy sinh mộc để khắc thổ.
Bệnh vào giai đoạn cuối kỳ, nên phòng thủ chứ không nên tấn công tà. Bệnh về thổ thì trước tiên trị thủy, để thủy không khắc hỏa, hỏa đắc sẽ sinh thổ, để bệnh không tăng nhanh hoặc nặng thêm. Khai mở Thiên môn tiếp nhận tinh khí vũ trụ, châm huyệt Bách hội, đồng thời bồi bổ dương khí lên cao.
Để tăng cường khí nguyên âm nguyên dương của sinh mạng, châm huyệt Khí hải, huyệt Quan nguyên. Nơi bị ung thư dạ dày, chỉ cần có thể ăn uống được, hy vọng khi cuối sẽ không bị đau dữ dội, châm cứu tại các huyệt Công tôn, Nội quan, hoặc châm luân phiên các huyệt Thượng quản, Trung quản và Lương môn. Trị nấc cụt, châm các huyệt Nội quan và Trung quản. Để lưu thông máu và làm tan máu đọng, tuy đã chậm không cứu vãn được, điều trị được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, châm huyệt Khí hải và Tam âm giao.
Để tăng cường khả năng tiêu hóa và thể lực, châm luân chuyển các huyệt Hợp cốc, Túc tam lý, Lương khâu, Dưỡng lão. Người cha đa phần đến khám vào lúc 6 đến 7 giờ tối, là giờ Dậu, đối với bệnh trầm trọng cần khai mở huyệt đúng giờ, châm huyệt Dương cốc, nhờ đó để bổ sung nước. Nếu sốt nhẹ, đất không có nước thì không thể sinh trưởng, phải tiêu đi nguồn dự trữ. Dùng phương pháp châm Ngũ vận lục khí, khi đó tiết khí đã đến đầu hạ, thiếu âm quân hỏa (do thiếu âm mà hỏa vượng), châm vào huyệt Thiếu phủ có thể giải trừ quân hỏa, làm dịu đi thiêu đốt trong bụng. Nếu như tinh khí thần của người cha còn có thể chịu đựng được, thì có thể giải tỏa thêm cho gan, châm cứu huyệt Thái xung và Ấn đường.
Mặc dù con gái và con rể giả bộ như không có chuyện gì xảy ra, đến giờ thì đưa cha đến châm cứu, một tuần hai lần, nhưng nét mặt họ cũng không giấu được nỗi buồn. Người cha thông minh đương nhiên đoán được bệnh tình của mình rất nghiêm trọng. Sau một tháng châm cứu, người cha cảm thấy thoải mái hơn, mặc dù lượng ăn vẫn ít, nhưng ít nhất cũng ăn được, cũng cảm thấy đói. Tinh thần ông cũng khá hơn một chút, có thể ra ngoài đi dạo, còn đến vùng ngoại ô du lịch, thậm chí còn chủ động tìm bạn bè trò chuyện. Bạn bè, người thân đều nói khí sắc của ông tốt hơn rất nhiều.
Ngũ vận là chỉ khí của ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ đang vận hành biến hóa trong âm dương của trời đất, phối hợp mười thiên can, có thể tính được tuế vận của mỗi năm. Lục khí là chỉ sự hóa khí của sáu khí: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa (gió, lạnh, nóng, ẩm, khô và lửa). Sự ảnh hưởng của quy luật biến đổi khí hậu đối với cơ thể con người sẽ phát sinh bệnh tật. Con người và trời đất có mối liên hệ với nhau, phối hợp với 12 địa chi để tính toán tuế khí của mỗi năm. Năm 2019 là năm Kỷ Hợi, nửa đầu năm khí hóa, Tư thiên thuộc khuyết âm phong hóa, các loại bệnh tật sẽ gặp nhiều khốn khó.
Mùa mưa lẽ ra kéo dài một tháng, nhưng lại mưa dầm kéo dài đến hai tháng rưỡi. Mưa đến nỗi người ta đều mốc meo, người bệnh nặng lại càng xui xẻo hơn! Nửa cuối năm, bệnh tình thông thường sẽ ổn định. Khí của vũ trụ, khi giao mùa sẽ bức bối, rồi sau đó mới thông. Thời tiết của tiết khí, là một quan ải. Cho nên trước lúc giao mùa ba ngày, vì khó vượt qua quan ải nên rất nhiều người đã qua đời. Bầu không khí của vũ trụ trở nên ngột ngạt, con người cũng bức bối. Người cha có thể chịu đựng qua tiết khí này không?
