Vào năm 2011, bà Lesley Yates, một người mẹ sôi nổi và một trợ giảng, đã phải gánh chịu cơn khủng hoảng y khoa sau khi nhận được một toa thuốc kháng sinh thông thường vì nghi ngờ nhiễm trùng tiết niệu. Bà đã bị bị tổn thương gân trầm trọng, đỉnh điểm là di chứng tàn tật vĩnh viễn sớm ở tuổi 54.
Bà Yates nói với The Epoch Times rằng, một số bác sĩ và chuyên gia đã bác bỏ các triệu chứng của bà. Câu chuyện của bà nhấn mạnh vào các tác dụng phụ trầm trọng nhưng chưa được báo cáo đầy đủ liên quan đến kháng sinh fluoroquinolone – và các vấn đề y tế phát sinh khi không có cảnh báo rõ ràng về các nguy cơ này.
Bà Yates nói với The Epoch Times, “Tôi cảm thấy mình như một cụ già 90 tuổi trong cơ thể 50 tuổi.”
Thuốc kháng sinh Fluoroquinolones: Hiệu lực và rủi ro
Thuốc kháng sinh Fluoroquinolones, bao gồm ciprofloxacin (Cipro), levofloxacin (Levaquin) và moxifloxacin (Avelox), là kháng sinh mạnh được tạo ra để chống lại các bệnh nhiễm khuẩn khác nhau – từ nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng đường hô hấp đến các bệnh da liễu. Do có phổ kháng vi khuẩn rộng và có thể đi sâu vào các mô để chống lại vi khuẩn, nên kháng sinh fluoroquinolones ngày càng được các bác sĩ ưa chuộng sau khi được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận vào năm 1980. Kháng sinh fluoroquinolones cũng cần ít liều hơn một số loại kháng sinh khác, do đó giúp bệnh nhân có thể thuận tiện sử dụng.
Fluoroquinolones có khả năng phá vỡ sự sao chép DNA và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Tiến sĩ Mark Ghalili, chuyên gia nội khoa được hội đồng chứng nhận và là người sáng lập Regenerative Medicine LA, giải thích: “Fluoroquinolones là thuốc kháng sinh có chứa fluoride. Chính thành phần fluoride này cho phép thuốc thâm nhập vào hệ thần kinh trung ương.”
Mặc dù được sử dụng rộng rãi nhưng fluoroquinolones vẫn phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng về tác dụng phụ ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể.
Những người bị nhiễm độc fluoroquinolone thường được gọi là “Floxed.” Họ gặp phải nhiều tình trạng suy yếu cơ thể, bao gồm đứt gân và các ảnh hưởng trầm trọng về thần kinh và tâm lý, thường dẫn đến những tổn hại không thể phục hồi.
Nghiên cứu cho thấy rằng fluoroquinolones làm tăng gấp đôi nguy cơ phình động mạch chủ và bóc tách động mạch chủ có khả năng gây tử vong. Những loại kháng sinh này cũng liên quan đến việc kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ, một dấu hiệu báo trước của tình trạng đột tử do tim.
Tiến sĩ Ghalili cho biết, “Hàng triệu người đang dùng những loại thuốc kháng sinh này mà không hề biết về những hậu quả lâu dài tiềm ẩn.”
Hậu quả của Fluoride: Fluoroquinolones phá hủy ty thể như thế nào
Nhiều bệnh nhân bị các tác dụng phụ trầm trọng do fluoroquinolone gặp phải sự hoài nghi từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Những người này thường xuyên bác bỏ mọi mối tương quan giữa thuốc và các triệu chứng của bệnh nhân.
