Loại thuốc kháng sinh mới chỉ nhắm đến vi khuẩn gây hại

Thuốc kháng sinh không chọn lọc sẽ tiêu diệt cả vi khuẩn đường ruột có lợi và có hại, nhưng hiện đã có kháng sinh có thể bảo tồn vi khuẩn có lợi.

Các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã tạo ra một loại hợp chất mới, một loại kháng sinh chỉ tiêu diệt những vi khuẩn nguy hiểm nhất mà không gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.

Các nhà khoa học tại Đại học Illinois đã phát triển một loại kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gram âm thường kháng thuốc kháng sinh mà không tiêu diệt vi khuẩn tốt cho sức khỏe. Nếu vi khuẩn không phát triển khả năng kháng thuốc, thì đây có thể là bước đột phá đáng kể trong điều trị nhiễm trùng trong nhiều năm tới.

Giáo sư hóa học Paul Hergenrother, đồng chủ trì nghiên cứu, cho biết mọi người đang dần nhận ra rằng thuốc kháng sinh cứu mạng cũng có những tác dụng phụ nghiêm trọng.

Ông Hergenrother nói trong một thông cáo báo chí, “Chúng tiêu diệt vi khuẩn tốt của chúng ta đồng thời điều trị nhiễm trùng. Chúng tôi bắt đầu nghĩ về thế hệ kháng sinh tiếp theo có thể được phát triển để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh chứ không phải vi khuẩn có lợi.”

Nghiên cứu tập trung vào việc tiêu diệt vi khuẩn gram âm truyền nhiễm, loại vi khuẩn khó tiêu diệt hơn vì chúng có lớp bảo vệ kép. Kristen Muñoz, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, các loại thuốc được sử dụng trong bệnh viện có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gram âm có hại, song cũng đồng thời chống lại vi khuẩn có lợi.

Bà Muñoz nói trong thông cáo báo chí, “Hầu hết các loại kháng sinh được phê duyệt lâm sàng chỉ tiêu diệt vi khuẩn gram dương hoặc tiêu diệt cả vi khuẩn gram dương và gram âm.”

Bà Muñoz cho biết colistin, một loại kháng sinh được kê đơn để chỉ chống lại vi khuẩn gram âm, đã được biết đến là gây tiêu chảy cũng như viêm đại tràng, một tình trạng có thể gây tử vong. Các nhà khoa học viết trong nghiên cứu của họ rằng Colistin cũng gây hại cho gan và thận, vì vậy “thường chỉ được sử dụng như một loại thuốc kháng sinh cuối cùng”.

Một con đường mới rộng mở

Bà Muñoz chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng, nhóm nghiên cứu bắt đầu quan tâm đến việc tìm kiếm một loại kháng sinh tốt hơn vì trong hơn 50 năm qua, chưa có loại kháng sinh nào được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt nhắm vào vi khuẩn gram âm, vốn cực kỳ nguy hiểm và khó điều trị.

Bà Muñoz cho biết hầu như tất cả các loại kháng sinh được sử dụng tại các phòng bệnh đều gây ra sự mất cân bằng trong đường tiêu hóa, “vì chúng không phân biệt được vi trùng tốt và vi trùng xấu”. Mục tiêu của nghiên cứu này là tìm ra một chất kháng khuẩn có “khả năng chọn lọc đối với vi khuẩn gram âm so với vi khuẩn gram dương và có khả năng chọn lọc hơn nữa đối với mầm bệnh so với vi khuẩn hội sinh”. Vi khuẩn hội sinh có vai trò bảo vệ hệ thống miễn dịch khỏi sự xâm nhập của mầm bệnh.

Loại thuốc mới là lolamicin, đã được chứng minh là có hiệu quả trên chuột trong trường hợp viêm phổi cấp tính và nhiễm trùng máu. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, mỗi năm ở Hoa Kỳ nhiễm trùng máu gây ra khoảng 270.000 ca tử vong trong số 1,7 triệu trường hợp người lớn bị bệnh.