Con gái ông hỏi, “Tình trạng của cha tôi có vẻ đã chuyển biến tốt hơn nhiều.” Tôi nghiêm túc nói, “Ông vẫn chưa thoát khỏi cơn nguy kịch. Màu sắc giữa môi càng ngày càng đỏ, dạ dày dường như sắp thiêu cháy rồi. Giữa lưỡi của ông, phần rêu lưỡi đang tróc ra, lại có vết nứt, chứng tỏ khí ở dạ dày đã hỏng. Gia đình nên chăng hãy nhân lúc ý thức của ông còn thanh tỉnh, để hỏi chuyện hậu sự: đến lúc cuối cùng không đặt nội khí quản, không mở khí quản, không cấp cứu. Như vậy để thân thể nguyên vẹn, giữ tôn nghiêm mà ra đi.” Nói xong mọi người đều trầm mặc, buồn bã vô hạn! Cha mẹ là khán giả vui mừng nhất trong nửa đời trước của con cái. Và con cái là khán giả đau buồn nhất trong nửa đời sau của cha mẹ.
Mặc dù người cha khi đến khám vẫn đi lại như thường, nét mặt vẫn còn tươi cười, nói dăm ba câu, nhưng sắc môi ấy đỏ hơn son, ấn đường xám đen, đuôi mắt màu xanh. Ấn đường là biểu hiện của phổi, là cửa sinh, màu đen thuộc thủy. Vì nước trong thận dâng lên, thủy dâng sắp đến đỉnh núi, là đại kiếp nạn sinh tử, dương khí sắp cạn rồi. Màu đen cũng là khí của vật chất âm, thể sinh mệnh âm gian đến gần rồi, là Hắc bạch vô thường chăng?
Có lẽ thời gian của người cha không còn nhiều, tôi nói với cô con gái, “Nên chăng là mua cho cha cô bộ quần áo mới mà ông thích, hoặc chọn bộ quần áo ông thích nhất, mặc khi về quê.” Truyền thuyết ở nhân gian nói, quần áo người ta mặc vào ngày vãng sinh, thì ở một không gian khác họ sẽ luôn mặc bộ quần áo ấy. Một số người già biết được ngày cuối cùng của mình, hôm đó tự họ sau khi ăn no, tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo đẹp (gọi là thọ y), nói muốn lên giường nghỉ ngơi, rồi nhắm mắt xuôi tay trở về trời. Đây là cái kết tốt đẹp nhất của người có phúc báo. Bà của một người bạn tôi đã trở về Thiên đàng theo cách này.
Bấm đốt tay, cũng gần ba tháng rồi, người cha đột nhiên toàn thân vô lực, không thể đi nổi mấy bước, cho nên không thể đến khám. Người cha nằm trên giường, ăn rất ít, ăn vào lại dễ bị nôn ra. Cháu trai đang là sinh viên y khoa đã giúp ông bơm dinh dưỡng. Trong giấc mơ, cháu trai nhìn thấy bà nội đến đón ông nội. Vài ngày sau, người cha gọi con trai, con gái và con rể đến bên giường bệnh, dặn dò chuyện hậu sự.
Giai điệu của ca khúc “Ngày mai xa xăm” lại vang lên: “Khi em nhắm mắt lại, tiếng cười sẽ mãi vang vọng bên tai … Em và anh sẽ gặp lại nhau ở nơi tận cùng thế giới!” Lời ca của “Ngày mai” cũng cất lên: “Quên đi! Quên đi em! Ngày mai sẽ không đau buồn nữa …” Người cha ngoài việc toàn thân vô lực, thì thân thể không cảm thấy đau đớn chỗ nào.
Một ngày, khi con gái đang bận rộn trong bếp, muốn đãi cha một bữa ăn, thì phát hiện, cha đã thanh thản an giấc ngàn thu, đã đến nơi ước hẹn ngàn năm với mẹ rồi! Ông sẽ gặp lại mẹ cô trên đường đến Hoàng tuyền.
(Bài viết được trích từ cuốn “Lục chỉ y thủ – Vị vô minh điểm đăng,” Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