Các nghiên cứu cho thấy một dạng rối loạn nhịp tim phổ biến có thể dẫn đến mất trí nhớ
Một số nghiên cứu đã liên kết rung nhĩ – một loại rối loạn nhịp tim thông thường với chứng mất trí nhớ. Sử dụng đồng hồ thông minh có thể giúp bạn phát hiện sớm tình trạng này.
Rung nhĩ (rung nhĩ) là dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất và ảnh hưởng ít nhất 3 đến 6 triệu người chỉ riêng ở Hoa Kỳ và hơn 37 triệu người trên toàn thế giới.
Rung nhĩ ngày càng trở nên phổ biến ở người cao tuổi và ảnh hưởng đến 9% dân số ở độ tuổi 80.
Mặc dù rung nhĩ đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy loại rối loạn này cũng có thể góp phần gây mất trí nhớ và bệnh Alzheimer.
Rung nhĩ là gì?
Rung nhĩ là nhịp tim bất thường do rối loạn xung điện bên trong tim. Khi tim đập đều đặn, nó sẽ co và dãn theo một nhịp điệu ổn định. Nhưng khi tim đang ở trạng thái rung nhĩ, tâm nhĩ đập nhanh, về cơ bản như tim đang “run rẩy”, khiến bạn có cảm giác như tim mình đập loạn nhịp, đập nhanh hoặc run tim. Nhiều người mô tả cảm giác đó giống như có con bướm bên trong ngực của họ.
Rung nhĩ có thể kéo dài không dứt, hoặc có thể ngắt quãng từ rung nhĩ chuyển sang nhịp tim bình thường.
Kỳ lạ thay, một số người chưa bao giờ cảm thấy tim mình đập bất thường. Nhưng trong những lần khác, các triệu chứng có thể trở nên khó chịu và gây khó thở, chóng mặt hoặc suy nhược.
Nguy cơ đột quỵ khi bị rung nhĩ rất cao vì khi tim không đập bình thường và tâm nhĩ chỉ rung lên, máu có xu hướng dồn lại và tạo ra các cục máu đông di chuyển từ tim đến các động mạch nhỏ hơn trong não rồi mắc kẹt, làm tắc nghẽn mạch máu và có khả năng dẫn đến đột quỵ.
Nhưng một loạt nghiên cứu được thực hiện bởi Tiến sĩ Jared Bunch, bác sĩ tim mạch của Đại học Utah, và các đồng nghiệp của ông, cho thấy những bệnh nhân rung nhĩ có tỷ lệ bị nhiều loại mất trí nhớ, bao gồm cả bệnh Alzheimer, cao hơn những bệnh nhân không bị bệnh rung nhĩ.
Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra một thực tế đáng lo ngại rằng mặc dù rung nhĩ và chứng mất trí nhớ thường là bệnh của người cao tuổi, nhưng ngày càng có nhiều bệnh nhân bị rung nhĩ khi còn tương đối trẻ (dưới độ tuổi 67 đến 70).
Rung nhĩ làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ như thế nào
Một bộ não khỏe mạnh đòi hỏi thường xuyên cung cấp đầy đủ lưu lượng máu, đó là nguồn oxy của nó. Trong các đợt rung nhĩ, tim đập nhanh và tốc độ thay đổi, khiến máu khó được bơm lên não một cách hiệu quả. Kết quả là lưu lượng máu đến não giảm dần, cuối cùng làm giảm thể tích não, gây teo não và suy giảm nhận thức.
Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng các cục máu đông nhỏ hình thành ở tim trong quá trình rung nhĩ có thể di chuyển vào sâu bên trong não và gây ra “các cơn đột quỵ nhẹ”. Những “cơn đột quỵ nhẹ” này không đi kèm với các triệu chứng đột quỵ điển hình và có thể không bị phát hiện. Thật không may, nếu không có đủ lưu lượng máu và oxy, các tế bào não ở những khu vực này sẽ chết, dẫn đến suy giảm nhận thức.
Tiến sĩ Bunch và nhóm của ông cũng nhận ra rằng những bệnh nhân Alzheimer và những người bị rung nhĩ thường có các dấu hiệu viêm, căng thẳng oxy hóa và rối loạn chức năng mạch máu – các triệu chứng có thể liên quan đến cao huyết áp, béo phì, lười vận động và hội chứng chuyển hóa.
Tiến sĩ Atif Zafar, một nhà thần kinh học được hội đồng chứng nhận và giám đốc chương trình đột quỵ tại Bệnh viện St. Michael thuộc Đại học Toronto, nói với The Epoch Times rằng, một mối liên hệ tiềm năng khác giữa rung nhĩ và chứng mất trí có thể ở cấp độ phân tử. Ông lưu ý các nghiên cứu cho thấy các phân tử cụ thể được gọi là NT-proBNP có thể tăng lên ở những bệnh nhân bị rung nhĩ.
Ông Zafar cho biết: “Phân tử này có khả năng gây ra huyết khối và mặc dù nhiều người trong chúng tôi tò mò muốn xem những phân tử này tác động đến đột quỵ như thế nào, chúng tôi cũng lo ngại về sự suy giảm nhận thức lâu dài ở những bệnh nhân rung nhĩ.
Đối với những người có thể biết hoặc không biết liệu họ có bị rung nhĩ hay không và muốn giảm nguy cơ bị mất trí nhớ và suy giảm nhận thức, ông Zafar nói rằng hãy nhận biết các triệu chứng và đánh giá các yếu tố nguy cơ của minh.
Các triệu chứng của rung nhĩ
Một số triệu chứng của rung nhĩ cần chú ý là tim đập nhanh, rung rinh trong lồng ngực hoặc cảm giác như tim đập loạn nhịp.
Nhiều người không nhận ra tim mình đang đập bất thường; triệu chứng duy nhất của họ là mệt mỏi và thiếu năng lượng bình thường.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Khó thở
- Đổ mồ hôi
- Lo lắng
- Suy nhược
- Chóng mặt
- Lú lẫn
- Đau thắt ngực
Các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất đối với rung nhĩ là tuổi già và huyết áp cao. Các yếu tố nguy cơ khác có thể bao gồm bệnh tiểu đường, béo phì, uống rượu và hút thuốc.
Khi bạn có các triệu chứng, đặc biệt là với các yếu tố nguy cơ liên quan, cần phải nhanh chóng chẩn đoán để điều trị rung nhĩ và ngăn ngừa các biến chứng.
Đồng hồ thông minh có thể giúp phát hiện rung nhĩ
Ông Zafar ủng hộ mạnh mẽ việc dùng đồng hồ thông minh và các thiết bị khác để theo dõi nhịp tim.
“Đồng hồ thông minh và thiết bị sàng lọc kỹ thuật số có giúp ích hay không? Đương nhiên là có!” Ông Zafar nói. Ông và các đồng nghiệp khác đã gặp những bệnh nhân được cảnh báo về rung nhĩ qua đồng hồ thông minh.
Ông Zafar tin rằng những loại “thiết bị y tế” này sẽ giúp cải thiện sức khỏe của tim và não bằng cách kích hoạt khả năng sàng lọc rung nhĩ. Những sàng lọc này không được khuyến nghị thường xuyên cho tất cả những người trên 50 tuổi, nhưng có thể giúp xác định thêm những người không nhất thiết có triệu chứng nhưng có nhịp tim bất thường.
Điều trị rung nhĩ để giảm nguy cơ sa sút trí tuệ
Có nhiều phương pháp điều trị rung nhĩ khác nhau, bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc và các thủ thuật khác. Theo ông Zafar, những thay đổi lối sống lành mạnh bao gồm giảm cân nếu bị béo phì, giảm huyết áp, tập thể dục ít nhất 20 đến 30 phút mỗi ngày và kiểm soát chứng ngưng thở khi ngủ. Những điều này sẽ giảm thiểu nguy cơ bị rung nhĩ và có tác động tích cực đến sức khỏe não bộ của bạn.
Tuy nhiên, ngay cả khi bạn tuân theo các khuyến nghị về lối sống này, bác sĩ tim mạch hoặc bác sĩ chăm sóc ban đầu của bạn có thể khuyên dùng thuốc chống đông máu hoặc thuốc điều chỉnh nhịp tim dựa trên sức khỏe tổng thể của bạn và nhằm giảm nguy cơ suy giảm nhận thức và mất trí nhớ.
Một biện pháp can thiệp khả thi khác là một thủ thuật gọi là cắt đốt qua ống thông, có thể được khuyến nghị khi tình trạng rung nhĩ vẫn tiếp diễn, cho dù đã có những thay đổi về lối sống và thuốc men.
Cắt đốt được Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ mô tả là một quy trình nói chung an toàn, trong đó bác sĩ điện sinh lý đặt một ống thông vào vị trí chính xác ở tim, nơi các tín hiệu điện bất thường gây ra rung nhĩ. Sau đó năng lượng tần số vô tuyến được dùng để phá hủy khu vực nhỏ gây ra các sự cố về điện. Cắt đốt qua ống thông có thể giải quyết các triệu chứng rung nhĩ, nhưng không hoàn toàn chắc chắn.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo chi tiết tại The EpochTimes