Tiến sĩ Ghalili có kinh nghiệm về tác hại của những loại thuốc này: Một toa thuốc Cipro vào năm 2016 cho một bệnh nhiễm trùng nhẹ đã khiến ông phải ngồi xe lăn trong thời gian học nội trú y khoa. Việc chữa lành sau đó với các liệu pháp thay thế và tái tạo đã truyền cảm hứng cho sự cống hiến của ông trong việc trợ giúp những người khác quản lý các tác dụng phụ của fluoroquinolone, không chỉ giảm triệu chứng đơn thuần mà để giải quyết các nguyên nhân cơ bản của bệnh liên quan đến fluoroquinolone.
Tiến sĩ Ghalili thảo luận về những mối nguy hiểm chưa được xem trọng của thuốc kháng sinh fluoroquinolone trong một video trên kênh YouTube của ông, Regenerative Medicine LA. Ông nhấn mạnh khả năng gây rối loạn tế bào của fluoroquinolone, đặc biệt là phá vỡ các enzyme quan trọng và gây hại cho ty thể, nguồn năng lượng của tế bào.
Trong video, Tiến sĩ Ghalili nói rằng “Fluoroquinolones làm rối loạn DNA gyrase [một loại enzyme vi khuẩn thiết yếu], gây ra tổn thương gân và rối loạn chức năng ty thể,” và kêu gọi giới y khoa đánh giá lại các loại thuốc được kê toa rộng rãi này.
Theo Tiến sĩ Ghalili, vấn đề cốt lõi nằm ở việc chất hoá học fluoride có trong thuốc, cho phép thuốc tiếp cận sâu vào hệ thần kinh trung ương và ty thể. Tại đây, fluoride có thể làm suy giảm hoạt động của tế bào và gây suy yếu cơ. Tiến sĩ Ghalili nói, “Fluoride là gốc rễ của vấn đề đối với những người bị nhiễm độc fluoroquinolone.”
Ông nói, “Điều quan trọng nhất cần nhớ về độc tính của Cipro và Levaquin là tác dụng mang tính tích lũy. Bệnh nhân có thể trông bình thường, nhưng bên trong, ty thể đã bị tổn thương đáng kể,” đồng thời chỉ ra những tác dụng phụ tiềm ẩn nhưng đáng kể của thuốc. Các triệu chứng cuối cùng có thể xuất hiện, bao gồm cả những rối loạn dai dẳng trong quá trình sản xuất năng lượng, sẽ gây khó chịu cho họ trong nhiều năm sau khi dùng thuốc.
Tiến sĩ Ghalili cho biết thêm rằng vấn đề di truyền như đột biến gene MTHFR (methylenetetrahydrofolate reductase) hoặc đã tiếp xúc với fluoride trước đó có thể làm tăng độ nhạy cảm với fluoride.
Hành động không đầy đủ: Phản ứng yếu kém của FDA
Tháng 07/2008, FDA có hành động quan trọng đầu tiên nhằm quản lý fluoroquinolones khi đưa ra cảnh báo “hộp đen” – cảnh báo nguy hiểm nhất – để thông báo cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân về nguy cơ viêm gân và đứt gân. Cảnh báo này dẫn đầu một chuỗi hành động nhằm giảm mức sử dụng, bao gồm cả bản cập nhật năm 2013 do fluoroquinolones có khả năng gây tổn thương thần kinh không thể phục hồi.
Đến năm 2016, FDA gia tăng cảnh báo hơn nữa đối với tất cả các loại kháng sinh fluoroquinolone toàn thân, nhấn mạnh sự nguy hiểm của thuốc này và đề nghị rằng fluoroquinolone nên dành riêng cho các bệnh lý không có phương pháp điều trị thay thế. FDA cảnh báo: “Tác dụng phụ có thể xảy ra vài giờ đến vài tuần sau khi tiếp xúc với fluoroquinolones và có thể tồn tại vĩnh viễn.”
Vào ngày 10/07/2018, FDA thông báo rằng họ đang yêu cầu sửa đổi nhãn an toàn đối với kháng sinh fluoroquinolone, mở rộng các cảnh báo về hậu quả có thể xảy ra đối với sức khỏe tâm thần và phản ứng hạ đường huyết trầm trọng. Bản cập nhật cũng nêu bật những mối nguy hiểm khác, bao gồm mất tập trung, mất phương hướng, kích động, mất trí nhớ và nguy cơ hôn mê do hạ đường huyết tuy hiếm gặp nhưng nghiêm trọng.
Những rủi ro tâm lý của thuốc fluoroquinolone ngày càng gây lo ngại. Vào tháng 06/2019, Mạng lưới các Phản ứng Có hại phía Nam, do Tiến sĩ Charles Bennett dẫn đầu – một bác sĩ nổi tiếng với nghiên cứu về ngăn ngừa các tác dụng phụ của thuốc và nâng cao an toàn thuốc – đã đệ đơn kiến nghị lên FDA đề nghị cảnh báo hộp đen về các rủi ro tâm thần liên quan đến fluoroquinolone, bao gồm cả khả năng tự tử.
Mặc dù ủng hộ lời khai của hơn 100 người bị ảnh hưởng, FDA đã bác bỏ đơn thỉnh cầu, cho rằng việc ghi nhãn hiện tại đã truyền đạt đầy đủ mối nguy hiểm của thuốc và bày tỏ lo ngại rằng những cảnh báo tiếp theo có thể hạn chế việc tiếp cận các loại kháng sinh này đối với các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Phản ứng của FDA đã khiến những người ủng hộ thất vọng, những người cho rằng những nguy cơ về tâm thần, đặc biệt liên quan đến tự tử, không được truyền tải một cách hiệu quả đến những người dùng fluoroquinolone.
Trên bình diện quốc tế, vào tháng Một, Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Vương quốc Anh đã gia tăng các hạn chế đối với việc dùng kháng sinh fluoroquinolone, chỉ cho phép kê toa khi không có lựa chọn thay thế nào khác. Hành động này nhằm giảm thiểu rủi ro về các tác động bất lợi lâu dài hoặc không thể đảo ngược.
Bỏ qua những mối nguy hiểm
Thậm chí với sự gia tăng nhận thức về các mối nguy hiểm, fluoroquinolone vẫn được kê toa ở mức đáng lo ngại tại Hoa Kỳ. Năm 2019, 13.7 triệu người Mỹ đã nhận được các loại thuốc này, giảm so với 18.7 triệu vào năm 2015. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy rằng nhiều toa thuốc trong số này là không cần thiết, nói rằng “1/4 số toa thuốc FQ được kê cho các bệnh không được chỉ định thuốc kháng sinh, hoặc FQ không được khuyến nghị điều trị đầu tiên.”
Một tìm kiếm từ Hệ thống Báo cáo Tác dụng phụ của FDA (FAERS), tập trung vào ba loại fluoroquinolone được kê toa phổ biến nhất, cho thấy những tác động đang diễn ra của loại thuốc này. Vào năm 2023, cơ sở dữ liệu hiển thị 7,288 báo cáo về tác dụng phụ và 779 báo cáo tử vong liên quan đến ba loại kháng sinh này – một sự gia tăng đáng kể so với 340 trường hợp tử vong như vậy được báo cáo vào năm 2016.
Trao đổi với The Epoch Times, FDA tuyên bố rằng cơ sở dữ liệu FAERS, nơi liệt kê các tác dụng phụ và sai sót trong thuốc, không xác minh nguyên nhân liên quan đến thuốc đối với các vấn đề được báo cáo; tác dụng phụ cũng có thể phát sinh từ bệnh lý nền, thuốc dùng đồng thời hoặc các biến số khác, cùng với việc cơ sở dữ liệu có khả năng chứa các mục trùng lặp hoặc nhập không đầy đủ.
Bất chấp những lo ngại đáng kể về an toàn, việc sử dụng rộng rãi fluoroquinolones bị dẫn hướng bởi các yếu tố then chốt sau đây:
- Các bác sĩ bị choáng ngợp bởi một lượng lớn thuốc và các cập nhật về an toàn, có thể không nhận thức đầy đủ về những rủi ro.
- Khả năng chi trả tốt hơn so với các loại kháng sinh mới hơn, đắt tiền hơn và hiệu quả phổ rộng khiến fluoroquinolones trở thành một lựa chọn hấp dẫn.
- Một số bác sĩ ưu tiên loại bỏ vi khuẩn ngay lập tức hơn là các tác dụng phụ tiềm ẩn.
Tiếng nói của các nạn nhân fluoroquinolone
Lời kể cá nhân của những người chịu ảnh hưởng từ fluoroquinolone minh họa cho khả năng hủy diệt của thuốc. Câu chuyện của bà Yates gây được tiếng vang với hàng nghìn người gặp tác dụng phụ đã tìm đến các trang tài nguyên như Floxie Hope hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ trên mạng xã hội, chẳng hạn như Nhóm trò chuyện trực tiếp 24/7 về Độc tố Fluoroquinolone trên Facebook.
Chín năm sau khi dùng các loại thuốc kháng sinh này, bà Yates vẫn phải chiến đấu với tình trạng đứt gân tiếp diễn dẫn đến tàn tật và đau đớn dai dẳng. Hành trình đầy mệt mỏi của bà – gặp vô số bác sĩ chuyên khoa và trải qua nhiều phương pháp điều trị khác nhau, từ vật lý trị liệu đến châm cứu mà không thấy thuyên giảm – làm nổi bật sự bất lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe trong việc điều trị tác hại của fluoroquinolone.
Bà Yates nói, “Không ai có thể tìm ra cách chấm dứt tình trạng đứt gân của tôi,” đồng thời truyền tải sự thất vọng và vô vọng của nhiều người gặp phải tình trạng này.
Bà Yates cũng phải đối mặt với tác tác động tâm lý từ các cơn đau thường xuyên và sự chật vật trong việc duy trì các mối quan hệ xã hội và gia đình. Bà nói, “Thật là bứt rứt, sỉ nhục, và gây ra một kiểu trầm cảm không thể diễn tả được.” Tuy nhiên, giữa những thử thách này, sức mạnh và quyết tâm của bà, được củng cố bởi một cộng đồng gắn bó với nhau vì cùng hứng chịu độc tính của fluoroquinolone, đã tỏa sáng.
Cô Kieri Beam, một y tá 32 tuổi, đã từng bị nhiễm độc fluoroquinolone do đơn thuốc nhỏ tai Ciprodex năm 2017, bất ngờ dẫn đến viêm dây thần kinh thị giác. Cô Beam hồi tưởng “Tôi được bảo đó là ‘lo lắng’, mặc dù tôi biết đó không phải là câu trả lời.
Vào năm 2018, tình trạng của cô Beam trở nên xáu hơn sau khi một bác sĩ khoa cấp cứu kê đơn ciprofloxacin để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, bất chấp sự dè dặt của cô. Cô nói, “Sau khi uống ba viên thuốc, tôi cảm thấy đau ở cột sống, hông và vai. Ngày hôm sau, cô Beam nhận ra, “Cơ thể khỏe mạnh suốt 26 năm qua của tôi đã không còn nữa.”
Trong quá trình tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cô đã gặp phải sự hoài nghi và thiếu hiểu biết về tác dụng phụ của thuốc. Cô nói, “Tôi không được hướng dẫn, không điều trị, không chữa trị, không có câu trả lời.”
Những tổn thất về thể chất và tinh thần trong trải nghiệm của cô rất sâu sắc. Cô Beam cho biết, “Ảnh hưởng tâm lý của tác dụng phụ này đã rất thảm khốc và vô cùng tàn nhẫn.” Cùng với các triệu chứng thể chất đang tiến triển, bao gồm đau gân Achilles, sương mù não, ảo giác thính giác và bệnh lý thần kinh, những vết sẹo cảm xúc càng nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình trạng của cô.
