Cách tự nhiên nuôi dưỡng mái tóc dày dặn và chắc khỏe, 6 cách giảm rụng tóc
Các yếu tố như hormone, dinh dưỡng, căng thẳng và thậm chí cả bệnh tật có thể ảnh hưởng đến số lượng tóc. Làm thế nào chúng ta có thể ngăn ngừa tình trạng tóc mỏng dần?
Rụng tóc không chỉ do di truyền hoặc lão hóa. Các yếu tố như hormone, dinh dưỡng, căng thẳng và thậm chí cả bệnh tật đều có thể ảnh hưởng đến số lượng tóc. Làm thế nào để có thể ngăn ngừa tình trạng tóc mỏng dần? Trong bài viết này, bác sĩ Trần Tuấn Như, giám đốc Phòng khám Trung y Tinh Hà Đài Loan, chia sẻ 6 cách giảm rụng tóc, cùng với các chất bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho mái tóc dày và chắc khỏe.
Nhiều nam giới phải đối mặt với vấn đề rụng tóc hoặc hói đầu ở độ tuổi 30. Bà Trần đã chia sẻ một trường hợp lâm sàng trên chương trình y tế “Health 1+1” của The Epoch Times, trong đó một bệnh nhân bắt đầu điều trị vào tháng Chín. Sau ba tháng điều chỉnh và châm cứu bằng Trung y, bệnh nhân thấy nhiều sợi tóc mảnh trên da đầu xuất hiện, số lượng tóc tăng lên và mật độ tóc trên đỉnh đầu được cải thiện đáng kể.
Bà Trần cho biết con người hiện đại phải chịu áp lực ngày càng tăng. Đây cũng là yếu tố góp phần làm tăng các trường hợp rụng tóc ở những người từ 30 đến 40 tuổi. Đàn ông bị ảnh hưởng bởi nội tiết tố nam, thường biểu hiện bằng hiện tượng chân tóc thưa thớt hoặc xuất hiện một vùng hói trên trán. Chứng hói đầu ở phụ nữ được đặc trưng bởi tình trạng tóc mềm và mỏng.
5 dưỡng chất cần thiết để nuôi dưỡng mái tóc khỏe mạnh
Việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng là rất quan trọng để duy trì mái tóc khỏe mạnh. Cô Trần khuyến nghị nên bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu sau:
1. Sắt
Sắt giúp tăng sản xuất huyết sắc tố, cung cấp thêm dinh dưỡng cho tóc. Nguồn thực phẩm có hàm lượng sắt khác nhau bao gồm thịt đỏ, trái anh đào, nho và táo. Ngoài ra, thực phẩm dồi dào vitamin C cũng có thể giúp hấp thụ sắt.
2. Folate
Folate cần thiết để hình thành tế bào máu và hầu hết có trong rau và trái cây. Khi ăn trái cây và rau quả không đủ sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của các tế bào hồng cầu.
3. Protein
Protein chất lượng cao như trứng, thịt bò, gan heo có thể làm tăng độ chắc khỏe của tóc.
4. Rong biển
Các loại thực phẩm từ tảo như tảo đỏ và tảo bẹ, chứa rất nhiều vitamin B12 và iodine, có tác dụng ngăn ngừa bệnh thiếu máu và cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho tóc.
5. Thực phẩm có màu đen
Trung y cho rằng màu đen tương ứng với thận. Do đó, bổ sung các thực phẩm màu đen, chẳng hạn như đậu đen, hạt mè đen, mộc nhĩ đen, dâu tằm và quả kỷ tử đen, có lợi cho sức khỏe thận và có thể giúp mọc tóc.
6 cách giảm rụng tóc
Bà Trần nhấn mạnh rằng việc giảm thiểu tổn thương tóc và da đầu là điều quan trọng để giảm rụng tóc. Những lời khuyên sau đây là cách giảm rụng tóc:
1. Tránh dùng dầu gội quá mạnh
Da có cơ chế bảo vệ, lượng dầu tự nhiên vừa đủ sẽ bảo vệ da đầu khỏi những tổn thương từ môi trường bên ngoài. Khi được làm sạch quá mức, da sẽ tiết ra nhiều dầu hơn để tự bảo vệ. Bà Trần chia sẻ ví dụ về một bệnh nhân bị chứng rụng tóc ở nam giới.
Khi được nhà tạo mẫu tóc cho biết da đầu của anh quá nhờn, sẽ làm cản trở các nang phát triển, bệnh nhân đã tăng số lần gội đầu lên hai lần một ngày để giảm lượng dầu, nhưng ngược lại, việc gội đầu quá kỹ lại khiến tình trạng nhờn của da đầu trở nên trầm trọng hơn do bị làm sạch quá mức.
2. Hạn chế số lần nhuộm tóc
Nhuộm tóc là một thói quen tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho hắc tố melanin. Bà Trần cho rằng nên hạn chế số lần nhuộm tóc trong một năm. Tuy nhiên, số lần tối ưu có thể khác nhau tùy thuộc vào chất lượng tóc của từng người.
3. Thường xuyên cắt tỉa phần tóc chẻ ngọn
Phần tóc chẻ ngọn nên được cắt tỉa thường xuyên để duy trì sức khỏe cho mái tóc.
4. Hạn chế dùng các dụng cụ tạo kiểu như máy uốn tóc
Những dụng cụ dùng nhiệt để tạo kiểu tóc có thể làm cho tóc dễ gãy theo thời gian. Nên giữ tóc theo bản chất tự nhiên của tóc là điều cần thiết để giúp có mái tóc dày và khỏe mạnh.