Bà Muñoz giải thích, “Tôi nghĩ điểm thu được lớn nhất từ ​​nghiên cứu này là thành phần chọn lọc kép của lolamicin. Ở đây, chúng tôi có thể phát triển một loại thuốc không chỉ nhắm vào các mầm bệnh, mà còn vì nó chỉ nhắm chọn lọc những mầm bệnh này, nên chúng tôi có thể lưu lại vi khuẩn tốt và bảo tồn tính toàn vẹn của hệ vi sinh vật.”

“Nghiên cứu ban đầu về lolamicin mở ra cơ hội thực hiện chiến lược chọn lọc kép này để phát triển trong tương lai các loại kháng sinh không diệt hệ vi sinh vật có lợi. Chúng tôi hy vọng rằng tác động của lolamicin có thể mang lại một thế hệ kháng sinh nhắm đích mới.”

Khám phá thú vị

Bà Muñoz cho biết trong giai đoạn thử nghiệm thêm nhiều chủng vi khuẩn trên chuột, các nhà nghiên cứu rất vui mừng khi thấy giả thuyết của họ về việc phát triển các loại kháng sinh phổ hẹp rất hứa hẹn. Bà giải thích, hệ vi sinh vật của chuột là một công cụ tốt để mô hình hóa các bệnh nhiễm trùng ở người, vì hệ vi sinh vật đường ruột của chuột và người là tương tự nhau. Thuốc kháng sinh gây mất cân bằng vi khuẩn ở chuột cũng có tác dụng tương tự đối với con người.

Bà chia sẻ, “Thật thú vị khi lần đầu tiên tôi tạo ra hợp chất này và phát hiện ra nó có hoạt tính chống lại các mầm bệnh gram âm quan trọng.”

“Tuy nhiên, có lẽ quan trọng hơn là chúng tôi quan tâm nhất đến tác động của lolamicin đối với sự phát triển trong tương lai của các loại kháng sinh không diệt vi sinh vật có lợi.”

Lolamicin có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp với Clostridioides difficile, một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn thường liên quan đến bệnh viện. Lolamicin cũng được phát hiện là có khả năng tích cực chống lại hơn 130 chủng vi khuẩn trong nuôi cấy tế bào, tất cả đều kháng nhiều loại thuốc.

Bà Muñoz cho biết, để tạo ra hợp chất lolamicin như một loại kháng sinh có thể bán được trên thị trường, các nhà sản xuất sẽ phải xem xét nhiều yếu tố, bao gồm độ hòa tan, đo pH và dạng tinh thể tối ưu. Những cân nhắc khác sẽ bao gồm liều lượng và dạng thuốc, chẳng hạn như dạng lỏng, dạng viên hoặc dạng tiêm.

“Chúng tôi vẫn còn một khoảng cách trước khi xây dựng được hợp chất này thành một loại thuốc kháng sinh,” Bà nói. “Còn một chặng đường dài phía trước đối với lolamicin trước khi được FDA chấp thuận. Thật không may, có thể mất hơn 20 năm kể từ thời điểm phát hiện ra thuốc kháng sinh cho đến khi được phê duyệt lâm sàng. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu lolamicin. Chúng tôi muốn tiếp tục thử nghiệm thuốc chống lại nhiều chủng vi khuẩn hơn và thực hiện các nghiên cứu độc tính chi tiết hơn.”

Đại Hải biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Huey Freeman
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Ông Huey Freeman là phóng viên, biên tập viên và tác giả của cuốn sách “Who Shot Nick Ivie?” (Tạm dịch: Ai đã Bắn Nick Ivie?), viết về một về vụ sát hại có thật một đặc vụ biên phòng. Ông và vợ, bà Kate, hiện đang sống ở khu vực trung tâm tiểu bang Illinois.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn