Các nhà khoa học tìm ra hợp chất mới giúp chống lại hậu quả do dùng quá liều Fentanyl
Hợp chất mới có tên là 368 khi kết hợp với Naloxone có khả năng đảo ngược tác hại của Fentanyl một cách nhanh chóng
Các sĩ quan cảnh sát, lính cứu hỏa và nhân viên y tế đã được đào tạo để cứu sống nhiều nạn nhân dùng thuốc quá liều bằng cách sử dụng naloxone, một loại thuốc giúp đảo ngược tác dụng chết người của các loại thuốc phiện như heroin. Nhưng cơn lũ fentanyl mới tràn vào Hoa Kỳ – một loại thuốc phiện tổng hợp được thiết kế giúp làm giảm các cơn đau nghiêm trọng và mạn tính, có tác dụng mạnh gấp 50 đến 100 lần so với heroin – đã cản trở nhiều nỗ lực cứu sống của những người ứng phó đầu tiên.
Theo một nghiên cứu của Stanford được công bố trên Nature (Tập san Tự Nhiên) các nhà nghiên cứu cho biết hôm thứ Tư (ngày 03/7/2024) là đã tìm thấy một hợp chất mới, được đặt tên là hợp chất 368, có thể kết hợp với naloxone để tăng cường khả năng cứu sống và khắc phục những hạn chế của naloxone.
Naloxone thay thế các thụ thể opioid gây chết người, vì thế nhanh chóng đảo ngược tình trạng quá liều opioid.
Evan O’Brien, tác giả chính của nghiên cứu mới, cho biết trong một thông cáo báo chí, “Naloxone liên kết với một thụ thể opioid và gần như tắt được thụ thể opioid, nhưng không phải là hoàn toàn. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy hợp chất 368 có thể tăng khả năng liên kết của naloxone và tắt được hoàn toàn thụ thể hơn.”
Các nhà nghiên cứu tìm kiếm qua hàng tỷ hợp chất để tìm thấy hợp chất 368 có thể liên kết chặt chẽ với naloxone trong các thụ thể.
Khi làm thí nghiệm với chuột, họ đã phát hiện ra rằng, khi cho các tế bào có thụ thể opioid tiếp xúc với hợp chất 368 thì có rất ít tác dụng. Nhưng khi kết hợp 368 với naloxone thì hiệu quả chặn liên kết opioid cao hơn. Càng thêm nhiều hợp chất mới được phát hiện này thì naloxone sẽ càng ngăn chặn opioid tốt hơn, bao gồm cả fentanyl và morphine.
Ông O’Brien, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Stanford cho biết, “Bản thân hợp chất này không liên kết tốt nếu không có naloxone. Chúng tôi nghĩ rằng, naloxone phải liên kết trước tiên, sau đó hợp chất 368 mới có thể xâm nhập và đóng nắp tại chỗ.”
Hợp chất 368 hoạt động riêng rẽ sẽ không có tác dụng
Để khám phá tác động của các chất này, các nhà nghiên cứu đã cho chuột dùng morphine – một trong những loại thuốc phiện được sử dụng rộng rãi nhất.
Vì opioid làm giảm cảm giác đau nên họ đã kiểm tra độ nhanh của chuột khi nhấc đuôi ra khỏi nước nóng để xem mức độ tác động của các liều thuốc giải độc opioid như thế nào. Khi những con chuột dùng morphin chỉ được cho dùng hợp chất 368 thì không thấy có sự khác biệt về khoảng thời gian mà những con chuột phải bỏ đuôi ra khỏi nước. Nói cách khác, cảm giác đau giống nhau khi có hoặc không có hợp chất 368.
Điều này khẳng định rằng, hợp chất này chỉ có hiệu quả khi dùng chung với naloxone.
Ông O’Brien nói, “Hợp chất được dùng cho chuột, ít nhất là từ các thử nghiệm mà chúng tôi đã thực hiện, không có tác dụng gì. Chúng tôi không thấy có bất cứ điều gì xảy ra với chuột ngay cả khi chúng tôi tiêm một lượng lớn hợp chất 368.”
Sau đó, chuột được cho một lượng nhỏ naloxone – với số lượng naloxone chưa đủ để có tác dụng – cùng với hợp chất 368.
Ông O’Brien cho biết: “Khi chúng tôi tăng liều lượng hợp chất 368 cho chuột cùng với liều naloxone thấp đó, chúng nhấc đuôi lên khỏi mặt nước với tốc độ khá nhanh.”
Hợp chất mới đảo ngược tình trạng suy hô hấp
Các nhà nghiên cứu cho biết, ngoài tác dụng giảm đau, một liều nhỏ naloxone với hợp chất 368 còn giúp đảo ngược tình trạng suy hô hấp ở chuột – là nguyên nhân thường gây tử vong cho những nạn nhân dùng thuốc quá liều.
Các nhà nghiên cứu nói, nửa liều naloxone với hợp chất 368 là “đủ mạnh để chống lại fentanyl.”
Trong số 218,572 trường hợp tử vong do dùng thuốc quá liều ước tính được Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia Hoa Kỳ ghi nhận trên toàn quốc, có 150,928 trường hợp là do fentanyl. Đó là tỷ lệ 69% hoặc gần bảy trong số 10 trường hợp tử vong.
Ông O’Brien cho biết, không thấy có tác dụng phụ nào ở những con chuột được chích hợp chất 368, ngay cả khi các nhà nghiên cứu chích một lượng lớn hợp chất này.
Khánh Nam biên dịch.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times