Cần sa mạnh làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần ở thanh thiếu niên
Cần sa có thể gây độc cho chức năng não của thanh thiếu niên, làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn tâm thần trong nhiều năm sau đó.
Trong thời gian giải ngũ sau khi làm nhiệm vụ tại cuộc chiến ở Afghanistan, Craig chuyển sang hút cần sa để giảm bớt căng thẳng, giống như những gì anh đã làm khi còn là một thiếu niên. Tuy nhiên, vào một buổi tối, mọi chuyện đã thay đổi khi anh nhốt mình và 2 cô con gái nhỏ vào phòng ngủ.
Cô Jennifer Thomas, mẹ của các cô gái, đã kể lại với The Epoch Times, “Anh ấy nghĩ rằng ngôi nhà đã bị bao vây bởi những kẻ khủng bố. Đêm đó thật là kinh khủng; anh ấy nói rằng họ đang bị tấn công. Những lần khác trước đó chủ yếu là anh ấy nhìn thấy những hào quang và người ngoài hành tinh nói chuyện.”
Cảnh sát quân sự đưa Craig đến bệnh viện tâm thần và anh được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt ở tuổi 26.
Câu chuyện của Craig là một trong số các trường hợp đang tăng dần mỗi ngày, chủ yếu liên quan đến nam giới, trong đó việc sử dụng cần sa đã góp phần dẫn đến kết quả là bệnh tâm thần phân liệt xảy ra ở độ tuổi 20.
Mối quan hệ giữa cần sa và bệnh tâm thần
Nghiên cứu mới của Vương quốc Anh cho thấy, những người từ 16 đến 18 tuổi sử dụng cần sa mạnh có nguy cơ các triệu chứng loạn thần như ảo giác và ảo tưởng vào giữa độ tuổi 20, cao gấp đôi so với những người sử dụng cần sa yếu hoặc không dùng cần sa. Nghiên cứu được công bố trên Addiction (Tập san Chứng nghiện), nhấn mạnh những nguy cơ của cần sa đối với sự phát triển trí óc của thanh thiếu niên.
“Những người trẻ tuổi sử dụng cần sa mạnh có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến rối loạn tâm thần, chẳng hạn như ảo giác và ảo tưởng, cao gấp đôi,” Lindsey Hines, giáo sư Khoa Tâm lý học của Đại học Bath có bằng tiến sĩ về dịch tễ học, tâm thần học, và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Trong nhiều thập niên qua, các sản phẩm cần sa bất hợp pháp đã trở nên mạnh hơn đáng kể. Theo một đánh giá khoa học được công bố trên Biological Psychiatry: Cognitive Neuroscience and Neuroimaging (Tập san Tâm thần Sinh học: Khoa học Thần kinh nhận thức và Hình ảnh thần kinh), nồng độ của tetrahydrocannabinol (THC) – hợp chất tác động lên thần kinh trong cần sa có tác dụng tạo ra cảm giác “phê” và có liên quan đến trải nghiệm tâm thần ở một số người – đã tăng lên khoảng 14% vào năm 2019 từ mức khoảng 10% vào năm 2009.
“Đây chính là vấn đề,” Yasmin Hurd, giám đốc Viện Chứng Nghiện tại Mount Sinai ở New York, nói với The Epoch Times, “Nhiều người không nhận ra rằng cần sa được tiêu thụ ngày nay – phần lớn hoặc tất cả – có độ mạnh cao.”
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu từ nghiên cứu của Đại học Bristol về Trẻ em thập niên 90 (ALSPAC) – nghiên cứu đoàn hệ sinh sản toàn diện nhất thuộc loại này. Nghiên cứu đã thu thập thông tin và dữ liệu từ khoảng 14,000 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 16 đến 18. Sau đó, khi được 24 tuổi, những thanh thiếu niên này được yêu cầu tiết lộ loại cần sa mà họ đã sử dụng và bất kỳ trải nghiệm tâm thần nào, chẳng hạn như ảo giác hoặc ảo tưởng, mà họ có thể đã trải qua.
Nghiên cứu cho thấy 6.4% thanh niên sử dụng cần sa có nhiều trải nghiệm tâm lý mới mẻ so với 3.8% ở những người không sử dụng cần sa. Hơn nữa, sau khi bắt đầu sử dụng cần sa, 10.1% thanh niên sử dụng cần sa mạnh đã báo cáo về việc có những trải nghiệm tâm lý mới hơn so với 3.8% người sử dụng cần sa có độ mạnh thấp hơn.
Cô Hines nói, “Điều quan trọng là những người trẻ mà chúng tôi hỏi trước đây chưa từng báo cáo về những trải nghiệm này trước khi bắt đầu sử dụng cần sa. Điều này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy việc sử dụng cần sa mạnh có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần.”
THC mạnh hơn, một quả bom hẹn giờ cho sức khỏe tâm lý
Theo cô Hurd, cần sa có nguy cơ gây ra chứng rối loạn tâm thần cao hơn thuốc lá hoặc rượu. Cô lưu ý rằng, những phát hiện mới này phù hợp với nhiều nghiên cứu liên quan đến việc sử dụng cần sa và chứng rối loạn tâm thần.
Một nghiên cứu năm 2017 đăng trên The American Journal of Psychiatry (Tập san Tâm thần học Hoa Kỳ) cho thấy những người trải qua dù chỉ một giai đoạn loạn thần do cần sa gây ra cũng có nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực cao hơn 47%, và những người này có nguy cơ cao sẽ tự làm hại bản thân họ. Trong số những người bị rối loạn tâm thần do sử dụng chất kích thích, một nửa trong số họ bị bệnh tâm thần phân liệt trong vòng 3 năm, trong khi nửa còn lại bị rối loạn lưỡng cực trong vòng gần 4 năm rưỡi.
Cả bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực đều được cho là có liên quan đến sự mất cân bằng của các chất hóa học trong não (chất dẫn truyền thần kinh) và những bất thường trong cấu trúc và chức năng của não. Những yếu tố thần kinh này có thể góp phần gây ra các triệu chứng loạn thần, chẳng hạn như ảo giác và ảo tưởng, ở cả hai chứng bệnh rối loạn.
Một nghiên cứu được công bố trên Molecular Psychiatry (Tập san Tâm thần học Phân tử) đã phân tích các dấu hiệu di truyền để đánh giá mối quan hệ giữa cần sa và chứng rối loạn tâm thần và phát hiện ra rằng “việc sử dụng cần sa có mối liên quan nhân quả đến nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt,” nghĩa là cần sa là một yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện của chứng rối loạn.
Một nghiên cứu của Đan Mạch vào năm 2023 đã báo cáo rằng, chứng rối loạn sử dụng cần sa (CUD – nghiện cần sa) là nguyên nhân chính gây bệnh tâm thần phân liệt đối với nam thanh niên, ước tính rằng 30% ca bệnh ở nam giới từ 21 đến 30 tuổi có thể được ngăn ngừa bằng cách dừng CUD, một chẩn đoán đã phát hiện ra rằng, tình trạng lạm dụng hoặc lệ thuộc vào cần sa đã ảnh hưởng đến 14.2 triệu người Mỹ từ 12 tuổi trở lên vào năm 2020.
Cô Hurd nói rằng, mặc dù không phải tất cả những người sử dụng cần sa trẻ tuổi đều mắc chứng rối loạn tâm thần mà các yếu tố như sử dụng cần sa trước 16 tuổi, sử dụng thường xuyên và sử dụng cần sa mạnh sẽ làm tăng nguy cơ gây ra các tình trạng trên ở những người dễ mắc bệnh di truyền, theo kết quả của một nghiên cứu ở năm 2018 đã sử dụng dữ liệu từ 23andMe.
Cô Hurd và các đồng nghiệp đã viết trong một bài bình luận năm 2024 trên The American Journal of Psychiatry (Tập san Tâm thần học Hoa Kỳ) rằng, nguy cơ rối loạn tâm thần đang gia tăng do cần sa đang trở nên mạnh hơn “phải được xem xét nghiêm túc, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần hiện nay.”
Những thách thức phía trước
Bất chấp bằng chứng chỉ ra mối quan hệ giữa cần sa với chứng rối loạn tâm thần, việc sử dụng cần sa ở thanh thiếu niên đã tăng 245% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2020, theo nghiên cứu được công bố trên Clinical Toxicology (Tập san Độc học Lâm sàng). Các tác giả cho rằng, sự gia tăng phổ biến của các thực phẩm được chế biến từ cần sa cùng với việc hợp pháp hóa cần sa khiến cần sa trông có vẻ an toàn hơn và dễ tiếp cận hơn với thanh thiếu niên, mặc dù việc sử dụng cần sa chỉ hợp pháp đối với người lớn ở 24 tiểu bang và thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Cô Hurd và các đồng nghiệp đã viết trong bài bình luận rằng, doanh thu thuế từ ngành công nghiệp cần sa phải tài trợ cho các chiến lược phòng ngừa nhằm giảm thiểu tác động đến việc phát triển trí óc.
Lực Lượng Chống Ma túy Hoa Kỳ (DEA) gần đây đã đề nghị chuyển cần sa sang loại ma túy Bảng III, điều này sẽ làm giảm hình phạt cho việc bán hoặc vận chuyển ma túy ở những tiểu bang vẫn bị coi là hình sự.
Việc hợp pháp hóa cần sa trong lĩnh vực y tế ở nhiều tiểu bang trong vài năm qua đã giúp cần sa được tiếp cận rộng rãi. Tuy nhiên, cô Hurd lưu ý rằng các chủng cần sa gây nghiện cao hiện nay đều không lành tính. Cô nói, “Thời kỳ thanh thiếu niên là khoảng thời gian quan trọng đối với nguy cơ bị CUD,” đồng thời cô cũng nói thêm rằng điều này khiến cho việc can thiệp và giáo dục sức khỏe cộng đồng trở nên quan trọng hơn.
Nam Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times