Bác sĩ tim mạch Evan Levine gần đây đã nhấn mạnh, trong một bài đăng trên TikTok về các rủi ro nghiêm trọng liên quan đến kháng sinh fluoroquinolone, đã dẫn chứng trường hợp bi thảm của ca Bobby Caldwell, người đã qua đời vì các biến chứng liên quan đến độc tính của fluoroquinolone vào năm 2023. Cái chết không đúng lúc của danh ca Caldwell đã khiến Tiến sĩ Levine đề xuất thuật ngữ “Hội chứng Bobby Caldwell” cho tình trạng này.
Tiến sĩ Levine trình bày chi tiết về việc ông Caldwell bị đứt gân hai bên chỉ bảy ngày sau khi bắt đầu dùng thuốc và nhấn mạnh rằng tình trạng này chưa được thừa nhận. “Nó cần một cái tên,” ông nói với The Epoch Times.
Có rất ít lựa chọn pháp lý có sẵn dành cho những bạn nhân của fluoroquinolone, làm tăng thêm thách thức cho họ. Rào cản pháp lý và thỏa thuận miễn trừ cản trở con đường buộc các bác sĩ hoặc công ty dược phẩm phải chịu trách nhiệm, và các vụ kiện thành công là những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi. Tình trạng này—cùng với tình trạng khuyết tật của họ—khiến nhiều người đau khổ không thể tìm kiếm công lý và bồi thường.
Tìm kiếm hy vọng: Con đường mới để phục hồi sau ngộ độc Fluoroquinolone
Đối với những người đang phải đối mặt với tình trạng ngộ độc fluoroquinolone, cách tiếp cận phổ biến chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng mà không đưa ra lộ trình phục hồi rõ ràng. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị mới—do Tiến sĩ Ghalili và những người khác tiên phong—khơi dậy hy vọng và cho thấy rằng quá trình phục hồi có thể vượt ra ngoài việc kiểm soát triệu chứng đơn thuần để có thể đảo ngược tác hại phát sinh.
Tiến sĩ Ghalili đã hướng dẫn hơn 1,000 người chữa khỏi ngộ độc fluoroquinolone và các tình trạng mạn tính khác, bao gồm cả những nhân vật đáng chú ý như ông Robert F. Kennedy, Jr. và Tiến sĩ Andrew Ordon, được công nhận rộng rãi về chuyên môn của ông.
Tiến sĩ Ghalili cho biết, “Mỗi bệnh nhân là duy nhất và khác nhau khi nói đến độc tính của fluoroquinolone, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một kế hoạch điều trị tùy chỉnh, dựa trên các nghiên cứu và dữ liệu khoa học, để sửa chữa ty thể bị tổn thương”.
Ông nói rằng tỷ lệ thành công của các chương trình điều trị của ông rất hứa hẹn, với hầu hết bệnh nhân đều báo cáo sự cải thiện triệu chứng rõ rệt trong vòng 30 đến 90 ngày.
Tiến sĩ Ghalili đại diện cho niềm hy vọng cho nhiều người đang chiến đấu với độc tính của fluoroquinolone, một tình trạng khiến vô số cá nhân cảm thấy bị bỏ quên và bị hiểu lầm. Quá trình hồi phục của chính ông, sự tận tâm trong thực hành y khoa của chính ông đã ủng hộ cho các nạn nhân đau khổ này.
Ông chia sẻ thằng, “Mọi người không đi khắp đất nước hoặc thậm chí toàn cầu để tìm kiếm việc điều trị không được bảo hiểm chi trả nếu không có nhu cầu thực sự.”
Nhấn mạnh khả năng chữa lành và phục hồi của con người, Tiến sĩ Ghalili truyền tải một thông điệp thiết yếu, “Đừng bao giờ mất hy vọng. Tâm trí là công cụ trong quá trình chữa lành.” Báo cáo những trường hợp phục hồi đáng chú ý, ông nói, “Cơ thể chúng ta là cỗ máy chữa bệnh mạnh mẽ có thể vượt qua mọi trở ngại.”