5. Tập thể dục thường xuyên
Hoạt động thể chất giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, cung cấp cho nang tóc nhiều chất dinh dưỡng hơn, đồng thời, tập thể dục còn có tác dụng giải tỏa căng thẳng, từ đó giảm các vấn đề rụng tóc liên quan đến căng thẳng. Xoa bóp da đầu để giải tỏa căng thẳng và giảm tình trạng rụng tóc do căng thẳng.
6. Bảo đảm ngủ đủ giấc
Giấc ngủ ngon có thể tăng sức đề kháng và cải thiện lưu thông máu, cải thiện sức khỏe của nang tóc.
Mối liên hệ giữa tình trạng rụng tóc và chức năng của nội tạng
Theo Trung y, kinh mạch là các kênh năng lượng của cơ thể con người, có nhiệm vụ vận chuyển khí và huyết đi khắp cơ thể. Khí là năng lượng cấu tạo nên sự sống trong cơ thể, và trong Trung y, tất cả các chất dinh dưỡng bổ sung cho cơ thể đều gọi chung là huyết. Khi khí huyết trong cơ thể mất cân bằng hoặc thiếu hụt thì bệnh tật hoặc các tình trạng khác có thể xảy ra.
Bà Trần cho rằng từ góc độ Trung y, nguyên nhân gốc rễ của việc rụng tóc liên quan đến chức năng của các cơ quan nội tạng và có thể chia thành 4 nguyên nhân chính.
1. Khí huyết không đủ
Bà Trần kể lại rằng vấn đề hay gặp nhất trong thực hành lâm sàng là tình trạng rụng tóc gia tăng ở phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt. Trung y có câu “tóc đến từ huyết,” hàm ý rằng cần phải có đủ huyết để nuôi dưỡng tóc. Phụ nữ có kinh nguyệt ra nhiều, thiếu máu, bị u xơ tử cung có thể bị rụng tóc nhiều hơn trong thời kỳ kinh nguyệt, dẫn đến thiếu khí và huyết.
2. Thận khí hư
Trung y cho rằng “thận tích tinh, ánh sáng phản chiếu trên tóc,” nghĩa là nếu tinh chất và năng lượng tích trữ trong thận đủ, tóc sẽ mọc dày và bóng. Những người lớn tuổi có thận khí yếu và không thể trợ giúp đầy đủ cho sự phát triển của tóc sẽ dẫn đến tóc mỏng đi.
Trên thực tế, việc tạo ra huyết có liên quan chặt chẽ đến chức năng của nhiều cơ quan nội tạng khác nhau, bao gồm tim, phổi, gan và thận. Đáng chú ý là hệ thống tiêu hóa, đặc biệt là lá lách và dạ dày, đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
3. Hội chứng “tích nhiệt ẩm ở lá lách”
Theo Trung y, lá lách và dạ dày là những cơ quan quan trọng điều khiển hệ tiêu hóa. Lá lách và dạ dày hoạt động kém có thể dẫn đến chứng khó tiêu và thiếu máu, dẫn đến lượng máu cung cấp cho tóc không đủ.
Ngoài ra, chức năng tiêu hóa kém ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng, sẽ gây ra các bệnh như viêm nang lông, chàm và viêm da tiết bã – tất cả đều thuộc loại hội chứng “tích nhiệt ẩm ở lá lách.”
Điều đáng chú ý là Trung y tin rằng nhiều bệnh có thể do các tác nhân trong môi trường gây ra như gió, lạnh, nắng nóng mùa hè, khô, ẩm ướt và hỏa.
4. Gan khí ứ đọng
Trung y cho rằng gan có liên quan tới hệ thần kinh thực vật và liên quan chặt chẽ đến căng thẳng. Ngủ kém hoặc căng thẳng cao trong cuộc sống có thể gây rụng tóc từng mảng (rụng tóc từng vùng). Tình trạng này cũng liên quan đến chức năng tự miễn dịch, vì các vấn đề về giấc ngủ và căng thẳng có thể kích hoạt phản ứng tự miễn dịch, khiến các tế bào miễn dịch tấn công các tế bào nang lông, gây ra các triệu chứng rụng tóc từng vùng.
Các cơ quan nội tạng được kết nối với bề mặt của cơ thể thông qua các kinh mạch. Trên kinh mạch có một số điểm cụ thể được gọi là huyệt, là nơi tập trung các đầu dây thần kinh và mạch máu. Kích thích các huyệt tương ứng qua châm cứu và xoa bóp có thể điều trị các bệnh của tạng phủ tương ứng.
Các huyệt vị cải thiện hiệu quả chứng rụng tóc
Một trong những huyệt được dùng phổ biến nhất là huyệt Bách hội, nằm ở giữa đỉnh đầu, có thể cải thiện lưu thông máu của da đầu. Ngoài ra, còn có huyệt Phong trì ở mép dưới của chân tóc.
Theo Trung y, rụng tóc có liên quan đến gan, lá lách và thận. Do đó, huyệt Tam âm giao, nơi các kinh gan, lá lách, thận gặp nhau có tác dụng bổ thận, thúc đẩy tuần hoàn máu, tiêu ứ máu. Huyệt Thái khê trên kinh thận có thể thúc đẩy tuần hoàn máu. Ngoài ra, huyệt Thái xung ở mu bàn chân giúp làm dịu gan, điều hòa khí, giảm căng thẳng và giúp cải thiện tình trạng da đầu nhờn.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times